Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương
Hôm nay mình muốn dành thời gian để viết về cậu chàng Tsukuru không màu và các bạn của cậu, Đen, Trắng, Đỏ, Xanh. Đọc xong cũng hơn 3 tháng rồi mà giờ mới bình tâm để viết. Dưới đây là vài dòng cảm xúc mà mình muốn lưu lại bằng chữ về cuốn sách này, một cuốn tiểu thuyết hiện thực be bé xinh xinh, hơi lặng thinh và cũng hơi buồn một chút.
Một vài người bạn chung hội ghiền Haruki nói với mình cảm nghĩ sau khi đọc xong Tsukuru, đa số đều cảm thấy cuốn sách nhạt nhòa và thiếu cái riêng, nhất là sau ấn tượng quá mạnh của thiên tiểu thuyết 1Q84. Nếu cái kết của 1Q84 cho họ một cái bước hụt, thì đây như hẳn một cú trượt chân rơi vào thinh không. Tazaki Tsukuru đã để lại cho họ cảm giác trống rỗng đúng như cái tên mà cậu mang – nhạt nhẽo, không màu, không mùi, không vị. Đó không phải là lỗi của Tsukuru, cũng không phải sai lầm của Haruki. Ngược lại, mình cảm thấy Haruki đã xây dựng nhân vật này thành công, không thua kém gì Aomame và Tengo của 1Q84. Tsukuru buồn bã và lặng lẽ tới nỗi cái lỗ hổng bên trong lòng cậu ăn cả vào cảm xúc của người đọc. Đến khi gấp sách lại chỉ còn đúng một khoảng không to đùng, không có trọng lượng cũng chả có nội dung. Một thực thể vừa thiếu hụt vừa nhạt nhòa, như thinh không lặng lẽ vẫn ở đó nhưng không ai hay nó tồn tại. Với mình, Tsukuru là một nhân vật rất buồn, rất đẹp, rất cần cho cuộc sống. Tsukuru không chỉ cần cho nhóm bạn 5 người để giữ cân bằng về tinh thần và tính cách, mà còn cần cho cả các ga tàu nữa. Tình yêu dành cho ga tàu của Tsukuru không khác gì cái neo giúp con tàu đậu lại bến bờ, không trôi dạt đi mất. Có lẽ nếu không có sự kết nối đó, Tsukuru đã chết từ lâu lắm rồi, như Kizuki ra đi ở tuổi 17 vậy.
Những đoạn văn miêu tả Tsukuru ngồi lặng lẽ ngắm ga tàu từ giờ này qua ngày khác có lẽ là những khoảnh khắc đẹp đẽ nhất cuốn sách. Chúng chìm sâu dưới đáy những cơn sóng của bí ẩn giữa năm người bạn, dưới tầng tầng lớp lớp những xúc cảm dạt dào, hân hoan, bất ngờ, cay đắng của Tsukuru trong chuyến hành hương. Chúng âm thầm tồn tại ở góc khuất tâm hồn cậu, mạnh mẽ như cây xương rồng lớn lên trong sa mạc. Khi độc giả bị câu chuyện về Trắng cuốn đi, sự khát khao tò mò đã khiến người đọc quên mất Tsukuru mà chỉ còn tập trung lắng nghe tâm tình của ba người bạn. Cậu dẫn người đọc đi trải nghiệm câu chuyện của mình, nhưng hình bóng cậu trong đó mỏng manh đến độ trong suốt. Dường như người đọc có thể nhìn xuyên qua Tsukuru mà nói chuyện với Đỏ, Xanh và Đen. Đến cuối cùng, khi Tsukuru trở về làm nhân vật chính, người ta không còn nhớ nhung gì nhiều về cậu nữa. Người ta cũng sẽ quên béng mất đây là chàng trai yêu các ga tàu, yêu say mê, có thể ngồi nhìn những dòng người lên xuống từ các làn tàu cả ngày cũng được. Cậu yêu ga tàu vì nơi đây là chốn tập trung của những con người có nơi để đến, có nơi để về. Hàng ngàn người lũ lượt tỏa ra từ một khoang tàu mỗi khi một chuyến tàu dừng bến, hàng ngàn người khác lại chen chúc bước lên chính cái khoang rỗng không ấy, về với gia đình, với người họ yêu. Sự đi đi về về ấy là bằng chứng cho một xã hội đang sống, đang chuyển động. Chỉ ngắm nhìn thế thôi cũng đủ để Tsukuru không cảm thấy mình đang bị bỏ lại bên lề cuộc đời. Là bằng chứng để chứng minh Tsukuru vẫn đang còn sống.
Bí mật về trái tim của Trắng đến cuối cùng vẫn là một màu trắng lờ nhờ, mờ đục. Dù đã làm lành với ba người bạn khi xưa, nhưng những năm tháng đã mất và những tổn thương đã gây ra thì không lành lại được. Ít nhất Tsukuru có thể biết rằng sau này khi cậu và Sara say mê làm chuyện đó với nhau, Sara sẽ không còn bảo “cậu đang ở nơi nào khác chứ không ở đây” nữa. “Dù thế nào, nếu ngày mai Sara không chọn mình, có lẽ mình sẽ chết thật, gã nghĩ. Tazaki Tsukuru không màu sẽ hoàn toàn mất màu, lặng lẽ thoái lui khỏi thế giới này. Có thể tất cả sẽ thành hư không, thứ duy nhất còn lại chỉ là một nắm đất cứng đanh, băng giá.” Những dòng này lại ở ngay cuối truyện khiến người ta xót xa. Không còn chuyến đi nào cho cậu nữa, không còn ai trả lời câu hỏi cho cậu, không còn chốn nào mong cậu trở về. Sẽ là một cái kết buồn đến mức không chịu đựng nổi dành cho Tsukuru. Cậu vốn đã không được bạn đọc ưu ái và thấu hiểu bằng Trắng hay Đỏ, lại chẳng thể làm được hạnh phúc gì lớn lao cho Sara. Nhưng thật lòng mình nghĩ, dù cho Sara có từ chối tình yêu của Tsukuru đi nữa, cậu cũng sẽ không dễ dàng chết như cậu từng nghĩ. Có thể một phần nào đó trong cậu sẽ chết hẳn, nhưng cậu vẫn sẽ sống về mặt sinh lý. Sống để ngày ngày ngồi ngắm ga tàu, vẽ ga tàu và xây dựng tu bổ các ga tàu. Dù thế nào Tsukuru cũng vẫn có nơi để đi, có chốn để về, vì tình yêu dành cho ga tàu là màu sắc duy nhất mà Tsukuru sinh ra đã có. Không cần phải đặc sắc như bốn người bạn kia, nhưng từng đó cũng đủ để hình thành con người cậu, giữ cho cậu tồn tại đến khi cái chết sinh học đến.
Dù cái kết thế nào đi nữa, mình vẫn muốn nhớ về Tsukuru như một chàng trai yêu ga tàu say đắm. Đổi cái tên thành Tsukuru mê ga tàu và những năm tháng hành hương cũng hợp logic đấy chứ =)).
Viết thêm một chút về các nhân vật khác trong truyện. Tác phẩm này Haruki phân chia khá đồng đều thời lượng cuốn sách cho bốn nhân vật còn lại, tới mức có thể nói đây là cuốn sách của 5 người chứ không chỉ là về một mình Tsukuru. Thậm chí không có gì lạ nếu đọc xong sách nhiều bạn còn ấn tượng về Trắng hơn cả Tsukuru, vì câu chuyện về cô quá hấp dẫn, đầy bí ẩn và tổn thương quá nhiều người. Đây là một cuốn sách mà mức độ tàn nhẫn và biên độ nỗi buồn của nó hoàn toàn tùy vào người đọc. Tùy vào bạn đặt mình vào tâm thế của nhân vật nào trong năm nhân vật trên, bạn sẽ nhìn câu chuyện theo một hướng khác. Những tổn thương họ phải chịu đựng khác nhau, nên ám ảnh về họ trong mắt người đọc sẽ khác nhau. Haruki đã thành công trong việc xây dựng cả năm nhân vật chứ không chỉ mình Tsukuru, đó là điều mang lại sự hấp dẫn cho cuốn sách này. Riêng mình thương người còn sống (người chống chọi để sống) hơn người đã chết, nên mình chọn đứng về phía Tsukuru.
Tsukuru và những ga tàu, dù buồn nhưng vẫn còn hi vọng.
Năm ngoái đã cám ơn Haruki-sensei vì đã tạo ra Aomame và Tengo quá tuyệt vời, năm nay lại cảm ơn ông đã viết ra câu chuyện về năm con người này hay như thế.
Chúc mừng sinh nhật ông, Murakami Haruki, chúc ông một tuổi mới khỏe mạnh và bình an, để tiếp tục viết ra những nỗi cô đơn tuyệt vời như thế này nữa.
Bài viết được đóng góp từ độc giả
Lavender Trang