Uncategorized

50 tác phẩm tinh hoa nhà văn Nhật Chiêu yêu thích – Kì 1

50 tac pham tinh hoa copy 2

Lời BTV  

Những kiệt tác văn chương nhân loại vừa như chứng nhân lịch sử cho các giai đoạn phát triển xã hội, tâm lí con người; vừa như tấm gương phản chiếu các bài học nhân sinh mà ngày nay người ta vẫn soi vào đó để hiểu hơn về cuộc đời, về chính mình, tìm cho mình hướng đi mỗi khi lạc lối. Chính vì lí do đó, việc đọc sách, cụ thể hơn là đọc những tác phẩm văn chương tinh hoa của nhân loại sẽ đem đến sự minh triết và thấu cảm vô cùng quí giá mà mỗi người cần trang bị. Tuy nhiên, khi có ý thức về việc đọc sách tinh hoa, kinh điển, có thể bạn sẽ bối rối vì không biết nên bắt đầu đọc những tác phẩm nào hay đọc như thế nào cho có hệ thống trong kho tàng văn học rộng lớn của nhân loại.

Vì lẽ đó, Ban Biên Tập KOMO thực hiện chuyên đề 50 tác phẩm tinh hoa là những bài viết tập hợp danh sách 50 tác phẩm tinh hoa yêu thích của các nhà văn, nhà thơ, dịch giả, nhà phê bình-nghiên cứu, những người làm trong ngành xuất bản, những bạn đọc yêu văn học… tại Việt Nam. Những danh sách 50 tác phẩm tinh hoa hoàn toàn dựa trên sự yêu thích cá nhân của người chọn, người chọn sẽ nêu ra lí do yêu thích tác phẩm và từ đó bạn đọc có thêm thông tin tham khảo để việc chọn sách đọc dễ dàng hơn. Vì vậy, những danh sách này không mang tính chất như một khuôn mẫu chuẩn mực bắt buộc mọi người phải đọc theo. Qua chuyên đề này, KOMO muốn là cầu nối giữa bạn đọc và các tác giả, những người đang làm sách để chúng ta cùng trao đổi, chia sẻ những tác phẩm hay, những kinh nghiệm đọc sách giúp mọi người có được nhiều gợi ý để tìm đọc các tác phẩm tinh hoa thuận lợi hơn.

Khách mời đầu tiên của chuyên đề 50 tác phẩm tinh hoa là nhà văn Nhật Chiêu. 50 tác phẩm nhà văn chọn lựa là các tác phẩm nằm trong thể loại văn xuôi (truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn…) và kịch. “Có nhiều tác phẩm triết học tôi rất thích nhưng không đưa vào danh sách này. Ở danh sách này, tôi chỉ giới hạn các tác phẩm nằm trong thể loại văn xuôi và kịch. Các tác phẩm cũng được sắp xếp theo thứ tự niên đại xuất hiện và quốc gia một cách tương đối,” nhà văn cho biết.

Chúc bạn đọc tìm được những quyển sách yêu thích mới thông qua danh sách 50 tác phẩm tinh hoa yêu thích của nhà văn Nhật Chiêu, ghi theo lời nói trực tiếp của ông.                                              

Thay mặt BBT KOMO,

Frett  

(*) Thứ tự sắp xếp các tác phẩm dưới đây được sắp theo niên đại xuất hiện và quốc gia. Đây là sắp xếp theo ý của nhà văn Nhật Chiêu. Trong mỗi tác phẩm, phần chữ in nghiêng ở đoạn văn cuối là chú giải thêm của BTV KOMO thông tin cơ bản về tác phẩm được tham khảo từ các nguồn trên mạng.

Văn học phương Tây

       1 + 2.  Iliad & Odyssey Homer (850 B.C)

IliadOdy

Sử thi phương Tây nổi bật nhất là Iliad & Odyssey của nhà thơ truyền thuyết Homer.

Tôi yêu thích hai sử thi này là bởi vì gần 3000 năm trước mà nó đã có một cấu trúc rất độc đáo. Và những tình tiết vừa huyền thoại vừa đời thường được thể hiện vô cùng sống động. Hai tác phẩm đều có lối vào truyện không theo trình tự mà bắt đầu ở khoảng giữa:

“Hát lên đi hỡi nữ thần thi ca

Thác lời tôi kể lại câu chuyện…”

Sau đó ta sẽ gặp ngay chàng Odysseus đang khóc trên bờ biển xa lạ khi ngóng về quê hương, hoặc là cơn thịnh nộ của Achilles. Nhiều tác phẩm bây giờ cũng không có lối kể độc đáo như vậy nên hai tác phẩm này tôi luôn luôn quan tâm từ thời trẻ đến giờ.

Cần nói thêm về nhân vật Odysseus. Odysseus có vẻ là nhân vật tròn đầy nhất, hấp dẫn nhất trong văn chương nhân loại vì chàng hiện ra trước mắt ta trong mỗi phương diện tồn sinh của con người: vua, thuyền trưởng, người chồng, người tình, người  được thần linh này yêu và thần linh kia ghét, người cha… Tác giả tả Odysseus trong nhiều mối quan hệ chằng chịt. Chàng là con người dung hợp bao nhiêu nhân tính lẫn nhân tình lúc trẻ, lúc già, lúc nổi giận… Có rất nhiều nhân vật lớn của văn học thế giới mà người ta chỉ thấy họ trong một, hai vai trò.

Truyện Iliad nghĩa là Bài ca thành Ilium hay Truyện về thành Ilium kể về một phần câu chuyện về sự bao vây thành phố Troy (Ilium), cùng với Odyssey, là bộ thơ anh hùng ca cổ Hy Lạp được coi là của Homer, nhà thơ mù Ionia. (Wikipedia)

  1. Oedipus Rex – Sophocles (430-406 B.C)

cvr9781416500339_9781416500339_hr

Có thể nói là tác phẩm này vừa gây ấn tượng mãnh liệt khi người ta xem nó như tác phẩm bi kịch bậc nhất nhưng cũng là tác phẩm gây khó chịu, gây một sự phản kháng gọi là Anti-Oedipus và khiến cho người ta muốn cuộc sống của mình mang cảm thức hài kịch hơn là cảm thức bi kịch.

Thường do Hi Lạp có nhiều tác phẩm bi kịch lớn khiến cho người ta dễ có cảm giác mê bi kịch và có thể từ đấy vướng vào một số phức cảm mang tính bi kịch. Ngược lại, nếu ta có khuynh hướng xem đời là một tấn hài kịch thì tôi cho rằng chúng ta sẽ có nhiều niềm vui và hoan lạc hơn. Nhân vật trong bi kịch Hi Lạp ít cười, họ đặt bản thân trong một niềm kiêu hãnh con người. Nhân vật bi kịch Hi Lạp tự thấy mình quan trọng và cao hơn người thường. Và như vậy thì vướng vào tội vượt qua hạn độ. Loại nhân vật ấy đương nhiên sẽ gặp bi kịch. Tốt là tự trọng, xấu là tự tôn. Trong hài kịch thì cười trên tất cả mọi sự, cười người cũng là cười mình và cái cười đó có thể giúp ta vượt qua đời sống đầy phức tạp.

Oedipus là một bi kịch của cha, mẹ và con. Gia đình là một mô hình quyền lực khiến cho người ta cảm thấy bị bó buộc trong lãnh thổ đó, một lãnh thổ mang phức cảm Oedipus (Oedipus complex). Và như thế sẽ có những lãnh vực, những lãnh thổ lớn hơn cũng đầy quyền lực, và quyền lực hơn. Vì thế mới có tư tưởng Anti-Oedipus, tư tưởng giải lãnh thổ.

Oedipus Rex kể câu chuyện về Oedipus, một người đàn ông trở thành vua của Thebes, trong khi chàng vẫn không hề có ý thức rằng mình đang hoàn thành lời tiên đoán sẽ giết cha Laius và kết hôn với mẹ là Jocasta. Vở kịch này là bi kịch kinh điển tiêu biển, vở kịch nhấn mạnh vào những lỗi lầm của chính Oedipus đã tác động đến sự sa sút của chàng như thế nào (như một cách để chống lại việc miêu tả định mệnh là nguyên nhân duy nhất). Qua nhiều thế kỉ, Oedipus Rex được xem là kiệt tác của bi kịch Hi Lạp. Vở kịch được công diễn lần đầu vào khoảng năm 429 trước Tây lịch. (Wikipedia)

  1. Lysistrata – Aristophanes (450-385 B.C)

51xaUPzM9vL

Lysistrata là hài kịch lừng danh nhất của Aristophanes. Trong đó, các bà vợ dưới sự cầm đầu của Lysistrata tiến hành một cuộc phản kháng chiến tranh bằng cách không cho những ông chồng còn hiếu chiến được quyền giao hoan với mình, nghĩa là lấy Eros [1] chống lại Thanatos [2].

Cái gọi là Catharsis mà Aristotle thường dùng để nói đến khán giả sau khi xem bị kịch có một trải nghiệm là “thương xót và sợ hãi” do đó mà được thanh tẩy “Catharsis” để đối mặt với đời sống dũng liệt hơn. Thực ra, theo tôi điều đó cũng có thể có sau khi ta xem một vở hài kịch lớn nghĩa là ta nhận ra rằng: thế giới là một trò chơi và ta cần chơi với tất cả khả năng của mình.

Lysistrata (năm 411 trước công nguyên) đã gợi hứng sau đó cho nhiều phong trào phụ nữ đấu tranh đòi nữ quyền bằng hình thức bất bạo động, kể cả bà Leymah Gbowee, người Liberia từng đoạt giải Nobel Hoà bình. (Wikipedia)

  1. Metamorphosis – Ovid (43-17 hoặc 18 B.C)

 51BH8Dd2PsL._SX320_BO1,204,203,200_Trong thần thoại Hi Lạp có rất nhiều cuộc hóa thân, biến hình (từ người sang cầm thú hay cây cỏ, sông suối…) và Ovid đã kể lại chuyện ấy bằng thơ ca từ các thời đại đầu tiên của thế giới đến đương thời. Ông là bậc thầy tâm lí, bậc thầy kể chuyện. Đọc Metamorphosis, ta thấy sự chuyển hóa của toàn thể đời sống từ bên ngoài con người cũng như bên trong con người. Rất tiếc là tác phẩm này đến nay vẫn chưa được dịch sang tiếng Việt.

Ovid đã viết tác phẩm Metamorphoses bằng tiếng Latin vào thời đại của hoàng đế La Mã Augustus, nhưng cũng chính Augustus là người trục xuất Ovid vì tác phẩm của ông bị gán mác ‘tục tĩu’. Tập thơ của Ovid chủ yếu kể lại các truyền thuyết Hy Lạp cổ, nhưng biến chúng thành những câu chuyện phù hợp với sự tinh tế của dân La Mã. Dưới tay những nhà thơ La Mã như Ovid, hay Virgil, những trò lố của các vị thần trở nên tục hơn, sốc hơn, tâm lí hơn, hài hước và bi tráng hơn. (Wikipedia)

  1. Hamlet William Shakespeare (1564 – 1616)

Hamlet

Hamlet là một nhân vật rất hiện đại bởi chàng có quá nhiều băn khoăn, xao xuyến. Chàng đặt câu hỏi và người đối thoại không thể trả lời. Nhưng chính vì vậy mà chúng ta vẫn còn đối thoại với chàng. Bởi vì cuộc đối thoại nào không nảy sinh ra câu hỏi thì sẽ không còn là đối thoại nữa theo cách nói của Bakhtin.

Hamlet có lẽ được sáng tác vào năm 1601. Cốt truyện của tác phẩm có nguồn gốc từ thể loại Saga (truyện dân gian) thời đại Trung cổ. Trên sân khấu Anh thời Phục Hưng đã từng diễn nhiều vở kịch cùng tên của nhiều tác giả. Người ta cho rằng Shakespeare sáng tác Hamlet có thể dựa trên Bi kịch lịch sử của François Belleforest hoặc trên vở kịch nay đã bị thất lạc Hamlet của Thomas Kyd (1558-1594), một vở kịch được gọi tên là Ur-Hamlet với ý nghĩa là vở “Hamlet nguyên bản”. (Wikipedia)

  1. Don Quixote – Miguel de Cervantes (1547-1616)

51927olmv-l-_sy344_bo1204203200_

Don Quixote thường được xem là tiểu thuyết đầu tiên của phương Tây theo nghĩa là nó viết về những con người đương đại, về cái thường ngày cho dẫu toàn câu chuyện hầu như là những giấc mơ. Nhân vật Quixote lúc nào cũng sống trong mơ. Cái chất “hiện thực” của nó chính là con người bao giờ cũng lẫn lộn giữa ảo và thực. Cho nên, ai cũng dễ dàng nhìn thấy ít nhiều mình đều có chất Quixote khiến cho nhân vật trở nên gần gũi với mọi dân tộc trên thế giới.

Phần đầu tiên Don Quixote được xuất bản năm 1605 và phần thứ 2 xuất bản năm 1615. Đây là một trong những tiểu thuyết viết sớm nhất bằng ngôn ngữ châu Âu hiện đại và có thể cho rằng là tác phẩm gây ảnh hưởng và điển hình nhất trong danh sách các tác phẩm của văn học Tây Ban Nha. Don Quixote được coi là một trong số ít tác phẩm có nhiều người đọc nhất trong văn học phương Tây; một cuộc điều tra năm 2002 do Viện Nobel Na Uy tiến hành đã cho thấy đây là tiểu thuyết hay nhất trong mọi thời đại. (Wikipedia)

  1. Gulliver’s TravelsJonathan Swift (1667-1745)

GulliverGulliver’s Travels là tiểu thuyết châm biếm gây ấn tượng nhất. Gulliver lạc vào những xứ sở tưởng như không có, tưởng như ở đâu đó xa vời nhưng thực ra lại chính là lạc vào trong từng góc khuất của cõi người ta. Thậm chí là lạc ngay vào trung tâm của phù hoa và điên rồ.

Gulliver’s Travels (1726, chỉnh sửa năm 1735) là một tác phẩm trào phúng viết về bản tính của con người và đồng thời nhại tiểu thể loại văn học “phiêu lưu ký”. Đây là tác phẩm nổi tiếng nhất của Swift và là tác phẩm kinh điển của văn học Anh. Quyển sách trở nên cực kỳ nổi tiếng ngay khi nó được xuất bản (người ta nói rằng nó được đọc ở khắp nơi, từ hội đồng nội các cho tới nhà trẻ, câu trích dẫn được cho là hoặc của John Gay hoặc Alexander Pope), và rất có thể là chưa từng bị ngừng in từ đó. (Wikipedia)

  1. Tristram Shandy – Laurence Sterne (1713-1768)

44.v20110226072543E349878581871AC6A84AFA59F2ACB8DD7EC35B

Tristram Shandy là tiểu thuyết ít được nhắc tới ở Việt Nam và cũng chưa có bản dịch tiếng Việt nào. Nhưng nó rất giống với những tiểu thuyết được viết theo khuynh hướng hiện đại và cả hậu hiện đại vì nó không theo cách kể chuyện truyền thống, vì tính phiến đoạn và phi trung tâm của nó, vì tính giễu nhại và tính trò chơi của nó.

The Life and Opinions of Tristram Shandy, Gentleman còn có tên gọi ngắn gọn hơn là Tristram Shandy là một tiểu thuyết hài hước của Laurence Sterne. Tristram Shandy được xuất bản thành 9 tập, hai tập đầu xuất bản trong năm 1759, và 7 tập tiếp theo lần lượt xuất bản trong 7 năm sau đó (tập 3 và 4, 1761; tập 5 và 6, 1762; tập 7 và 8, 1765; tập 9, 1767). Có lẽ Tristram Shandy là tác phẩm của Sterne được yêu thích nhất. Nội dung của tác phẩm là tiểu sử về nhân vật Tristram Shandy. (Wikipedia)

  1. Faust Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832)

faust

Faust không thuộc thể loại nào nhưng hoành tráng và sâu thẳm như một kiến trúc độc đáo, phản chiếu và khúc xạ bao nhiêu khát vọng và hành động của con người. Đây là tác phẩm mà con người thách thức với quỉ, với bóng tối, với cám dỗ và tin rằng mình có thể vượt qua được những thử thách đó.

Faust là tác phẩm kịch gồm hai phần, phần I được xuất bản vào năm 1806, phần II được Goethe nhuận sắc và hoàn thành vào 1832, trước khi tác giả từ giã cõi đời. Nhân vật trung tâm của tác phẩm là Faust, một học giả thông minh, tài năng phi thường, là một người luôn miệt mài nghiên cứu khoa học. (Wikipedia)

  1. Wuthering HeightsEmily Bronte (1818-1848)

Wuthering Heights

Wuthering Heights là tiểu thuyết viết dưới góc nhìn táo bạo và khốc liệt của một ngòi bút nữ. Trong đó, tình yêu và đam mê được đẩy đến cực đỉnh, trộn lẫn cái hoang dã của thiên nhiên với cái hoang dã thường nằm khuất trong tâm hồn con người.

Wuthering Heights (Đỉnh gió hú) là tiểu thuyết duy nhất của nữ nhà văn Emily Brontë, được nhà văn xuất bản lần đầu năm 1847 dưới bút danh Ellis Bell, lần xuất bản thứ hai của tác phẩm là sau khi Emily đã qua đời và lần xuất bản này được biên tập bởi chính chị gái của nhà văn là Charlotte Brontë. Tên của tiểu thuyết bắt nguồn từ một trang viên nằm trên vùng đồng cỏ hoang dã ở Yorkshire nơi những sự kiện có trong tiểu thuyết diễn ra, wuthering là một từ Yorkshire được dùng để chỉ thời tiết thất thường (turbulent weather). Tiểu thuyết kể về câu chuyện tình yêu không thành giữa Heathcliff và Catherine Earnshaw, cũng như làm thế nào mà sự đam mê không thể hóa giải đó đã tiêu diệt chính họ và cả những người thân khác xung quanh. (Wikipedia)

  1. Moby DickHerman Melville (1819-1891)

Moby Dick Moby Dick là sử thi về thiên nhiên. Hình ảnh con người tìm diệt một con cá voi trắng không phải là cái ác cũng như thiên nhiên không phải là cái ác. Ở đây, tìm diệt cá voi trắng là một hận thù vô ích, một đam mê vô ích, không chứng tỏ một nét cao đẹp nào. Đó gần như là tội ác. Tội ác chống lại thiên nhiên, chống lại niềm im lặng, và chống lại cái nguyên sơ.

Moby Dick là tiểu thuyết phiêu lưu mạo hiểm của tác giả người Mỹ Herman Melville được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1851, và được coi là tiểu thuyết Mỹ vĩ đại trong kho tàng văn học thế giới. Câu chuyện kể về cuộc phiêu lưu của thủy thủ lang thang Ishmael, và chuyến đi của mình trên một con tàu săn cá voi được chỉ huy bởi thuyền trưởng tên Ahab. Ishmael sớm nhận rằng trong chuyến đi này, Ahab có một mục đích: để tìm ra con cá voi trắng tên là Moby Dick, nó rất hung dữ và bí ẩn. Trong một cuộc gặp gỡ trước đó, con cá voi đã phá hủy thuyền Ahab và cắn cụt chân Ahab, bây giờ ông ta quyết tâm phải trả thù. (Wikipedia)

  1. Madame BovaryGustave Flaubert (1821-1880)

Madame Bovary

Don Quixote lậm tiểu thuyết hiệp sĩ còn Madame Bovary lậm tiểu thuyết diễm tình. Cả hai cùng thể hiện cực độ bản chất yêu đời sống, đầy khát vọng nhưng hão huyền và đồng thời cũng đánh mất bản thân mình. Dù vậy, họ vẫn là những con người đáng yêu mến chứ không phải đáng ghét bỏ.

Flaubert nói: “Madame Bovary là tôi.” Tất nhiên, ông vừa là Madame Bovary, vừa là không phải. Cũng như Nguyễn Du vừa là Kiều, vừa không phải là Kiều. Họ là cả thế giới do họ tạo dựng, là tất cả nhân vật mà họ tạo dựng, là văn bản mà họ tạo dựng. Chính cuộc đời đã mở ra văn bản Flaubert cũng như văn bản Nguyễn Du, như thể mở một cánh cửa. Và người đọc chúng ta đi vào những cánh cửa ấy để thấy những Madame Bovary hay Thúy Kiều cũng chỉ là những cái ngã khác của mình như nhà thơ Tô Đông Pha nói về “bách Đông Pha” (trăm Đông Pha khác nhau.)

Madame Bovary (Bà Bovary) là cuốn tiểu thuyết của nhà văn Gustave Flaubert, được đánh giá là trau chuốt về nghệ thuật và hình thức. Khi xuất bản lần đầu tiên ở Pháp (dưới tên Madame Bovary, mœurs de province) tác phẩm đã trải qua một cơn sóng gió, bị công kích là mang “màu sắc dâm dật” và xúc phạm tới luân lý công cộng và tôn giáo. Tác giả cũng chịu số phận tương tự, ông bị truy tố ra toà. Trước tòa, để bênh vực tác phẩm và tác giả, luật sư bào chữa cho rằng, nhân vật chính trong truyện ngoại tình chỉ là do một chuỗi những đau khổ, ăn năn hối hận, rồi đi tới một hình phạt cuối cùng, một kết thúc bi đát. Chính ở kết cục đó mà cuốn sách rất mực đạo đức và bổ ích. Rốt cuộc, chính ủy viên công tố cũng phải thừa nhận tác phẩm là một bức tranh tuyệt vời về mặt tài nghệ nhưng là một bức tranh đáng báng bổ về mặt đạo đức, có hại cho luân lý xã hội, song tác giả được tuyên bố vô can. Từ vụ án có một không hai đó (năm 1857), đã gây nên tiếng vang lớn trong dư luận đương thời và làm nó trở lên nổi tiếng. Sau khi được tuyên bố trắng án nó trở thành cuốn sách bán chạy nhất năm 1857. (Wikipedia)

  1. Những người khốn khổ Victor Hugo (1802-1885)

Les Misérables

Những người khốn khổ (Les Misérables) là tiểu thuyết lãng mạn hay hiện thực. Thực ra là cả hai. Dù có phóng đại thế nào đi nữa, tôi vẫn thấy thế giới của Hugo như hiện ra quanh quất đâu đây. Những cái cao thượng khó tin cũng như những cái dung tục quá tồi của thế giới này thực ra đều không xa lạ gì nếu ta chịu quan sát cuộc sống như thể ta có rất nhiều mắt, hoặc là ta luyện đôi mắt tinh tường, biết cách nhìn trong một niềm đồng cảm lớn lao như Hugo.

Những người khốn khổ (Les Misérables) là tiểu thuyết của văn hào Pháp Victor Hugo, được xuất bản năm 1862. Tác phẩm được đánh giá là một trong những tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nền văn học thế giới thế kỷ 19. Những người khốn khổ là câu chuyện về xã hội nước Pháp trong khoảng hơn 20 năm đầu thế kỷ 19 kể từ thời điểm Napoléon I lên ngôi và vài thập niên sau đó. Nhân vật chính của tiểu thuyết là Jean Valjean, một cựu tù khổ sai tìm cách chuộc lại những lỗi lầm gây ra thời trai trẻ. Bộ tiểu thuyết không chỉ nói tới bản chất của cái tốt, cái xấu, của luật pháp, mà tác phẩm còn là cuốn bách khoa thư đồ sộ về lịch sử, kiến trúc của Paris, nền chính trị, triết lý, luật pháp, công lý, tín ngưỡng của nước Pháp nửa đầu thế kỷ 19. Chính nhà văn Victor Hugo cũng đã viết cho người biên tập rằng: “Tôi có niềm tin rằng đây sẽ là một trong những tác phẩm đỉnh cao, nếu không nói là tác phẩm lớn nhất trong sự nghiệp cầm bút của mình.” (Wikipedia)

  1. Père GoriotHonoré de Balzac (1799-1850)

Goriot

Ở Việt Nam, tên tác phẩm này thường được dịch là Ông già Goriot nhưng Père ở phương Tây có nhiều nghĩa, còn dùng để chỉ Đức Chúa Cha. Cha ở đây giống như là Chúa.

Trong thế giới quá rộng lớn của Balzac bao gồm cả trăm tác phẩm thì có thể xem Père Goriot là tác phẩm mở ra mọi mặt để ta có thể đến với những tác phẩm còn lại. Père Goriot là tác phẩm hiếm hoi của tình Cha trong văn học và cũng là tác phẩm của bội ơn, phù phiếm hư vinh và những quan hệ trầm luân của con người. Nó sâu sắc vô cùng trong sự bình dị cũng vô cùng.

Père Goriot là tiểu thuyết xuất bản lần đầu năm 1835 của nhà văn Pháp Honoré de Balzac. Đây là tác phẩm thuộc phần Những cảnh đời riêng (Scènes de la vie privée) của bộ tiểu thuyết đồ sộ Tấn trò đời (La Comédie humaine). Lấy bối cảnh là kinh đô Paris năm 1819, Père Goriot đề cập tới số phận của ba nhân vật, ông lão Goriot, tên tù khổ sai vượt ngục Vautrin và anh sinh viên luật Eugène de Rastignac. Tiểu thuyết này được coi là một trong những tác phẩm quan trọng nhất của Balzac vì lần đầu tiên cho thấy ý định của nhà văn trong việc nối kết các tác phẩm riêng lẻ của bộ Tấn trò đời bằng những nhân vật xuất hiện qua nhiều tiểu thuyết (điển hình là Rastignac). Père Goriot cũng là điển hình cho chủ nghĩa hiện thực trong phong cách viết của Balzac với những nhân vật được mô tả chi tiết và có chiều sâu. (Wikipedia)

Về nhà văn Nhật Chiêu

44f9c92c74ee8f.img

Nhật Chiêu tên thật là Phan Nhật Chiêu, là nhà văn, nhà nghiên cứu văn học, dịch giả. Ông sinh ngày 4.3.1951 tại Sài Gòn.

Ông là tác giả của hàng trăm bài viết, bài biên khảo và tác phẩm dịch thuật, được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành từ năm 1987 đến nay. Trong cuộc trò chuyện với ông nhân dịp tập truyện ngắn đầu tiên của ông được xuất bản, khi được hỏi về phong cách truyện ngắn của mình, ông có nói rằng, ông không muốn “đi theo lối mòn” của truyện ngắn Việt Nam từ trước tới nay, mà muốn truyện ngắn của mình được tự do “mở rộng biên độ về thể loại, về không gian, thời gian và hiện thực.”

Bởi với ông “Nghệ thuật giống như thức ăn uống. Có rất nhiều hình thức thể hiện (cũng như có nhiều cách chế biến món ăn với cùng những nguyên liệu). Chúng ta không nên chỉ đọc (hay là chỉ ăn uống) theo một vài thứ cố định. Nếu có thể, tại sao không làm cho những thứ mà ta hưởng phong phú lên, bởi vì đời sống là không nhiên bất tận, không nên tự làm mình ‘nghèo nàn’ đi” và “Nghệ thuật là ảo thực tương duyên.”

Tác phẩm tiêu biểu

Tập truyện

Tác phẩm dịch

  • Con lừa vàng, Lucius Apuleius, NXB Hậu Giang, 1987
  • Tình trong bóng tối, Tanizaki Junichiro, NXB Văn nghệ, 1989
  • Tiếu lâm Nhật Bản, NXB Văn hoá Dân tộc, 1993
  • Tuyển tập truyện ngắn hiện đại Nhật Bản, 2 tập, NXB Trẻ, 1996

Biên khảo

  • Basho và thơ Haiku, NXB Văn học, 1994
  • Nhật Bản trong chiếc gương soi, NXB Giáo dục, 1995
  • Câu chuyện Văn chương phương Đông, NXB Giáo dục, 1997
  • Thơ ca Nhật Bản, NXB Giáo dục, 1998
  • Văn học Nhật Bản, NXB Giáo dục, 2000

Chú thích

[1] Bản năng Eros: bản năng tình dục.

[2] Bản năng Thanatos: bản năng hủy diệt, chết.

Đăng bình luận

concepted and designed by Nhon Giang