Uncategorized

Khi việc đọc gần với ái ân…

calvinoitalo28229

Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu tự nhận mình là người mê say văn chương của Italo Calvino (nhà văn Ý, 1923-1985). Ông có thể dành hàng giờ để chia sẻ cảm nhận qua việc đọc từng tác phẩm của nhà văn này. Dưới đây là những nhận định của ông về tiểu thuyết Nếu một đêm đông có người lữ khách của Italo Calvino  (Trần Tiễn Cao Đăng dịch, Nhã Nam & NXB Văn Học).

Salman Rushdie nói về Italo Calvino: “Nếu như tôi cần một tác giả bên cạnh mình khi mà Ý nổ tung, Anh bốc cháy và thế giới này đã tận thì không tác giả nào tuyệt hơn Italo Calvino.” Có thể nói rằng tôi gần như đồng ý với ông. Vì Italo Calvino đem lại cho tôi biết bao niềm vui từ Nếu một đêm đông có người lữ khách, Palomar, Nam tước trên cây đến Những thành phố vô hình, Tiếu ngạo càn khôn… Cái đáng nói ở Italo Calvino là ông luôn luôn tìm tòi, thể nghiệm cách viết. Mỗi tác phẩm của ông có thể nói là một khám phá. Từ tân hiện thực, truyện cổ, truyện ngụ ngôn, truyện kì ảo, truyện viễn tưởng khoa học, truyện viết theo cỗ bài Tarot, siêu tiểu thuyết…

if-on-a-winters-night-a-traveller

Đặc biệt ở Nếu một đêm đông có người lữ khách, ta có thể thấy rõ sự đa dạng đó. Những chương có tiêu đề trong tiểu thuyết này được xem như là 10 tiểu thuyết dang dở dang hay 10 chương mở đầu của 10 cuốn tiểu thuyết khác nhau mà mỗi tiểu thuyết xảy ra ở những thời điểm, không gian khác nhau. Từ truyện trinh thám kiểu phương Tây mang màu sắc gián điệp, đến chuyện tình erotic kiểu Nhật… Thể loại nào ông cũng viết ra được cái chất của nó. Ông làm ta nhớ đến Picasso trong hội họa. Ông là người khổng lồ của văn học thế kỉ XX.

Tôi thích tác phẩm này ở mặt cấu trúc. Trước tiên, nó là một siêu tiểu thuyết. Đây là loại tiểu thuyết có khuynh hướng hậu hiện đại, là tiểu thuyết viết về tiểu thuyết. Có nghĩa là, tiểu thuyết về việc đọc và viết tiểu thuyết. Đọc và viết ở đây trở thành chủ đề. Cho nên, ta không đọc một tiểu thuyết bình thường có cấu trúc theo kiểu mở đầu, phát triển, đỉnh điểm, tháo gỡ và kết thúc. Do đó, câu chuyện dường như giẫm chân tại chỗ. Tác giả đưa người đọc trở thành nhân vật trung tâm và có thể nói người viết cũng trở thành nhân vật trung tâm với tên họ thật: Italo Calvino. Nhưng “khái niệm trung tâm” ở đây cũng chẳng phải là trung tâm, mà nó gần như là giải trung tâm.

italocalvino

Như vậy, văn chương ở đây là một cái gì đó tự qui chiếu. Cho nên, cũng có thể gọi tác phẩm này là tiểu thuyết tự qui chiếu. Tức là văn chương tự hướng về chính nó, tiểu thuyết thay vì hướng ra ngoài lại quay vào trong, như một vòng tròn trong lễ hội nguyên thủy.

Cái mà tôi tâm đắc ở Italo Calvino cũng như ở triết gia tân thực dụng Richard Rorty đó là ngôn ngữ tiểu thuyết như những hiện hữu sống động nhất. Do đó, nó là một tiếng nói không hề thứ yếu bên cạnh triết học. Thậm chí, dường như tiểu thuyết có nhiều ý nghĩa sâu sắc hơn, bao dung hơn cũng giống như “vầng trăng truyện” trong Haroun và Biển truyện của Salman Rushdie thì truyện – nó không đưa ra một chân lí tối hậu nào, nó mãi mãi là dang dở, là câu hỏi và nó dạy cho chúng ta biết hỏi, biết rằng không có gì bất biến.

Chỉ có tiểu thuyết mới gợi cho ta sống với niềm vui, một niềm quan lạc tràn trề và việc đọc gần với ái ân hơn cả.

Theo một cuộc trò chuyện với nhà văn Nhật Chiêu

K ghi

Các tác phẩm của Italo Calvino đã được dịch ở Việt Nam: Palomar (TT Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, NXB Hội nhà văn, 2004), Nam tước trên cây (Nhã Nam & NXB Văn học, 2009), Nếu một đêm đông có người lữ khách (Nhã Nam & NXB Văn học, 2011)

concepted and designed by Nhon Giang