Uncategorized

Bàn về tư tưởng Phật học trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung (Phần 1)

Phần Một: Bàn về “Hiệp Khách Hành

Tác giả: Tỷ kheo Thích Chơn Thiện
Chùa Tường Vân, Huế
Nguồn: Chimviet.free.fr

cuu-am-chan-kinh-4

I. Mở đầu

1. Ấn bản đầu tiên năm 1965. Ấn bản năm 1977 có thay đổi một số tình tiết, khiến Hiệp Khách Hành trở nên chặt chẽ và ý vị hơn.

2. Đoạn kết của bản tu chỉnh kết thúc từ cảnh Thạch Phá Thiên thành công trong công phu giải bí kíp Thái Huyền Kinh, trở về Khô Thảo Lĩnh, núi Hùng Nhĩ, gặp “má má” Mai Phương Cô để lại niềm băn khoăn về gốc gác của chính mình: “gia gia ta là ai?”, “má má ta là ai?”, “Ta là ai?”. Những câu hỏi, mà tập truyện là câu trả lời, làm dấy lên trong người đọc niềm thao thức khôn nguôi.

3. Bài cổ thi Hiệp Khách Hành của thi hào Lý Thái Bạch là bí kíp Thái huyền công cất giữ trên đảo Hiệp Khách. Nguyên văn bài cổ thi là:

“Triệu khách mạn hồ anh; Ngô câu sương tuyết minh;
Ngân yên chiếu bạch mã; Tạp đạp như lưu tinh.
Thập bộ sát nhất nhân; Thiên lý bất lưu hành;
Sự liễu bất y khứ; Thâm tàng thân dữ danh.
Nhàn quá Tín Lăng ẩm; Thoát kiếm tất tiền hoành;
Tương chích đạm Chu Hợi; Trì khương khuyến Hầu Doanh.
Tam bôi thổ nhiên nặc; Ngũ nhạc đảo vi khinh;
Nhãn hoa nhĩ phục hậu; Ý khí tố nghi sinh.
Cứu Triệu huy kim trụy; Hàm Đan tiên chấn kinh;
Thiên thu nhị tráng sĩ; Huyền hách Đại Lương thành.
Túng thử hiệp cốt hương; Bất tàm thế thượng anh;
Thùy năng thư các hạ; Bạch thủ Thái huyền kinh”.

Dịch nghĩa:

“Khách nước Triệu phất phơ giải mũ; Kiếm ngô câu rực rỡ tuyết sương;
Ngân yên bạch mã huy hoàng; Vó câu vun vút như ngàn sao bay.
Cách mười bước giết người chẳng trật; Nghìn dặm xa vùng vẫy mà chi;
Việc xong rũ áo ra đi; Ẩn thân rừng núi kể gì tiếng tăm.
Rảnh lại nhớ Tín Lăng tìm đến; Gươm gác đùi chuốc chén đầy vơi;
Này nem, này rượu khuyên mời; Bên thời Châu Hợi, bên thời Hầu Doanh.
Ba chén cạn thân mình sá kể; Năm núi cao xem nhẹ lông hồng;
Mắt hoa mặt đã nóng bừng; Khí hùng bay bổng lên từng mây xanh.
Chùy cứu Triệu vung tay khẳng khái; Thành Hàm Đan run rẩy kinh hoàng;
Nghìn thu tráng sĩ hai chàng; Tiếng tăm hiển hách rỡ ràng Đại Lương.
Người dù chết xương còn thơm ngát; Chẳng hổ ngươi đáng mặt anh hào;
Kìa ai ẩn náu trên lầu; Chép kinh đến thuở bạc đầu chưa xong”.

4. Nguyên bản năm 1965 thì không có lời hậu ký. Nguyên bản tu chỉnh năm 1977 thì có lời hậu ký rằng:

“… Mọi cố gắng để chú thích và bình luận đều làm tổn hại đến bản ý của tác giả, lại còn tạo ra những trở ngại nghiêm trọng. Bộ Hiệp Khách Hành này viết 12 năm trước, đã diễn giải ý kiến này khá đầy đủ. Gần đây tôi đọc nhiều kinh Phật hơn, đối với ý nầy càng tâm đắc.

Kinh Bát Nhã của Đại thừa, Trung Quán luận của Long Thọ đều cực lực bài bác những luận giải phiền phức cho rằng các loại kiến thức chú giải đều do hư vọng sinh ra, chỉ làm trở ngại cho việc thấy đạo của người tu học. Khi tôi viết Hiệp Khách Hành nầy, tuy không thể nói là hoàn toàn không biết kinh Phật, nhưng chỉ mới đọc hết Kinh Kim Cang vào tháng 11 năm ngoái, tôi còn đọc Bát Nhã và Trung Quán lại còn mới hơn, mới Xuân Hạ năm nay.

Nhân duyên bên trong việc này, thật không thể nào giải thích được”.

Tháng 7, 1977.

Qua lời hậu ký của Kim Dung viết từ năm 1977, độc giả có thể hình dung ra một số điểm đáng lưu ý rằng:

– Các giải thích, giải mã, bình luận của nhiều ý kiến đương thời đều rơi vào các định kiến, giữa khi ý của tác giả, trong truyện, thì phù hợp với giáo lý nhà Phật, phù hợp với vô ngã và vô chấp.

– Lúc sáng tác Hiệp Khách Hành, 1965, Kim Dung nhìn nhận bấy giờ chưa đọc nhiều kinh điển Phật giáo, nhưng vốn tâm đắc giáo lý nhà Phật, có nghĩa là có cái nhìn nhân sinh và thế giới phù hợp với tinh thần Phật học. Lúc tu chỉnh, 1977, tác giả đã đọc kỹ Kinh Kim Cương, tạng Bát Nhã, Trung Quán Luận.

Thực sự từ 1967, người viết Bàn về Tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung, một tu sĩ Phật giáo, đã thấy rõ ảnh tượng Kinh Kim Cương khắp bốn tập truyện Hiệp Khách Hành, đã cùng các pháp hữu sôi nổi trao đổi cảm nhận ở ngoài hành lang của giảng đường Phật học Vạn Hạnh. Hẳn là có chút băn khoăn về phần kết của truyện. Nay thì phần ấy đã được tu chỉnh rất gọn.

– Do vì Kim Dung tâm đắc với Phật giáo nên cái nhìn của tác giả, qua toàn truyện, toát ra nhiều hương sắc Phật giáo. Đây là phần khảo sát của người viết, không đi vào các hàm ý giá trị khác.

II. Hồi 1: Huyền Thiết Lệnh

A . Tóm tắt hồi 1

– Tạ Yên Khách, một quái kiệt giang hồ, sinh thời đã tặng cho ba đại ân nhân ba tấm Huyền Thiết Lệnh, mỗi tấm Thiết Lệnh có thể yêu cầu Tạ Yên Khách làm bất cứ một việc gì dù khó khăn, nguy hiểm. Tạ Yên Khách đã thu về hai tấm và đã làm hai việc chấn động giang hồ. Tấm thứ ba tặng cho một đại hiệp mà có lẽ trọn đời vị đại hiệp sẽ không dùng đến. Không may vị đại hiệp đánh rơi Thiết Lệnh. Thế là giang hồ tranh nhau tìm đoạt, bao gồm cả chủ nhân Tạ Yên Khách: nhóm Kim Đan Trại, nhóm kiếm sĩ Tuyết Sơn, hai hiệp khách Thạch Thanh, Mẫn Nhu, v.v…

– Kiếm sĩ Ngô Đạo Thông đang cất giữ Huyền Thiết Lệnh nầy và trở thành kẻ địch của thiên hạ. Ngô Đạo Thông vừa nuôi tham vọng nhờ cậy Tạ Yên Khách, vừa hoá trang để che mắt: làm một ông già bán bánh Tiêu ở trị trấn Hầu Giám Tập: đao kiếm đẫm máu đã xẩy ra vào một buổi hoàng hôn… Bấy giờ có một bé ăn xin Cẩu Tạp Chủng đi lang thang tìm mẹ, kẹt giữa “trận chiến” đao kiếm, tình cờ nhặt được chiếc bánh tiêu bên vệ đường để ăn, chiếc bánh mà Ngô Đạo Thông cất giữ Thiết Lệnh.

– Tạ Yên Khách tìm thấy Thiết Lệnh từ chiếc bánh tiêu của Cẩu Tạp Chủng trước sự chứng kiến của nhiều kiếm khách. Theo lời hứa, Tạ Yên Khách phải bảo vệ cậu bé, và phải làm theo một yêu cầu của bé, nhưng bé thì vâng theo giáo huấn của “má má” ở Hùng Nhĩ, trọn đời sẽ không mở miệng xin ai một điều gì. Do vậy, Tạ Yên Khách phải giữ cậu bé cạnh mình, không rời một bước, sợ bị người xấu xúi giục yêu cầu điều khó thực hiện, và chờ đợi cơ hội để đánh lừa bé…

– Tạ Yên Khách đem Cẩu Tạp Chủng về sống cách ly trên đỉnh núi Ma Thiên Nhai cô vắng.

B. Ý kiến

1. Hiệp sĩ, hay hiệp khách, là người thường cứu giúp người, cứu giúp đời, thoát khỏi các áp bức, bất công. Xa hơn, Hiệp khách còn trừ khử các cường tặc, các tham quan ô lại để bảo vệ dân lành, bảo vệ các quan trung chính vì nước, vì dân. Nhân vật chính của truyện kiếm hiệp vì thế đầy tiết khí, hấp dẫn người đọc. Kim Dung đã mượn tiểu thuyết kiếm hiệp như là phương tiện tốt nhất để chuyên tải tư tưởng, tâm sự, cảm xúc, tiết khí của mình đối với nhân quần và quốc gia xã hội, xây dựng một hệ văn hoá đầy tính nhân văn và trí tuệ.

2. Nền văn hoá nào cũng nói về điều thiện, đề cao điều thiện, nhưng quan niệm về lẽ thiện thì có điểm khác nhau. Kim Dung nói:

“Bậc thông minh tài trí, kẻ hùng cường dũng cảm đại đa số đều tích cực tiến thủ. Tiêu chuẩn đạo đức đã chia họ ra làm hai loại người: mưu cầu hạnh phúc cho nhiều người, đó là người tốt; chỉ chú ý đến quyền lợi và địa vị, dục vọng của riêng mình mà làm hại người khác, đó là người xấu. Mức độ tốt xấu căn cứ vào mức độ họ đem lại hạnh phúc hay gây tai họa cho người khác để xác định”.

3. Về quan niệm về Truyền thống, giáo sư triết Lý Đỗ, trong dịp thảo luận với Kim Dung tại Đại học Tân An, Hồng Kông, đã hỏi:

“Tôi đọc Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Tiếu Ngạo Giang Hồ, v.v… tôi đoán, phải chăng tiên sinh cảm thấy văn hóa của chúng ta phát triển đến ngày nay, những cái tốt đẹp của truyền thống đã rơi rụng mất rồi, cần phải tìm ở bên ngoài, như vậy hơi có ý vị phủ định truyền thống,”

Kim Dung đáp:

“Có mấy bộ tiểu thuyết, xuất phát điểm của tôi lúc ấy là phủ định cách nghĩ giáo điều chủ nghĩa. Tôi tín phục lý tính… Tôi nghĩ bản thân chân lý cũng có tính tương đối của nó. Xã hội biến thiên, chân lý cũng có thể thay đổi. Đạo lý ngàn vạn năm bất biến, đó là điều mà tôi không tin. Sự thực, những kẻ cuồng tín rất nhiều, thậm chí trong lãnh vực khoa học cũng có, những lý thuyết khoa học đã từng được người ta cho là chân lý nhưng rồi lại hóa ra không hoàn toàn đúng “.

4. Về quan niệm Nhân quả – Nghiệp giản đơn ở đời, như “ở hiền thì gặp lành, ác giả ác báo” – khác với nhân quả ba đời (quá khứ, hiện tại và vị lai: sanh báo, hậu báo và lai báo, của Phật giáo thì Kim Dung nghĩ khác hơn:

“Tôi muốn mượn tiểu thuyết để phản ảnh nhân sinh. Ở đời không nhất thiết ‘ở hiền gặp lành, ác giả ác báo’. Cuộc đời thật ra rất phức tạp, số phận cũng thiên biến vạn hóa. Nếu cứ theo mô thức nhất định mà mô tả thì quá giản đơn hóa cuộc đời. Cờ vây có công thức nhất định mà nhân sinh thì không có định thức. Đem Kinh kịch để biểu hiện nhân sinh thì thường định thức hóa, chức năng nghệ thuật của Kinh kịch thường thiên về giáo huấn, khó lòng thể hiện chân thực đời sống”. (Ibid.tr.330)

Các điểm vừa nêu trên, từ mở đầu, là ánh sáng rọi vào Hiệp Khách Hành để người viết nhận ra tư duy mới và tư tưởng Phật học của Kim Dung.

5. Các nhân vật trong Hồi 1 biểu hiện các mẫu hình tâm lý về thiện, ác, bất định ở nhiều cấp độ, như:

– Tạ Yên Khách là một quái kiệt võ lâm bất câu thiện, ác, đã tặng ba tấm Huyền Thiết Lệnh và hứa sẽ làm theo một yêu cầu của người có Thiết Lệnh, nhưng khi một tấm rơi vào tay cường đạo, ông ta đã bằng mọi thủ đoạn để đoạt lại tấm Thiết Lệnh ấy. Ông thuộc loại mẫu tâm lý bất định.

– Nhóm Kim Đao Trại thì hung hãn, đầy ham muốn vị kỷ, xem mạng sống của tha nhân như cỏ rác: nhóm nầy thuộc tâm lý xấu ác.

– Thạch Thanh – Mẫu Nhu suốt đời trọng nghĩa, làm việc nghĩa giúp người: thuộc tâm lý thiện, tốt.

– “Má má” của Cẩu Tạp Chủng do hận tình mà một lần đã gia hại gia đình Mẫn Nhu: theo tâm lý Phật giáo, nàng thuộc hạng tâm lý si và hận, thuộc ác tâm, hại tâm…

– Tên giúp việc trong tiệm tạp hóa quen thói “lý sự cùn”, khi nghe một tay đao kiếm hung hãn nói: “Còn ai muốn nếm mùi đao thì cứ việc chạy ra” liền buột miệng bép xép: “Đao thì làm gì có mùi?” liền bị tên hung hãn vung roi giật bắn người ra đường chết toi. Cái chết rẻ rúng, lạt nhách như thế là sự cảnh tỉnh cái thói quen hư đàm, huyền luận vô bổ.

– Cẩu Tạp Chủng là mẫu tâm lý thuần thiện: trong sáng, chân thật rất nguyên sơ, thông tuệ, nhân ái. Đây là mẫu tâm lý mà Kim Dung xây dựng niềm tin phát triển sẽ đi về chân, thiện, mỹ: chàng sống vô cầu, vô dục từ thân phận kẻ ăn xin, rồi đời sống dẫn dắt đến điểm nhặt được Huyền Thiết Lệnh, thân cận quái khách, đi vào phương trời mới.

Qua Hồi 1, người đọc có cảm nhận rõ: ai sống thiểu dục tri túc thì tốt đẹp cho bản thân và xã hội; sống đa dục, vị kỷ thì làm khổ mình, khổ người, thể hiện triết lý sống của nhà Phật.

(Còn tiếp)

Lời BTV:

Độc giả quan tâm có thể tìm đọc tiểu thuyết Hiệp Khách Hành nói riêng và tiểu thuyết Kim Dung nói chung qua các phiên bản ebook có tại KOMO: http://komo.vn/tac-gia/77.html

300x384-60-tron-bo-4-quyen-hiep-khach-hanh

Mời các bạn đón đọc Hồi 2: Thiếu niên gây đại họa trong phần tiếp theo!

Đăng bình luận

concepted and designed by Nhon Giang