Uncategorized

Bà Margaret Mitchell

Margaret Mitchell

Mình hơi thất vọng khi đến thăm nơi người ta bảo là bà Mitchell đã ngồi viết tác phẩm Cuốn theo chiều gió. Té ra, tất cả mọi thứ đồ nội thất đều ko có liên quan gì đến bà Mitchell, chỉ là để vào đấy cho cái xác nhà ngày xưa có vẻ đầy đặn.

Nhưng, công nhận là mình quá nể bà hướng dẫn viên, chẳng có mấy hiện vật, nhưng bà ấy đã kể một câu chuyện tuyệt vời về thời tuổi trẻ, về các mối tình, về bản tính tương đối lập dị, và cái chết tương đối… ngớ ngẩn của bà Mitchell.

Bà Mitchell chết vì đã buông tay người chồng thứ hai ra để né một chiếc xe.  Chiếc xe này thì né ông chồng nên tông luôn vào bà ấy. Tóm lại là bà ấy qua đời khá đột ngột, trong một tình huống không có vẻ gì là nguy hiểm. Tội nghiệp!

Margaret Mitchell và John Marsh, người chồng thứ hai của bà

Người yêu đầu tiên của bà Mitchell là một anh lính đã bỏ mình trong chiến tranh thế giới thứ nhất. Sau đấy thì bà tuyên bố với mẹ rằng con không thích đi học đại học đâu. Bà học hành chiếu lệ, chủ yếu là dành thời gian viết lách, nhảy nhót và hẹn hò. Bà hẹn họ với cả ông chồng thứ nhất và ông chồng thứ hai cùng một lúc, có khi vào cùng một buổi tối. Hai người này là bạn nhau, người thứ hai từng làm phụ rể cho người thứ nhất. Người thứ nhất nghiện rượu và hành hung bà Mitchell, nên bà đã đến với người chồng thứ hai. Rất tiếc cả hai không có con, và đành phải nhận Cuốn theo chiều gió làm con.

Margaret Mitchell và Berrien “Red” Upshaw, người chồng đầu tiên của bà

Ngoài chồng, bà Mitchell có một người thư ký và bạn gái thân thiết. Bà này suốt đời trung thành với bà Mitchell.

Bà Mitchell còn có một tuổi thơ thú vị, bố bà là một nhà sử học của đất Atlanta, rất thương con gái nhưng khi cần bảo ban thì thường thông qua bà mẹ. Có vẻ như tất cả kiến thức bà Mitchell thể hiện trong tác phẩm Cuốn theo chiều gió là từ ông bố này. Còn các nhân vật của bà, nhất là Rhett, không phải lấy nguyên mẫu từ các ông tình nhân và phu quân mà chính là từ người mẹ của bà. Dĩ nhiên, tất cả những tình cảm li kì của bà được chuyển hoá đa dạng trong tác phẩm.

Eugene Muse Mitchell – cha của Margaret Mitchell

Tóm lại, bà Mitchell là một nhà văn tương đối hạnh phúc. Bà được sống trọn vẹn với cá tính của mình, dám hận và dám trả hận một vài “kẻ thù”,  giữ được một người bạn gái bên cạnh đến hết đời, có một người chồng yêu bà hết mực, và có một tác phẩm để sống cùng trong những lúc bệnh tật, buồn bã, thương tâm.

Hiếm thấy nhà văn nào có cuộc đời tròn trịa, dễ chịu như thế.

Margaret-Mitchell

À, ko biết nhà của các nhà văn khác thế nào, nhưng nhà của bà Mitchell trên đường Trăng Khuyết giáp với đường Cây Đào hơi bị to và ở vị trí khá đẹp. Nghe đồn trước khi được mua lại và trùng tu, nhà đó từng rất xuống cấp, chỉ dành cho những người có thu nhập thấp ở. Chính ra, bà Mitchell chỉ ở đó 7 năm, và không phải tất cả các chương của Cuốn theo chiều gió đều được viết ra ở đó. Bà Mitchell chuyển chỗ khá nhiều trong đời viết văn của bà.*

* Viết theo lời kể của bà HDV, chưa đối chiếu các nguồn thông tin khác.

Về ngôi nhà của bà Margaret Mitchell

Atlanta-TDR-Margaret-Mitchell-House-94901

Ngôi nhà được hoàn thành năm 1899 bởi kiến trúc sư Cornelius J. Sheehan. Ngôi nhà của bà Margaret Mitchell vốn là nhà của một gia đình. Ngôi nhà được xây theo kiến trúc Phục hưng thời Tudor. Năm 1913, căn nhà được chuyển giao thành tài sản hậu phương của quân đội và cải tu thành tòa nhà gồm mười căn hộ, vẫn được mọi người gọi là khu căn hộ Crescent từ năm 1919.

margaret-mitchell-house-sign

Năm 1925, Margaret Mitchell và chồng, John Marsh đã chuyển đến Căn hộ số 1, tại đây bà đã viết tác phẩm đoạt giải Pulitzer – Cuốn theo chiều gió.

Ngày nay, ngôi nhà của Margaret Mitchell được chọn là tiêu điểm của thành phố nằm trong danh sách Di tích Lịch sử Quốc gia, một điểm đến nổi tiếng của khách du lịch, và là Trung tâm diễn ra các lễ trao giải văn học.

Độc giả  Xuân Đỗ

concepted and designed by Nhon Giang