Uncategorized

Chỉ cần có anh, thế giới với em ở đâu cũng là hiện thực

1q84-haruki-murakami-1024x640

Ngay từ đêm qua, khi những dòng cuối cùng về mối tình của Tengo và Aomame khép lại dưới thế giới chỉ có một mặt trăng, mình đã không sao ngủ yên. Có lẽ đối với độc giả của 1Q84 mà nói, đây là một cái kết hết sức hụt hẫng và nhạt. Vì cái cách ông mở ra năm 1Q84 có hai mặt trăng và Người Tí Hon mới hùng dũng làm sao, để rồi đóng nó lại mới giản tiện làm sao.

Aomame đã leo xuống cái cầu thang thoát hiểm trên đường cao tốc để lạc vào một thế giới mới với sự tồn tại không hiểu của cái thứ gọi là Nhộng không khí, lang thang cô đơn trong đó hết 3 cuốn tiểu thuyết, mỗi cuốn cỡ 500 trang A4 tiếng Việt, để rồi lại leo lên từ dưới lòng đất quay lại tuyến đường cao tốc ấy với Tengo theo sau, nắm tay nhau nhìn mặt trăng chỉ còn một cái rồi quyết định sẽ sống đời ở cái thế giới ấy. Khi gấp cuốn sách lại mình đã hết sức hoang mang, ông đã không giải quyết hết được mối tơ vò ông xây nên ở thời đại 1Q84, tổ chức Sakigake sẽ làm gì để đoạt lại Aomame, Người Tí Hon sẽ làm sao để tiếp tục được lắng nghe giọng nói, cái Nhộng không khí của Ushikawa sẽ cho ra thứ gì đây, cái thứ bé nhỏ trong bụng Aomame thực chất có nhiệm vụ gì, làm sao mà sinh trưởng?… Cái kết Haruki đưa ra cho 1Q84 khiến độc giả bước hụt một nấc thang quá lớn, chới với mất một lúc rồi vẫn chẳng hiểu mình đọc xong rồi sẽ phải làm gì tiếp theo, sẽ phải nghĩ sao về cuốn tiểu thuyết này, có nên chăng đọc lại từ đầu một lượt 3 cuốn? Hoang mang hết nửa ngày, đi qua đi lại, ăn rồi uống rồi ngủ rồi đi làm mà vẫn không hiểu sao ông lại đem kết chuyện như thế. Có cảm tưởng nếu đem câu này nói trước mặt ông, ông sẽ cười mỉm một cái thật nhẹ rồi nắm tay vợ mà nói, “tôi thích kết như thế thì sẽ là như thế đấy, có mua sách về đọc hay không là chuyện của cô”. Mình sẽ há miệng ra mà thở, chắc không tức giận gì đâu mà chỉ là ngạc nhiên thôi. Chuyện này đúng là đến giờ vẫn không hiểu được luôn.

1q84_by_cornymistick-d4wkzwl

Nhưng mà mình đọc xong 1Q84 lúc 3h đêm qua, sau đó đi ngủ một giấc gần 12 tiếng. Trước khi đi ngủ trong đầu vẫn hiện lên hình ảnh của Aomame và Tengo trên tầng cao chót vót của một khách sạn ở Asakasa, ôm nhau ngắm một mặt trăng. Khi tỉnh dậy vẫn nghĩ về họ. Đọc truyện tranh mà hết một trang, giữa lúc lật sang trang mới lại nghĩ về họ. Định đi viết thứ này thứ kia lại vẫn tiếp tục nhìn thấy họ. Muốn xem nốt mấy tập cuối của Người giấu mặt vì chỉ có 2 ngày nữa là hết chương trình nhưng cũng chẳng có tâm trạng xem nữa. Muốn đi design hình thẻ cho nhà 4 cũng chả có đầu óc đâu. Mà hình như chẳng phải chỉ có tinh thần, trái tim mình cũng ngập tràn mùi vị từ thế giới đó. Hình ảnh lúc nào cũng như một bức hình rửa ra từ camera đặt trộm trong phòng khách sạn ở Asakasa ấy. Phòng tắt đèn tối om, bóng lưng hai người đứng cạnh nhau, quấn chăn, ôm nhau, mặt ngước lên trời. Ánh trăng thì sáng vằng vặc. Cái kết rõ ràng là một nhát bước hụt, vậy mà sao hình ảnh đó lại in trong đầu rõ nét đến thế mình cũng chẳng hiểu ra nổi. Chính vì không hiểu ra nổi nên càng phải lấy tay lần mò trong mớ hỗn độn cảm xúc của mình, đến khi sờ được nó ra thành vật hữu hình, mang nó ra sáng mà xem cho thoả thích thì mới chịu được. Cũng may là không dài đến độ mất 3 cuốn tiểu thuyết mới tìm ra, cách đây một tiếng trong lúc rửa chén đã phát hiện ra rồi :))).

1q84__alternative_cover_art_by_teoyusiang-d6ggawf 2

Dưới góc độ một độc giả của 1Q84, cái kết này hơi khó chấp nhận thật, nhưng với một độc giả của Haruki thì cái kết cuộc này là một bất ngờ lớn. Từ cái bất ngờ này người ta nghiệm lại toàn bộ 3 cuốn tiểu thuyết một lượt và nhận ra cái khác của ông trong thiên truyện này so với Kafka bên bờ biển hay Cuộc săn cừu hoang chẳng hạn. Khi đọc cuốn 1 và cuốn 2, mình đã quá quen với văn phong của Haruki rồi và đã nghĩ là, cách duy nhất để độc giả không chán giọng văn của một tác giả quen thuộc là làm cho họ yêu thích nhân vật trong truyện đó, điển hình ở đây là Aomame hay Tengo hay thậm chí Ushikawa hay Fukaeri vậy.

Mình thực lòng rất thích Aomame. “Cô độc một mình cũng không sao. Chỉ cần thật lòng yêu một người, cuộc đời sẽ được cứu rỗi.” Aomame đã mạnh mẽ thốt ra câu nói đó với chính mình, người đã kiên nhẫn sống trong cô đơn, ăn, ngủ, tập thể dục, đi giết những thằng đàn ông hành hạ phụ nữ, làm tình với những người hói đầu đúng theo sở thích của cô, và nhớ về Tengo với tất cả tấm lòng mình. Chỉ cần có anh trong lòng, dù có được ở bên anh hay không cũng không quan trọng. Chỉ cần có sự thật đó, thế giới đối với em ở đâu cũng là hiện thực, dù có đến mấy mặt trăng đi chăng nữa. Chỉ cần có anh, Tengo. Một Aomame mạnh mẽ nắm lấy tay cậu bé Tengo khi còn mười tuổi trong lớp học thoảng gió, hai mươi năm sau vẫn là Aomame đi tìm và dẫn Tengo đi khỏi thế giới 1Q84. Aomame với tình yêu kiên định hơn bất cứ điều gì trên đời, tin vào tình cảm của mình hơn bất cứ sự hoang tưởng nào trên thế giới. Nàng có thể sống mãi đến già đến chết với tình yêu đó trong lòng, trăng xuống nước lên một lòng một dạ không hề đổi thay. Đối với Aomame, Tengo là một nửa tâm hồn, mảnh ghép khăng khít nhất của nàng trong sinh mạng này, một khi nàng còn sống. Không, có lẽ cả khi chết đi rồi, Aomame cũng chỉ có Tengo thôi. Xét trên góc độ nào đi nữa, Aomame cũng là hình tượng phụ nữ lý tưởng của các cô gái thời nay. Giỏi giang, ưu tú, sống thẳng thắn, thành thật, kiên định với đức tin của chính mình và có ai đó để yêu. Không bao giờ bối rối trước câu hỏi tại sao ta tồn tại. Không bao giờ thắc mắc vì sao mình lại yêu. Có lẽ từ thời Naoko của Rừng Nauy đến nay, Haruki mới tạo ra được một nhân vật nữ tuyệt vời ngang ngửa như thế.

tumblr_nasnvrBTAj1qjd1kgo1_1280

Nhưng mình đang viết về Aomame và Tengo, cùng với sự bất ngờ của cái kết 1Q84. Sự đào bới ý thức trong lúc rửa chén đã cho ra kết quả thật hài lòng quá: hình ảnh trọn vẹn của hai người bên nhau ngắm thế giới một mặt trăng chính là hình ảnh tượng trưng cho phong cách của Haruki khi tuổi đã chín muồi, khi trái tim ông đã đậm mùi thời gian. Tất cả độc giả của Haruki sẽ nhận ra rằng hiếm có truyện nào của ông lại kết thúc bằng một cảnh yêu đương trọn vẹn và đủ đầy như thế. Sự thể này dường như có thể phân tích thành hai tiêu điểm, là mình nghĩ thế: cái tôi tìm được mang hình người và sự vững vàng đặt chân trở lại thế giới cùng với cái tôi tìm được đó. Hầu hết các tác phẩm của Haruki đều nói về hành trình đi tìm một điều gì đó đã mất trong tâm hồn nhân vật, để rồi sau khi đã vật lộn trải qua những biến động nào đấy không tưởng tượng nổi, họ sẽ trở về chốn ban đầu với nút thắt được tháo mở đâu đây, và lại hoang mang không biết tương lai mình sẽ trôi về đâu phía trước. Hiếm khi kết thúc với tình yêu, càng hiếm thấy sự vững vàng kiên định. Ở thiên truyện này, Aomame và Tengo đi tìm cái tôi đã mất của mình, chính là nhau. Thứ mất mát trong lòng họ mang hình hài con người, với đầy đủ tay chân, mắt mũi, cơ quan tính dục và một trái tim đang đập rộn ràng. Thứ giữ họ kiên định với cuộc đời và chính mình là tình yêu. Thế nên khi tìm được nhau rồi, họ có thứ để bảo vệ, có chỗ dựa để tiếp tục bước về phía trước. Aomame và Tengo là hai linh hồn vừa khít cho nhau, chỉ thuộc về nhau, hai mặt của một chiếc lá, hai nửa của một vầng trăng. Tìm được nhau rồi, cùng nhau ngắm trăng, nắm chặt tay nhau, cùng bảo vệ thứ nhỏ bé đang lớn lên trong bụng người con gái. Sự ấm áp giản dị mà tròn trịa vô cùng, chưa từng có ở bất cứ tác phẩm nào của Haruki khiến người ta vừa ngỡ ngàng lại vừa ám ảnh. Kể từ lúc đọc thấy hình ảnh như từ camera chụp trộm ấy, chỉ cần thốt lên hai cái tên “Aomame và Tengo” thôi cũng đủ thấy lòng mình ám áp xiết bao rồi. Liệu có ai, ở đâu, lúc nào tìm được một tình yêu trọn vẹn, hoà hợp, thuộc về nhau khắng khít đến thế không?

NW cover

Haruki viết về tình yêu đã khác trước rồi. Tình yêu trong lòng nhân vật của ông giờ đây vững vàng như đỉnh núi Fuji, như trăng lên nước xuống từ thời thượng cổ đến giờ, mãi không thay đổi. Yêu một người không nhất thiết phải ở cạnh người đó, không nhất thiết phải nắm được tay nhau. Chỉ cần ta có yêu là sẽ được cứu rỗi. Không biết tình yêu này có phải là tình yêu ông dành cho người vợ của mình không? Dù đã biến đổi qua năm tháng, nhuốm thẫm vị thời gian, nó chỉ càng kiên định hơn mỗi ngày. Cái tôi cũng đã hữu hình rồi. Năm 1Q84 có biến động ra sao cũng không xoay vần được số mạng của Aomame và Tengo nữa. Cả thứ nhỏ bé đang lớn lên kia cũng vậy.

4c62fb129f77d04f7e5bbaed12acf137

Haruki luôn đến với mình thật đúng lúc. Năm 17 tuổi cũng thế, bây giờ cũng vậy. Kết thúc những dòng cuối cùng của cuốn sách với dòng nước ấm áp mang tên Aomame và Tengo trong tim, mình đã chảy nước mắt và hỏi tại sao lại ngay đúng lúc này, ngay thời điểm khó khăn này lại mang đến giấc mơ về một tình yêu hoa mộng như thế. Lỡ mình cả đời cũng chẳng tìm được ai như Aomame tìm thấy Tengo thì sao? Thì cuộc đời mình vĩnh viễn sẽ không được cứu rỗi ư?

Dù thế nào cũng cám ơn ông rất nhiều vì đã luôn đến thật đúng lúc. Thay đổi thế giới quan của mình, thay đổi cả tình yêu trong mình nữa.

Dù đã muộn, vẫn chúc ông sinh nhật hạnh phúc và một tuổi mới mạnh khoẻ, an lành. Mong ông tiếp tục sống thật điềm tĩnh và yên ấm để viết ra những con người tuyệt vời như Aomame, như Tengo.

Murakami-sensei, otanjou-bi omedetou gozaimasu!

Bài viết được đóng góp từ độc giả  

Lavender Trang

concepted and designed by Nhon Giang