Chuyện phiếm văn nghệ
1
“Tôi thích sưu tầm những bản thảo viết tay của nhà văn Nguyễn Tuân”, nhà thơ Trần Hữu Dũng bắt đầu say sưa kể về thú vui của mình trong một buổi sáng thứ bảy thong dong bên quán cà phê lề đường cùng bạn bè. “Ngày xưa, giấy đã là khan hiếm. Vậy mà Nguyễn Tuân lại mua giấy nhiều màu khác nhau. Trong một truyện của ông gửi báo, mỗi một trang giấy là một màu. Chưa kể, ông còn cẩn thận đóng triện vào đầu mỗi tờ, ghi đề mục đàng hoàng. Chữ ông rất đẹp, ngay hàng thẳng lối, kể cả cách ông xóa chữ cũng đẹp nữa. Vì thế, mà không phải chỉ mình tôi, rất nhiều người trong giới cố công để sưu tầm bằng được những bản thảo ấy”. Câu chuyện khép lại khi ông trầm tư về sự đồng nhất giống nhau của các văn bản đánh máy bây giờ. Sự phát triển kĩ thuật làm cho cái mới được sinh ra, cái cũ phải chết đi. Âu đó cũng là lẽ tự nhiên. Dẫu sao việc vẫn còn những người lưu giữ kỉ vật quá khứ và nhớ về nó cũng là một điều đẹp đẽ.
2
Một nhà thơ có thói quen luôn liếc nhìn đồng hồ. Điều này làm cho nhiều bạn bè nghĩ rằng ông có việc bận sắp phải đi đâu đó. Tuy nhiên, khi hỏi ra cơ sự thì hành động đơn giản này lại có một nguyên nhân sâu xa. “Hồi còn trẻ, tôi không quan tâm đến giờ giấc nên không đeo đồng hồ như bây giờ đâu. Lần đó, ở trạm chờ xe buýt có công việc gấp nên tôi mới quay sang hỏi giờ một ông già. Ông không trả lời lại giờ cho tôi biết mà nói giọng khó chịu: Nếu tôi có con gái thì tôi không gả nó cho anh đâu. ‘Tại sao thế?’, tôi cảm thấy khó hiểu nên hỏi lại ông. ‘Bởi vì tôi không thích gả con cho người không đeo đồng hồ, cả giờ giấc cũng không quan tâm’. Tôi quê lắm. Và thế là từ đó, tôi đeo đồng hồ cho đến bây giờ”. Đó là câu chuyện của nhà thơ Vũ Trọng Quang. “Biết đâu, nếu giờ tôi gặp một anh chàng cũng hỏi giờ giống tôi lúc trước, tôi sẽ lại nói giống như ông già ngày xưa nhỉ?”, nhà thơ kết chuyện của mình bằng một câu đùa hóm hỉnh.
3
“Không biết giờ này, laptop của tôi như thế nào rồi?”, dịch giả Nguyễn Thành Nhân thở dài buồn bã. Chuyện là anh bị mất laptop cách đây đã vài tháng nhưng đến bây giờ anh vẫn còn tiếc nuối nó vì “Tôi chỉ tiếc cái truyện đang viết dang dở trong đó thôi chứ không tiếc giá trị của cái máy. Phải khó khăn lắm mới viết được chừng ấy, đó là dòng tôi tâm huyết vậy mà…sao ai lại nỡ lấy nó chứ?”. Nghe chuyện của anh, một người bạn góp ý: “Sau này, để chắc ăn, viết được bao nhiêu thì cố nhớ attach văn bản đó vào mail của chính anh trước mỗi lần tắt máy đi. Như vậy thì anh chẳng bao giờ bị mất nó cả cho dù có bị mất máy”. Đó cũng là tình trạng chung của nhiều người trong giới văn nghệ. Nếu không cẩn thận lưu giữ những dòng tâm huyết mình đã viết, rất dễ xảy ra tình trạng mất nó khi máy tính nhiễm virus hay bị đánh cắp.
4
“Nếu có hẹn hò người yêu, tôi sẽ không hẹn gặp người đó ở trong nhà sách nữa đâu”. “Tại sao vậy, chẳng phải ông rất yêu sách sao?”. “Chính thế đấy. Vì yêu sách nên tôi không muốn hẹn gặp người yêu trong nhà sách nữa. Hồi còn trẻ, lần đầu tiên hẹn hò, tôi đã dẫn người đó vào nhà sách. Khi ở trong nhà sách, tôi ngập chìm trong thế giới đó, tôi xem hết cuốn này đến cuốn kia, quên mất nàng. Thời đó làm gì có điện thoại di động để nhắn tin hay gọi điện như bây giờ. Thế là nàng đợi lâu quá, không thấy tôi đâu, không biết liên lạc bằng cách nào nên về luôn và giận tôi lắm”. Anh chàng yêu sách trong câu chuyện kể trên chính là nhà văn Nhật Chiêu.
F