Uncategorized

Dịch giả Nguyễn Tiến Văn: Đừng học ngôn ngữ vì vụ lợi!

1375117_10201650280111141_250472244_n

Những năm gần đây, với sự ra đời của các công ty truyền thông tư nhân như: Nhã Nam, Bách Việt, Chibooks… tình hình dịch và xuất bản văn học thế giới được cải thiện. Tuy nhiên, cũng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập trong việc dịch các tác phẩm, các công trình nghiên cứu của thế giới sang tiếng Việt và ngược lại. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với dịch giả, nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn về vấn đề này.

Ông nghĩ như thế nào khi có một bộ phận người Việt Nam suy nghĩ rằng đọc nhiều sách văn học nước ngoài là vọng ngoại, chỉ cần đọc văn học trong nước đã đủ?

Bây giờ, các học sinh, sinh viên học trong những cuốn sách giáo khoa, hay là cả khái niệm trong đầu óc của mọi người thì vẫn là học ngoại ngữ. Tờ tạp chí chuyên môn nhất cũng lấy tên là: Văn học nước ngoài. Theo tôi, cái đó là dở vì đặt vấn đề trong ngoài. Trong khi 200 năm trước, Goethe lại chủ trì không có văn học nước ngoài, nước trong, chỉ có văn học thế giới. Vậy thì chúng ta phải dùng khái niệm văn học thế giới (VHTG). Một người lớn lên trong thời đại toàn cầu hóa phải hiểu đó là văn học của toàn nhân loại, là di sản của thế giới nói chung.

Ông bắt đầu tiếp xúc với VHTG từ khi nào?

Đầu tiên tôi học chữ Nho để đọc được thơ Đường, Tam quốc chí diễn nghĩa. Sau đó tôi học tiếng Anh, Pháp để đọc qua các tác phẩm đương đại mà chưa được dịch.

1381694_10151923418939096_939354431_n

Tiếp xúc với VHTG sớm, đọc nhiều tác phẩm VHTG như thế, có bao giờ ông cảm thấy bị mất cân bằng trong tư tưởng giữa văn hóa Việt Nam với văn hóa thế giới không?

Tôi không cảm thấy như thế. Vì tôi đọc nhiều tác phẩm VHTG nhưng có may mắn công việc của tôi lại là một dịch giả. Khi chuyển nó sang tiếng Việt tôi thấy tâm hồn mình lại gần gũi với văn hóa Việt Nam. Sắp tới đây, một tác phẩm của William Faulkner mà tôi mới dịch sẽ được xuất bản.

Ông có thể cho biết những dịch giả nào ở Việt Nam hiện tại mà ông cảm thấy rằng tác phẩm dịch của họ được đầu tư nghiêm túc, kĩ lưỡng?

Muốn biết dịch giả nào chuyện nghiệp thì phải tốn công so bản gốc với bản họ đã dịch. Cái đó thì phải làm việc cẩn thận. Nhưng theo ý kiến cá nhân, tôi nghĩ một trong những người làm việc nghiêm túc là Lê Anh Minh với cuốn Trung Quốc triết học sử. Ông rành chữ Nho để đọc bản gốc của Phùng Hữu Lan. Ông rành cả tiếng Anh để đọc bản dịch của Derk Bodde-người học trò của Phùng Hữu Lan. Ông đọc hai bản dịch và so sánh, có điểm khác biệt nào thi ghi chú thích.

Còn hai người nữa thì tôi không có khả năng để đối chiếu với bản gốc nhưng tôi cũng rất quí vì đó là tài liệu quan trọng. Ví dụ Phạm Vĩnh Cư dịch Siêu lý tình yêu của Vladimir Soloviev. Ông dịch từ bản tiếng Nga. Đây là tác phẩm về triết học, thần học quan trọng nhất trong 1000 năm nay của Nga.

Ngoài ra, còn có cô Nguyễn Hồng Nhung dịch một nhà luận văn và tư tưởng hàng đầu của Hungary bây giờ là Béla Hamvas. Ông viết rất nhiều luận văn về văn học, triết học. Hiện bây giờ, các bản dịch của Hồng Nhung đăng trên những trang web văn học như: Tiền Vệ, Da Màu…

1385782_10151923418844096_2006584345_n

So với các nước trên thế giới, ông có suy nghĩ gì về chính sách hỗ trợ của chính phủ cho việc dịch các tác phẩm trong nước sang tiếng nước ngoài để phổ biến rộng rãi hơn ở Việt Nam thời điểm hiện tại?

Trên thế giới, những nước lớn lại không có chế độ ưu đãi cho các dịch giả dịch tác phẩm của họ sang tiếng nước ngoài. Những nước càng nhỏ trên thế giới, vì ngôn ngữ của họ ít có người sử dụng, ít có người học nên họ có chế độ đãi ngộ đặc biệt. Hungary tuy là nước nhỏ nhưng rất quí các dịch giả. Họ lập nhà dịch thuật để nếu ai có ý hướng dịch văn học Hungary thì có thể đến đó để làm việc. Hungary sẵn sàng cung cấp không phải là xa hoa nhưng đủ để làm việc. Trước đây năm 1980, tôi có đọc một tập sách của Hội nhà văn Hungary có tên: “Ngôn ngữ nhỏ, văn học lớn”. Ngôn ngữ nhỏ là bởi vì có mấy triệu người dùng thôi nhưng văn học lớn là nếu như chia theo đầu người thì giải Nobel ở Hungary là nhiều nhất.

Một nước khác, cũng rất nhỏ ở châu Âu nhưng có chương trình dịch thuật hàng đầu thế giới là Hà Lan. Ở Hà Lan có những nhà xuất bản đứng đầu trên thế giới về tầm mức xuất bản. Tôi lấy ví dụ: một cuốn từ điển về ngữ nguyên của tiếng Anh lớn nhất thế giới lại là do Hà Lan xuất bản. Đó là cuốn A Comprehensive Etymological Dictionary of the English Language của Ernest Klein. Các nước lớn vẫn có thể in được nhưng họ lại không in. Theo tôi nghĩ có một lí do như thế này: suốt trong thời kì chiến tranh lạnh, vì những cuốn sách in ở Mỹ không được nhập vào các nước Xã hội chủ nghĩa, Hà Lan thì không bị vướng mắc. Vậy nên, chính những nước nhỏ trong lúc đó lại đắc địa. Những cuốn sách về khoa học, có nghiên cứu về tư tưởng mà không dính tới màu sắc chính trị thì những nước nhỏ như vậy đóng được vai trò.

Ở Đông Nam Á, từ năm 1990 Singapore đóng một vai trò rất quan trọng. Tất cả những công trình khoa học của viện Nobel đều được nhà xuất bản World Scientific Publishing ở Singapore phát hành. Singapore tài trợ cho chương trình đó và sự thật thì nó kiếm lời không được bao nhiêu cả nhưng để xuất bản thì những người trí thức ở Singapore phải ngồi nghiên cứu, biên tập. Đây là một công việc phức tạp, đòi hỏi sự kĩ lưỡng rất cao.

Tôi nghĩ, người Việt Nam chúng ta phải suy nghĩ về ưu thế của những quốc gia nhỏ, những ngôn ngữ nhỏ như Hungary, Hà Lan, Thụy Điển…và học hỏi những nước này. Hiện nay ở Việt Nam có quỹ Phan Châu Trinh về dịch thuật đang dần xây nên một tủ sách về học thuật. Ngoài ra, chúng ta cũng chưa có nhiều chính sách hỗ trợ cho các dịch giả nước ngoài trong việc dịch các tác phẩm Việt Nam ra thứ tiếng của họ.

safe_image

Theo ông, dịch thuật ở Việt Nam hiện tại đang gặp phải những vấn đề gì?

Dịch thuật không phải là công việc chỉ dịch một lần là xong mà phải dịch đi, dịch lại nhiều lần. Mỗi một thế hệ có một bản dịch riêng. Ví dụ trên thế giới, để đọc William Faulkner người ta phải có Companion to Faulkner, hay là James Joyce thì phải có James Joyce’s dictionary. Người ta phải tra từ điển để hiểu vì đó không phải là tiếng Anh mà tất cả mọi người đều có thể hiểu. Trung Quốc bây giờ cũng ra từ điển cho từng tác gia lớn. Việt Nam chỉ mới ra duy nhất từ điển về Truyện Kiều. Nhưng tôi cho rằng đó cũng là một điều tốt rồi. Nó là công trình của Đào Duy Anh, sau này là Phan Ngọc.

Việt Nam vừa mới qua chiến tranh, kinh tế còn yếu kém, chúng ta chưa có những dịch giả chuyên. Trên thế giới, mỗi một tác giả có dịch giả chuyên dịch về họ. Ví dụ tác giả người Ý Umberto Eco có một dịch giả chuyên dịch sang tiếng Anh cho ông là William Weaver. Người dịch giả tiếp cận với tác giả, có gì thắc mắc hai bên trao đổi. Như vậy, mới dịch chính xác được. Dịch giả ở Việt Nam thì hiện chưa có điều kiện đó mà chỉ mới làm việc trên văn bản. Vì vậy, chuyện dịch sai, hiểu sai vẫn thường xuyên xảy ra. Chúng ta chưa đi vào chuyên nghiệp được.

Như vậy, để khắc phục tình trạng đó, trước mắt chúng ta cần phải làm những công việc gì trong điều kiện hiện tại cho phép? Ngoài ra, nhìn từ bài học của các nước trên thế giới ông thấy chúng ta có thể học hỏi được điều gì ở họ?

Thứ nhất, Việt Nam phải coi vấn đề dịch là quốc sách. Bởi vì tất cả các sách căn bản của thế giới chúng ta vẫn chưa dịch. Nhật Bản đã làm việc này từ thế kỉ 19. Hàn Quốc đã làm từ mấy chục năm nay rồi. Một sinh viên Nhật bước chân lên giảng đường đại học, những tác phẩm triết học, khoa học, văn học…trên thế giới họ đều có thể đọc ngay bằng tiếng Nhật. Nếu chúng ta không lo việc này thì trong một thời gian ngắn, sinh viên Việt Nam không thể so sánh được với sinh viên các nước trong khu vực chứ chưa nói thế giới. Malaysia đã thành lập 5 trường đại học giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, có thể mời các giáo sư nổi tiếng trên thế giới giảng dạy ngay lập tức. Và sinh viên đó học xong có thể đi ra khắp thế giới tiếp thu, ngay khi học lại có thể tiếp cận với toàn bộ các tác phẩm văn học cũng như tác phẩm khoa học của thế giới. Nếu không coi dịch là quốc sách, chúng ta sẽ vẫn cứ chậm.

Thứ hai, với việc học ngôn ngữ trên thế giới thì chúng ta phải bắt chước những nước như Hà Lan, Hungary, Thụy Điển, Na-Uy, Hàn Quốc…Đương nhiên, một trí thức là phải rành ít nhất một thứ tiếng phổ thông trên thế giới. Ở Hàn Quốc người ta coi tiếng Nhật Bản là ngôn ngữ thứ nhì bắt buộc phải học. Trước đây, Nhật Bản cai trị Hàn Quốc 50 năm từ năm 1895 cho đến năm 1945 rất tàn ác. Lúc đó, tất cả các trường không được dạy tiếng Hàn mà phải dạy tiếng Nhật. Người Hàn Quốc từng rất hận thù người Nhật. Nhưng dù hận như thế nào, Hàn Quốc cũng học hỏi Nhật Bản vì đó là xứ hấp thu rất nhiều những canh tân đổi mới của phương Tây. Bây giờ Hàn Quốc có chừng trên 1 triệu người lúc trước bị bắt qua Nhật để làm lao động cũng như là lính thợ Việt Nam mà sang Pháp. Những người đó đã ở Nhật 60,70 năm nay rồi nhưng vẫn không vào quốc tịch Nhật và chuyển tiền, kĩ thuật, học thuật về cho Hàn Quốc. Đó là cả một nguồn năng lượng trí tuệ kinh khủng. Trong khi Việt Nam đến năm 1915 mới bãi bỏ chế độ khoa cử nhưng bây giờ đếm số người có thể đọc được các tác phẩm Trung Quốc là trên đầu ngón tay. Rồi Pháp lại ở Việt Nam đến 100 năm, đào tạo biết bao nhiêu trí thức hàng đầu nhưng bây giờ chúng ta lại bỏ không học tiếng Pháp nữa. Từ đó, cho thấy rằng chúng ta đã từng học ngôn ngữ không phải vì yêu quí trí thức, yêu quí văn hóa mà đã học vì mục đích rất vụ lợi: để đi làm cho các công ty của nước đô hộ lúc đó kiếm tiền. Chính vì vậy mà nó không được tiếp tục duy trì sau khi các nước đô hộ ta đầu hàng. Tôi cho rằng ở điểm này chúng ta nên học hỏi người Hàn Quốc.

Fretto Frek 

concepted and designed by Nhon Giang