Gong Ji Young – ‘Con gái người độc tài’
Gong Ji Young là một trong những nhà văn nữ hàng đầu của làn sóng mới tại văn học Hàn Quốc những năm 1980-1990. Ở ngoài đời, Gong là một người cởi mở, thẳng thắn và nhiệt tình sôi nổi khi bàn luận đến những chủ đề lớn như dân chủ, chế độ độc tài và các trạng thái khác nhau về sự quan sát của người phụ nữ.
Gong Ji Yong đã bán được hơn 10 triệu bản sách tại Hàn Quốc. Cô nhận được các giải thưởng như: 2011 Yi Sang Literary Award (tạm dịch: giải văn học Yi Sang 2011), the 21st Century Literary Award (giải thưởng văn học thế kỉ 21), the Korean Novel and Literature Award (giải thưởng cho Tiểu thuyết và Văn chương Hàn Quốc), và giải thưởng Special Media Award (giải thưởng truyền thông đặc biệt) từ Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) dành cho quyển sách Yêu người tử tù.
Bản dịch tiếng Anh của tiểu thuyết Yêu người tử tù được phát hành tại Mỹ với tiêu đề Our Happy Times vào ngày 1.7.2014. Đây là một trong những tác phẩm văn học Hàn Quốc đầu tiên tấn công vào thị trường quốc tế và nhận được sự chú ý. Chỉ sau ngày xuất bản ở thị trường Mĩ một tháng, Phương Nam Books đã mua bản quyền cuốn sách này và xuất bản tại thị trường Việt Nam từ ngày 31.7.2014.
Cuốn tiểu thuyết mới của cô My sister, Bongsoon kể câu chuyện về một người giúp việc thất học, làm việc vất vả thông qua góc nhìn của một cô bé mới năm tuổi nhưng sớm phát triển. Trong một chừng mực nào đó, có phải cuốn sách này là tự truyện của cô không?
Tất cả sách của tôi đều là tự tuyện ở chừng mực nào đó, nhưng hơn cả tự truyện, chủ đề chính là tôi muốn miêu tả Seoul khoảng thời gian ấy, khoảng thời gian công nghiệp hóa từ những năm 1960 đến 1980, cách họ vượt qua như thế nào, những người cũng đã chứng kiến quá trình đó như tôi, cũng học đại học vào những năm 80.
Ba trong số những cuốn sách của cô, bao gồm cả Yêu người tử tù đã được chuyển thể thành phim. Cô thích nhất là bản chuyển thể nào?
Là The Crucible; hai bản chuyển thể còn lại đi hơi xa nội dung cuốn tiểu thuyết của tôi, nhưng bản chuyển thể của The Crucible (dựa trên câu chuyện có thật về những đứa trẻ ở trường khuyết tật dành cho người khiếm thính bị các giáo viên bạo hành tình dục) lại gần hơn với tiểu thuyết gốc của tôi. Và xét về mặt điện ảnh, bộ phim đó cũng nhận được đánh giá cao. Hơn nữa, hiệu ứng của phim lớn đến nỗi nó đã thật sự gây chấn động đến cả chính phủ. Cuối cùng, còn hình thành một pháp chế gọi là “Đạo luật the Crucible” (The Crucible law); tiêu đề lấy từ tên cuốn sách của tôi, và những đứa trẻ đã lấy lại được thân phận của mình, được xóa tên ra khỏi bản cáo buộc sai lầm, hung thủ thật sự bị bắt. Việc đó đã là một nhân tố lớn trong sự thay đổi của chính phủ.
Cảm thức về công lí của cô bắt nguồn từ những thay đổi trong giới học sinh và giới lao động từ thập niên 1980. Phải chăng những tác phẩm của cô đã tác động phần nào đến chiến thắng trong việc giành quyền lợi cho phụ nữ, công nhân, học sinh ở Hàn Quốc ngày nay?
Tôi muốn trả lời câu hỏi này dựa trên góc nhìn văn chương từ những kinh nghiệm mà tôi có được. Nếu nhìn ngược trở lại thời gian, có thể thấy tôi bắt đầu viết từ cách đây 27 năm, và 10 năm đầu tiên tôi tập trung hoàn toàn vào những vấn đề chính trị bởi thời điểm ấy đất nước chúng tôi đang sống trong chế độ độc tài. Tôi thật sự không cần sử dụng quá nhiều năng lực tưởng tượng, mà chỉ cần một ai đó gửi cho tôi những vấn đề chính trị họ bức xúc. Trong khoảng thời gian đầu của thế kỉ này, sau khi Hàn Quốc trở thành nước dân chủ dưới thời của Kim Dae Jung và Roh Moo Hyun, chúng tôi thật sự cảm thấy có thể mở rộng trí tưởng tượng của mình ra, và dưới thời dân chủ này, tác phẩm đầu tiên tôi viết là My Sister, Bongsoon. Yêu người tử tù cũng là tác phẩm ra đời trong khoảng thời gian này khi tôi cảm thấy rất, rất lạc quan. Sau khi Lee Myung Bak trở thành tổng thống sáu năm tước, nền dân chủ của chúng tôi lại có vẻ thoái lui và tôi cảm thấy trí tưởng tượng của mình bị hạn chế. Ngày nay, tôi nghĩ ngày càng có nhiều người viết để chống lại những vấn đề chính trị, vì thế tôi dự đoán rằng sắp tới sẽ càng xuất hiện thêm nhiều tác phẩm liên quan đến chính trị. Đó là quan sát của tôi.
Đâu là điểm cải tiến và thất bại tiêu biểu nhất trong xã hội Hàn Quốc kể từ những năm đầu tăng trưởng kinh tế và bước vào thời kì dân chủ?
Tôi nghĩ phần nào đó những quyền lợi của phụ nữ được cải thiện; dù không phải tất cả nhưng phần nào là như thế, đặc biệt hơn khi so sánh với quyền lợi của những công nhân. Tôi nghĩ đã có nhiều cải tiến cho quyền lợi của tầng lớp lao động.
Sách của cô có phát hành ở Triều Tiên không? Dưới hình thức chính thống hay phi chính thống?
Vâng, tôi biết rằng họ có tiếp cận với những quyển sách của tôi. Tôi đã từng ở đó vào năm 2005. Họ dường như rất thích quyển My Sister, Bongsoon nhưng phần lớn không phải là những người dân bình thường nói về quyển sách của tôi, những Đảng viên mới là người thích sách của tôi, và điều đó làm tôi cảm thấy có một chút không thoải mái. Những cuốn sách của tôi không được xuất bản ở đây, nhưng có lẽ họ lấy được chúng từ thư viện. Bởi vì Bắc Hàn và Nam Hàn vẫn sử dụng chung một ngôn ngữ, về mặt kĩ thuật mà nói họ cũng không cần xuất bản lại chúng ở đây. Tôi không nghĩ rằng sẽ có lúc nào đó họ xuất bản những cuốn sách của các nhà văn Nam Hàn một cách chính thống tại Bắc Hàn.
Cô có thể nói một chút về giải thưởng Special Media Award (tạm dịch: giải thưởng truyền thông đặc biệt) từ Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) dành cho quyển sách Yêu người tử tù với ý nghĩa rằng nó đã góp phần trong việc tăng sự phản đối dành cho án tử hình?
Đây là giải thưởng có ý nghĩa nhất mà tôi từng nhất. Tổ chức Ân xá Quốc tế tại Hàn Quốc có nguồn tài trợ rất ít, vì thế giải thưởng họ cho tôi chỉ là một món quà nhỏ nhưng cũng khiến tôi hạnh phúc kinh khủng.
Cô đã làm việc với Sora Kim-Russell như thế nào cho bản dịch tiếng Anh của cuốn tiểu thuyết này?
Chúng tôi không giữ liên lạc nhiều, nhưng thỉnh thoảng có trao đổi email, đặc biệt là về một số thuật ngữ nhất định hoặc văn nói ở Hàn Quốc, bởi vì Sora lớn lên ở Mĩ.
Sora từng viết rằng cô ấy đã gặp khó khăn với sự im lặng, sự khiếm khuyết, sự mỉa mai, những lí do và sự tuyệt vọng khi dịch giọng kể của Yoo Jeong. Những vấn đề đặc trưng nào mà một dịch giả phải đối mặt khi dịch từ tiếng Hàn sang tiếng Anh?
Tôi nghĩ những vấn đề chủ yếu xuất phát từ cách chúng tôi thể hiện cảm xúc. Ví dụ như khi tôi miêu tả sự tức giận của Yoo Jeong một cách gián tiếp thông qua điệu bộ cô nằm phịch xuống, có lẽ những người sử dụng tiếng Anh khó lòng nào hiểu được đây là một biểu hiện của sự giận dữ; bởi vì họ có thể nghĩ rằng đó là một điệu bộ hoặc một tư thế khiến họ cảm thấy thoải mái. Vì thế, tôi nghĩ phần lớn những khó khăn cô ấy gặp phải cũng thuộc những tình huống như thế.
Vào tuổi nào cô bắt đầu nhận ra mình muốn trở thành một nhà văn?
Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một nhà văn, thậm chí là trong tưởng tượng, nhưng khi ở độ tuổi mới lớn tôi đã từng lúc nào cũng đem theo bên mình các hợp tuyển sách. Lần đầu tiên tôi nghĩ về việc viết là sau khi tôi được ra khỏi tù. Tôi đã bị bắt giam vào năm tôi 26 tuổi, và khi đó đang là mùa đông, nhiệt độ xuống dưới mức âm, tôi đã nghĩ rằng mình sắp chết, rồi tôi nghĩ rằng nếu tôi được ra khỏi đây, hoặc khi tôi ra khỏi đây, tôi sẽ làm công việc mà tôi thích làm, và tôi ngạc nhiên với chính mình: đó là việc trở thành tiểu thuyết gia thực thụ.
Tại sao cô bị bắt giam?
Tôi bị bắt trong một cuộc biểu tình sinh viên và ở tù khoảng một tháng. Đó chỉ là một bản án ngắn hạn, nhưng những vách tường ở trong tù không có sách, không có thứ gì để đọc. Việc duy nhất tôi có thể làm là suy nghĩ. Tôi thật sự trân trọng khoảng thời gian đó – tôi biết ơn cảnh sát và chính quyền. Tôi luôn nói rằng tôi được sinh ra là nhờ Park Chung Hee, nhà độc tài 18 năm ở Hàn Quốc, bởi vì trước khi ông nắm quyền, cha tôi được gửi qua Mĩ học tập để phụng sự chính quyền, và sau đó khi cha tôi đã ở Mỹ được 5 năm, Park Chung Hee lên nắm chính quyền trong một cuộc đảo chính, vì thế, cha tôi phải trở về và tôi được sinh ra. Vậy nên tôi cũng phải cảm ơn Park Chung Hee vì tôi đã được sinh ra trên cuộc đời này. Rồi tôi cũng hay nói đùa về Chun Doo Hwan, một nhà độc tài quân sự khác vào khoảng thời gian tôi bị bắt giam, đó là nhờ ông mà tôi mới trở thành tiểu thuyết gia.
Cô nghĩ gì khi được mọi người nói đến như một nhà văn ‘nữ quyền’?
Trước tiên, tôi không cảm thấy thoải mái với cái nhãn ‘nữ quyền’, tôi không thích việc đó, bởi vì nếu tôi là một người đàn ông, tôi cũng sẽ quan tâm đến những vấn đề này. Tôi thật sự nghĩ rằng có những sự khác biệt giữa công việc của một người phụ nữ và một người đàn ông, nhưng đó không phải là ý nói người này ở một vị thế cao hơn người kia. Mà có lẽ rằng phụ nữ đang ở trong một lợi thế bởi vì trong thế giới đương đại, khi chúng ta không còn phải bận tâm đến những thiên sử thi nữa, chúng ta có thể tạo ra những câu chuyện từ sự quan sát của ta về cuộc sống thường nhật, và tôi nghĩ rằng phụ nữ có khả năng quan sát, mô tả những điều bình dị kĩ lưỡng hơn đàn ông.
Cô có phán đoán được số lượng độc giả nữ so với độc giả nam đọc sách của cô ở Hàn Quốc và những nơi khác không?
Ở Hàn Quốc, người ta nói rằng 80% độc giả sách của tôi là phụ nữ và 20% là đàn ông, nhưng đây cũng là tỉ lệ bình thường của những người đọc thể loại tiểu thuyết nói chung, vì thế tỉ lệ này cũng không phải là riêng biệt cho những tiểu thuyết của tôi. Nhưng nếu như so với những nhà văn nữa khác, tôi nghĩ có lẽ mình có nhiều độc giả nam hơn.
Hiện tại, Hàn Quốc đang dưới thời của nữ tổng thống đầu tiên: Park Geun Hye, bà là con gái của Park Chung Hee theo đúng nghĩa đen. Cô nghĩ như thế nào về việc bà đã phá tiền lệ với tư cách là nữ chính trị gia tiên gia; và cô nghĩ gì về những chính sách của bà?
Như tôi đã nói ở trên, tôi không thích cái nhãn ‘nữ quyền’, và tôi cũng tin rằng không phải vì một người nào đó được sinh ra với giới tính sinh học là phụ nữ cũng sẽ khiến cho người ấy nữ tính, hoặc quan tâm hơn đến quyền lợi phụ nữ. Dù tổng thống là nam hay nữ, tôi không nghĩ điều này sẽ tạo nên sự khác biệt liên quan đến các vấn đề quyền lợi cho phụ nữ. Park Geun Hye là con gái của một nhà độc tài, ngoài ra cô ấy chẳng có trách nhiệm gì hơn cho việc đó, nhưng trên tất cả, những gì hiện tại chúng ta có được ở Hàn Quốc là kết quả lòng tham của chính chúng ta, nó sinh ra từ khao khát được giàu có về vật chất những năm thập niên 60. Tóm lại, tôi muốn nói rằng Park Geun Hye thật sự chỉ ra được hết tất cả mặt xấu của đàn ông và phụ nữ.
Có triều đại chính trị nào ở Hàn Quốc, với những gia đình khác cũng nắm quyền theo kiểu như thế?
Không chỉ trong chính trị mà cả trong giới tài chính cũng như thế, những tập đoàn kinh tế trụ cột ở Hàn Quốc như Samsung và một số tập đoàn khác đều được điều hành bởi các thành viên trong gia đình.
Frett
Lược dịch từ: http://bookanista.com/gong-ji-young/