Nhà văn Nhật Chiêu: “Văn học nước ngoài nên được dạy như văn học Việt Nam”
Những tác phẩm văn học nước ngoài (VHNN) được đưa vào sách giáo khoa như một phần học chính thức bên cạnh văn học Việt Nam (VHVN). Thế nhưng, vì trong đề thi tốt nghiệp, đại học, đa phần tập trung vào VHVN nên việc giảng dạy VHNN trong nhà trường còn nhiều bất cập. Nhiều trường vì chạy đua theo thành tích nên đã không giảng dạy VHNN mà dành giờ học đó để tập trung ôn thi cho VHVN. Trước thực trạng trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà văn, nhà giáo Nhật Chiêu-người có nhiều công trình nghiên cứu về văn học của các nước trên thế giới.
Thầy nghĩ sao về việc hiện nay nhiều trường không giảng dạy VHNN hoặc dạy rất sơ sài?
Đối với tôi, điều này không có gì là lạ cả. Đó là do các phần kiến thức thuộc về VHNN ít khi được đưa vào đề thi nên mới xảy ra tình trạng như thế. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ nếu đã đưa VHNN vào chương trình giảng dạy thì phải làm sao cho đồng nhất việc dạy ở tất cả các trường. Còn nếu có trường dạy, trường không vì chỉ học cho biết thêm thì đừng nên đưa vào chương trình.
Theo quan điểm của thầy thì có nên cho giờ học VHNN bằng với giờ học VHVN không?
Tôi không bức xúc về chuyện hiện nay, VHNN chỉ được dạy như một kiến thức phụ trong môn Văn ở trường nhưng đúng là nếu để giờ học VHNN bằng với giờ học VHVN thì sẽ tốt hơn rất nhiều. Đây là một việc nên làm. Cũng giống như khi ta học Toán, đó là một sự tổng hợp từ nhiều nền Toán học trên thế giới. Ta đâu có phân biệt, hay nói là đang học “Toán học Việt Nam”. Tương tự như vậy, tôi muốn môn Văn học cũng được nhìn nhận như thế. Càng học được từ nhiều nước khác nhau, ta càng có cái nhìn toàn diện và quan điểm đúng đắn hơn.
Theo thầy, việc học VHNN ngày xưa và bây giờ có gì khác nhau?
Ngày xưa, vào thời tôi thậm chí còn không có môn VHNN. Môn Văn được gọi bằng những cái tên như: “Việt Văn”, “Quốc Văn”, “Văn học Hán-Nôm”, “Văn học Việt-Hán”. Như vậy là ngay cái tên môn học cũng đã xác định rất rõ là chỉ dạy VHVN. Việc đặt tên môn Văn học như chương trình bây giờ là chính xác hơn.
Nếu là vậy thì ngày xưa thầy học VHNN từ những nguồn nào, bắt đầu từ khi nào mà thầy có ý thức nên học VHNN?
Từ bé đến nay, tôi chưa học VHNN một giờ nào theo nghĩa đến trường học. Tôi tự học chủ yếu qua sách báo, những tác phẩm nghiên cứu dịch thuật. Tôi bắt đầu có ý thức về việc này từ năm lớp 6. Tuy vậy, tôi vẫn nghĩ nếu VHNN được dạy một cách đàng hoàng, chính thức trong nhà trường thì vẫn vui hơn. Điều này cũng giống như khi bạn yêu mến một bản nhạc nào đó. Bạn có thể tự nghe nó một mình ở nhà cũng được nhưng cảm giác đến nhà hát nghe nhạc sống vẫn thích hơn phải không nào?
Thầy nghĩ như thế nào khi có người nói rằng việc học VHNN quá nhiều sẽ làm ảnh hưởng đến suy nghĩ của học sinh. Cụ thể là các em sẽ suy nghĩ và viết văn theo cách của người phương Tây, của nước ngoài, không còn là của người Việt Nam nữa?
Đối với bản thân tôi, những chuyện khi tôi viết văn là những chuyện có thể xảy ra ở bất cứ quốc gia nào. Và tôi thích văn chương như thế hơn là phải tự bó buộc mình khi viết với suy nghĩ rằng: “Tôi là người Việt Nam. Tôi chỉ viết những chuyện thuộc về Việt Nam.” Chẳng hạn như một trong những truyện cực ngắn mới nhất của tôi có câu như thế này: “Là người cuối cùng được phóng vào vũ trụ, anh nhìn thấy trái đất nổ tan.” Đó là chuyện có thể xảy ra ở bất cứ đâu mà cũng có thể chẳng xảy ra ở đâu cả. Nó chỉ nói về cảm giác của một con người cô đơn, lạc loài nói chung. Tôi muốn nhắn với các bạn như thế này: “Cứ viết những gì mình thích, những gì mình nghĩ.”
Frett