Uncategorized

Nỗi cô đơn của cái lưng

ipad_preview1

Cô đơn hay đánh mất cái tôi? Có lẽ Hasegawa đã luôn tự hỏi mình như thế khi nhìn cái lưng của Ninagawa- một người bạn cô đơn, luôn sống trong thế giới ảo tự tạo ra.

Khi lên cấp ba, vào ngôi trường mới, Hasegawa đã chọn sự cô đơn. Cô không giao tiếp với bất kì ai. Đó không phải là do cô không có khả năng giao tiếp với bạn bè. Cô chọn sự cô đơn vì cái tôi cá nhân của mình. Cô không muốn đánh mất mình khi chơi nhóm ở lớp. Lớp cô chia thành nhiều nhóm chơi với nhau. Nếu không vào một nhóm nào thì người đó sẽ trở thành người thừa trong lớp. Hasegawa đã trở thành người thừa trong lớp vì cô không thích chơi theo nhóm. Cô nhận thấy trong một nhóm bạn, không bao giờ có chuyện tất cả mọi người trong nhóm đều thân với nhau, bao giờ cũng phải có ít nhất một vài người lạc lõng ra khỏi nhóm. Và những người này, để ở lại trong nhóm, phải cố vờ đi sự lạc lõng đó bằng nhiều cách như: cố gắng cười trước những câu chuyện hài mà một thành viên trung tâm của nhóm kể dù cho cảm thấy không có gì đáng để cười, cố gắng kể những câu chuyện hài dù bản thân không phải là người hài hước… Hasegawa đã quá quen thuộc với những việc như thế vì năm cấp hai, cô cũng chơi theo nhóm như những học sinh bình thường khác.

Ninagawa o0800117412453188798cũng là một người thừa trong lớp. Nếu như Hasegawa chủ động trong việc tách mình ra khỏi lớp thì với Ninagawa, cậu lại không ý thức được việc đó. Cậu chỉ đơn thuần muốn sống trong thế giới thu nhỏ của mình. Cuộc sống gia đình của Ninagawa không được tiết lộ nhiều trong truyện. Không ai biết đã có chuyện gì xảy ra với cậu, chi biết Ninagawa sống khép mình ngay trong chính ngôi nhà của cậu. Trong phòng cậu có đầy đủ vật dụng như thể đó là căn phòng của một nhà trọ: tủ lạnh, thức ăn, chiếc bàn vừa là bàn học vừa là bàn ăn…

Tiểu thuyết ngắn Cái lưng muốn đá không kể chuyện về những học sinh cô độc trong một lớp học bị bạn bè ức hiếp như thế nào. Ngược lại, Wataya Risa tập trung xây dựng mối quan hệ giữa Hasegawa và Ninagawa. Mối quan hệ đó không phải đến từ sự đồng cảm nỗi cô đơn của nhau mà đến từ sự va chạm trong cách suy nghĩ. Tác giả đã xây dựng nhân vật Olichan-một người mẫu thần tượng của Ninagawa để khắc họa rõ nét sự khác biệt giữa hai người. Hasegawa cô đơn nhưng mạnh mẽ trong những suy nghĩ nội tâm. Cô không thích việc xem một người bình thường nào đó như thần thánh, thích sống tự do theo ý mình. Ninagawa cô đơn và cần một điểm tựa trong tâm hồn đủ vững mạnh để xem như nó là lí do cho sự tồn tại của cậu. Và cậu đã chọn điểm tựa đó là Olichan. Ninagawa cố gắng bắt chuyện với Hasegawa chỉ đơn giản vì cô đã từng một lần gặp Olichan.

Hasegawa dần quan tâm đến Ninagawa. Cô muốn hiểu cậu hơn nhưng khi nhìn chiếc lưng của cậu từ phía sau lúc cậu đang nghe radio chương trình phát thanh của Olichan, cô biết rằng đó là thế giới chỉ của riêng cậu và Olichan. “Tôi muốn đá vào cái lưng gù gù yếu ớt không phòng bị này. Tôi muốn nhìn thấy cậu ta đau đớn.” Hasegawa đã đá vào lưng của Ninagawa chỉ để rồi sau đó lại suy nghĩ: “Tưởng tượng ra vết bầm tím tụ máu không ai biết ở trên lưng cậu ta, tôi lại thấy thương thương và muốn sờ tay vào.” Dù Hasegawa không ý thức được nhưng hành động đá vào lưng Ninagawa đã cho thấy trong vô thức, cô muốn kéo cậu lại với thế giới bên ngoài.

29259_1423311539086_3775369_nNinagawa yêu Olichan bằng một tình yêu cuồng tín: cậu sưu tập tất cả những gì thuộc về Olichan, chủ đề duy nhất khi nói chuyện của cậu cũng là về Olichan…Với cậu, tất cả những gì thuộc về Olichan đều hoàn hảo. Thứ tình yêu được xây dựng trên sự tưởng tượng của cậu đã trở thành một điều quen thuộc trong thế giới của chúng ta khi công nghệ giải trí không ngừng phát triển. Ta có thể bắt gặp dễ dàng kiểu hâm mộ một thần tượng nào đó cuồng nhiệt giống như Ninagawa ở ngoài đời. Hâm mộ một ngôi sao nào đó không phải là chuyện xấu nhưng khi tình yêu đó biến thành thứ khiến người ta tự mình sống cô lập thì nó trở thành một chuyện đáng lo ngại. Thế nhưng, kết thúc truyện Cái lưng muốn đá, với câu nói buồn bã của Ninagawa sau khi cậu gặp được thần tượng của mình ở liveshow đem đến cho người đọc hi vọng cậu sẽ thức tỉnh. “Tưởng tới gần được Olichan, nhưng đó lại là lúc tớ cảm thấy cô ấy xa cách nhất từ trước đến giờ, xa hơn hẳn lúc tớ nhặt nhạnh những mảnh cuộc đời cô ấy và đem cất giữ trong hộp.”

Bằng một thứ văn phong giản dị, Wataya Risa chậm rãi bóc lột từng lớp nội tâm của nhân vật để khi câu chuyện kết thúc, cái tôi của nhân vật hiện ra rõ ràng khiến người đọc không thể dứt khỏi cảm giác xót xa trước thế giới đó. Tiểu thuyết ngắn này thật sự xứng đáng mang lại giải thưởng Akutagawa cho tác giả khi cô mới 19 tuổi.

x01.jpg.pagespeed.ic.GpAUDYS_6C

Chân dung tác giả Wataya Risa

Frett

concepted and designed by Nhon Giang