Uncategorized

Nơi Thánh đường của lỗi lầm lặp lại

Print

“Một lỗi lầm nếu như được lặp đi lặp lại nhiều lần, đó không phải là lỗi lầm nữa. Đó là sự lựa chọn.”

(Relationship Rules)

Từ lúc vô tình đọc được câu nói này trên Facebook của trang Relationship Rules, thỉnh thoảng tôi lại nghe tiếng nói của chính mình lặp lại những từ ngữ đó trong đầu. Có lẽ vì tôi thường gặp phải những vấn đề về cái gọi là sự lựa chọn, lỗi lầm và thói quen. Dù như thế, tôi vẫn không lường trước được, hay không tin mình đang ở trong những nỗi buồn do thói quen tạo ra. Cho đến khi tôi đọc Thánh đường của Raymond Carver vào năm vừa rồi, tôi mới chợt nhận ra thói quen có mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng như thế nào đến những tổn thương tâm lí mà mỗi người chúng ta phải gánh chịu trong cuộc sống hằng ngày.

Điều khiến tôi ngưỡng mộ Raymond Carver nhất khi đọc Thánh đường nằm ở việc ông không tập trung vào hành động tức thời của nhân vật trước những sự cố để thúc đẩy tiến trình câu chuyện, thứ ông tập trung là hành vi của họ-những hành vi bắt nguồn từ việc lặp đi lặp lại một hành động nào đó và hành động đó trở thành thói quen. Để một câu chuyện hài hòa, hấp dẫn, thông thường hành động và hành vi phải xen kẽ nhau đều đặn. Hành động là thứ thúc đẩy câu chuyện; trong khi đó, hành vi là thứ tạo nên nét tính cách đặc trưng của nhân vật. Trước đây, tôi cứ nghĩ hành vi chỉ có một vai trò là khắc họa chân dung nhân vật qua những thói quen: điển hình là trong truyện của Murakami Haruki, ông xây dựng cho nhận vật nhiều hành vi đặc trưng như thích nghe nhạc jazz, thích nấu ăn, thích mì spaghetti… Có thể thấy, trong tác phẩm của Haruki, những hành vi ấy không hề là thứ thúc đẩy câu chuyện. Tôi đã khó mà tưởng tượng hành vi có thể làm một nhiệm vụ nào đó khác ngoài việc khắc họa nhân vật. Và Raymond Carver đã khiến tôi phải thay đổi suy nghĩ vì đa phần những truyện trong Thánh đường đều được xây dựng bởi hành vi của nhân vật hơn là hành động.

Cathedral (1)

Trong Thánh đường, hầu hết những truyện của Carver được mở đầu rất đơn giản, ông đi trực tiếp vào cảnh sinh hoạt thường ngày hay một vấn đề khó khăn chính mà nhân vật đang phải đối đầu. Ông ít khi nào viết những đoạn mở đầu mang tính chất dẫn nhập từ từ để người đọc có thời gian đi vào thế giới của nhân vật. Ngay khi đọc những dòng đầu tiên một truyện ngắn của ông, lát cắt về mảnh đời nào đó của nhân vật ngay lập tức đập vào người đọc. Ta không kịp có thời gian để chuẩn bị, ta chỉ có thể tiếp tục đọc để dần dần hiểu ra những vấn đề mà nhân vật đang đối đầu; điều này cũng giống như việc không phải lúc nào chúng ta cũng có thể phòng bị được trước những bất ngờ trong cuộc sống.

Sau màn dạo đầu trực tiếp, đột ngột ấy, chúng ta dần nhận ra những nhân vật của Carver đều đang sống trong những chiếc lồng của các hành vi lặp đi lặp lại. Ban đầu, tất cả dường như chỉ là một hành động bình thường như việc chồng của Sandy từ sau khi mất việc luôn ngồi trước ghế sofa xem tivi (Bảo quản), việc Carlyle bất đồng với ý kiến của vợ qua điện thoại (Cơn sốt), việc Lloyd nằm nghiêng một bên khi ngủ (Cẩn thận)… Carver không thay đổi những hành vi đó của nhân vật trong suốt câu chuyện. Nhưng ông thay đổi tình huống diễn ra hành vi, ông tạo ra các xung đột khiến người ta nghĩ nhân vật phải thay đổi hành vi. Tuy nhiên, cuối cùng các nhân vật của ông thường chỉ thay đổi suy nghĩ về hành vi của mình mà vẫn chưa thay đổi được chính bản thân hành vi ấy. Điều đó khiến cho các nhân vật xa rời nhau, khiến cho thế giới của họ vỡ vụn và khiến cho chính chúng ta đau lòng bởi một khi lỗi lầm đã thành thói quen, mấy ai có thể thay đổi được thói quen của mình? Và phải chăng, chính những lỗi lầm ấy cũng là sự lựa chọn của chúng ta?

Frett

concepted and designed by Nhon Giang