Uncategorized

Về chuyện đọc

Tôi xem việc đọc sách là một thú vui của mình, không khác gì một vài bạn thân của tôi, rất ghiền xem phim hoặc làm hoa bằng đất sét. Nhiều người đã nhầm lẫn việc đọc sách, và coi nó là một “yêu cầu cần phải có của trí thức” hay “thú vui sang trọng” của người có học.

Với thầy cô giáo, nhà khoa học, nghiên cứu hay sinh viên, học sinh, việc đọc sách là công việc. Nhưng điều đó không có nghĩa đọc sách có thể biến thành một nghĩa vụ hay trang sức lấp lánh như vàng hay bạch kim với toàn bộ mọi người.

blogkomo

Đọc sách phải hàn lâm

Tôi tuyệt đối không thể chịu đựng được những người dè bỉu người khác chỉ vì chuyện đọc sách. Các câu nói kiểu: “Đọc Quỳnh Dao là loại gái lãng mạn rởm đời, não phẳng”, hay “chỉ có mấy con dở người mới đọc Chạng Vạng”. Hồi xưa có một người từng nói với tôi, “đọc văn Hồ Biểu Chánh nghe lảm nhảm bực mình. Đọc văn là phải đọc sâu sắc như Dostoevsky”. Tôi đã nhấn nút delete ngay cái thằng đã nói câu đó với ông Hồ Biểu Chánh thần tượng của tôi. Ông Dostoevsky của bạn ấy nổi tiếng thật, nhưng điều đó ko có nghĩa là bạn có quyền xúc phạm ông Hồ Biểu Chánh của tôi vì bạn mê ông kia.

Những người khác nhau mê những loại sách khác nhau. Bạn không thích mặc váy, điều đó ko liên quan gì đến chuyện váy rất đẹp. Và bạn cũng không nên cấm người xung quanh mặc váy. Nếu đọc sách là một niềm vui thuần túy, ta hãy tôn trọng sở thích của người khác mình. Sách Quỳnh Dao có chuyện tình cảm u sầu, có tạng người thích. Chuyện “Người khăn trắng” rùng rợn, có thể hợp với người cần thứ gì giải trí cho vui sau ngày làm việc mệt. Khi bạn cho rằng thú vui của người khác thấp kém hơn bạn, bộ bạn nghĩ bạn cao sang hơn dữ lắm hay sao?

Trên mạng có hẳn một hội những người đọc sách Hàn Lâm. Thể loại này hơi khó hiểu, tôi không phân định được. Họ đọc sách gì tôi không quan tâm, nhưng thiệt tình là có phần lớn những bạn hàn lâm ấy luôn luôn dành thời gian dè bỉu người đọc truyện ngôn tình, cười vô mặt người thích chuyện đam mỹ. Nổi tiếng của thể loại này có thể kể đến một giảng viên của trường Nhân Văn, cô lên báo phát biểu rất ghê gớm về chuyện ngôn tình như sau: “Ra nhà sách toàn thấy những tên tuổi trời ơi ở đâu. Người đọc tưởng Marc Levy lớn lắm, nổi tiếng lắm bởi vì Việt Nam dịch rất nhiều. Thứ nhất, nó ảnh hưởng đến thị hiếu người đọc. Thứ hai, nó cho thấy định hướng thị hiếu không rõ, Thứ 3, người nước ngoài đến, họ thấy thị hiếu đọc ở Việt Nam mình quá kém!”

Nghe cô nói người VN đọc kém dữ lắm, mấy hôm sau lên mấy diễn đàn văn nghệ thì đọc được loạt bài cô chôm đề tài nghiên cứu khoa học của tác giả nào đó ở nước ngoài hồi cô đi du học. Bởi vậy, ta nói, đọc là chuyện vui chơi thôi mà, sao phải đi sỉ nhục người khác vậy? – Mà mấy người đã đọc sách còn lo người nước ngoài tới thấy người VN đọc kém thì chắc chỉ đọc để khoe mẽ quá.

Mô hình chung là vầy, mấy người đọc sách Hàn Lâm luôn miệng chửi đám đọc ngôn tình. Người đọc tác giả kinh điển thì chửi tác giả mới. Tác giả viết sách bị bán ế thì chửi tác giả viết sách bán chạy là đồ thị trường. Tiện tay, quy luôn cho đám độc giả mua sách là “đọc thị trường”, “thị hiếu thấp kém”, “tư duy thấp hèn”. Còn thấp gì thêm nữa thì không biết, nhưng chung quy lại sẽ luôn có 1 bọn được cho là cao, bọn còn lại thấp hết.

blogkomo1

Đọc sách phải đọc tác giả vĩ đại, học được điều vĩ đại

Tôi tin rằng sách giúp tôi vui vẻ và thoải mái. Điều đó không có nghĩa nó có thể giúp 1 bạn mê thể thao cảm thấy vui vẻ và thoải mái như tôi. Đã là sở thích, sách không nên được dùng để đánh giá tư cách và nhân tính của một ai đó. Ngay cả người viết ra sách, chắc điều đầu tiên họ mong mỏi là có người đồng cảm và thoải mái tận hưởng tác phẩm của họ, chứ không có tác giả nào dám tiện mồm đánh giá người đọc của mình. (Thường chỉ có tác giả bán ế mới hay nói, trình của tôi chỉ 1 số ít độc giả hiểu được. Ế mà, chảnh lắm.)

Chính vì thế, tôi thấy sợ những bạn trai nói: “Anh mà gặp con nào đọc ngôn tình là anh cho de, đọc sách chả có chút trí tuệ nào!” – Chắc anh này không biết, các cô đọc ngôn tình cho vui, giải trí, mơ mộng, để sống tình cảm hơn, chứ ai hơi đâu đi tìm trí tuệ cho mệt xác. Có phải đề tài nghiên cứu khoa học đâu mà trí tuệ gì.

Hồi đó, có một ông BTV nói một câu làm tôi kinh sợ: “Ai muốn làm phóng viên của anh, câu đầu tiên anh hỏi là đã đọc hết Kim Dung chưa, không thì dẹp.” – Nghe xong tôi sợ quá chạy luôn. Tôi có mở Kim Dung ra đọc vài lần, nhưng không thích nên bỏ. Có lẽ vì thế không thể nào làm phóng viên của ổng.

Tôi cũng vô cùng lo lắng khi có mấy người nói: “Em muốn viết văn phải đọc Dostoevsky đi!” – Tại sao tôi nhắc tên ông này nhiều vậy? – Bởi vì trời đất ơi, tôi gặp quá trời người đánh giá người khác chỉ vì cái đứa đó chưa đọc Dostoevsky. Miết rồi nhìn thấy tên ông này tôi cũng sợ luôn, dù hổng có kỳ thị ổng.

Bữa nọ, bước vô tiệm sách Kính Vạn Hoa, tôi thấy quyển “Hóa Thân” của Kafka, bèn cầm lên xem. Lập tức từ xa có một bà sang trọng lại gần bảo: “Em đọc được sách này hẳn cũng am hiểu dữ lắm, trình đọc Kafka là ghê gớm rồi đó em. Em còn trẻ mà giỏi quá!” – Nghe khen thì sướng, nhưng tự dưng thấy rùng mình. Kafka cố nhiên là nổi tiếng, và tôi rất thích quyển ấy. Tôi cũng thích ông Kafka. Nhưng đó là truyện đọc chơi thôi mà, làm cái gì mà ghê gớm???? – Tại sao tôi nhắc về Kafka – tương tự như Dostoevsky, tôi gặp rất nhiều người đánh giá trình độ của người bạn đọc khác qua ổng. Giống như biểu tượng của giới hàn lâm (tại VN) vậy đó!

Thực ra, không biết đọc sách có làm tụi mình trở thành người vĩ đại nổi không, nhưng chắc người vĩ đại không có kỳ thị người khác như vậy.

blogkomo2

Trên mấy diễn đàn triết học nào đó, có mấy bạn còn chỉ mặt đặt tên luôn mấy bạn đọc ngôn tình là lũ dớ dẩn, lấy lí do mấy bạn hay đọc các sách của tác giả trẻ là bị PR lừa, quảng cáo lừa, hay đồ thị trường, đua đòi. Mấy bạn Hàn Lâm với tri thức đó đi dán nhãn người khác chỉ vì người ta không giống họ.

Hồi ông Murakami mới nổi ở Việt Nam, tôi đọc Rừng Na Uy. Có người thấy tôi nhét nó trong cặp thì đã buột miệng hỏi: “truyện sex hả?” – Vậy đó, người ta không đọc nó, xã hội bảo nó là truyện sex, cái tự dưng ông già Murakami thành tác giả truyện sex. Họ đâu có thèm biết cuốn sách đó nói về cái gì đâu.

Nếu đọc sách là một chuyện làm chơi hàng ngày, tại sao mình lại phải làm tổn thương người khác bằng cách xúc phạm niềm vui của họ? Thậm chí, có mấy diễn đàn mà mấy bạn trẻ ra sức chửi bởi vài tác giả trẻ tuổi, mục đích là cho thấy các bạn trẻ tuổi khác là đồ ngu khi mua sách đó.

Tôi viết bài này để nhắc cho mấy bạn chửi người đó nhớ, ngày xưa, lúc người ta gọi sách tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tàu là “văn hóa phẩm đồi trụy”, thì có những thằng cán bộ xã siêu ngu đã chất cả đống quyển sách của một gia đình nhà nghiên cứu ra sân ủy ban mà đốt. Sau này đi tìm mua lại, mấy quyển đó quyển nào cũng mấy triệu, vì tư liệu quan trọng mà bị đốt sạch bà nó rồi.

Khi chúng ta cố gắng dán nhãn quyển sách, ép người khác phải giống mình, chúng ta đang thiêu hủy giá trị thực sự mà quyển sách đem lại, chẳng khác gì cái bọn “văn hóa phẩm đồi trụy” kia đâu nha. Sứ mệnh của sách là làm cuộc sống của mình vui, hạnh phúc, đa dạng, để tri thức lan tỏa và trở nên có ích.

Đừng có cố tỏ ra làm trí thức, mệt lắm!

Đăng lại từ blog của nhà báo Khải Đơn

KOMO chân thành cảm ơn nhà báo Khải Đơn đã đóng góp bài viết này.

Độc giả có bài cảm nhận về tác phẩm, thông tin/bài phỏng vấn tác giả hoặc bài viết về sách/việc đọc sách nói chung… muốn đóng góp cho KOMO Blog, xin gửi về ebookclub@komo.vn.

concepted and designed by Nhon Giang