Thông tin ebook
Tóm tắt tác phẩm
Bốn mươi chín cây cơm nguội tập hợp 12 truyện ngắn đặc sắc của Nguyễn Quang Lập viết về những góc khuất trong số phận con người, đặc biệt là thời hậu chiến. Tập truyện ngắn này còn có một số truyện ngắn ông viết thời gian gần đây, chẳng hạn Chuyện không có trong sự thật, Những giấc mơ phải gió… Truyện cũ và truyện mới đan xen khiến độc giả được đắm chìm vào những không gian khác biệt. Với độc giả yêu thích Nguyễn Quang Lập, đây còn là cơ hội để họ khám phá ông ở nhiều giai đoạn khác nhau của đời sống.
Nhà xuất bản: ...
Số trang: ..... (dựa vào số trang của sách in)
Dung lượng ebook: 0.4MB
Sách đoạt giải ...
Tìm ebook cùng thể loại » Văn học Việt Nam » Truyện ngắn, tản văn
Đánh giá của KOMO
Trong tập truyện ngắn này, Nguyễn Quang Lập dường như rất thích sử dụng số đếm. Có những con số lặp đi lặp lại đến nỗi ta có thể đọc thấy một nỗi ám ảnh mênh mông. Như những tù nhân đếm ngược từng ngày chờ giây phút được trả tự do, nhân vật của ông cũng chật vật đếm từng thứ bày biện quanh cuộc sống mình, đợi ngày rời xa ngôi nhà tù lớn là nhân thế. Bốn mươi chín cây cơm nguội dẫn người đàn bà đi qua cuộc gặp gỡ huyền hoặc (Bốn mươi chín cây cơm nguội), mười chín con gà trống đánh dấu mười chín năm cô đơn của người đàn bà góa chồng bị thằng chết vợ sát nách nhà bà đánh cắp (Vĩnh biệt mười chín con gà trống), hai mươi chín người tha phương cầu thực tìm đường sống trong chiến tranh, ba mươi chín lon rưỡi gạo cứu sống người đàn ông bị hòa bình bỏ lại đơn độc giữa rừng, tám mươi chín cái cọc ông cắm xuống chờ đợi, một trăm ngày con vượn mù ngồi trên chạc ba cây dẻ ở đỉnh dốc ngửa cổ cười suốt ngày rồi mới rơi xuống dốc chết, đáng thương như một con người bị con người ruồng bỏ… (Ngày xửa ngày xưa).
Đếm, cũng là một cách để nhân vật của ông cố gắng ghi nhận từng cột mốc đời sống. Bởi đời sống quanh họ dường như luôn có một màn sương mù vây phủ, bí hiểm và đầy bất trắc. Lạc giữa đời sống ấy, họ cứ luôn va vấp. Nụ hôn trong bóng đêm vấp phải ông đội trưởng mắt lồi nghiêm khắc (Bốn mươi chin cây cơm nguội), tình yêu trong trắng vấp phải sự trần trụi của cuộc bon chen (Những giấc mơ phải gió), lòng thủy chung vấp phải phụ bạc (Đường đời không lối rẽ), lương tâm vấp phải dục vọng của chính mình (Đò ơi!)… Có lẽ giữa cuộc nhân sinh rối mù ấy, việc ghi nhớ sự vật xung quanh bằng những con số tựa như tâm hồn họ được neo vào một chiếc cọc chắc chắn, chính xác, khiến họ cảm thấy an lòng.
Truyện ngắn Nguyễn Quang Lập chẳng mấy khi kết thúc có hậu. Nhân vật của ông nếu cuối truyện không chết thì cũng chìm trong những tâm sự u uất, thậm chí có người biến thành vượn, có người lại biến thành ma. Tuy nhiên chút chua chát, giễu cợt đời sống nếu có cũng chưa tới mức quyết liệt như những năm về sau này khi ông viết Ký ức vụn, trong truyện ngắn ông dịu dàng và nhiều cảm thông hơn, tin đời, tin người hơn. Chẳng hạn khi viết về tình yêu, ông sẽ rắc lên đó một giọt trong trắng thánh thần. Như cô gái Thùy Dương trong Tiếng kèn Trompet sợ người yêu nhìn thấy đôi chân mình bị máy bay chặt đứt, “Không, mong anh đừng nhìn thấy em thêm lần nào nữa hết. Xin hãy để cô bé Thùy Dương trọn vẹn cùng với những vũ điệu tuyệt vời sống mãi trong anh.” Như người chị trong Vọng trắng nếm bao cay đắng khó nói hết trong thời gian chồng làm tình báo, nhưng thẳm sâu trong chị vẫn còn chỗ cho lòng tin: “Chị tôi áp mặt vào ngực anh khóc lặng lẽ. Và kỳ diệu thay trên mái tóc lạnh giá như một khối băng kia vẫn phất phơ một sợi tóc xanh.” Khi viết về phút sa ngã con người, ông đồng thời cũng thắp lên một đốm lửa của niềm thấu cảm. “Ông có năm mươi hai năm sống lương thiện và một giờ gây tội ác. Ông cho đó là tội ác ghê tởm nhất mà tổng số những điều thiện không sao bù đắp nổi.” (Đò ơi!) Những tia sáng ấm áp ấy cùng với giọng văn gấp gáp, mạnh và nhanh rất Nguyễn Quang Lập khiến cho truyện của ông buồn bã mà không bi lụy, đau xót mà không tang thương. Tuy rằng nhân vật để chống chọi với tháng năm dằng dặc buồn nhiều hơn vui, vẫn phải tiếp tục đếm mọi thứ có thể đếm trong đời mình…
Nhận định chuyên gia
Thạc sĩ Hồ Thị Hoài
Không ngừng vận động trong sáng tạo nghệ thuật để đi đến khẳng định phong cách, Nguyễn Quang Lập đi từ thể hiện một cái tôi trẻ tuổi nhiệt huyết, khá lãng mạn, đến một cái tôi nhiều trải nghiệm, chọn lọc nghiêm ngặt để đạt đến cái "tinh", luôn nhìn lại để bứt phá, đam mê nhưng tỉnh táo, hướng đến sự giản dị, trong sáng, nhưng giàu hàm chứa, kết hợp thực tế và suy tưởng, là phong cách đi đến cùng tư tưởng cốt lõi: nhân đạo nhân văn, thiết tha với mục đích mà văn chương truyền thống theo đuổi đó là thực sự giúp ích, thực sự "sửa sang" được cho đời.
Nhà thơ Lê Huy Mậu
Mình thích truyện ngắn Nguyễn Quang Lập viết về ký ức chiến tranh, về vùng đất Quảng Bình quê Lập. Đọc truyện ngắn Nguyễn Quang Lập thấy nó phảng phất chuyện núi đồi và thảo nguyên của Aimatop. Nó lung linh, huyền ảo, ly kỳ và hấp dẫn từ đầu chí cuối.
Nhận xét độc giả
Thảo luận