Thông tin ebook
Tóm tắt tác phẩm
Xứ tuyết là tiểu thuyết đầu tay của văn hào Nhật Bản Kawabata Yasunari, được khởi bút từ 1935 và hoàn thành năm 1947. Xứ tuyết được coi là quốc bảo của nền văn học Nhật Bản. Cùng với Ngàn cánh hạc và Cố đô, Xứ tuyết đã mang lại cho tác giả giải thưởng Nobel Văn chương vào năm 1968.
Câu chuyện theo bước chân của chàng trai trẻ Shimamura du hành ngoạn cảnh và tắm suối nước nóng. Chàng đã ba lần lên xuống xứ tuyết phía Bắc Nhật Bản trong ba mùa khác nhau Xuân - Thu - Đông.
Trong chuyến đi mùa xuân, chàng gặp Komako vốn là một geisa. Cảm giác mà nàng đem lại cho Shimamura là sự tươi mát và thanh sạch tuyệt vời.
Vào mùa đông, Shimamura đến xứ tuyết lần thứ hai để gặp lại Komako. Trên tàu chàng gặp Yoko, một geisa với vẻ đẹp trong trắng và xa vời, mong manh và mờ ảo, tin cậy và thơ ngây.
Những ngày đầu mùa thu, Shimamura lại rời Tokyo để đi nghỉ ở xứ tuyết. Ở đó, giữa hai người con gái xứ tuyết, chàng đắn đo lưỡng lự giữa hai mối tình, một nặng về thể xác, một nặng về tâm hồn. Say đắm Komako nhưng trong Shimamura luôn hiện diện ánh sáng kỳ ảo lóe lên từ Yoko. Mối duyên nợ giữa họ thật khó có thể tách rời…
Nhà xuất bản: ...
Số trang: ..... (dựa vào số trang của sách in)
Dung lượng ebook: 0.31MB
Sách đoạt giải Giải Nobel Văn Học
Tìm ebook cùng thể loại » Văn học nước ngoài » Kinh điển, cổ điển
Đánh giá của KOMO
Xứ tuyết xoay quanh những chuyến du ngoạn tới xứ tuyết của Shimamura, một chàng trai sinh ra và lớn lên ở một khu phố thương mại của Tokyo, đã lập gia đình, nhưng lại say mê với cái đẹp như bị một huyền lực điều khiển.
Lần đầu tiên Shimamura đến xứ tuyết là vào mùa xuân. Tại đây, chàng đã gặp Komako, một geisa, Komako đại diện cho vẻ đẹp tràn trề nữ tính, tương phản giữa thánh thiện và trần tục, giữa tỉnh táo và đam mê, giữa vẻ đẹp thơ ngây bên ngoài và sức trầm lắng của nội cảm. Nàng yêu Shimamura tận tụy, dâng hiến hết cho chàng không đòi hỏi chút gì trả lại.
Khung cảnh xứ tuyết dưới con mắt Shimamura thật đáng khao khát ngắm nhìn. Bằng nét bút tả cảnh đặc trưng, tác giả đã vẽ ra một xứ tuyết lạnh khủng khiếp, khắp nơi chỉ có màu trắng của tuyết và cái lạnh thật lạ lùng.
“Shimamura thoáng đưa mắt nhìn những lớp băng mỏng viền quanh mái chìa. Trong màu trắng của tuyết, phần lùi sâu của các cửa ra vào hình như càng sâu hơn một cách lặng lẽ. Tất cả đều như đắm chìm vào sự câm lặng của đất.”
Đến mùa đông, Shimamura lại quay trở về xứ tuyết để gặp lại người cũ cảnh xưa. Cuộc gặp định mệnh trên tàu đã khiến Shimamura phải lòng Yoko, thiếu nữ ngồi đối diện với chàng trên toa tàu. Chàng đã gặp lại nàng ở vùng băng tuyết, Yoko cũng là một ca kỹ với vẻ đẹp trong trắng, mong manh.
Đặc trưng cho văn phong của Kawabata chính là những vẻ đẹp của cả cảnh vật và con người đều được đặc tả bằng một vẻ đẹp mong manh, thuần khiết. Vừa mờ ảo, vừa ma mị, nhưng cũng lại mãnh liệt bất thường.
Xứ tuyết đẹp đẽ với đầy cảnh sắc, giữa những con người hồn hậu, chất phác và dịu dàng, Shimamura rơi vào một mùa thu thật nhiều suy tính. Bản chất lười biếng, thích hưởng thụ của chàng lần đầu phải đắn đo giữa hai điều căn cốt: dục vọng hay tình yêu.
Chàng mẫn cảm trước cái đẹp nhưng lựa chọn hẳn thứ gì đó thật khó quyết định. Bên cạnh Komako nhưng trong lòng Shimamura lại luôn có hình bóng Yoko. Chàng nhận ra, cái mờ ảo và mong manh trong vẻ đẹp khó diễn tả của Yoko chính là vẻ đẹp chàng khao khát theo đuổi và nắm bắt cả đời.
Đưa ra quyết định dứt bỏ ai đó thật khó với con người yếu đuối, lãng tử như Shimamura, chàng chỉ còn cách rời xa xứ tuyết để tự giải thoát bản thân ra khỏi lựa chọn khó khăn ấy. Một sự giải thoát không đưa ra một kết luận nào hết, không chứng tỏ mình theo đuổi dục vọng cũng không dám quyết tâm theo đuổi tình yêu. Nhưng cuộc đời luôn đầy rẫy bất ngờ, chính Shimamura cũng không ngờ rằng mình vĩnh viễn không còn cơ hội gặp được tình yêu mình khao khát nữa.
Đánh giá về tác phẩm, dịch giả người Pháp Armel Guerne cho rằng, “Đây là một tác phẩm thuần túy Nhật Bản khác với lối tư duy trong ngôn ngữ phương Tây vốn nặng về gò bó duy lý. Nghệ thuật mờ ảo, cái Đẹp được miêu tả tinh tế lộng lẫy, lối kết cấu gần như vô hình.”
Xứ tuyết có cốt truyện đơn giản, nhưng thể hiện đỉnh cao mỹ học của Kawabata − “thẩm mỹ của chiếc gương soi”, thông qua cái nhìn huyền ảo hóa thế giới thực. Xứ tuyết trong truyện được miêu tả như một thế giới khác, ở bên kia đường hầm, tách hẳn khỏi thế giới thực... Nhưng đó không phải là thế giới cổ tích mà là một thế giới được cảm nhận như một đối chứng với thế giới thực về bản ngã và cái đẹp.
Giống như nhiều tác phẩm khác của Kawabata, luôn có cái chết xuất hiện trong câu chuyện. Có thể, bởi cuộc đời đã bị cái chết đè nặng từ thuở ấu thơ đã khiến Kawabata luôn bị ám ảnh. Nhưng có thể thấy, ông không hề khiên cưỡng khi đưa nhân vật tới cái chết, mà hoàn toàn là một dẫn dắt tự nhiên, như đời sống con người, không có cái vĩnh cửu, chỉ có cái hữu hạn. Cái chết là một phần sự sống, và cái đẹp sẽ tiếp tục tái sinh.
Nhận định chuyên gia
Nguyễn Thanh Nguyệt, Tường Lan Chi, ĐH Sư phạm Hà Nội
Trong Xứ tuyết, thiên nhiên đã thể hiện trọn vẹn quan niệm thẩm mỹ Nhật Bản. Thiên nhiên hiện lên đầy sức sống và rung cảm trong Xứ tuyết cũng chính là niềm tin của người Nhật về thuyết “vạn vật hữu linh” – mọi vật đều có linh hồn. Thiên nhiên hiện lên là một vẻ đẹp hài hòa, hòa quyện về đặc trưng của các nguyên lý thẩm mỹ trong quan niệm thẩm mỹ Nhật Bản…
Với Kawabata, một tâm hồn suốt đời tìm kiếm và trân trọng cái đẹp, ông đã đưa xứ tuyết trở thành một bức tranh thiên nhiên với những rung cảm sâu sắc về cái đẹp…
Nhận xét độc giả
Thảo luận