Thông tin ebook
Tóm tắt tác phẩm
Trò chuyện với Nguyễn Tuân là ghi chép của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Trai về những cuộc trò chuyện giữa tác giả và Nguyễn Tuân từ năm 1972 cho đến sau này.
Cuốn sách gồm nhiều phần khác nhau, với các cuộc trò chuyện xoay quanh những chủ đề chính như: chuyện nghề nghiệp, về con người tính cách Nguyễn Tuân, về gia đình và bạn bè… Ngoài ra còn có phần phụ lục, trong đó là những bút tích trao đổi của bạn bè, đồng nghiệp, độc giả… về Nguyễn Tuân.
Chuyện nghề nghiệp là những cuộc trao đổi quanh nghiệp viết lách, những quan điểm về sáng tác, cách viết thế nào, cảm giác của ông ra sao… Cũng “hé lộ” những bí mật nghề nghiệp trong quá trình sáng tác.
Về con người và tính cách Nguyễn Tuân là những khía cạnh về con người, tính cách của ông qua lối sống, đối xử với bạn bè cả trong nước và quốc tế. Đó là một Nguyễn Tuân thẳng thừng đến lập dị trong ứng xử nhưng cũng lại rất nồng nhiệt, tình cảm.
Và một gia đình với người vợ đảm đang, đã gánh vác gia đình để cho Nguyễn Tuân được tự do “bay nhảy” sáng tác.
Nhà xuất bản: NXB Hội Nhà Văn,Phương Nam Book
Số trang: ..... (dựa vào số trang của sách in)
Dung lượng ebook: 6.33MB
Đánh giá của KOMO
Trò chuyện với Nguyễn Tuân là những cuộc trò chuyện của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Trai với Nguyễn Tuân, với một tình cảm trân trọng hiếm có với người đồng nghiệp, theo tác phong của người làm khoa học: chi tiết, chính xác, và có tài liệu, dẫn chứng, người đối chất.
Nổi bật lên vẫn là câu chuyện về nghiệp văn của Nguyễn Tuân, có thể thấy, đây là vấn đề nổi bật lên ở tất cả các phần khác trong cuốn sách, với dụng ý rất rõ của người viết, là nhằm vào khai thác thêm về quan điểm sáng tác cũng như “bí kíp” nghề nghiệp của ông. Một điều rất quý cho những người viết thế hệ sau này.
Nguyễn Tuân đưa ra quan điểm sáng tác rất rõ ràng, ban đầu phải có cái gì để nói, tiếp đó là tìm cách để viết được cái đó.
Không chỉ như vậy, ông còn đưa ra cả ý tưởng về biên tập: thành lập sở kiểm duyệt, quy rõ trách nhiệm với cả người viết và người kiểm duyệt, chứ không thể tùy tiện cắt bỏ… Có lẽ ông muốn người viết được tự do nhất trong khi cầm bút.
Cuộc trò chuyện cho thấy một Nguyễn Tuân nghiêm túc trong công việc, khác hẳn cái ngất ngư trong đời sống như trong những giai thoại kể lại. Ông cũng khuyên những người viết trẻ, bên cạnh việc đi nhiều thì phải đọc nhiều, vì sách cũng là một nguồn thực tế; và phải sống trung thực.
Những cuộc chuyện trò cũng cho thấy rõ hơn con người và tính cách Nguyễn Tuân. Đó là thẳng thắn đến lập dị trong ứng xử, yêu ghét rất rõ ràng: quý ai thì tiếp đãi mà không ưa ai sẵn sàng mời khỏi nhà… Thậm chí, ông còn cực đoan đến mức lập cả danh sách những người đi đưa ma mình.
Nguyễn Tuân đến với cách mạng thật hồn nhiên, như con người ông vậy. Với những câu hỏi về quá trình tham gia vào cách mạng của Nguyễn Tuân, tác giả đã cùng với Nguyễn Tuân dựng lại những giai đoạn phát triển của văn nghệ cách mạng, với những tên tuổi và dấu ấn trong từng giai đoạn, một tư liệu quý giá cho những người muốn tìm hiểu về lịch sử và nền văn học nước nhà.
Trong phần này còn có cuộc trò chuyện với vợ Nguyễn Tuân. Những gian khổ của cả gia đình mà chỉ một người vợ cáng đáng, còn ông chồng thì cứ “bay lượn” khắp nơi, được bà thuật lại hồn nhiên, thẳng thắn.
Cũng là những thuật lại của Nguyễn Tuân về thời tuổi trẻ ngỗ nghịch của ông, với “gien di truyền giang hồ”, ông đi khắp nơi, phá tan gia sản của mẹ cũng như của vợ. Nhưng sự phá phách ấy là để thỏa cái chí của người đi bởi sự hứng khởi trước cuộc đời quá rộng, đâu cũng muốn đi, điều gì cũng muốn biết.
Chính máu giang hồ ấy đã khiến ông có một bút lực dồi dào, bởi bên cạnh tài năng là nguồn cảm hứng vô tận từ thiên nhiên, con người, từ những thử thách trên đường, ông từng leo lên đỉnh Fansipan năm 1964.
Xuyên suốt các cuộc chuyện trò vẫn là câu chuyện về nghề nghiệp, vì vậy cuốn sách là những kinh nghiệm quý giá cho những người có mong muốn cầm bút thực sự, đó cũng là những đúc rút của ông với nghề cầm bút, sau bao nhiêu thăng giáng trong nghề, mà ông bảo là “nghề viết văn như có thời, có vận”.
Cuốn sách là sự kỳ công của người viết, bởi bên cạnh việc ghi chép rất tỉ mỉ còn là những tư liệu, tài liệu, bút tích được tập hợp trong phần phụ lục, để độc giả có thể tận mắt thấy được phần nào đó con người Nguyễn Tuân.
Nhận định chuyên gia
Nhà phê bình Văn học Vương Trí Nhàn
Cuốn sách Nguyễn Tuân: con người và văn nghiệp (NXB Tác phẩm mới – 1991) thực ra chỉ là một phần nhỏ trong những tư liệu chị đã chuẩn bị cho một công trình dài hơi viết về cụ Nguyễn. Chỉ riêng những cuộc trò chuyện với Nguyễn Tuân đã được chị ghi chép lại trong mấy cuốn sổ dày đặc những chữ…
Mười năm gần đây, Ngọc Trai để hết tâm sức cho Trung Tâm nghiên cứu Trợ Giúp Người Cao Tuổi và quả thực đó là một việc cũng rất đáng quý. Song với tư cách là một đồng nghiệp, tôi cứ tha thiết cầu mong có ngày Ngọc Trai dành ra một khoảng thời gian cần thiết để hoàn chỉnh các ghi chú về Nguyễn Tuân và công bố rộng rãi trước bạn đọc. Dù có bao nhiêu nhà nghiên cứu đổ công sức tìm hiểu cụ Nguyễn, dù có bao nhiêu luận văn tiến sĩ, thạc sĩ viết về cụ Nguyễn tiếp tục ra đời, thì một công trình mang tên Trò chuyện với Nguyễn Tuân mà Ngọc Trai ấp ủ cũng sẽ không gì thay thế được …
Nhà phê bình Đỗ Ngọc Yên
Với một nhà văn lớn như Nguyễn Tuân có thể chúng ta còn tốn nhiều bút giấy và thời gian dài dài nữa cũng chưa hẳn đã khám phá hết được nhân cách văn hóa của ông. Nhà phê bình Ngọc Trai rất có lý khi cho rằng: "Có một Nguyễn Tuân cương trực, ngang bướng, gai góc, khinh bạc, kênh kiệu bên cạnh một Nguyễn Tuân nhân hậu đầy ưu ái với con người, cuộc đời... Có một Nguyễn Tuân ồn ào, phá phách bên cạnh một Nguyễn Tuân cô đơn luôn nặng trĩu lòng ưu thời mẫn thế..."
Dù nhìn ở góc độ nào, Nguyễn Tuân vẫn là một cây đại thụ trong làng văn chương Việt hiện đại. Chỉ có điều cây đại thụ ấy ngoài cành rễ xum xuê, chồi non, lộc biếc, lá vàng, hoa thắm, còn có cả những cái gai vô cùng sắc nhọn, khiến nhiều người cảm thấy e ngại mỗi khi mon men đến gần, nếu chưa đủ thành tâm và một cảm quan thẩm mỹ lành mạnh, một bản lĩnh văn hóa cần phải có đối với một văn nhân đích thực. Nhân đây xin bày tỏ sự biết ơn nhà phê bình văn học Ngọc Trai đã đem đến cho bạn đọc, trong đó có tôi, những tư liệu vô cùng quý giá về chân dung thực của nhà văn Nguyễn Tuân, người đã, đang và sẽ còn tỏa bóng xuống nền văn chương nước nhà.
Nhận xét độc giả
Thảo luận