Uncategorized

Life Navigator 25: Người tình của cả thế gian

life-navigator-25-nguoi-tinh-cua-ca-the-gian_51377_1

Life Navigator 25: Người tình của cả thế gian, tiêu đề tác phẩm như thế sẽ dễ khiến người đọc nghĩ Life Navigator 25 là nhân vật chính của câu chuyện, chàng sẽ xuất hiện với tần suất dày đặc và nội dung truyện chủ yếu xoay quanh chàng. Tuy nhiên, Life Navigator 25 không xuất hiện nhiều trong truyện dưới bản thể là chính chàng. Người xuất hiện nhiều nhất là người chàng yêu, kế đến có lẽ là người yêu người chàng yêu. Life Navigator 25 tồn tại thật lặng lẽ, khiêm nhường trong thế giới ấy. Nhưng, cũng chính điều đó đã biến chàng trở thành một người tình đích thực của cả thế gian, người biết cúi xuống để nâng những điều đẹp đẽ lên, người quan sát tinh tường để không bỏ lỡ bất cứ sát na nào của vũ trụ, người dịu dàng lắng nghe tiếng nói bên trong của người mình yêu.

Slice of life được điểm xuyết bằng sci-fi

Trong Life Navigator 25: Người tình của cả thế gian, có một sự kiện chính bao trùm toàn bộ tác phẩm, đó là: ngày Tận Thế. Các sự kiện diễn ra trong tiểu thuyết này có thể chia thành ba giai đoạn: trước, trong và sau Tận Thế. Life Navigator 25 ra đời sau Tận Thế nhưng ý thức của chàng là phi thời tuyến, chàng có thể vượt qua mọi thời gian, mọi không gian, đi sâu vào bất cứ linh hồn nào để thấu hiểu họ như những người bạn Life Navigator khác của chàng. Trong thế giới ấy, chỉ có ba mươi Life Navigator chính thức được công nhận và Life Navigator 25 của chúng ta vừa là một Life Navigator vừa là một Dream Navigator (người có thể đi vào hoặc tái tạo thế giới trong giấc mơ của ai đó). Có lẽ, trong lúc chu du vô định, Life Navigator 25 đã tình cờ gặp “nàng”, nhìn thấy sự đặc biệt trong linh hồn nàng, sức mạnh tinh thần nàng và rồi cảm mến nàng.  Nàng, con người Trái Đất bình thường ấy còn cách xa Tận Thế cả hàng thế kỉ, nàng vốn không có chút dự cảm nào về ngày ấy. Nhưng với tình yêu dành cho nàng và tình yêu dành cho cả nhân loại, chàng đã cố gắng thông báo đến nàng điều ấy bằng cách gieo vào nàng hạt giống dự cảm mơ hồ qua những giấc mơ kì lạ. Và như thế, Life Navigator 25: Người tình của cả thế gian là chuỗi câu chuyện xen kẽ giữa đời thực và giấc mơ, giữa ý thức và tiềm thức, giữa vật chất và tinh thần… để rồi càng tiệm cận đến cái kết (mà dường như không phải kết), ranh giới giữa các khái niệm này càng mờ nhòa đi.

Với đoạn mở đầu giải thích những khái niệm mới đặt trong viễn cảnh tương lai, Life Navigator 25 (từ đây đến cuối bài viết, xin được gọi tắt tên tác phẩm như thế) có lẽ sẽ dễ mang đến cho độc giả dự tưởng về một câu chuyện thuộc thể loại sci-fi sắp diễn ra phía trước. Tuy nhiên, cuốn tiểu thuyết này không hẳn thuộc về thể loại sci-fi. Cụ thể hơn, sci-fi không phải là cái khung để câu chuyện bám sát vào, sci-fi chỉ là một trong những yếu tố để kể chuyện, là thứ góp phần vào việc tạo chi tiết, tình tiết và không khí cho truyện, nó như một hoa văn được chạm trổ thêm trên nền bức tranh đã được định hình sẵn cơ bản về đường nét và màu sắc. Vậy, nét vẽ chính trong tác phẩm này là gì? Hẳn nhiên, với sự khảo sát tỉ mỉ của tác giả Trần Tiễn Cao Đăng về giấc mơ, về tâm lí con người, về cái ác, về vẻ đẹp, ta hoàn toàn có thể xếp tác phẩm này vào thể loại tâm lí – xã hội mà không sợ sẽ có sự sai sót quá lớn diễn ra ở đây.

Chứa đựng trong mình cả một thế giới mới với nhiều điều bí ẩn nhưng Life Navigator 25 không sa đà vào việc dẫn dắt độc giả khám phá những điều bí ẩn ấy, cuốn tiểu thuyết này tập trung đào sâu vào điều cơ bản hơn và có lẽ cũng là quan trọng hơn: ý thức con người khi được biểu hiện lại dưới dạng hình ảnh tiềm thức trong giấc mơ mang ý nghĩa gì, hay ngược lại, liệu hình ảnh hiện ra trong giấc mơ chỉ còn được ghi nhớ bởi tiềm thức sẽ có tác động nào đáng kể lên ý thức không; cuối cùng, toàn bộ quá trình này để lại dấu ấn như thế nào trong tâm lí con người, trong những hành vi thiện – ác của họ giữa cuộc đời. Để trả lời những câu hỏi ấy, lẽ đương nhiên giấc mơ là thứ tối quan trọng và chiếm dung lượng đáng kể trong tiểu thuyết này. Nếu chia tỉ lệ nội dung giữa giấc mơ và đời thường, có lẽ con số sẽ là 50:50. Các chương về giấc mơ, các chương về đời thường đều đặn xen kẽ nhau tạo ra không khí slice of life thú vị, chúng ta như được theo dõi hàng ngày quá trình sinh hoạt của một người mơ và thức dậy nối tiếp nhau, các sinh hoạt khác đã bị lược bỏ đi hoặc không có tầm quan trọng chính yếu bằng hai cột mốc hành động ấy. Những câu chuyện trong giấc mơ và đời thường đôi khi bổ trợ cho nhau, đôi khi lại có rất ít sự liên quan đến nhau, điều này cũng giống như trong thực tế, chúng ta thường không lường được mình sẽ nằm mơ thấy những gì.

Bộ sưu tập những tiếng thét

Có thể gọi, loạt giấc mơ mà Life Navigator 25 mang đến cho nàng là bộ sưu tập về những tiếng thét. Trong giấc mơ ở chương Người đẹp và thú nhỏ, tác giả có đề cập đến bức tranh The Scream của Edvard Munch – điều này càng cho thấy rõ hơn dụng ý của anh khi giấc mơ nào cũng kết thúc hoặc có cao trào nằm trong tiếng thét của một ai đó, phần lớn là tiếng thét của nàng và đôi khi có tiếng thét của những người khác, rất nhiều người khác, một đám đông trong cơn vĩ cuồng. Giống như không gian bị bóp méo đến mức buồn bã bức bối trong The Scream, những giấc mơ của nàng hay của Life Navigator 25 cũng mang màu sắc tương tự như thế. Các giấc mơ đều khởi đầu bằng một điểm kì lạ nho nhỏ, không quá nổi bật song đủ gợi lên dự cảm về điều khốc liệt sắp diễn ra phía trước. Điểm kì lạ ấy như một thứ virus âm thầm mà hiệu quả, lan rộng nhanh chóng cả về phạm vi ảnh hưởng lẫn cấp độ nguy hiểm của nó. Cho đến khi mọi sinh thể trong không gian nàng có mặt đều bị tiêm nhiễm thứ virus ấy, cho đến khi mọi thứ khuếch trương đến đỉnh điểm, cho đến khi sức chịu đựng của nàng chạm ngưỡng giới hạn, một thứ gì đó dường như bị tiêu diệt đi, đồng thời một thứ gì đó vừa như được sinh ra, và nàng tỉnh giấc. Như bao người bình thường, nàng không thể nhớ rõ hết những hình ảnh, chi tiết trong các giấc mơ của mình, nàng chỉ nhớ được vài nét tiêu biểu của nó. Tuy nhiên, cảm giác kinh hãi mà những giấc mơ mang đến cho nàng vẫn luôn đọng lại rất rõ rệt sau khi thức giấc. Việc bị ám ảnh bởi một cảm giác nào đó nhưng lại không thể nhớ rõ nguồn cơn sinh ra nó khiến nàng đau khổ, nàng hỏi Life Navigator 25 hay là tự chất vấn chính bản thân mình rằng: “Tại sao em lại phải mơ những giấc mơ này? Nó có ý nghĩa gì? Tại sao lại cho em mơ nó để rồi khi tỉnh dậy em cũng sẽ quên nó hay phần lớn của nó?” Nàng không thể có được câu trả lời cho việc này nhưng thông qua quá trình cùng nàng khám phá những giấc mơ, chúng ta hiểu được một điều tuy không mới nhưng luôn quan trọng: ý thức có thể quên nhưng tiềm thức luôn ghi nhớ, và tiềm thức một lúc nào đó có thể trở ngược thành ý thức, từ ý thức lại chuyển hóa thành hành động. Xét trên khía cạnh đó, dù nghe có vẻ nghịch lí nhưng đôi khi, những thứ bản thân ngỡ như đã quên lại còn quan trọng hơn cả những thứ bản thân vẫn nhớ. Đơn giản là vì chúng ta có thể kiểm soát được ý thức nhưng không thể kiểm soát được tiềm thức. Một người bình thường không làm điều gì ác, bỗng dưng một ngày y khiến mọi người ngỡ ngàng vì hành động ác bất chợt của mình, mầm mống của cái ác được gieo vào đầu y từ những hình ảnh bạo lực trong tiềm thức sau bao ngày bị nén chặt dưới lòng đất, cuối cùng đã trỗi dậy. Một trong những cách gần như duy nhất để chúng ta ngõ hầu kiểm soát được tiềm thức của mình là cố gắng rải vào nó càng nhiều hình ảnh tốt đẹp, hoặc càng nhiều hình ảnh đau buồn về cái đẹp bị hủy diệt, càng nhiều chừng nào càng tốt chừng nấy. Việc này có thể thông qua các trải nghiệm nghe nhìn khi thưởng thức tác phẩm nghệ thuật hoặc thông qua kinh nghiệm đời sống. Và Life Navigator 25 – một người không có cơ thể, không bị giam giữ tù túng trong một khối vật chất, và vì thế vô định hình, hầu như không người phàm nào có thể nhìn thấy nhưng lại muốn giúp nàng tăng cường ý chí, sức mạnh tinh thần đã chọn cách tạo ra những sức mơ mang màu sắc hủy diệt và cho nàng không chỉ chứng kiến chúng mà còn thực sự sống trong chúng, có thể thay đổi chúng nếu ước muốn của nàng đủ mạnh.

Thông qua hành động liên tục mơ rồi liên tục thức dậy, liên tục nhớ và liên tục quên của nàng, chúng ta có thể nhận thấy ở đây vai trò hay ý nghĩa tương tự của việc đọc, rằng việc đọc một quyển sách đôi khi chẳng khác gì việc mơ một giấc mơ. Giống như những giấc mơ, đa phần chúng ta rồi cũng sẽ quên những cuốn sách mình đã đọc nếu như không bao giờ đọc lại nó lần thứ hai. Theo một thống kê, khoảng 80% những gì chúng ta đọc sẽ không trở lại trong tầm mắt ta lần nào nữa, đó là lí do ta thường hay quên những gì mình đã đọc. Vậy nên, đã bao giờ bạn từng có câu hỏi này chưa: nếu trước sau gì tôi cũng sẽ quên cuốn sách tôi sắp sửa đọc thế thì sau một thời gian, việc tôi đọc nó có khác gì với không đọc nó đâu? Nếu như bạn đã từng có câu hỏi như vậy, nghĩa là bạn đã rơi vào tâm trạng giống nàng khi nàng tự hỏi tại sao cứ phải mơ những giấc mơ mà bản thân sẽ quên; và như thế, rất có thể bạn sẽ đồng cảm với nàng. Câu hỏi ấy và hành trình tìm câu trả lời của nàng nhắc chúng ta nhớ rằng việc đọc cũng là để kiểm soát tiềm thức theo một cách có ý thức, sao cho bản thân tránh được việc gây ra sự tổn hại đến những sinh thể khác.

Sự giống nhau của những sinh thể

Trong tác phẩm Nếu một đêm đông có người lữ khách, Italo Calvino từng đề cập đến việc nếu làm phép thống kê cho thấy những cụm từ nào được sử dụng nhiều nhất trong một văn bản thì ta sẽ nắm được phần lớn tinh thần của tác phẩm đó mà không nhất thiết phải đọc hết văn bản, hoặc có thể xem đó như một cách giúp ta hiểu hơn về văn bản. Điều này cũng tương tự như khi ta vào thăm trang WordPress hay website riêng của một người nào đó mà chưa đọc bất cứ bài viết nào nhưng nhìn vào những tag họ sử dụng nhiều nhất, ta có thể biết được các chủ đề họ quan tâm, phần nào đó là tính cách của họ, thậm chí nếu bằng trực giác tốt hơn, ta có thể biết họ có hợp với ta hay không. Vậy thì, trong Life Navigator 25 nhóm từ nào được lặp đi lặp lại thường xuyên nhất? Tôi không dùng bất cứ công cụ nào để thử tính toán nhưng bằng cảm giác chủ quan khi đọc, tôi nhận thấy những từ được lặp lại nhiều nhất trong tác phẩm này là: giấc mơ, tiếng hét, bản thể, sinh thể… Trong đó, tôi muốn nhấn mạnh đến chữ sinh thể. Ở rất nhiều trường hợp, thay vì dùng chữ con người, Cao Đăng dùng chữ sinh thể. Ở nhiều trường hợp khác, thay vì dùng chữ động vật, Cao Đăng cũng dùng chữ sinh thể. Và trong nhiều trường hợp rải rác khắp tác phẩm, thay vì dùng kết hợp hai chữ con người và động vật, hay người và thú, Cao Đăng vẫn lựa chọn dùng chữ sinh thể để chỉ chung cả hai. Chữ sinh thể xuất hiện với mật độ đáng chú ý như thế cho thấy nỗ lực của tác giả trong việc cố gắng tạo sự bình đẳng giữa người và vật (không chỉ động vật mà cả thực vật). Chẳng phải rằng dù là người hay vật, khi đang sống cũng đều là những sinh thể giống nhau hay sao? Chẳng có gì khác biệt ở đây cả. Chỉ cần không có cái chết cách biệt, mọi thứ đều giống nhau ở chỗ đang sống, đang tồn tại. Bản thân Life Navigator 25 đã có rất nhiều đoạn đề cao tình yêu bình đẳng giữa người và thú, lên án cách đối xử tàn bạo của con người với động vật, thế nhưng ngay từ một chi tiết nhỏ là cách gọi tên, cách dùng từ như thế lại càng cho người đọc thấy rõ hơn tình yêu, sự trân trọng của tác giả dành cho loài vật.

Mở rộng khả thể cho một bản thể

Trong Life Navigator 25, Cao Đăng sử dụng rất nhiều những câu văn dài. Nếu làm một phép ước lượng, tôi áng chừng câu văn dài chiếm khoảng 80% đến 90%; trong khi đó, những câu ngắn chỉ nằm ở mức 10% hay 20%. Điều này có thể khiến cho một số người đọc không quen sẽ cảm thấy mệt mỏi vì trong một đoạn văn dài thường không có sự thay đổi nhịp điệu linh hoạt. Tuy nhiên, nếu nói anh viết theo dòng ý thức đến mức không cho độc giả nghỉ ngơi thì không đúng. Chỉ là, anh ít dùng dấu chấm để kết thúc câu nhưng trong một câu dài thì lại sử dụng nhiều dấu phẩy để ngắt từng thành tố trong câu, hoặc dùng những từ như “hay”, “hoặc” để đưa ra nhiều giả định khác nhau cho cùng một vấn đề. Dưới đây là một câu ví dụ cho việc này:

“Và, như một con vật, cũng như tất cả mọi con người đều đồng thời hay trước hết hay về cơ bản hay về thực chất là con vật, hắn cảm thấy được trong máu hắn điều mà óc hắn không đủ năng lực hiểu.”

Câu này có thể chọn lựa một nhóm mệnh đề duy nhất cho câu ngắn hơn như sau:

“Và, như một con vật, cũng như tất cả mọi con người đều đồng thời là con vật, hắn cảm thấy được trong máu hắn điều mà óc hắn không đủ năng lực hiểu.”

Khoảng thời gian đầu khi đọc Life Navigator 25, tôi cảm thấy rất thích thú với nhóm câu như thế này, chúng tạo ra một âm điệu lạ trong đầu tôi. Tuy nhiên, khi đọc đến khoảng giữa quyển sách, khi việc kết nối các nhóm mệnh đề lại với nhau bắt đầu khiến tôi thấy mệt mỏi, đôi lúc tôi thường tự hỏi sao anh không chọn hẳn một nhóm mệnh đề thôi để bỏ bớt những “hay”, “hoặc” cho câu văn gọn đi, dễ đọc hơn, dễ nắm bắt hơn. Nhưng tiếp tục đọc, càng đọc tôi càng hiểu được vì sao anh sử dụng nhiều những “hay”, “hoặc”. Có vẻ như, thông qua việc sử dụng nhiều nhóm câu như thế này, anh muốn chỉ ra sự bất toàn của vạn vật trong cuộc sống. Không bao giờ, một vật nào đó nằm nghiêng hẳn về một tính chất nào đó, tất cả đều nằm ở giữa lưng chừng hoặc thế này, hoặc thế kia. Bên cạnh đó, nhóm câu này cũng cho thấy sự quan sát tỉ mỉ, không bỏ lỡ bất cứ khoảnh khắc nào, sắc thái nào, chuyển biến dù nhỏ nhặt nhất nào của Life Navigator 25 khi anh sống. Nó biểu hiện cho việc anh nhìn ra được nhiều khả thể khác nhau trong cùng một bản thể, và anh đã thu nhận tất cả vào tâm thức của mình mà không triệt tiêu bất cứ khả thể nào cho dù chúng có nhỏ bé đến đâu chỉ để khẳng định duy nhất khả thể chiếm thế thượng phong. Và như thế, cuộc sống mở rộng không ngừng với nhiều cái-có-thể-là khác nhau. Và như thế, anh thực sự là người tình của cả thế gian.

Bên cạnh việc sử dụng nhóm câu “hay”, “hoặc”, Cao Đăng cũng thường sử dụng nhóm câu bị ngắt quãng nhiều lần bởi dấu ngoặc đơn như một cách để mở tính chất của sự vật được đề cập, hoặc mang ý giải thích thêm. Dưới đây là một câu ví dụ:

“Rồi thì hắn nhận ra (vẫn trong cùng một khoảng thời gian cực ngắn đó) rằng nếu hắn hành động thật nhanh, chạy theo con chó, đuổi kịp nó, túm lấy nó, ôm chặt nó vào lòng (không để nó vùng thoát ra được) rồi cắm đầu chạy theo hướng thích hợp (mà bản năng mách bảo hắn) thì hắn vẫn có cơ may thoát khỏi cái chết dưới dạng cái thân cây khổng lồ đang đổ xuống hắn…”

Vậy nên, tôi tạm kết luận rằng để quen với văn phong của Trần Tiễn Cao Đăng, người đọc phải chấp nhận tình trạng ngắc ngứ liên tục và các đối tượng được đề cập trong câu không ngừng phình nở ra nhiều khả thể khác của nó.

Những phác thảo vẽ chồng lên nhau

Không chỉ là với văn phong, bản thân tác phẩm Life Navigator 25 cũng là hiện thân cho sự mở rộng khả thể đối với một bản thể. Điều này trước tiên biểu hiện qua việc những nhân vật trọng yếu trong tiểu thuyết này đều không có tên cụ thể: Life Navigator 25 chỉ là số hiệu của chàng Life Navigator chúng ta được biết, nàng thì có một cái tên nằm trong hai câu thơ Đường mà ta sẽ không bao giờ biết rõ từ nào trong đó thuộc về tên nàng, người nàng yêu hay người yêu nàng hay người Life Navigator 25 chọn để thỉnh thoảng nhập vào cũng chỉ được ta biết tên viết tắt là T. Chính sự mơ hồ ấy phần nào đó cũng giúp cho khả năng mở rộng bản thể của những đối tượng này được nhân lên nhiều lần.

Nếu như Life Navigator 25 chủ yếu chỉ xuất hiện trong giấc mơ và T. chủ yếu chỉ xuất hiện trong đời thực thì nàng lại xuất hiện xuyên suốt cả trong giấc mơ lẫn hiện thực. Vì vậy, có thể nói nàng là người xuất hiện nhiều nhất trong câu chuyện này. Tuy nhiên, điều đó không làm cho nàng trở thành nhân vật dễ hiểu, dễ nắm bắt mà có phần ngược lại: nàng càng xuất hiện nhiều, người đọc càng có thể thấy nhiều khả thể khác nhau của nàng thì nàng lại càng trở nên khó hiểu, khó nắm bắt hơn. Những gì chúng ta đã biết ở nàng liên tục được bổ sung, loại trừ, hòa nhập, tách biệt với những gì chúng ta sắp biết hoặc chưa biết ở nàng. Thế nhưng, có hẳn là Life Navigator 25 và T. dễ hiểu hơn, dễ nắm bắt hơn? Có hẳn là Life Navigator 25 chủ yếu xuất hiện trong giấc mơ và T. chủ yếu xuất hiện trong đời thực?

Thông qua việc đưa ra nhiều khả thể khác nhau, Life Navigator 25: Người tình của cả thế gian dường như trở thành một bức phác thảo với nhiều chi tiết chằng chịt lẫn vào nhau, song không một chi tiết nào được tô đậm hơn chi tiết nào. Tất cả đều mờ nhạt, mơ hồ. Tựa như một họa sĩ vừa phác thảo xong một đối tượng đã nhìn thấy khả thể khác trong đối tượng ấy, bèn lấy khả thể vừa thấy được vẽ chồng lên phác thảo đầu tiên; trong quá trình này, người đó lại tiếp tục thấy những khả thể khác và cứ thế vẽ chồng lên mãi, lên mãi. Một nét vẽ chỉ được phết nhẹ một lần và không bao giờ quay trở lại để đồ đậm thêm. Cuối cùng, chúng ta có được bức tranh không hoàn chỉnh về những khả thể khác nhau. Hoặc có thể nói, ta có được bức phác thảo hoàn chỉnh và mãi mãi chỉ dừng lại ở phác thảo. Nhưng liệu cuộc sống có bao giờ trở nên thực sự hoàn chỉnh hay là phiên bản chính thức của một chủ thể nào đó chăng? Chính vì nó không hoàn chỉnh và liên tục mở rộng khả thể trong từng giây, một phần triệu triệu của giây mà chúng ta vừa tự do, vừa cô đơn như thế. Vừa thấy mình bất hạnh song cũng thật hạnh phúc.

Đánh giá: ****

Kodaki

KOMO chân thành cảm ơn bạn Kodaki đã đóng góp bài viết này. 

Độc giả có bài cảm nhận về tác phẩm, thông tin/bài phỏng vấn tác giả hoặc bài viết về sách/việc đọc sách nói chung… muốn đóng góp cho KOMO Blog, xin gửi về ebookclub@komo.vn. Nếu bài viết được duyệt đăng blog KOMO, bạn sẽ được tặng một ebook bất kì trên KOMO do bạn tự chọn. 

Lời BTV

Độc giả yêu thích nhà văn, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng có thể tìm đọc những tác phẩm dịch của anh đã có ebook tại KOMO dưới đây:

Tên Của Khí Trời – Alberto Ruy Sánchez

300x384-ten-cua-khi-troi

Việc MáuMichael Connelly

300x384-viec-mau

Xứ Cát – Frank Herbert

300x384-xu-cat

 

Đăng bình luận

concepted and designed by Nhon Giang