Blog, Gặp gỡ

Yann Martel: “Bạn phải mở rộng lòng mình”

Bài phỏng vấn Yann Martel – tác giả của Cuộc Đời Của Pi, đăng trên The Talks, KOMO xin trích dịch gửi tặng bạn đọc.

Yann Martel

Yann Martel

Yann Martel
Ngày sinh: 25/06/1963
Nơi sinh: Salamanca, Tây Ban Nha
Nghề nghiệp: Nhà văn.

– Ông Martel, ông có cho rằng mình là một người dẫn chuyện không đáng tin cậy không?

Thật ra tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đó. Khi sáng tác, tôi luôn cố gắng chừa khoảng trống để mọi người tưởng tượng. Nên không phải là tôi không đáng tin cậy, mà tôi nghĩ rằng mình khá thoải mái. Sau tất cả, truyện hư cấu là một lựa chọn. Nghệ thuật vốn đã là một lựa chọn. Bạn phải có khả năng truyền tải nó theo hướng bạn muốn, nếu không thì không thể trở thành một phần của câu chuyện. Trong tiểu thuyết đầu tiên của tôi, Cuộc đời của Pi, người dẫn chuyện là Pi đã kể hai câu chuyện. Tôi chọn phương thức này vì muốn độc giả đối mặt với sự lựa chọn. Tôi nhận thức được nhu cầu tự do tưởng tượng và truyền tải ý nghĩa câu chuyện.

– Về Cuộc đời của Pi, ông đã nói “Tất nhiên đây là câu chuyện có thật. Mọi nghệ thuật chân chính đều có thật.” Có phải ý ông rằng sự thật là điều để chúng ta tưởng tương không?

Ý của tôi khi nói về “sự thật” chính là tính thực tế. Trong thời đại hiện nay, chúng ta thường có xu hướng xem trọng sự thật. Và tôi không nói rằng sự thật không quan trọng, nhưng đó không phải là thứ duy nhất trong cuộc sống của chúng ta. Tôi nghĩ đối với hầu hết chúng ta, sự thật chỉ là điểm bắt đầu. Bạn biết đó, lực hấp dẫn tồn tại, chúng ta không thể phủ nhận lực hấp dẫn. Và bạn sẽ làm gì với lực hấp dẫn đó? Đó là khởi đầu của câu chuyện. Chúng ta sẽ nhanh chóng bỏ những sự thật lại phía sau và tôi cho rằng rất nhiều thứ trong đời cuối cùng sẽ hướng về cách ta thấu hiểu chúng. Đó chính là điều cốt lõi của Cuộc đời của Pi: bạn càng thấu hiểu cuộc đời mình, câu chuyện sẽ càng phong phú. Và đó chính là giá trị của quyển sách này.

– Vậy ông có cho rằng sự thật có nhiều tầng lớp ý nghĩa?

Có nhiều loại sự thật khác nhau. Chúng ta có sự thật thực tế, sự thật cảm xúc, sự thật tâm lý… Nghệ thuật cũng là một loại sự thật chân chính, có giá trị. Nghệ thuật mang lại sự lạc quan, nên đối với tôi, nghệ thuật thuộc về một lĩnh vực vĩ mô hơn. Nghệ thuật chân chính đều quay về sự thật, về sự khẳng định của con người. Tầm nhìn về bản thân chúng ta, tầm nhìn về xã hội là những giá trị cốt lõi của nghệ thuật dẫn chuyện.

– Có cần thiết phải thêm thắt vào sự thật để viết nên một câu chuyện hay không?

Việc kể chuyện vốn đã là sự phối hợp giữa sự thật và hư cấu, có đúng vậy không? Nhưng sau cùng, bạn lại không muốn nghe một câu chuyện nhạt nhẽo. Không có lý do gì để đọc những tác phẩm văn học nhàm chán cả. Nếu chỉ đơn thuần dựa theo cốt truyện thì quyển sách cũng như đường vậy. Nó mang lại sự hứng khởi, nhưng bạn đốt cháy nó nhanh và chẳng còn gì đọng lại cả. Từ “thêm thắt” mang lại cảm giác như đây là một việc làm chỉ nhằm trang trí. Tôi không nghĩ đây là sự thêm thắt, chỉ đơn giản là lựa chọn để đưa sự thật lên hàng đầu. Còn việc thiết lập các nhân vật sống động, các tình huống, sự kiện bất ngờ là một phần của việc tạo nên câu chuyện. Bạn không thể chỉ đơn giản là thêm thắt. Bạn phải thêm thắt những tình tiết đáng được xuất hiện.

– Việc sáng tác truyện đã trở thành đam mê của ông từ nhỏ sao? Ông có phải là người có trí tưởng tượng phong phú không?

Tôi đọc rất nhiều khi còn nhỏ, vào những năm thiếu thời và những năm vừa trưởng thành. Một trong những kinh nghiệm vững chắc nhất của tôi là đọc sách. Bạn đã đọc quyển Đồi Thỏ của Richard Adams chưa? Đó là một tác phẩm tuyệt vời, vô cùng hấp dẫn! Nhưng phim ảnh cũng rất hấp dẫn. Tôi nhớ lần đầu tiên xem Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao hay lần đầu tôi xem Hàm Cá Mập khi còn nhỏ. Bạn cũng có thể trở thành một phần của bộ phim, đối với tôi phim ảnh mang lại nhiều trải nghiệm đặc sắc. Bạn chỉ ở yên đó, nhưng những thước phim bạn đang thưởng thức, hình ảnh, âm thanh lại rất sống động. Tuy nhiên, điều tuyệt vời ở sách đó chính là sách mang lại cảm giác cá nhân. Bạn tự tưởng tượng ra câu chuyện khi bạn đọc những con chữ nhỏ màu đen trên trang giấy. Ban đầu bạn sẽ hơi nghi ngờ nhưng dần dần bạn sẽ hoàn toàn đắm chìm vào nội dung câu chuyện.

– Nhà văn Stewart O’Nan đã nói rằng mặc dù tác giả là người tạo ra câu chuyện, nhưng chính độc giả mới là người mang cả cuộc sống của mình vào đó.

Đúng vậy. Người đọc mang quyển sách vào đời sống. Bạn biết đó, rạp chiếu phim rất lôi cuốn. Nếu ống kính tập trung vào chiếc điện thoại, bạn biết chắc rằng điện thoại sẽ reng. Còn âm nhạc, trong bộ phim Hàm Cá Mập, tiếng nhạc cello tiết lộ cho bạn rằng lũ cá mập sắp xuất hiện. Dun-dun. Dun-dun. Những người không đọc sách thường là đàn ông trung niên, vì họ thực sự bị ám ảnh. Họ ám ảnh với chuyện cai trị thế giới… Và đó là thiếu sót của họ! Đọc sách là một cách tận hưởng cuộc sống, một cách hay để học hỏi về thế giới. Tôi chỉ mới đến Nga có một lần. Mọi thứ tôi biết về Nga đều đến từ Tolstoy, Dostoyevsky, Goncharov, Gogol, Turgenev… Vậy nên ta cũng có thể nói đọc sách cũng là một cách để đi du lịch.

Xem thêm: Lợi ích của việc đọc sách: Thông minh hơn và Hạnh phúc hơn

– Nhưng thực tế ông cũng đi du lịch rất nhiều, đúng không?

Khi tôi còn nhỏ, tôi đi du lịch rất nhiều vì ba mẹ tôi là nhà ngoại giao. Vậy nên tôi sống ở Pháp, Costa Rica, Mexico và sau đó tự đi du lịch.

– Việc này có ảnh hưởng đến việc sáng tác của ông không?

Tôi nghĩ là có. Khi đã sống ở nhiều nước khác nhau, tôi đã chứng kiến nhiều cách sống khác nhau, về phương diện ngôn ngữ và xu hướng trang phục. Tâm trí tôi cởi mở hơn, không phải chỉ nhờ việc du lịch, mà nhờ vào giáo viên của tôi. Tôi thích trường học. Mà điều đó cuối cùng đã dẫn đến công việc sáng tác.

– Ông có nghĩ phong cách sáng tác của mình sẽ khác đi nếu ông chỉ sống ở một nơi nhất định trong suốt cuộc đời mình không?

Tôi không rõ. Làm sao tôi biết được chứ? Tôi không thể sống lại cuộc đời mình. Tôi hi vọng mình vẫn là một nhà văn… Có thể là một nhà văn khác bây giờ. Tôi không nghĩ mình trở thành nhà văn vì tôi đi du lịch nhiều, mà với tư cách là một nhà văn, tôi chịu nhiều ảnh hưởng từ việc du lịch. Như đã nói ở trên, việc đọc sách cũng vô cùng quan trọng. Tôi rất may mắn khi ba mẹ tôi rất xem trọng việc sáng tác, và ba tôi là một nhà thơ, vậy nên… tôi nghĩ du lịch là một trong rất nhiều yếu tố tạo nên tôi ngày hôm nay.

– Cả hai quyển Cuộc đời của Pi và The High Mountains of Portugal (Tạm dịch: Những ngọn núi cao ở Bồ Đào Nha) đều có nhiều yếu tố du lịch, hành trình hoặc phiêu lưu. Liệu truyện viễn tưởng có cần thiết phải về một điều gì đó đặc biệt hơn những sự kiện hằng ngày?

Không hẳn. Đó là thể loại viễn tưởng thực tế, với các tác giả Marilynne Robinson, Alice Munro. Viễn tưởng là một khái niệm rất rộng lớn, bao gồm cả khiêu dâm, giết người bí ẩn, Marcel Proust, chủ nghĩa hiện thực huyền ảo  và Marquez… Những người rất yên tĩnh, thích quan sát, sống nội tâm vẫn có thể sáng tác những tác phẩm viễn tưởng tuyệt vời. Mọi người đều có một câu chuyện riêng của mình. Mọi người đều có cha mẹ, đều lớn lên ở đâu đó, và từ đó đều có thể tự tạo ra một câu chuyện.

– Nhưng không phải ai cũng vậy.

Không gì buồn hơn con người mà không có một câu chuyện nào, không có gì để kể về cuộc đời mình, họ chỉ đắm mình trong cuộc sống. Đó là một cuộc sống nghèo nàn. Nghệ thuật vĩ đại xuất phát từ sự cởi mở với trải nghiệm của con người… Bạn phải có cảm giác về hình thức, và để làm được điều đó bạn phải mở rộng lòng mình. Cũng như trong đời sống bạn phải mở lòng với người khác, với những quan điểm khác – khi viết cũng tương tự như vậy. Tôn giáo, văn học, cuộc sống đều quay về một cốt lõi: những câu chuyện bạn đã xây dựng.

Anh Thư dịch

Nguồn: The Talks

Lời BTV: Độc giả yêu thích Yann Martel có thể tìm đọc Cuộc Đời Của Pi qua phiên bản ebook có trên KOMO tại đây: https://komo.vn/cuoc-doi-cua-pi-p964.html.

Đăng bình luận

concepted and designed by Nhon Giang