Blog, Điểm sách

Đoàn Bùi và Người cha im lặng – Câu chuyện về một thế hệ “chuối vàng ruột trắng”

Giải thưởng Porte Doreé (Cánh Cửa Vàng) mỗi năm đều chọn ra một cuốn tiểu thuyết hoặc một tập truyện ngắn viết về đề tài của những người di dân lưu vong. Ðoàn Bùi là tác giả thứ bảy đoạt giải.

Trong tác phẩm, cô kể lại và phác họa lại một hành trình đặc biệt của một gia đình người Việt tị nạn sinh sống ở Pháp. Cuốn tiểu thuyết tự truyện này là dịp để tác gỉa tìm hiểu thêm về nguồn gốc của mình và cũng là dịp để thấu đáo thêm về hai nền văn hóa Ðông Tây Việt Nam và Pháp.

Le Silence de Mon Père (Người cha im lặng) là một thiên tự truyện mà tác giả là một thiếu nữ Việt Nam lớn lên và trưởng thành ở Pháp. Ở trong những đoạn kể chuyện ấy, tác giả đã lồng vào trong nội dung nhiều thể loại, có khi là những hồi ký, có khi là những đoạn văn có tính điều tra nhiều chất trinh thám, có khi là những đoạn nghiên cứ lịch sử. Nhưng sau mỗi nhân vật, mỗi tự sự, là sự sống động tạo nhiều thân quen cho độc giả. Là chính tác giả, hay là cha mẹ của tác giả, nhiều khi độc giả có cảm giác là người trong cuộc và cái riêng tư ấy nhiều khi lại trở thành nét chung mang của nhiều người tị nạn.

“Người cha im lặng” bản tiếng Pháp, xuất bản năm 2016

Lưu lạc xứ người, làm lại cuộc đời với bàn tay trắng, cái nỗ lực để hội nhập được thúc đẩy bằng nhiều ước vọng. Và với ước vọng đó họ đã vượt qua những trở ngại để làm tốt hơn cuộc sống tinh thần cũng như vật chất. Là cha, là mẹ, ước vọng các con lớn lên và thành công ở xứ người là mục đích của cuộc sống. Nhưng, ở đời sống quá nhiều dị biệt và rào cản đã tạo nhiều xung khắc trong gia đình.

Ðoàn Bùi đã diễn tả thật trung thực những hoàn cảnh ấy. Những suy nghĩ khác biệt giữa hai thế hệ tạo thành những bất đồng khó vượt qua. Rồi cha mẹ nói tiếng Việt trong khi con cái nói tiếng Pháp cũng lại là một rào cản hiển nhiên. Rồi những phản ứng trước đời sống của cha mẹ và con cái cũng khác nhau. Những xung đột có khi ngấm ngầm có khi rõ nét trong đời sống hàng ngày.

Trong gia đình của Ðoàn Bùi che dấu những bí mật mà cô gọi là “động trời” khi đi tìm quá khứ của gia đình, một hành trình mà cô nghĩ là vô vọng và gậy ra nhiều dằn vặt nội tâm. Thực ra, đó chỉ là những điều mà có khi mọi người đều biết nhưng chỉ những người trong cuộc lại không hay. Bùi Ðoàn là chị cả trong nhà. Cô sinh vào năm 1974 nên có những bí mật mà cô không biết và có thể sẽ vào quên lãng vĩnh viễn nếu cha cô không bị tai biến mạch máu não và ngậm ngùi sống trong câm lặng khi tuổi đời mới 68 tuổi. Cô lúc nào cũng luôn suy nghĩ về chân dung của cha mình, một người rất gần gũi mà cũng rất xa cách và nhiều điều không hiểu thấu.

Cha của Ðoàn Bùi cũng đã phải hết sức nỗ lực trong cuộc sống ở xứ sở xa lạ này. Những năm của thập niên 1960 ghi dấu những nỗ lực học tập và bắt đầu để thành lập một gia đình sống trên xứ Pháp. Ðến năm 1975 thì cắt đứt hoàn toàn với đất nước và giấc mơ trở về không thực hiện được. Gia đình ông gồm vợ chồng và năm đứa con để hòa nhập tốt hơn với xã hội Pháp đã di chuyển về vùng Le Mans, nơi mà gia đình họ Bùi là những người Á Ðông đầu tiên đến lập nghiệp và sinh sống. Dĩ nhiên sự khác biệt về nhân dáng rất dễ nhận ra với cặp mắt xếch và dáng người bé nhỏ. Nhưng những đứa trẻ họ Bùi không phải là những người dễ bị bắt nạt ngay khi ở ngoài phố. Một câu nói mà những đứa con thuộc nằm lòng khi xử thế là: “Nếu họ trêu chọc, các con hãy nói với họ rằng lòng đỏ trứng gà ngon hơn lòng trắng”. Ý nói màu da vàng ngon hơn màu da trắng. Nhưng lời khuyên ấy không thuyết phục được những đứa con nhà họ Bùi. Ðoàn Bùi đã nhớ lại và kể như thế trong thiên tự truyện này. Cô vẫn muốn thành một người Pháp nói trôi chảy một thứ ngôn ngữ thông dụng của cuộc sống với mọi người.

Tủ sách “Người Việt bốn phương” – tuyển tập những tác phẩm viết về người Việt xa xứ

“Tôi vẫn nhớ như in một kỷ niệm về tiếng Việt khi còn nhỏ. Tôi muốn mình giống như các bạn Pháp cùng lớp. Một lần cha tôi nói tiếng Việt và tôi nhìn thấy người Pháp qua đường ngoái lại nhìn. Tôi xấu hổ vô cùng vì tôi không muốn người ta tò mò quay lại nhìn chúng tôi.

Dĩ nhiên là khi lớn lên tôi lại cảm thấy xấu hổ vì đã xấu hổ với tiếng Việt, ngôn ngữ của cha mẹ mình, tiếng nói của đất nước mà tôi xuất thân. Bây giờ khi nhìn lại quá khứ tôi xấu hổ vì không biết nói tiếng Việt, vì không thể trả lời bằng tiếng Việt, trong khi tôi là người Việt Nam.”

Cha mẹ của Ðoàn Bùi sau này cũng có trở về Việt Nam để thăm lại quê hương. Và chính Đoàn Bùi cũng có về quê nhà để làm thiên phóng sự về Ðiện Biên Phủ và cũng là một dịp để tìm hiểu điều tra về quá khứ của người cha. Trong chuyến đi năm 2014 cô cảm thấy rất đơn độc khi về quê nội.

(…) Vì thế Đoàn Bùi tổ chức một chuyến về thăm quê hương cho cả ba thế hệ. Thế hệ mà Ðoàn Bùi gọi là “đầu gà đít vịt” một chỉ danh khá ngộ nghĩnh chỉ hai đứa con gái lai Âu Á của cô thế hệ “chuối” mà Bùi Ðoàn là đại diện. Ðây là cách so sánh để chỉ những đứa con Châu Á sinh ra tại Pháp, bên ngoài thì vàng như vỏ chuối nhưng bên trong thì ruột trắng. Ðã có rất nhiều Việt Kiều Pháp mang phong cách hoàn toàn Pháp trừ mỗi khuôn mặt và một chút giáo dục theo Á Ðông.

Chuyến đi ấy đã hòa giải được những xung đột những bất đồng cả những bí mật mà Ðoàn Bùi gọi là “bí mật động trời”? Cha mẹ cô đã có thể chỉ cho các cháu quê hương của họ, những nơi mà họ đã từng sinh sống. Dù cha mẹ không tìm lại đất nước mà họ biết trong những năm từ 1960. Dù họ đã còn rất bỡ ngỡ trước sự thay đổi không ngờ đến của đất nước. Riêng Ðoàn Bùi vẫn thấy được sự nhẹ nhàng và nguôi ngoai trong lòng với lịch sử của đất nước và lịch sử của gia đình. Cô kết luận chuyến đi ấy đã làm lành với quá khứ và làm cầu nối tương lai cho thế hệ sau của cô…

Nhưng có thật trở về thăm quê hương có phải là một phương cách hòa giải như Ðoàn Bùi viết?

Nhiều người trở lại Việt nam nói bây giờ cảnh và người thay đổi nhiều lắm. Nếu muốn đi tìm kiếm lại cảnh cũ thì khó lắm, hầu như không thể nào. Thành ra, có người trở về nhiều lần nhưng những hình ảnh hiện tại chỉ nhắc nhở đến quá khứ đã xa, kỷ niệm đã mất.

Theo sangtao.org

(Nội dung trích trong bài viết “Từ Bùi Ðoàn “Le Silence de Mon Père” đến ca khúc “Bonjour Vietnam”, tác giả Nguyễn Mạnh Trinh)

 

 

Đăng bình luận

concepted and designed by Nhon Giang