Blog, Café sáng, Điểm sách

Những bức ảnh kể chuyện Sài Gòn xưa

Nhng “nhà chp bóng” đu tiên

Nếu như vị quan thanh liêm thời Tự Đức Đặng Huy Trứ (1825 – 1874) được xem là người Việt đầu tiên tiếp xúc với nhiếp ảnh và mở hiệu ảnh tại VN thì danh tính những tay máy đầu tiên ở Sài Gòn vẫn còn gây tò mò.

Tác giả Nguyn Vĩnh Nguyên cho rằng Charles Parant là nhiếp ảnh gia đầu tiên hoạt động tại Sài Gòn, được khẳng định trong cuốn Từ điển Lịch sử Sài Gòn – TP.HCM của Justin Corfield. Parant làm nhiếp ảnh gia trong khoảng thời gian từ 1864 – 1867. Ngoài ra, còn nhiều tên tuổi khác: Clément Gillet làm nghề ảnh tại Sài Gòn từ năm 1865 – 1866; John Thomson chụp ảnh Sài Gòn năm 1867, sau đó 8 năm, những bức ảnh này đã xuất hiện trong cuốn sách riêng của ông; William H.Seward, chính khách và nhà du hành Mỹ trong cuốn du ký của mình cũng kể chuyện chụp ảnh ở đây năm 1871. Tuy nhiên, người có phòng chụp ảnh tại Sài Gòn trong khoảng thời gian lâu nhất là Émile Gsell. Ông mở phòng chụp vào khoảng tháng 9 (hoặc tháng 10.1866) và lưu lại thành phố đến khi qua đời ngày 16.10.1879.

Nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu bên những bức ảnh chụp nghệ sĩ ẢNH: QUỲNH TRÂN CHỤP LẠI TƯ LIỆU

Cũng theo tài liệu của tác giả Justin Corfield mà Nguyễn Vĩnh Nguyên sưu tầm được, một “nhà chớp bóng” khác đến VN năm 1883 và gắn bó sâu đậm với Sài Gòn là Aurélian Pestel. Ông có cả phòng chụp tại số 10 Charner (đường Nguyễn Huệ bây giờ). Nhiếp ảnh gia người Việt sớm nổi tiếng trong thập niên 1920 – 1930 là Khánh Ký (Nguyễn Đình Khánh) với phòng chụp tại 54 Bonard (Lê Lợi ngày nay), từng chụp ảnh Phan Châu Trinh, Nguyễn An Ninh, Tổng thống Pháp Raymond Poincaré, Toàn quyền Pasquier…

Nghề giữ gìn nhan sắc

Sinh ra tại làng Lai Xá (Hà Nội) nổi tiếng với nghề nhiếp ảnh, ông Đinh Tiến Mậu theo gia đình lưu lạc vào Sài Gòn học nghề nhiếp ảnh. Ông kể lại với nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên: “Lúc ấy, các hiệu ảnh mọc lên nhiều. Ngoài việc thường dân thoải mái chi tiền cho các ảnh viện để có những bộ ảnh lưu niệm gia đình vào các dịp lễ tết, kỷ niệm đặc biệt thì công nghệ ấn loát báo chí, băng đĩa phát triển nhanh chóng”.

Nghệ sĩ Mộng Tuyền, ẢNH: ĐINH TIẾN MẬU

Rồi cơ duyên mà giới nghệ sĩ nườm nợp tìm đến tiệm ảnh King’s Photo ở Chợ Lớn vào năm 1960 sau khi ông Mậu cộng tác với Hãng phim Việt Thanh, Mỹ Vân. Từ đó, nhờ quen biết với nghệ sĩ Thanh Nga, Thẩm Thúy Hằng… tên tuổi “tay máy” Đinh Tiến Mậu trở nên vụt sáng khi cho ra đời những bộ ảnh của nhiều tên tuổi: Trang Bích Liễu, Bạch Yến, Mộng Tuyền, Phương Hồng Quế, Ban hợp ca Thăng Long, Thanh Lan, Thanh Thúy, Thanh Tuyền…

Tiếng lành đồn xa, từ đó ảnh viện Phúc An, sau đó là Viễn Kính (2 hiệu ảnh của ông Mậu) trên đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu) lần lượt mở vào năm 1962, 1963, trở thành tụ điểm lui tới của các nghệ sĩ thời đó đến chụp ảnh chân dung như Bạch Tuyết, Hoàng Oanh, Băng Châu, Phương Dung, Lệ Thu, Giao Linh, Phượng Liên, Thanh Thanh Hoa, Ngọc Giàu, Thanh Tú, Bạch Lê… Đặc biệt, trên mỗi bức ảnh đều có dấu dập nổi chữ Viễn Kính trang trọng khiến mọi người rất thích thú.

Ông Đinh Tiến Mậu không quên nhắc lại nhiều câu chuyện khó quên ngày nào: “Có lần Thanh Nga đến tiệm ảnh Viễn Kính bị người dân đổ xô tới xem, vợ tôi phải xách xe máy chở cô chạy vào đường hẻm sau nhà để trốn…”. Còn danh ca phòng trà Thanh Thúy thì thuê nhà trọ gần hiệu ảnh ông Mậu. Vì vậy, nhiều đêm sau khi đi hát ở Đức Quỳnh, Tự Do về đói bụng cô lại đến tiệm đập cửa rầm rầm: “Anh Mậu ơi, có đi ăn khuya không?”.

Nghệ sĩ Thanh Nga, ẢNH: ĐINH TIẾN MẬU

Sau khi hoàn thành tác phẩm Đà Lạt một thời hương xa – Du khảo văn hóa Đà Lạt 1954 – 1975, Nguyễn Vĩnh Nguyên bắt tay vào thực hiện cuốn sách Ký ức một ảnh viện Sài Gòn, nhằm tôn vinh nghề ảnh.

 “Ngày xưa được ba mẹ dắt đi chụp ảnh nên từ đó thế giới ảnh viện cứ ám ảnh. Tôi có thể đứng hàng giờ nhìn những người thợ ảnh tỉ mỉ chấm từng nét li ti để tạo ra một mảng tối trên bức chân dung khiến bóng hình tiền nhân quá vãng trở nên có thần. Tôi thầm nể phục người làm buồng tối như thầy phù thủy pha chế chất hiện hình để dung nhan người xưa hiện lên rõ nét trên nền giấy ảnh. Qua kho tư liệu giá trị mà các ảnh viện để lại, phong cách người Sài Gòn xưa, cách ăn mặc, tâm trạng trong các ngày vui, lễ hội… được hiển hiện như là ký ức đô thị lưu lại cho đời sau”, tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên khẳng định.

Ca sĩ Thanh Thúy, ẢNH: ĐINH TIẾN MẬU

Nhận xét về sách Ký ức một ảnh viện Sài Gòn sắp ra mắt, nhà báo Tâm Chánh thừa nhận: “Dõi theo các trang sách của Nguyễn Vĩnh Nguyên, không khó để nhìn một Sài Gòn quẫy cựa hết sức lực để kịp sống với bạn bè trong nhịp điệu thị trường. Thật kỳ lạ, sức quẫy cựa ấy cứ hiển nhiên trong đời sống của những người bình dân, như không khí để thở vậy, chẳng một chút gì đao to búa lớn”.

Nguyễn Vĩnh Nguyên sinh năm 1979, hiện sống tại TP.HCM. Các tác phẩm đã xuất bản: Những đồ vật kể chuyện cùng chúng ta; Ti vi, xe máy, nhạc chế, chày cối, karaoke, tăm xỉa răng và những thứ khác; Với Đà Lạt ai cũng là lữ khách; Đà Lạt một thời hương xa – Du khảo văn hóa Đà Lạt 1954 – 1975; tập truyện Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông, Những thành phố trôi dạt

Lê Công Sơn
(Theo Thanhnien.vn)

Đăng bình luận

concepted and designed by Nhon Giang