Blog, Café sáng

Tái bản bộ sách triết lý an vi của Kim Định

Đây là một bộ sách triết học có giá trị và rất thú vị với bạn đọc quan tâm vấn đề này.

Một bộ sách triết đồ sộ

Bộ sách Triết lý an vi gồm 35 cuốn là những tìm tòi triết học mới lạ của Giáo sư Kim Định trong góc độ thuần Việt. Ví dụ như cuốn Việt lý tố nguyên là công trình của một cuộc khảo cổ với chí hướng tìm ra những nét căn bản xuyên suốt lịch sử nước nhà. Bởi vậy mà từ “tố” trong Việt lý tố nguyên cần được hiểu theo nghĩa là “bản lai cố hữu”.

Độc giả sẽ nhận ra lối khảo cứu lịch sử, triết học của Kim Định về nguồn gốc nước nhà dưới mọi khía cạnh văn minh, văn hóa, định chế, sử địa, văn chương… không giống như một hành trình khảo cổ salon trong thư viện nữa mà là một hành trình tìm về với cội nguồn dân tộc trên thực tế.

Hay như Triết lý cái đình đưa ra định nghĩa huyền sử như là nền minh triết được biểu lộ bằng những mảnh vụn của lịch sử. Kim Định cho rằng những “mảnh vụn lịch sử” ấy không còn tuân theo niên kỷ và địa dư mà là những bức hoạ ẩn giấu kỷ niệm của loài người. Những gì còn lắng lại là bầu không khí của nó qua các lễ lạt, Tết nhất như Tết nguyên đán, Tết Đoan ngọ, Tết Trung thu…

Dường như đó là ẩn tích của một nền văn hoá dân tộc trong lúc sơ khai, mà nếu được tra cứu cặn kẽ thì chúng sẽ chiếu khá nhiều tia sáng vào nền văn hoá nước nhà, làm nổi bật lên những đức tính rất nổi bật của người Việt… Kim Định mượn cái đình làm nơi quy tụ cho “bốn chặng huyền sử nước Nam”.

Loạt tác phẩm của giáo sư Kim Định được tái bản dịp này.

Loạt tác phẩm của giáo sư Kim Định được tái bản dịp này.

Thông điệp khác lạ

Trước năm 1975, bộ sách này đã được các nhà xuất bản chuyên về triết học như Ca Dao, Ra Khơi, Nguồn Sáng… xuất bản. Bộ sách triển khai liên hoàn những ý tưởng của Giáo sư Kim Định về cách nhìn của ông với triết học, tư tưởng của người Việt.

Trong cuốn Nhân Bản, ông chỉ ra rằng một trong những đặc tính của dân tộc mà chúng ta cần khôi phục lại là kết nối triết học hàn lâm với đời sống thường nhật. Đúng hơn là hiểu triết học dưới giác độ bình dị, dân dã nhất.

Ví dụ về Khổng giáo, trong cuốn Cửa Khổng, Kim Định nhận định “qua lần vỏ đã lỗi thời, Khổng Nho còn chứa rất nhiều giá trị căn bản đã trở thành di sản tinh thần của dân tộc”. Cuốn sách này, cũng như các cuốn khác trong bộ sách triết lý an vi, đã dùng phương pháp khoa học và triết học để gạn lọc ra những tinh hoa đó. Chính vì vậy, việc tái bản nguyên vẹn bộ sách triết đồ sộ này góp phần giúp cho độc giả có những cái nhìn mới lạ về triết học Việt Nam dưới con mắt thuần Việt của Giáo sư Kim Định.

Giáo sư Kim Định tên thật là Lương Kim Định. Ông sinh năm 1915 tại Nam Định.

Năm 1947, ông du học tại Pháp, nghiên cứu về văn minh Pháp, xã hội học, triết học và Nho giáo tại Institut des Hautes Etudes Chinoises, Paris. Từ năm 1961 – 1975, ông là Giáo sư nghiên cứu Triết Đông phương tại Đại học Văn khoa Sài Gòn, Đại học Vạn Hạnh, Minh Đức, Thành Nhân, An Giang…

Ông mất năm 1997 tại Missouri, Hoa Kỳ.

Nguồn: Zing

Lời BTV: Bạn đọc yêu thích Giáo sư Kim Định có thể tìm đọc các phiên bản ebook của ông được phát hành tại KOMO ở đây: https://komo.vn/tac-gia/2010.html.

Đăng bình luận

concepted and designed by Nhon Giang