Blog, Café sáng

Ways of seeing – Nhìn không đơn giản là thấy

“The way we see things is affected by what we know or what we believe.” (John Berger)

“Những gì chúng ta bị ảnh hưởng bởi những gì chúng ta biết hoặc tin tưởng.”

Có thể bạn đồng ý với những gì John Berger nói. Có thể bạn cho rằng Berger không gì hơn một gã duy vật bảo thủ. Nhưng có một điều không thể phủ nhận, John Berger là một nhà phê bình nghệ thuật lôi cuốn và hấp dẫn.

Ra đời sau sự thành công của serie truyền hình cùng tên của đài BBC (cũng do Berger chấp bút), cuốn sách bé nhỏ này đã gây tranh cãi trong giới phê bình nghệ thuật từ những năm 1972. Bao gồm bảy chương, trong đó ba chương có nội dung hoàn toàn là hình ảnh, Berger thảo luận về nghệ thuật và truyền thông, định kiến về giới trong nghệ thuật, chủ nghĩa tư bản và thương mại. Với luận điểm rằng những gì chúng ta thấy và những gì chúng ta nghĩ không thể hoàn toàn tách biệt, Berger phân tích các tác phẩm nghệ thuật cổ điển để đưa ra những ý thức xã hội, những ý nghĩa tiềm ẩn mà đối với nhiều người có thể là không dễ nghe.

Bản dịch tiếng Việt của dịch giả Như Huy, KOMO độc quyền phát hành ebook.

Đứng trước một bức tranh sơn dầu tuyệt đẹp, bạn có bao giờ nghĩ điều đó phản ánh tính chiếm hữu của chủ nghĩa tư bản? Hay một bức tranh nude, đề tài quen thuộc của hội họa phương Tây, gợi mở về một ý thức ngầm trong xã hội phương Tây từ lâu: Một sự bất công về giới mà Berger đã tóm gọn bằng câu nói nổi tiếng: “Men act, and women appear”. Trong nghệ thuật, cơ thể người phụ nữ, và đặc biệt là khỏa thân, chỉ là một hình ảnh (sign) thông qua đó, người khán giả mặc định (là nam) gửi gắm vào đó những mộng tưởng của mình. Và điều đó vẫn còn tiếp diễn trong văn hóa đại chúng, quảng cáo và nghe nhìn.

Có lẽ điểm sáng nhất và độc đáo nhất trong cuốn sách này là thảo luận của Berger về giới tính. Điều đó cũng xuất phát từ quan điểm của Berger, đưa các tác phẩm nghệ thuật xuống khỏi thánh đường mà những nhà phê bình kinh viện đã xây lên. Trong cả cuốn sách, Berger cố gắng đưa các tác phẩm ấy về bầu không khí của xã hội và thời đại mà chúng phập phồng thở, để tìm ra ý nghĩa thực sự chúng biểu hiện. Qua đó, chúng ta thấy được cách chúng ta nhìn sự vật nói chung, và cơ thể con người nói riêng, phụ thuộc như thế nào đến ý thức hệ xã hội. Tác phẩm nghệ thuật không phải là sản phẩm của một phút giây thần thánh, đó là lưu dấu của một thời đại đã qua, của những tư tưởng hoặc đã còn hoặc đã biến mất, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bản chất của cái nhìn trong đời sống và nghệ thuật.

Bài tiểu luận không có ngôn từ

Berger không hề thô cứng! Thật vậy! Một đề tài tưởng như rất buồn ngủ, nhưng cách viết của ông linh hoạt, trôi chảy và ngẫu hứng. Cách phê bình của ông, trong tập sách này hay một tác phẩm khác, “Shape of the pocket”, khiến tôi nghĩ đến Hoài Thanh. Bản thân Berger là một nghệ sĩ, nên cách tiếp cận nghệ thuật của ông cũng rất sinh động và hấp dẫn.

Dĩ nhiên đằng đẵng đã ba chục năm, những gì ông viết có thể không còn chính xác trong xã hội hiện đại. Một số luận điểm đã có phần lỗi thời. Nhưng phần cốt lõi của cuốn sách theo tôi vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Một nhược điểm khác là những bài luận bằng hình ảnh. Nếu bạn không chuyên sâu về hội họa phương Tây, thì những bài luận… không lời này có thể khiến cho bạn bị rối loạn. Hơn nữa, cách viết của Berger cũng có nhược điểm: Cũng như Hoài Thanh, đôi lúc cảm xúc của ông kéo ông đi quá xa khiến người ta khó theo dõi luận điểm của ông.

Đọc Ways of seeing và chiêm nghiệm tại sao nó được đề cập trong chương trình học của nhiều trường đại học, tại sao nó có ảnh hưởng lâu dài đến vậy cũng là một chuyện thú vị.

(Nguyễn Dương Quỳnh Anh)

Theo sachhay.org

 

Đăng bình luận

concepted and designed by Nhon Giang