“Bắt bẻ” cái sai của “Từ điển tiếng Việt”
Từ Điển Tiếng Việt Của GS Nguyễn Lân – Phê Bình Và Khảo Cứu của Hoàng Tuấn Công (Nhà xuất bản Hội nhà văn & Phương Nam Book) đang gây xôn xao dư luận. Đó là vì lần đầu tiên có một cuốn sách chỉ ra hàng ngàn lỗi sai phạm trong “Từ điển Tiếng Việt” của GS Nguyễn Lân đã được lưu hành trong hệ thống trường học rất nhiều năm nay. Hậu quả của việc một cuốn từ điển hàng ngàn lỗi sai được lưu hành trong nhà trường dẫn đến những ngộ nhận lớn cho nhận thức của học sinh, sinh viên.
“Hiệp sĩ” giải cứu tiếng Việt
Nhiều người chưa biết nhiều về tác giả Hoàng Tuấn Công – một cây bút chuyên về ngôn ngữ – đặc biệt là lời ăn tiếng nói hàng ngày. Thế mà anh dám chỉ ra cái sai của GS.Nguyễn Lân – người vốn là cây đa cây đề trong giới ngôn ngữ học Việt Nam.
Hoàng Tuấn Công sinh năm 1970, tốt nghiệp khoa Lịch sử, ĐH Tổng hợp Hà Nội, chuyên ngành Dân tộc học, là người viết nghiên cứu, phê bình tự do, hiện đang công tác tại Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa.
Cuốn sách của Hoàng Tuấn Công dày gần 600 trang, tập trung nói đến chỗ chưa được trong những công trình then chốt của một giáo sư lão làng, “vua biết mặt chúa biết tên”.
Trong cuốn sách, Hoàng Tuấn Công can đảm dấn thân vào chỗ khó khi chỉ ra những chỗ trong Từ điển Nguyễn Lân mà Hoàng Tuấn Công cho là không đúng. Chẳng hạn như trường hợp mục từ “nằm giá khóc măng”, GS.Nguyễn Lân giải thích: “Theo một truyện trong Nhị thập tứ hiếu: Một người con hiếu thảo đi kiếm măng cho mẹ, không thấy măng, nằm trên tuyết khóc, măng thương tình mọc lên cho anh lấy. Nói người con có hiếu hết lòng vì cha mẹ”. Hoàng Tuấn Công phản đối điều này, anh chỉ ra: “Nằm giá khóc măng” thực chất là gọi tắt hai tấm gương hiếu của hai người con: Một người là Vương Tường nằm giá để tìm cá chép cho mẹ kế, một là Mạnh Tông nuôi mẹ ốm, ngồi khóc dưới khóm trúc khiến trúc sinh măng đem về nấu canh cho mẹ. Không phải là một người như GS Nguyễn Lân giải thích”.
Hay như, một tục ngữ vô cùng phổ biến “làm đĩ chín phương để một phương lấy chồng”, gần như người Việt nào cũng biết là để nhắc nhở nhau, cho dù đĩ điếm, trộm cắp thì cũng phải có giới hạn, phải biết chừa làng xóm, bạn bè ra… vậy mà GS Nguyễn Lân lại giải thích: “Thường dùng để trách móc người nào ăn ở tệ với mình mà vẫn giúp đỡ người ấy, hoặc có quan hệ với người ấy”…
Cuốn từ điển của GS Nguyễn Lân có mặt gần như ở khắp các thư viện của các trường phổ thông khắp cả nước đã nhiều năm nay, với hàng trăm lỗi sơ đẳng như vậy.
Khi đọc công trình của Hoàng Tuấn Công, ta không chỉ hiểu nghĩa của từ mà còn hiểu được văn hóa, câu chuyện sau những con chữ ấy. Nhiều người cho rằng, may là đã có một “hiệp sĩ” như Hoàng Tuấn Công “giải cứu” tiếng Việt. Thế nên, các thư viện trường nên bổ sung cuốn sách của Hoàng Tuấn Công để giảm bớt tác hại của cuốn từ điển phi từ điển kia.
Nên tranh luận thêm về công trình
Dĩ nhiên một công trình khoa học lúc nào cũng tồn tại những thiếu sót. Hoàng Tuấn Công khi viết công trình “bắt bẻ” cái sai của “Từ điển tiếng Việt” chắc hẳn đã chuẩn bị tâm lý để đón nhận những lời phê bình.
Theo nhà ngôn ngữ học Hoàng Dũng, cuốn sách cho thấy tác giả sở đắc một vốn Hán học vững chắc và vốn hiểu biết dân gian giàu có – đây là những tri thức nền nhất thiết phải có đối với những ai muốn nghiên cứu từ và thành ngữ, tục ngữ. Mặt khác, tác giả có một cách làm việc minh bạch, khoa học: Mỗi luận điểm đều được biện giải, dẫn chứng nguồn tư liệu của chính tác giả hay của các công trình đi trước, độc giả hoàn toàn có thể tự kiểm tra.
Hoàng Tuấn Công không phải là người đầu tiên viết về những sai sót trong từ điển của GS Nguyễn Lân, nhưng có lẽ sẽ là người cuối cùng, căn bản khép lại vấn đề đã kéo dài hàng chục năm qua với nhiều tranh cãi. Nhìn theo một chiều hướng khác, cuốn sách của Hoàng Tuấn Công vượt ra ngoài khuôn khổ cuộc tranh luận với một cá nhân. Nói như tác giả, “nội dung sách thực chất là những phê bình và khảo cứu về việc giải nghĩa tiếng Việt”. Đó là một đóng góp lớn cho khoa Từ điển học của nước ta.
Và cái cốt lõi, theo ông Hoàng Dũng, đâu chỉ riêng khoa Từ điển học. Không khí học thuật ở ta đang trầm lắng quá. Trong cuộc sống tất bật hiện nay, người ta tránh phê phán người khác “cho nó lành”! Cuốn sách thoát ra khỏi tâm lý “nước sông không phạm nước giếng” ấy, không khoan nhượng trước những sai sót trong khoa học, khiến cho giới nghiên cứu đã cẩn trọng càng cẩn trọng hơn. Mặt khác, không phải tất cả các luận điểm của Hoàng Tuấn Công đều thuyết phục. Và như thế, nó mời gọi tranh luận.
Minh Thi
Nguồn: Laodong.vn
Lời BTV:
Từ Điển Tiếng Việt Của GS Nguyễn Lân – Phê Bình Và Khảo Cứu của Hoàng Tuấn Công phiên bản ebook có tại KOMO: https://komo.vn/tu-dien-tieng-viet-cua-gs-nguyen-lan-phe-binh-va-khao-cuu-p5501.html.
Đăng bình luận
You must be logged in to post a comment.