Blog, Điểm sách

Đọc sách “Người tị nạn” của Nguyễn Thanh Việt

Có thể tóm lược Người tị nạn bằng chỉ một chữ: ám ảnh.

Người tị nạn là một tập truyện gồm 8 truyện ngắn viết về thân phận của những người tị nạn Việt Nam trên đất Mĩ, và tất cả họ đều bị ám ảnh về quá khứ.

Quá khứ chiến tranh. Quá khứ tù đày trong các trại cải tạo. Quá khứ tị nạn và vượt biển. Quá khứ trong những ngày đầu đến Mĩ.

Ám ảnh là những gì xảy ra với chúng ta và những gì chúng ta đi tìm. Theo tác giả, tất cả chúng ta đều mang trong người, ít ra là trong tâm tưởng, một quá khứ. Cái quá khứ đó giúp chúng ta hiểu hơn về hiện tại và giúp định hình cái hiện tại. Những chấn thương tinh thần là những trải nghiệm cơ bản nhất của con người, và ít ai trong chúng ta, nhất là người tị nạn, mà không bị chấn thương.

Tập truyện bắt đầu bằng một câu chuyện ma (thật), và kết thúc cũng bằng một truyện ma trong suy nghĩ. Toàn bộ văn cảnh là những câu chuyện ngắn mô tả những ám ảnh về những nhân vật trôi dạt cùng những mối liên hệ gãy vỡ, được chạm trổ bằng những câu chữ được chọn lọc cẩn thận làm cho người đọc rất khó quên sau khi gấp cuốn sách lại.

Nguyễn Thanh Việt, nhà văn gốc Việt đầu tiên đoạt giải thưởng Pulitzer (2016)

 “Những người phụ nữ mắt đen”

Sách bắt đầu bằng câu chuyện “The Black Eyed Women” (“Những người phụ nữ mắt đen”) rất độc đáo và nói theo tiếng Anh là rất “tài tình”. Tuy không dễ đọc, nhưng đọc vài lần sẽ thấy cực kì hay về cách tác giả dàn bối cảnh câu chuyện và ý nghĩa của nó. Đây là một truyện ngắn mà tác giả đã đầu tư rất nhiều thời gian và công sức (hơn 17 năm) và đã qua hơn 50 lần chỉnh sửa. Nói như vậy để thấy việc chọn truyện ngắn này mở đầu tác phẩm là một màn trình diễn rất công phu. “Những người phụ nữ mắt đen” kể lại câu chuyện về một người phụ nữ vượt biên đến Mĩ, chị hành nghề “tác giả ma” (ghost writer), có nghĩa là chuyên viết truyện cho người khác in nhưng chị không đứng tên tác giả, nhưng chị là người đối diện với bóng ma. Một cách chơi chữ đầy ý nghĩa!

Chị sống với bà mẹ 63 tuổi mắt đen huyền một cách – nói theo chị là – “lịch sự”. Bà mẹ lúc nào cũng ám ảnh về quá khứ ở bên nhà. Bà thường hay nói với chị là nếu người cộng sản không vào Sài Gòn thì giờ này Việt Nam đã trở thành giàu có như Hàn Quốc rồi, chị đã có gia đình và có con, và bà đã là người nghỉ hưu, chứ đâu phải hành nghề làm đẹp móng tay như hiện nay (…). Bà mẹ tin rằng có ma, còn chị “tác giả ma” thì không tin chuyện có ma.

Nhưng một đêm chị gặp ma.

Đó là người anh của chị hiện về trong bộ quần áo ướt sũng. Người anh đã cùng chị vượt biên trên một con tàu vô danh 25 năm về trước (lúc đó chị mới 13 tuổi), và người anh đã từng che chở chị để không bị hải tặc hành hạ. Trong một cuộc đấu tranh chống lại bọn hải tặc, người anh của chị đã bị bọn hải tặc giết chết và xác bị ném xuống biển. Anh đã phải bơi lội suốt 25 năm từ Biển Đông sang California để thăm chị và mẹ. Giây phút trùng phùng giữa chị và người anh trai không làm người đọc cảm động hay rùng mình sợ hãi, vì tác giả lồng vào những mẫu đối thoại mang tính triết lí.

“Con ma” về không có một ý định gì cả, không trả thù ai, cũng chẳng làm hại ai, chỉ đơn giản ghé thăm chị và mẹ.

Chuyến ghé thăm của bóng ma của người anh trai làm cho chị có cảm hứng bỏ nghề làm “tác giả ma”, và quay về làm chủ những câu chuyện chị sáng tác ra. Và, ngay từ cái lúc chị quay về chính mình thì cũng là lúc chị đã chết mà chị không biết. Chị hỏi:

“Tại sao anh phải chết và em còn sống?”

thì ma trả lời:

“Em cũng đã chết rồi. Em chỉ không biết mình chết đó thôi…”

“I’d Love You to Want Me”

Đời sống của người tị nạn cao tuổi cũng được tác giả nhắc đến qua truyện ngắn “I’d Love You to Want Me”. Truyện viết về một nhân vật tên Khanh, cựu giáo sư ở Việt Nam nay mắc bệnh Alzheimer, và chắc chắn sẽ chết. Ông và bà vợ từng có một căn nhà trên đường Phan Thanh Giản ở Sài Gòn (nay là Điện Biên Phủ), căn nhà bị một cán bộ ngoài Bắc vào chiếm. Hai ông bà có về lại Việt Nam để nhìn căn nhà đang bị xuống cấp do “chủ nhân” mới không chăm sóc, và điều đó làm cho ông bà rất giận.

Ông Khanh hoàn toàn mất trí nhớ. Ông không nhớ tên vợ con, không nhớ đến sách vở mà ông từng đam mê. Ông gọi vợ là “Yến”, trong khi tên thật của bà là Sa; thoạt đầu làm bà nghi ngờ Yến là tên người vợ bé hay người tình cũ của ông, nhưng sau này thì bà hiểu đó chỉ là một sự tưởng tượng của người mất trí nhớ.

Người con trai đang trưởng thành ở Mĩ trở nên “cứng đầu”, không nghe lời cha mẹ… Vinh nhất định đòi mẹ phải nghỉ việc ở thư viện để chăm sóc ông Khanh, nhưng bà không chịu.

(…) Toàn bộ câu chuyện là một sự xung đột giữa cái truyền thống và cái mới. Hai ông bà Khanh sống trong kí ức và kỉ niệm thời vượt biên, còn cậu con trai thì không muốn nhớ đến chuyện buồn vượt biên.

“For all refugees, everywhere” (Cho tất cả những người tị nạn, ở mọi nơi)

Tổ quốc

Truyện ngắn cuối cùng và cũng là chuyện đau lòng nhất là “Fatherland” (Tổ quốc). Câu chuyện xoay quanh một nhân vật “tay chơi” sống sót sau những năm tháng chiến tranh ác liệt trước 1975, và tù đày trong các trại cải tạo sau 1975. Bà vợ trước của ông đã bỏ đi Mĩ và đem theo một nhóm con, ông ở lại Việt Nam và thành hôn với một người phụ nữ khác và có thêm một nhóm con với cùng tên những người con ở Mĩ. Ngày nay, ở Việt Nam ông hành nghề hướng dẫn viên du lịch. Ông chuyên dẫn du khách Mĩ ghé thăm những địa đạo nổi tiếng ở Củ Chi trong thời chiến.

Một trong những con gái của ông là Phuong (có lẽ là “Phượng”), người có nhận xét tinh tế về kí ức của du khách:

“Vài ngày, hoặc một tuần, hoặc hai tuần, những du khách sẽ rời Việt Nam, những kí ức sâu sắc nhất của họ có lẽ là trải nghiệm được chui bò trong những địa đạo, và kỉ niệm nhạt nhòa với người hướng dẫn viên. Tất cả chúng ta đều như nhau: nhỏ thó, dễ mến, và dễ quên.”

Một nhận xét mang màu sắc tủi hổ và giận dỗi.

(…) Vivien là người chị cùng cha khác mẹ của Phượng, lớn hơn Phượng 7 tuổi; Vivien cùng mẹ sang Mĩ sống sau 1975. Trong những thư gửi về nhà, Vivien nói rằng cô là một bác sĩ nhi khoa và có một cuộc sống thoải mái về vật chất. Do đó, Phượng rất muốn sống cuộc sống như chị mình mô tả trong thư. Sau này, Vivien có dịp về Việt Nam thăn ba và các em, cô dẫn cả nhà đi ăn uống những nhà hàng sang trọng và mua nhiều quà đắt tiền cho Phượng. Nhưng trong một dịp tình cờ, Phượng biết rằng Vivien không phải là bác sĩ nhi khoa, mà là một cô thư kí bị đuổi việc vì “lẹo tẹo” với ông chủ. Thế là giấc mơ đi Mĩ của Phượng bị chết yểu.

… Và, đây có lẽ là phần kết luận quan trọng nhất của tập truyện Người tị nạn:

Bạn không phải sống cuộc sống của một con ma.

Ngày tiễn đưa Vivien về Mĩ ở phi trường, hai chị em chụp hình chung, nhưng khi về đến nhà, Phượng đốt tấm hình đó và tro khói bay lên không gian Sài Gòn.

Tập truyện kết thúc ở đó.

Người tị nạn

Người tị nạn (refugee) khác với Người di cư (immigrant). Người tị nạn là người tuyệt vọng, vô quốc tịch, không có tài sản, và họ bị “bứng” khỏi quê hương qua một biến động lịch sử. Người di cư có quốc tịch, họ có tài sản, và họ ra đi một cách tự nguyện. Người tị nạn do đó thường mang trong mình những chấn thương tinh thần. Người tị nạn lúc nào cũng bị ám ảnh bởi căn cước tính của mình.

(…) Do đó, người tị nạn đã xa rời quê hương, nhưng trong tâm tưởng họ chưa bao giờ rời quê hương. Họ ở đây, nơi tạm dung, mà không phải ở đây. Họ thành đạt về kinh tế, họ có thể có địa vị trong xã hội nơi tạm dung, nhưng cái tâm của họ thì vẫn còn chông chênh. Họ cũng như là những con ma, thể xác đã chết đi nhưng họ vẫn còn lẩn quẩn đâu đây.

Nguyễn Thanh Việt là người đã mô tả được hay đã diễn giải được cái tâm lí chông chênh đó trong người tị nạn. Bằng một văn phong điêu luyện bậc thầy, với những quan sát tinh tế, cùng những phân tích tâm lí sâu sắc, Nguyễn Thanh Việt dẫn dắt người đọc đến những kí ức sâu thẳm trong lòng người tị nạn. Những câu chuyện trong tập truyện Người tị nạn tuy viết về những người tị nạn Việt, nhưng những thông điệp và thân phận chông chênh mà tác giả viết có thể áp dụng cho bất cứ sắc dân nào. Có lẽ chính vì thế mà tác giả đề ngay từ trang đầu dòng chữ “For all refugees, everywhere” (Cho tất cả những người tị nạn, ở mọi nơi).

Một nhà văn có tài không chỉ để lại những câu văn đẹp, mà còn là những câu nói mang tính “wisdom“. Nguyễn Thanh Việt là một nhà văn đã để lại cho người đọc nhiều câu nói đáng được trích dẫn như là những wisdom – tri thức. Một tri thức tôi tâm đắc nhất là câu (dịch sang tiếng Việt) “tất cả các cuộc chiến đều diễn ra hai lần; lần thứ nhất là ở chiến trường, lần thứ hai là ở kí ức”. Những tri thức và nhận xét trong Người tị nạn cũng có thể xem là những định luật nhân văn của nhân loại.

(Nguyễn Văn Tuấn)

Theo Văn Việt

Sách Người tị nạn đã được xuất bản ở Việt Nam, bản dịch tiếng Việt của dịch giả Phạm Viễn Phương. KOMO độc quyền phát hành ebook của ấn phẩm này. Mời bạn đón đọc!

 

 

Đăng bình luận

concepted and designed by Nhon Giang