Blog, Trà chiều, Điểm sách

Văn chương Xám – Nỗi buồn, sự cô đơn của người trẻ

SayHạnh Nguyên

Bức Tường Trong Chai TequilaBăng Khuê

Trăng TangTru Sa

Sau tất cả những ồn ào bề nổi của hàng loạt hiện tượng cây bút trẻ xuất hiện những năm gần đây, khuấy động văn hóa đọc của làng sách Việt Nam, thì cũng từ chính người trẻ – những người trẻ âm thầm hơn, đi theo một con đường riêng, một lối đi hẹp – xuất hiện chầm chậm mà thấm lâu trên văn đàn.

Lần lượt những khuôn mặt hiện ra – Hạnh Nguyên, Tru Sa, Trần Băng Khuê, những tác giả không chỉ tự chọn cho mình một lối hẹp mà còn chọn chung cho mình một tông màu xám để phủ lên tác phẩm của chính họ.

Màu xám, nỗi buồn, sự u uất, những dằn vặt của cô đơn và ám ảnh dường như vây chặt lấy thế giới của họ. Hạnh Nguyên, Tru Sa, Trần Băng Khuê, lần lượt với ba tập truyện Say, Trăng Tang, Bức Tường Trong Chai Tequila, đã mang đến cho người đọc cái không khí ảm đạm của những ngày chênh vênh tuổi trẻ, của nỗi khắc khoải không thể giải bày.

Ta có thể ngờ rằng họ sống trong tác phẩm của họ hơn là thế giới ngoài đời thực, họ đã tạo ra một thế giới của riêng họ trong văn chương và phóng chiếu đời mình vào đó, văn chương ấy nặng về phần âm, nói tiếng nói của những âm vọng, những ẩn ức bên trong. Văn chương ấy chứa đựng trong mình những câu chuyện kể phần nhiều là bi kịch, những bi kịch đôi khi tưởng chừng rất nhẹ, những cú trượt của cảm xúc, những giây phút mà người đọc cảm thấy sự bất thần và rùng mình bởi những cảm giác cứ đến từ phía sau.

Cuộc đời họ không thể nào vui lên được, họ nói, họ viết, họ sống trong một chân trời xám với rất nhiều hoài nghi về cuộc sống. Và đó cũng chính là lý do khiến họ khác biệt, tự thân văn chương ấy ngay từ lúc xuất hiện đã tự nhiên có chỗ đứng cho mình, ba con người trẻ tuổi ấy không cần chen chân, không cần chiếm chỗ, họ đã tự an vị cho mình một chốn, và trong chốn ấy, họ cố xoay trở trong chính nội tại của mình.

Dĩ nhiên, không chỉ có riêng Hạnh Nguyên, Tru Sa và Trần Băng Khuê trong mạch chảy của thứ văn chương xám, nhưng họ là những khuôn mặt tiêu biểu, chính họ bằng lao động của mình đã củng cố thêm niềm tin vào thứ họ theo đuổi.

Sự xuất hiện của họ là điều tất yếu trong một thế giới đang ngày càng bất an hơn, con người ngày càng chia rẽ nhau hơn, chính thứ văn chương xám ấy phản ánh tâm hồn họ, sự yếu đuối, bất an, nỗi khắc khoải đi tìm một chốn bình yên trong tâm hồn của những người trẻ tuổi.

Chính họ, thầm lặng nhưng tiếng nói rồi sẽ cất cao, vượt lên trên tất cả những ồn ào, những bề nổi của văn chương.

Đăng bình luận

concepted and designed by Nhon Giang