Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc: “Với tôi, sách là thuốc”
Hơn nửa thế kỷ trước, một chú nhóc vào tuổi 15, thất học, phụ mẹ bán hàng xén tại thị trấn nhỏ ở một vùng biển, một hôm theo xe cá nước đá vào Sài Gòn bổ hàng cho mẹ đã tình cờ mua được một cuốn sách “xôn” trên vỉa hè, đó là cuốn Kim chỉ nam của học sinh, tác giả Nguyễn Hiến Lê. Cuốn sách nhỏ đó đã làm thay đổi đời chú.
Quyển sách bổ ích cho tuổi học trò
Chú thực hành theo hướng dẫn trong sách, lập chương trình học ôn, học “nhảy lớp” để đuổi kịp bạn bè mà do hoàn cảnh chú đã phải bỏ học nhiều năm.
Về sau khi trở thành một bác sĩ, và cũng là người học trò gần gũi với tác giả, chú đã viết một cuốn sách “bổ sung” cho Kim chỉ nam của học sinh, đó là cuốn Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò (1972) do chính Nguyễn Hiến Lê đề tựa, và cũng từ đó, mãi về sau này những cuốn sách chú viết cho tuổi mới lớn, tuổi học trò như Khi người ta lớn, Bỗng nhiên mà họ lớn, Ăn vóc học hay… ít nhiều đều ảnh hưởng từ cuốn sách đầu tiên của tuổi thơ.
Chú nhóc đó – nói ra hơi mắc cỡ một chút – chính là tôi, đang cầm trong tay cuốn Kim chỉ nam của học sinh vừa tái bản mà không khỏi có chút bùi ngùi, cái cảm xúc có lẽ gần giống như Anatole France ngồi ở vườn Luxembourg nhìn những chú nhỏ tung tăng trong buổi tựu trường với cặp sách trên vai mà thấy lại hình bóng mình ngày cũ.
Nếu có ai đó hỏi tôi đâu là cuốn sách hay nhất mà tôi từng đọc… thì tôi sẽ lắc đầu không biết, nhưng hỏi tôi cuốn sách nào đã làm thay đổi cuộc đời mình thì tôi sẽ kể Kim chỉ nam của học sinh của Nguyễn Hiến Lê.
Học là một việc nặng nhọc, vất vả, nhưng không ai chỉ cho ta một phương pháp học sao cho nhẹ nhàng, cho sảng khoái, cho thấy sự học là vui, là hạnh phúc, giúp ta “enjoy” cái sự học đó ngay trong lúc đang học chứ không phải đợi lúc thành đạt. Kim chỉ nam của học sinh đã giúp ta điều đó.
Tuy sách ra đời đã hơn 60 năm, nhiều điều nay đã lỗi thời nhưng các nguyên tắc, phương pháp thì vẫn còn nguyên vẹn giá trị của nó.
Như muốn học được lâu dài, học tốt thì không thể không chăm sóc cơ thể, không thể không biết cách ăn, cách ngủ, cách nghỉ ngơi sao cho có sức bền.
Ngay từ thời đó, tác giả đã khuyên rằng “phải theo nổi chương trình” mới nên học, không nên vì danh hão mà học quá sức mình, rằng “VN cần rất nhiều thợ lành nghề”, rằng “Đừng quá chú trọng bằng cấp. Phải ngay thẳng trong kỳ thi”, thì vẫn còn giá trị trong thời buổi thừa thầy thiếu thợ, bằng giả bằng dỏm… tràn lan hiện nay.
Vai trò của người thầy cũng được nhắc đến rằng thầy không phải là người nhồi nhét kiến thức cho trò mà là người chỉ dẫn, đưa cho trò chìa khóa để mở kho tàng “tự học”.
Thấy trẻ con bây giờ đi học khổ sở với môn văn, môn sử… tôi cho lỗi ở chỗ chương trình nặng nề, nhàm chán một phần, phần khác do thầy không có hứng khởi để dạy, không có thì giờ khơi gợi cho trẻ thấy được cái hay cái đẹp để từ đó mà vui mà học.
Những chương như “Làm sao giỏi” vẫn là chương có ích, chỉ cho ta cách học một bài sử, bài địa, bài toán, bài văn… như thế nào một cách cụ thể vì được viết từ những kinh nghiệm sống của tác giả chứ không phải từ những lý thuyết viển vông…
Niềm tin để thành công
Điều đáng quý hơn hết với tôi là Kim chỉ nam của học sinh đã tạo được trong tôi một niềm tin – niềm tin vào chính mình – khi bắt tay tổ chức việc học sao cho dễ thành công.
Nguyễn Hiến Lê là tác giả của hàng trăm đầu sách, những tác phẩm có giá trị về triết học, văn học… nhưng với tôi, những cuốn sách ông viết cho tuổi mới lớn, tuổi thanh niên mới thật hữu ích.
Đó là những cuốn như Tự học để thành công, Tổ chức công việc theo khoa học, Tương lai trong tay ta, Rèn nghị lực để lập thân, Gương danh nhân, Gương kiên nhẫn… thời đó người ta gọi là sách “học làm người”.
Ngày nay cũng có nhiều người viết hoặc dịch những loại sách tương tự nhưng theo tôi, sách phải được viết từ kinh nghiệm sống, từ sự trải nghiệm của chính bản thân mới có thể chia sẻ được, đi sâu được vào lòng người, không chỉ dừng lại ở cung cấp kiến thức mà làm thay đổi nhận thức, thái độ rồi chuyển thành hành vi, lối sống.
Với tôi, sách là thuốc. Đọc sách là uống thuốc. Bán sách là bán thuốc. Viết sách là… bào chế thuốc. Có thuốc bổ và thuốc độc, thuốc chữa bệnh và thuốc gây bệnh. Cầm một cuốn sách trên tay của một tác giả nào đó, bao giờ tôi cũng… ngửi trước, rồi thử đọc vài dòng để “nếm” cái văn phong, rồi nghe sơ qua… bằng cách đọc mục lục, lời nói đầu hoặc lời giới thiệu.
Cũng vẫn chưa đọc ngay đâu. Hẳn coi cái cách người ta trình bày bìa, trình bày sách, kiểu chữ, dàn trang ra sao cái đã. Rồi đọc. Nhâm nhi. Khi đọc, thường có cây viết chì để đánh dấu chỗ này chỗ khác, ghi chú điều nọ điều kia.
Cuốn sách từ đó trở nên thân quen, gần gũi, riêng tư của mình. Vài ba chục năm sau, một hôm dọn dẹp nhà cửa, tình cờ đọc lại những dòng xưa mà… không khỏi bùi ngùi!
Nguồn: thoidaibooks.com
Lời BTV:
Bạn đọc quan tâm đến Tác giả, Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, có thể đọc thử những tác phẩm của ông có trên KOMO tại đây nhé: https://komo.vn/tac-gia/193.html.
Đăng bình luận
You must be logged in to post a comment.