Blog, Trà chiều

Phía sau một cuốn sách

Có một số ý kiến cho rằng: “Nếu đã đọc sách nhiều ở một mức độ nào đó, đọc được hết những quyển sách cần thiết phải đọc trong những lĩnh vực bản thân mình quan tâm thì từ cuối độ tuổi trung niên trở lên, không cần phải đọc sách nữa. Khi đó, chỉ cần ‘đọc’ từ cuộc sống xung quanh thôi theo nghĩa là chỉ sống, chỉ quan sát cuộc sống là đủ rồi. Đó đã là chất liệu đủ để tiếp tục viết mà không cần đọc sách.”

Tôi không đồng tình với ý kiến này vì nhiều nhà văn thế giới tôi thích, họ đọc và học suốt đời. Vì có quá nhiều người như thế nên tôi không thể nhớ hết và liệt kê hết, nhưng nếu phải chọn một người làm minh chứng tiêu biểu, tôi sẽ chọn Umberto Eco. Tôi vẫn chưa thực sự đọc một tác phẩm nào của Eco nhưng tôi đã đọc một số bài tiểu luận, phỏng vấn của ông và tôi rất ngượng mộ tình yêu ông dành cho sách, sự ham học hỏi của ông, hơn cả là tinh thần cởi mở không phân biệt văn chương nghệ thuật và văn chương “thị trường” (nếu ta tạm phân chia như vậy, nhưng đối với Eco thì không nên có sự phân biệt đó). Trong thư viện cá nhân đồ sộ của Eco, rất có thể có nhiều cuốn sách ông chưa đọc nhưng ông trân trọng những quyển sách ông chưa đọc cũng như những quyển sách đã đọc và yêu thích, ông từng nói đại ý rằng những quyển sách chưa đọc dạy ta biết cách khiêm tốn vì nó nhắc ta nhớ về một phần thế giới ta chưa biết đến. Tôi rất thích suy nghĩ ấy và trân trọng nó.

Tôi nghĩ rằng những người viết văn, những nghệ sĩ nói chung, nếu đã là người muốn làm nghệ thuật, muốn lưu giữ lại hoặc tạo ra cái đẹp cho mọi người thưởng thức thì phải không ngừng học hỏi mỗi ngày, từ cả cuộc sống lẫn sách vở. Tôi nghĩ sách vở cũng là cuộc sống, bạn có đồng ý với tôi không? Chỉ là cuộc sống thì ta được tiếp xúc trực tiếp với sự việc khi nó đang diễn ra, tiếp xúc với hữu hạn người mà ta có thể tiếp xúc. Còn sách vở, đằng sau cuốn sách chẳng phải là một con người sao, người đã viết nên nó? Và đằng sau một con người chẳng phải là một cuộc sống sao? Cuộc sống khi người ta quan sát, chiêm nghiệm rồi hồi tưởng lại, tưởng tượng thêm để viết thành những câu chuyện, những cuốn sách. Đó là cuộc sống quá rồi còn gì. Chỉ là nó được trình bày dưới một khía cạnh khác. Và đọc sách cũng không khác gì cuộc trò chuyện với một người – người viết từ cuộc sống, hơn nữa, đó còn là cuộc trò chuyện sâu trong tâm tưởng. Còn cuộc sống là ta ra ngoài trò chuyện với mọi người, suy nghĩ được thốt ra thành lời, không phải bằng con chữ. Thế nên, tôi nghĩ cuộc sống và sách chỉ khác nhau ở mặt hình thức, còn về bản chất thì nó như nhau. Vậy, tại sao người ta có thể đánh đồng hình thức là bản chất? Tại sao người ta có thể vì sự khác nhau giữa hình thức mà gạt bỏ sự tương đồng trong bản chất? Để rồi từ đó, họ đưa đến sự tách biệt giữa “đọc” từ cuộc sống và “đọc” từ sách vở. Tôi thực không hiểu nổi. Tôi rất ghét tư tưởng đó. Từ góc nhìn của một người đọc, tôi thích đọc sách của những tác giả đọc nhiều hơn viết nhiều và không thích lắm, hoặc có thái độ hoài nghi trước tác phẩm của những tác giả viết nhiều hơn là đọc nhiều, bất kể là họ có trải nghiệm cuộc sống phong phú như thế nào.

Với tôi, đọc thậm chí quan trọng hơn viết rất nhiều. Bằng cách đọc, chúng ta có thể tăng cường khả năng lắng nghe. Thử tưởng tượng xem, nếu tất cả mọi người quá thích việc viết đến nỗi họ chỉ viết, viết và viết, không đọc chút nào; vậy thì, ai sẽ đọc những gì đã được viết? Điều đó cũng tương tự như một thế giới, nơi mà mọi người cứ tranh nhau nói lên ý kiến của mình nhưng không ai chịu dừng lại chút nào để lắng nghe ý kiến của người khác. Nếu phải sống trong thế giới như vậy, thật kinh khủng quá phải không?

Do đó, tôi nghĩ đọc phần nào cũng giống như lắng nghe; trong khi đó, viết lại phần nào đó giống như nói. Thực ra, tôi cũng là một người rất yêu việc viết. Nhưng tôi biết, nếu tôi đọc ít hơn tôi viết, những thứ tôi viết ra sẽ không có chút giá trị gì, nó sẽ chỉ lặp lại những điều cũ kĩ của bản thân tôi, kĩ năng viết khi đó cũng chẳng được cải thiện để tốt hơn. Thông qua việc đọc sách, tôi học được cách lắng nghe, quan sát, thấu hiểu, đồng cảm, và dĩ nhiên, cả cách viết nữa. Vì thế, tôi rất yêu việc đọc sách.

Dạo gần đây, tôi quan sát thấy một số bạn trẻ rất siêng đọc, siêng học hỏi. Tôi rất thích điều này và thầm cầu mong các bạn ấy sẽ mãi như thế: luôn đọc, luôn học hỏi. Có một câu của Gandhi mà tôi rất thích: “Hãy sống như thể bạn sẽ chết ngày mai. Hãy học như thể bạn sẽ sống mãi mãi.” Vế đầu tiên của trích dẫn này có lẽ phổ biến hơn vế sau vì ngày nay tôi thấy rất nhiều bạn trẻ thấm nhuần tinh thần YOLO. Nhưng tôi hi vọng, vế sau sẽ ngày càng phổ biến hơn, nhân rộng tầm ảnh hưởng hơn: “Hãy học như thể bạn sẽ sống mãi mãi.” Phải chăng vì nghĩ rằng “một lúc nào đó mình cũng sẽ chết đi, có thể thậm chí ngày mai, vậy thì mình cần đọc sách để làm gì, nên ưu tiên dành thời gian cho gia đình, cuộc sống, bạn bè,” phải chăng vì chính suy nghĩ ấy mà một số người đã chọn dừng đọc khi lập gia đình, khi có con? Tôi nghĩ có thể phần nào hiểu và đồng cảm một chút với suy nghĩ ấy. Vì vậy, câu: “Hãy học như thể bạn sẽ sống mãi mãi” của Gandhi đến với tôi như một sự cứu rỗi, một ánh sáng, một cú gõ vang tiếng thật kêu trong tâm thức. Bởi vì sách là cuộc sống nên chạm vào sách, đọc và học, chẳng phải cũng là một cách để ta tự kéo dài cuộc sống của mình, khiến nó giãn nở ra theo những chiều kích ta chẳng thể biết được đó sao? Và như thế, ta đi vào cõi vô tận trong cuộc đời hữu hạn của bản thân mình.

Hamil

KOMO chân thành cảm ơn bạn Hamil đã đóng góp bài viết này. 

Độc giả có bài cảm nhận về tác phẩm, thông tin/bài phỏng vấn tác giả hoặc bài viết về sách/việc đọc sách nói chung… muốn đóng góp cho KOMO Blog, xin gửi về ebookclub@komo.vn. Nếu bài viết được duyệt đăng blog KOMO, bạn sẽ được tặng một ebook bất kì trên KOMO do bạn tự chọn. 

Đăng bình luận

concepted and designed by Nhon Giang