Uncategorized

Cảm nhận phim W – Hai Thế Giới

Sau Descendants of the Sun, W là một trong những phim truyền hình Hàn năm 2016 khiến tôi mong chờ nhất ngay từ những ngày chỉ mới đọc vài dòng ngắn gọn về nội dung phim.

image019

Thể loại xuyên không đã xuất hiện nhiều trong phim truyền hình Hàn Quốc nhưng hầu hết đều là xuyên không theo trục thời gian từ hiện tại về quá khứ, từ quá khứ đến hiện tại… Tuy nhiên, W lại là câu chuyện xuyên không theo trục không gian giữa hai thế giới thực và ảo, giữa cuộc sống đời thường và cuộc sống trong truyện tranh. W kể lại chuyện tình yêu giữa Kang Chul và Oh Yeon Joo; một người là nhân vật truyện tranh, một người là con gái của tác giả bộ truyện. Với cách chọn đề tài hiếm gặp như thế trong dòng phim mini-series của Hàn, W hứa hẹn đem lại nhiều điều khác biệt, mới mẻ.

I – KỊCH BẢN

image020

Điều W khiến tôi bất ngờ là bộ phim pha trộn nhuần nhuyễn giữa thể loại suspense, thriller và romantic, comedy. Ban đầu, tôi tưởng tượng rằng W sẽ chỉ mang tính lãng mạn kèm theo chút giả tưởng trong chuyện tình của Kang Chul, Yeon Joo. Thế nhưng, tôi không ngờ biên kịch Song Jae Jung khiến không khí phim W phong phú hơn bằng cách cho bộ truyện W (thế giới nơi Kang Chul sống) thuộc thể loại suspense, thriller – vốn mang màu sắc đối nghịch hoàn toàn với cuộc sống thường nhật của Yeon Joo. Bản thân Song Jae Jung cũng từng phát biểu rằng có thể tạm chia W thành hai câu chuyện: câu chuyện về thế giới bạo lực nơi Kang Chul sống và khi Yeon Joo bước vào thế giới đó, cô đem lại chuyện tình lãng mạn, ngọt ngào. Nhưng sẽ là một thiếu sót lớn nếu nói rằng W chỉ có bạo lực và lãng mạn, hành động và tình yêu… bởi hai mặt yếu tố đối nghịch này chỉ mới là phần bề nổi của phim. W có một chủ đề tư tưởng xuyên suốt cả phim về mục đích tồn tại của mỗi cá thể, và phần nào đó, phim cũng nói về vai trò của người sáng tạo.

Độc giả đặc biệt

image021Trong buổi họp báo sau khi W kết thúc, Song Jae Jung nói rằng mục tiêu của cô là nhắm đến số đông khi viết W. Và quả thực, ngoài đề tài mới lạ, W có đầy đủ các yếu tố quen thuộc mà khán giả – phần đông là nữ giới, thường yêu thích ở phim truyền hình Hàn: hình mẫu một chàng trai hoàn hảo từ ngoại hình đến tính cách nhưng mang trong mình quá khứ đau buồn yêu một cô gái vui vẻ, lạc quan, có đời sống tương đối bình thường. Kiểu motif tình yêu giữa nam và nữ thế này không có gì mới nhưng vẫn luôn dễ dàng thu hút người xem nếu biên kịch biết cách làm mới các đặc điểm trong tính cách, mối quan hệ của nhân vật. Trong W, điểm riêng biệt ấy chính là mối quan hệ tình yêu được xây dựng giữa nhân vật truyện tranh và con gái của tác giả bộ truyện. Yếu tố cần nhấn mạnh ở đây là “con gái của tác giả bộ truyện” – đó là điểm đặc biệt nhất. Nếu chúng ta thử xét các nhóm đối tượng tương tác với một bộ truyện sẽ nhận ra rằng chỉ có thể qui về hai nhóm cơ bản: người đọc và người sáng tạo. Như vậy, khi một người viết có ý định sáng tạo ra câu chuyện về mối quan hệ lãng mạn giữa nhân vật truyện tranh và người thực sẽ có hai sự lựa chọn cơ bản: mối quan hệ giữa nhân vật truyện tranh và người đọc, mối quan hệ giữa nhân vật truyện tranh và người sáng tạo. Sẽ ra sao nếu W không có bóng dáng của Oh Sung Moo, nếu Oh Yeon Joo hoàn toàn là tác giả của bộ truyện W và cô yêu Kang Chul? Khi đó, W có thể sẽ biến thành một phiên bản hiện đại của câu chuyện về Pygmalion yêu bức tượng do chính mình tạc ra. Câu chuyện như thế này sẽ thiên về hướng nội tâm rất nhiều, chủ yếu tập trung vào quá trình sáng tạo và những trăn trở của người nghệ sĩ. Nếu triển khai nội dung theo hướng này thì sẽ là sự mạo hiểm lớn bởi nó có thể khiến số đông không tiếp nhận được khi thiếu đi kịch tính, mâu thuẫn, sự tương tác bên ngoài giữa các nhân vật; trong khi đó, mục tiêu Song Jae Jung đặt ra lại là số đông. Tiếp theo, ta thử xét đến cặp mối quan hệ giữa nhân vật truyện tranh và người đọc. Sẽ ra sao nếu Oh Yeon Joo chỉ là một độc giả bình thường, không phải là con gái của tác giả? Khi đó, câu chuyện sẽ mang màu sắc con người cô đơn giữa chốn thị thành hiện đại và cũng khiến bộ phim ít mâu thuẫn, kịch tích hơn; đồng thời, W có thể sẽ phần nào giống như MV Take on me của nhóm nhạc nhạc A-ha và MV Take của Seo In Guk (cover lại Take on me) mà nhóm làm VFX cho phim đã tham khảo. Vậy nên, chúng ta có thể thấy được rằng biên kịch Song Jae Jung đã vô cùng khéo léo khi sắp đặt đối tượng yêu nhân vật truyện tranh là con gái của tác giả bộ truyện. Điều này đã tạo nên một mệnh đề hứa hẹn mang trong nó nhiều mâu thuẫn, kịch tích cho phim khi đặt người con gái vào thế ở giữa hai bên: một bên là nhân vật truyện tranh cô hâm mộ với tư cách là độc giả và sau này là người cô yêu với tư cách là vợ anh, một bên là bố cô và đồng thời cũng là tác giả của bộ truyện cô yêu mến với tư cách là độc giả. Một điểm thú vị nữa là Yeon Joo không chỉ là độc giả, cô còn vô tình là đồng tác giả của W, cô là người sáng tạo ra Kang Chul và bố cô là người sáng tạo ra câu chuyện. Khi xây dựng mong muốn khác biệt giữa Yeon Joo và bố về số phận của Kang Chul (Yeon Joo muốn Kang Chul có một kết thúc hạnh phúc nhưng ban đầu, bố cô lại muốn anh chết), biên kịch Song Jae Jung đã đặt Yeon Joo trong sự lựa chọn giữa việc tôn trọng tác phẩm sáng tạo của bố hay làm theo điều trái tim mách bảo. Đó là mâu thuẫn kéo dài suốt nửa đầu phim. Khi câu chuyện phát triển ở mức đỉnh điểm cũng là lúc Yeon Joo phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn nhất trong đời cô. Lẽ đương nhiên, Yeon Joo không muốn lựa chọn. Nhưng, Kang Chul đã trao cho cô quyền lựa chọn ấy. Cô là chìa khóa cuộc đời anh, và có thể nói, cô cũng chính là chìa khóa quan trọng nhất mà Song Jae Jung đã tìm ra để đem đến thành công cho kịch bản W.

Ý chí riêng của nhân vật

image022

Trong W, tôi rất thích phân cảnh Kang Chul tìm gặp tác giả Oh Sung Moo và vấn đáp ông ở tập 5. Còn cuộc gặp gỡ nào mang màu sắc phi lí nhưng lại chứa đựng nhiều cảm xúc như thế giữa một tác giả và nhân vật do chính mình tạo ra? Bằng diễn xuất tuyệt vời ở phân đoạn này, Lee Jong Suk và Kim Eui Sung đã khiến tôi hoàn toàn đắm chìm trong cuộc đối thoại của Kang Chul và Sung Moo. Khoảnh khắc Sung Moo tiết lộ ngay từ đầu ông không tạo ra một hung thủ thực sự mà đó chỉ là khó khăn nhằm khiến nhân vật chính trở nên mạnh mẽ hơn có lẽ là một trong những khoảnh khắc mang lại nhiều cảm xúc nhất cho tôi khi theo dõi W. Tôi hoàn toàn hiểu sự phẫn nộ của Kang Chul, đồng thời tôi cũng thông cảm với Sung Moo vì đó là nguyên tắc cơ bản mà người viết truyện thường áp dụng. Tuy nhiên, cảm xúc chính của tôi vẫn là tức giận tác giả Sung Moo. Nếu Sung Moo viết W theo hướng là một câu chuyện phi lí kiểu Kafka hay hiện thực huyền ảo kiểu Murakami Haruki, tôi sẽ không trách ông khi ông không tạo dựng một hung thủ tồn tại thực sự. Nhưng ở W, ông đã xây dựng câu chuyện này theo hướng hiện thực với rất nhiều cảnh hành động mang không khí hồi hộp, vậy mà ông lại không tạo danh tính rõ ràng cho kẻ thủ ác. Tôi cảm thấy ông thật thiếu trách nhiệm với câu chuyện, nhân vật của mình khi xây dựng thế lực đối nghịch với nhân vật chính một cách tùy tiện như vậy. Không chỉ là với tên sát thủ áo đen – kẻ ngay từ đầu không có khuôn mặt và thân thế, ngay cả nhân vật Han Chul Ho – một ủy viên chính trị thù ghét Kang Chul cũng được ông xây dựng rất qua loa. Với mỗi nhân vật trong W, Sung Moo chỉ xây dựng cho họ một mục tiêu duy nhất, cuộc sống của họ không gì khác ngoài việc thực hiện mục tiêu ấy. Kang Chul từng bày tỏ rằng anh rất bất bình khi nghĩ đến việc con người chỉ có duy nhất một mục tiêu tồn tại đã được định sẵn từ lúc sinh ra đến khi chết đi, điều đó thật phi lí. Tâm tình này của Kang Chul có lẽ cũng là điều biên kịch Song Jae Jung tự phản biện lại chính mình khi viết kịch bản. Để xây dựng kịch tính cho dòng phim giải trí, biên kịch thường có xu hướng áp đặt một mục tiêu cụ thể cho nhân vật, các nhân vật trong phim lại theo đuổi những mục tiêu mâu thuẫn nhau – điều này tạo ra kịch tính phim. Nếu một nhân vật dễ thay đổi mục tiêu của mình, kịch tính của câu chuyện có thể sẽ giảm đi khi không còn mâu thuẫn và sự đối kháng giữa các tuyến nhân vật nữa. Và vấn đề của một biên kịch khi viết dòng phim kiểu này sẽ là sự đấu tranh tư tưởng giữa việc tạo kịch tính thúc đẩy câu chuyện hay lắng nghe tiếng lòng của nhân vật. Một biên kịch giỏi sẽ là người vừa giữ cho tâm lí nhân vật phát triển hợp lí, vừa duy trì được kịch tính cho phim. Song Jae Jung chia sẻ rằng ý tưởng viết W đến khi cô suy nghĩ về việc liệu nhân vật cô đang viết có ý chí riêng không, có thực sự là họ muốn hành động như thế không hay chỉ vì cô bắt họ làm như thế để có kịch tính. Đó là điều cô đã luôn trăn trở.

Sự chuyển đổi giữa người đọc và người trải nghiệm

image023

Sau khi đọc qua một số ý kiến trên trang Soompi, tôi nhận thấy có khá nhiều người buồn lòng về việc Kang Chul đến cuối phim vẫn không thể nhớ lại những kí ức đã mất của mình theo kiểu anh thực sự cảm nhận đó là những việc bản thân đã trải qua chứ không phải là kiểu lí tính từ việc đọc bộ truyện mà biết được. Cách anh luôn tách biệt giữa mình và người chồng trước của Yeon Joo, giữa Kang Chul trong truyện và chính anh, cách anh tự so sánh và cạnh tranh với quá khứ của mình khiến tôi rất thích thú, khiến tôi yêu mến Kang Chul 2.0 hơn cả Kang Chul 1.0; tuy nhiên, quả thực đâu đó trong tôi cũng có cảm giác phảng phất buồn về việc này. Kang Chul sẽ chẳng bao giờ thực sự nhớ lại những việc trước đây với Yeon Joo nữa bởi anh không phải bị mất kí ức do tác động thể chất như thông thường, anh bị mất kí ức vì tất cả đã biến thành một giấc mơ anh không nhớ rõ. Đối với anh, những kí ức ấy chưa từng xảy ra trong thực tế; vì vậy, chúng thậm chí gần như chẳng từng tồn tại để có thể gọi là đã bị mất đi và sẽ tìm lại được. Khi tất cả mọi thứ trở thành giấc mơ, kí ức cũng biến thành tiềm thức – đó là thứ chẳng bao giờ chuyển hóa thành ý thức rõ rệt được dù nó vẫn nằm ở đáy sâu nào đó trong tâm thức, dù nó khiến anh đôi khi mơ hồ nhận ra sự tồn tại của nó. Tuy nhiên, qua một thời gian sau khi xem xong phim, nghĩ về điều này không còn khiến tôi thấy buồn nữa. Việc anh không nhớ lại nhưng vẫn yêu Yeon Joo chứng tỏ rằng anh đã hoàn toàn yêu cô lần thứ hai với con người mới của anh, với những kí ức mới. Hơn nữa, việc Kang Chul tự tách biệt mình với quá khứ trước đây như vậy khiến tôi nhận ra có một sự chuyển dịch vai trò thú vị và hợp lí. Yeon Joo đã từng yêu mến Kang Chul bằng việc đọc truyện tranh và tiếp xúc với anh, điều cô biết về anh vừa là cảm nhận thông qua lí tính vừa là trải nghiệm thông qua các giác quan. Ở đây, Yeon Joo có vai trò là người đọc và người trải nghiệm cùng lúc. Nhưng Kang Chul khi ấy chỉ có vai trò là người trải nghiệm, anh yêu mến Yeon Joo thuần túy qua việc tiếp xúc với cô. Khi Kang Chul mất đi kí ức, anh đọc W tập 34 và biết được những gì đã xảy ra giữa hai người, lúc này, Kang Chul lại được trao cho cả vai trò là người đọc và người trải nghiệm như Yeon Joo trước đây. Tình yêu sau này Kang Chul dành cho Yeon Joo không chỉ đơn thuần xuất phát từ trải nghiệm cá nhân giữa anh với cô mà có lẽ, cũng phần nào từ cảm nhận với tư cách là độc giả khi anh đọc W tập 34. Vì vậy, khi Yeon Joo hỏi anh: “Anh đã nhớ ra em chưa? Bây giờ, anh đã nhớ ra tất cả mọi việc rồi sao?”, Kang Chul trả lời: “Không. Chẳng qua là tôi suy đoán mà thôi. Suy đoán trái tim của Kang Chul trong truyện. Cô Oh Yeon Joo không thay đổi gì cả. Nghĩ đến là tôi có thể biết được ngay. Biết sức hút giống như con ma bệnh đó của cô là gì.” Dù rằng Kang Chul chưa bao giờ nói ra điều này nhưng tôi nghĩ rằng anh cũng yêu mến Oh Yeon Joo anh đã đọc trong truyện tranh, yêu mến tình yêu hai người đã từng có trước đây, yêu tình yêu cô dành cho anh cũng giống như những khán giả xem phim đã yêu mến tình yêu của cả hai vậy.

image024

Qua phân tích, chúng ta có thể thấy vai trò là người đọc và người trải nghiệm liên tục đảo chiều giữa các nhân vật trong W không chỉ theo nghĩa bóng mà còn theo cả nghĩa đen. Một số khán giả trên Soompi chia sẻ rằng họ rất thích tình yêu giữa Kang Chul và Yeon Joo vì cả hai rất thấu hiểu nhau, không bao giờ giấu nhau bất cứ bí mật gì để rồi dẫn đến hiểu lầm, không tin tưởng nhau và chia tay, sau đó quay lại như những phim truyền hình Hàn khác – đây là một công thức đã khiến nhiều khán giả mệt mỏi. Quả thực, tôi cũng rất dễ chịu khi xem W vì Yeon Joo chưa bao giờ nghi ngờ Kang Chul, cô luôn tin tưởng và yêu thương anh hết mực; ngược lại, Kang Chul cũng như thế. Nhưng việc hai người không giấu nhau bất cứ bí mật nào (bí mật theo kiểu gây hiểu lầm và tổn thương nhau chứ không phải bí mật Kang Chul là nhân vật truyện tranh mà Yeon Joo đã cố gắng giấu lúc ban đầu để tránh sự tổn thương cho anh) không chỉ xuất phát từ nguyên nhân chủ quan mà còn có cả nguyên nhân khách quan: họ muốn giấu nhau bí mật gì cũng không được bởi sau này cả hai đều có thể biết tình hình của người kia thông qua việc đọc W. Ở đây, một lần nữa ta lại thấy sự sắp xếp tài tình của Song Jae Jung khi cho W là bộ truyện webtoon được cập nhật từng chương liên tục trên mạng chứ không phải là trên tạp chí; việc này đã giúp cô giải quyết được rất nhiều vấn đề trong kịch bản. Song Jae Jung chia sẻ rằng cô từng có ý định cho Oh Sung Moo không phải là họa sĩ truyện tranh mà hoàn toàn là họa sĩ vẽ tranh nghệ thuật thuần túy. Tuy nhiên, việc tìm kiếm một họa sĩ Hàn đồng ý vẽ tranh cho phim là rất khó, hơn nữa, cũng đội chi phí sản xuất phim lên cao. Ngoài ra, cô cũng tự nhận thấy nếu để cho Sung Moo là họa sĩ vẽ tranh nghệ thuật thuần túy thì kịch bản sẽ rất khó triển khai. Cuối cùng, vấn đề được giải quyết đơn giản và hiệu quả khi Song Jae Jung cho Oh Sung Moo là họa sĩ truyện tranh webtoon. Ý tưởng ban đầu về họa sĩ vẽ tranh nghệ thuật chỉ còn phảng phất trong tập 1 của W với hình ảnh bức tranh Saturn Devouring His Son (Saturno devorando a un hijo) của Goya.

Saturn và Goriot

image025W không chỉ nói đến vai trò thú vị giữa người đọc và người trải nghiệm mà còn nói đến vai trò của người Cha theo nghĩa vừa là đấng sinh thành, vừa là đấng sáng tạo. Oh Sung Moo vừa là cha của Oh Yeon Joo, vừa là cha của Kang Chul. Một người là đứa con sinh ra từ máu mủ của ông, một người là đứa con sinh ra từ tinh thần ông. Một người là đứa con ông muốn bảo vệ, một người là đứa con ông muốn hủy diệt. Đứng giữa sự mâu thuẫn đó, cuối cùng ông chấp nhận tan biến để hai người con của mình đến được với nhau: “Gửi Kang Chul. Tôi đã mong cậu sẽ là người cho tôi an nghỉ, nhưng kết cục tôi phải tự đi. Tôi đã chết rồi. Linh hồn của tôi đã không thể hoàn trả lại được nữa rồi vì không biết khi nào lại trở nên điên loạn nữa… nên tôi định kết thúc cuộc đời mình ở đây. Cậu hãy ra ngoài thế giới thực, tôi thì sẽ kết thúc cuộc đời mình ở đây. Cậu có thể thành người, còn tôi sẽ trở thành nhân vật truyện tranh. Cậu sẽ vượt qua khỏi nhân vật tôi đã tạo nên, còn tôi sẽ lại biến thành nhân vật mà tôi vẽ ra và rồi chết đi. Cuộc đời này thật thú vị đúng không? Cậu hãy sống hạnh phúc nhé! Hãy làm cho Yeon Joo hạnh phúc. Và còn, nếu gặp được Yeon Joo thì cứ nói là tôi vẫn còn sống. Đừng khiến con bé phải đau buồn. Hãy nói là ở nơi này tôi còn sống tốt hơn trước nữa, trong thế giới truyện tranh chính tay tôi vẽ nên.” Dù Sung Moo đã viết đằng sau bức tranh Saturn Devouring His Son rằng: “Trước khi bị nuốt chửng, ta phải nuốt chửng ngươi”, nhưng cuối cùng, ông vẫn nhận lãnh kết cục bi thảm như Saturn và Kang Chul đã trở thành Jupiter một cách bất đắc dĩ. Trong khi đó, sự hi sinh ông dành cho Yeon Joo lại khiến tôi nhớ đến tình cha cao cả của ông già Goriot. Vậy nên, tôi thấy được bóng dáng của hai người cha cùng một lúc trong Sung Moo: ông vừa là Saturn, vừa là Goriot.

Ngữ cảnh mới cho tình huống quen thuộc

Khi xem lại những bức hình của W, tôi thử làm một trò chơi: giả sử bỏ đi hết những kí ức của tôi về W, giả sử tôi chưa xem W thì khi nhìn những bức hình này, tôi thấy chúng có gì đặc biệt không. Tôi ngạc nhiên khi nhận ra câu trả lời là không. Những hình ảnh mà tôi thấy được là những hình ảnh rất bình thường: một cô bác sĩ, một chàng trai hào hoa, một tác giả truyện tranh, cô gái chờ chàng trai ở bến xe bus, chàng trai chở cô gái đi dạo, dẫn cô đến cửa hàng thời trang để mua quần áo… Không có bất cứ cảnh huống nào thoạt nhìn qua ta thấy đặc biệt cả, thậm chí một số cảnh huống có thể dễ dàng gây cảm giác rẻ tiền chẳng hạn như bức hình chụp lại cảnh này:

image026

Giả sử bạn chưa xem W, khi nhìn hình này bạn sẽ nghĩ gì? Có phải cách tưởng tượng dễ nhất là một đại gia đang nhìn cơ thể một gái gọi để quyết định xem có qua đêm cùng cô chăng? Tôi nghĩ rằng cả những người giàu trí tưởng tượng nhất cũng khó mà nghĩ ra một câu chuyện giàu cảm xúc đằng sau bức hình này nếu như không xem phim: chàng trai đang đứng nhìn cơ thể cô gái chỉ là một nhân vật truyện tranh còn cô là con gái của tác giả bộ truyện, cô đang bị kéo vào thế giới truyện tranh của chàng trai, cô vừa muốn thoát ra khỏi bộ truyện vừa không muốn làm tổn thương anh khi cho anh biết anh là nhân vật truyện tranh; để thoát khỏi bộ truyện, cô cần phải tạo ra sự thay đổi trong cảm xúc nơi anh hoặc một sự kiện vô cùng kịch tính, thế là cô chọn cách đột ngột cho anh thấy cơ thể của mình với mong muốn khiến anh bất ngờ. Đấy là toàn bộ câu chuyện đằng sau bức hình này. Ôi Chúa ơi, tôi sẽ rất phục những ai chưa xem phim mà có thể đặt ra một câu chuyện như thế hoặc có tính chất li kì tương tự như thế nếu chỉ nhìn vào bức hình này.

image027

Thông qua phép thử mà tôi tự đặt cho chính mình, tôi nhận ra thêm một bài học cũ nhưng luôn cực kì quan trọng: mọi thứ cần phải đặt trong ngữ cảnh của nó, việc sáng tạo ra một câu chuyện đôi khi không hẳn là tạo nên những cảnh tượng mới mẻ mà chỉ đơn thuần là tạo ngữ cảnh mới, tạo sự liên kết mới cho những cảnh quen thuộc. Với W, biên kịch Song Jae Jung đã cho thấy cô là người rất giỏi trong việc này. Bản thân Kang Chul trong phim cũng từng có cuộc đối thoại với So Hee như sau: “Mọi người chỉ nhìn vào bề mặt mà không chú ý đến liên kết và nghĩ rằng đó là lẽ thông thường. Cậu nghĩ cậu đang hành động theo lẽ thường nhưng không phải vậy mà là cậu đang thờ ơ với mọi liên kết về con người Oh Yeon Joo. Cô gái ấy vì không muốn nguy hại đến mình nên đã ném điện thoại của mình đi ngay trước khi bị bắt. Thông tin cá nhân không phải thứ quan trọng. Nếu biết được bản chất của hành động đấy, làm sao cô ấy có thể là nghi phạm được?” Một lần nữa, W nhắc nhở người xem đừng nên vội phán xét người khác dựa trên các sự kiện bề mặt, chúng ta phải tìm hiểu những tâm tư của họ ẩn sau hành động, chúng ta phải nhìn ra sự liên kết và đặt mọi thứ trong ngữ cảnh hoàn chỉnh của nó. Bài học đạo đức như thế này thoạt nghe qua có vẻ nặng nề nhưng đã được đề cập trong W vô cùng nhẹ nhàng, thỏa đáng mà không khiến người xem thấy sống sượng.

II – DỰNG PHIM & CHỈ ĐẠO DIỄN XUẤT

image028Khi xem lại W lần hai để viết recap, tôi mới nhận thấy một phân cảnh dài trong phim thường bị cắt thành những cảnh ngắn xen kẽ đứt đoạn với các cảnh khác. Tiêu biểu là ở tập 14, cảnh Kang Chul lên sân thượng ngăn Sung Moo tự tử rồi tâm sự với ông những cảm xúc anh dành cho Yeon Joo, sau đó cả hai lên kế hoạch lấy lại chiếc bàn vẽ. Đó là một cảnh nếu để liên tục sẽ khá dài. Vì vậy, đạo diễn Jung Dae Yoon đã chọn phương pháp chẻ nhỏ theo từng giai đoạn. Đầu tiên, người xem thấy cảnh Kang Chul ngăn cản Sung Moo kịp thời khi ông đã bước được một chân qua phía bên kia lan can, anh nói ông vẫn còn có thể cứu Yeon Joo với ngòi bút tác giả. Cảnh này bị cắt ở đây và thay bằng cảnh Soo Bong tìm Sung Moo, anh trách Min Soo vì sao lại hỏi chuyện Yeon Joo trước mặt Sung Moo. Sau đó, Kang Chul cõng Sung Moo vào phòng bệnh. Anh từ biệt Soo Bong để quay về thế giới truyện tranh. Trên giường bệnh, Sung Moo hồi tưởng lại cuộc đối thoại trên sân thượng với Kang Chul. Lúc này, người xem được tiếp tục theo dõi cảnh đã bị cắt trước đó: Kang Chul nói rằng Yeon Joo rất quan trọng với anh vì cô là gia đình duy nhất của anh, gia đình thực sự, không phải là gia đình do Sung Moo tạo ra, những kí ức có được cũng là khi ở bên cạnh nhau thực sự, không phải những kí ức được tạo ra. Kang Chul cõng Sung Moo về phòng bệnh và nói với ông rằng ông đã trở thành người quan trọng với anh, không phải với tư cách là tác giả, mà với tư cách là bố của vợ anh. Cảnh này bị cắt một lần nữa để chuyển sang cảnh trước khi lên xe, Kang Chul nói sẽ để lại tín hiệu cầu cứu cho Soo Bong. Sau đó, người xem được tiếp tục theo dõi cuộc đối thoại của Kang Chul và Sung Moo trên sân thượng. Kang Chul nói rằng chắc chắn có một bàn vẽ được giấu đâu đó trong thế giới truyện tranh, hung thủ bảo Sung Moo phá hủy bàn vẽ trong thế giới thực chẳng qua chỉ để thế lực đối nghịch với hắn không thể sử dụng được nữa.

Như vậy, trong cảnh lẽ ra có thể để liên tục như thế, đạo diễn Jung Dae Yoon đã cắt nhỏ nó ra thành ba phần đứt đoạn. Tôi nhận ra rằng cách cắt này khiến cho mạch phim diễn ra nhanh hơn, đồng thời gây sự tò mò hơn. Nếu như cảnh này không bị ngắt, cảm xúc của người xem sẽ được liền lạc nhưng mạch phim sẽ chậm đi vài nhịp: vì không ngắt, khán giả sẽ phải thấy cảnh Kang Chul dìu Sung Moo từ vị trí gần lan can đến khi ngồi trên ghế đá như thế nào, nội dung cuộc đối thoại cũng phải có thêm vài câu chuyển từ vấn đề này sang vấn đề kia… Nhưng khi chia nhỏ một cảnh dài ra như thế này, đạo diễn có thể loại đi bớt những cảnh thừa, khiến mạch phim nhanh hơn, đồng thời cũng không khiến cảm xúc người xem bị chẻ vụn quá nhiều. Cảnh duy nhất trong W được giữ lại độ dài tương đối trọn vẹn của nó là phân cảnh Kang Chul đối thoại với Oh Sung Moo trong tập 5. Tuy nhiên, ở phân cảnh này, đạo diễn cũng dựng xen kẽ khá nhiều với cảnh Yeon Joo đang ở trong xe taxi và nghe cuộc trò chuyện của hai người.

W có lẽ là một trong những phim truyền hình Hàn sử dụng flashback nhiều nhất mà tôi từng biết. Hầu như tập nào của phim cũng có cảnh flashback. Theo thống kê của tôi, hai tập trong W có nhiều cảnh flashback nhất là tập 14 với sáu cảnh flashback và tập 15 với tám cảnh flashback. Flashback được sử dụng trong W không chỉ đơn thuần để hồi tưởng mà được dùng như phương pháp che đậy và tiết lộ bí mật. Ngoài ra, để khán giả dễ theo dõi câu chuyện, đầu mỗi tập phim đều có phần tóm tắt ngắn gọn nội dung của tập trước – đây là điều hiếm gặp đối với phim truyền hình Hàn Quốc, cách làm này quen thuộc nhiều hơn với phim truyền hình Nhật.

image029

Khi xem những đoạn phim Behind the scenes, tôi rất thích cách Jung Dae Yoon chỉ đạo diễn xuất. Ông tỏ ra là một đạo diễn rất biết cách lắng nghe và trao đổi với diễn viên. Tôi thích cách ông chỉ đạo diễn xuất nụ hôn trong tập 7 của phim. Ban đầu, Hyo Joo cảm thấy động tác vòng tay qua cổ Jong Suk để hôn có gì đó khá buồn cười, tôi để ý thấy khi diễn tập thử cánh tay cô vòng lên khá thấp khiến Jong Suk phải cúi đầu để tròng qua tay cô; quả thực, nhìn động tác ấy có chút buồn cười. Nhưng đạo diễn Dae Yoon đã cương quyết giữ chính kiến của mình, ông giải thích với Hyo Joo rằng: “Động tác này là cần thiết bởi khi Yeon Joo vòng tay như thế, nó thể hiện cô đang mở lòng ra đón nhận Kang Chul.” Trong bản phim chính thức, Hyo Joo đã vòng tay khá cao nên Jong Suk không còn phải cúi đầu xuống để luồn cổ qua vòng tay cô nữa. Vì vậy, động tác này trở nên rất đẹp, nó thành điểm nhấn đáng kể cho nụ hôn vô cùng say đắm của hai người. Tôi đã xem đi xem lại không biết bao nhiêu lần nụ hôn trong tập 7, lần nào tôi nhận thấy mình cũng bị đắm chìm trong động tác đó, tư thế của hai người khi ấy, ánh mắt hạnh phúc, môi chạm môi. Tôi thầm cảm ơn đạo diễn Dae Yoon vì ông đã giữ vững lập trường về động tác vòng tay qua cổ để “cảnh hôn còng tay” này trở nên đáng nhớ như vậy.

III – DIỄN XUẤT

image030Vì diễn xuất của Lee Jong Suk cũng như toàn bộ dàn diễn viên còn lại trong phim (ngoại trừ Han Hyo Joo) đều được công nhận mà hầu như không có bất kì ý kiến trái chiều nào nên tôi sẽ không bàn luận về diễn xuất của họ ở đây bởi cá nhân tôi cũng thấy họ diễn tốt. Ở phần này, tôi chỉ muốn nhắc đến diễn xuất của Han Hyo Joo trong phim cũng như ý kiến của mọi người xoay quanh diễn xuất của nàng.

Để bắt đầu, trước tiên tôi phải thú nhận rằng tôi chưa xem bất kì phim truyền hình nào Han Hyo Joo đóng trước đó, những bộ phim đình đám tạo nên danh tiếng của nàng như: Brilliant Legacy, Dong Yi, hay thậm chí là Spring Waltz… Tôi chỉ vừa biết đến Hyo Joo năm ngoái qua C’est Si Bon và ngay lập tức đã bị thu hút bởi diễn xuất cũng như vẻ đẹp của nàng. Sau đó, tôi đã tìm xem tất cả phim điện ảnh nàng đóng vì tôi không có nhiều thời gian để xem phim truyền hình. Như vậy, có thể nói là chủ yếu tôi tiếp xúc với Hyo Joo ở mảng điện ảnh và tôi không thấy diễn xuất của nàng có vấn đề gì ở mảng điện ảnh cả. Nhưng điện ảnh và truyền hình có đặc thù, cách làm việc cũng như đối tượng khán giả tiếp nhận hơi khác nhau một chút; vì vậy, tôi cũng đồng tình với ý kiến thông cảm cho nàng rằng sau sáu năm chỉ đóng phim điện ảnh thì khi quay trở lại đóng truyền hình, nàng có chút chuệch choạc là điều hoàn toàn chấp nhận được. Tuy nhiên, một bộ phận khán giả lại chỉ trích diễn xuất của nàng dữ dội và tỏ ra không đồng tình khi APAN trao giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho nàng. Sự thật là diễn xuất của nàng có tệ đến mức phải nhận búa rìu dư luận như thế không? Câu trả lời của tôi là không, hoàn toàn không. Thậm chí, phần nào đó tôi có thể hiểu tại sao APAN lại trao giải cho nàng. Ở đây, tôi sẽ không so sánh nàng với những ứng viên khác trong hạng mục đề cử vì tôi tin rằng ai cũng xứng đáng với lí do họ được chọn. Tôi chỉ muốn tập trung viết về những điểm mà tôi nghĩ rằng nàng đã làm tốt cũng như làm chưa tốt nhưng vẫn ở mức chấp nhận được trong W.

Trong phân nửa đầu phim W (tức là khoảng 8 tập đầu), ý kiến chê nàng thường nói nàng diễn xuất quá cường điệu, không tự nhiên. Ý kiến này không hẳn là hoàn toàn sai, thế nhưng chúng ta phải xét diễn xuất của nàng trong không khí chung của phim và đóng góp của nàng từ diễn xuất vào không khí đó. Tuy cũng có những phân đoạn buồn nhưng nửa đầu phim W chủ yếu mang không khí hài hước, đặc biệt là những cảnh có sự xuất hiện của Oh Yeon Joo. Nếu xem sơ đồ quan hệ các nhân vật trong phim, chúng ta sẽ thấy rõ W chia làm hai tuyến nhân vật: tuyến nhân vật xoay quanh Kang Chul, tuyến nhân vật xoay quanh Oh Yeon Joo.

image031

Tuyến nhân vật xoay quanh Kang Chul rõ ràng đóng vai trò chính là tạo kịch tính cho phim chứ không phải tạo sự hài hước. Như vậy, toàn bộ vai trò tạo không khí hài hước, thư giãn cho phim đến từ tuyến nhân vật của Oh Yeon Joo với ba cây hài chính là: Yeon Joo, Soo Bong, giáo sư “Chó điên” Park Min Soo. Sự hài hước trong phim truyền hình thông thường đến từ sự cường điệu. Sự cường điệu khiến cho khán giả nhận thấy một điều gì đó bất thường, làm quá lên từ cử chỉ, điệu bộ, biểu cảm khuôn mặt và từ đó, bật ra những tràng cười sảng khoái. Cách diễn hài này trong phim truyền hình được áp dụng rất nhiều, có thể dễ dàng bắt gặp trong những phim truyền hình châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông và đương nhiên là Hàn Quốc. Như vậy, việc Hyo Joo diễn có phần hơi cường điệu một chút ở nửa đầu phim chẳng qua chỉ là để tạo không khí hài hước, để đem lại tiếng cười cho mọi người. Không biết với những khán giả khác thì như thế nào nhưng tôi thực sự đã được nàng đem đến cho những trận cười đau cả bụng ở các tập đầu của phim, tôi cứ tua đi tua lại mãi một số đoạn để được cười thỏa thích. Trong rất nhiều cảnh hài, tôi thích nhất là cảnh hài nàng diễn trong tập 2, phân đoạn khi Kang Chul gặp nàng sau hai tháng, anh mời nàng ngồi vào xe để đi đến đâu đó trò chuyện. Trong xe, Chul đã hỏi Yeon Joo rằng khoảng thời gian qua cô sống có tốt không. Khi đó, Yeon Joo không trả lời Chul nhưng người xem có thể nghe được tiếng lòng của cô: “Sống không tốt làm sao được? Mới có 30 phút trôi qua thôi mà.” Chỉ là một cảnh rất đơn giản nhưng cứ khiến tôi cười mãi không thôi. Ở đoạn này, Hyo Joo chỉ cần mím môi lại một chút, mắt ngước nhìn lên trên và chớp chớp là đã tạo ra được không khí hài hước tràn ngập. Nếu ta chỉ xét trên thoại và hành động bên ngoài, rõ ràng cảnh này không có gì đáng cười. Do đó, sự hài hước trong phân cảnh này phụ thuộc rất lớn vào diễn xuất và giọng nói của Hyo Joo. Với tôi, nàng đã thành công trong phân cảnh này. Xét về mặt diễn hài, cảnh nào nàng cũng khiến tôi cười; vì vậy, tôi không cảm thấy khó chịu diễn xuất cường điệu của nàng trong bất cứ phân cảnh nào khi nó góp phần tạo sự hài hước. Nếu ta nhìn qua diễn xuất của Lee Si Un (vai Park Soo Bong) và Heo Jung Do (vai Park Min Soo) thì sẽ càng thấy rõ rệt hơn chính sự cường điệu trong lối diễn của họ đã đem đến tiếng cười. Thế nhưng, tại sao Lee Si Un và Heo Jung Do không bị chỉ trích là diễn cường điệu trong khi Hyo Joo lại bị chỉ trích như thế? Điều này thật vô lí bởi nàng chỉ đang làm tốt nhiệm vụ của mình trong những cảnh hài.

image032

Bây giờ, ta sẽ xét đến những cảnh không hài của Oh Yeon Joo. Những cảnh không hài là những cảnh cảm xúc ở mức độ bình thường và những cảnh cực kì buồn, những cảnh khóc. Tôi sẽ không bàn đến những cảnh bình thường ở đây mà chỉ bàn đến những cảnh khóc vì đó là những cảnh nàng phải nhận nhiều sự chỉ trích nhất. Mọi người hay nói nàng diễn cảnh khóc trông thật giả nhưng có thật là mọi cảnh khóc trong phim của nàng đều trông giả không? Câu trả lời của tôi là không. Tôi cho rằng nàng đã diễn 90% cảnh khóc tốt và chỉ khoảng 10% là chưa tốt trong rất nhiều cảnh khóc ở nửa sau phim. Thế nhưng, mọi người lại lấy chính 10% đó để chỉ trích và làm lu mờ 90% cảnh diễn tốt còn lại. Dựa vào cơ sở nào mà tôi chia ra hai con số như thế, dưới đây tôi sẽ trình bày quan điểm của mình.

Trong những cảnh khóc mà một diễn viên phải diễn, có thể chia thành hai dạng cơ bản: một là cảnh khóc có sự tương tác với diễn viên khác trọn vẹn trong phân cảnh đó từ lúc chưa khóc đến lúc khóc, hai là cảnh khóc không có bất kì sự tương tác nào với diễn viên khác. Những cảnh khóc ở dạng thứ nhất của Oh Yeon Joo có thể kể đến là những cảnh như sau: cảnh Yeon Joo vừa khóc vừa tỏ tình với Kang Chul khi anh chỉ trích cô ở tập 7, cảnh Yeon Joo khóc khi ăn mì và trò chuyện với Kang Chul ở giữa tập 10, cảnh Yeon Joo vừa hôn Kang Chul vừa khóc khi anh bị đạn bắn ở cuối tập 10, cảnh Yeon Joo khóc và cầu xin Han Sang Hoon tha mạng cho cô ở tập 13… Những cảnh khóc ở dạng thứ hai của Oh Yeon Joo có thể kể đến là những cảnh như sau: cảnh Yeon Joo ngồi khóc trong xe sau khi đã vẽ bức tranh Kang Chul yêu cầu ở cuối tập 8, cảnh Yeon Joo nằm trên giường bệnh và khóc khi nghĩ rằng Kang Chul đã chết ở tập 16… Khi thử phân chia và liệt kê lại, chúng ta sẽ thấy cảnh khóc ở dạng thứ nhất nhiều hơn hẳn cảnh khóc ở dạng thứ hai, có thể là nó chiếm tỉ lệ đến 90% trong khi cảnh khóc ở dạng thứ hai chỉ chiếm tỉ lệ khoảng 10%. Và trong lúc xem W lần hai, tôi nhận thấy Hyo Joo diễn rất tốt các cảnh khóc ở dạng thứ nhất, nàng đã khiến tôi thực sự xúc động. Trong khi đó, nàng chỉ diễn gượng gạo đôi chút ở các cảnh khóc của dạng thứ hai. Cảnh mà mọi người hay chỉ trích nhất có lẽ là cảnh nàng khóc trên giường bệnh ở tập 16 khi nghĩ rằng Kang Chul đã chết. Vì khán giả được xem phim liền mạch cảnh trước và cảnh sau nên sẽ có nhận định khách quan và khắt khe, họ có xu hướng nghĩ rằng tại sao cảnh trước buồn như thế mà cảnh này lại khóc giả như thế. Nhưng khi thử xét từ góc độ diễn viên, chúng ta sẽ thấy rằng diễn cảnh khóc ở dạng thứ hai là cực kì khó: diễn viên không được diễn liên tục theo thứ tự các cảnh trong phim nên sẽ phải tự tạo sự liên kết cảm xúc trong tưởng tượng giữa cảnh mình đang diễn với cảnh trước đó và cảnh sau đó, điểm khó khăn hơn nữa là không có sự tương tác với diễn viên khác để đẩy cảm xúc lên trong khi vừa vào phân cảnh là phải khóc. Cảnh Yeon Joo khóc trên giường bệnh ở tập 16 là một cảnh khó như thế. Cảnh này dù có sự xuất hiện của giáo sư Park Min Soo nhưng sự tương tác giữa Min Soo và Yeon Joo là không đáng kể khi cô không nhìn Min Soo, không trả lời anh mà mãi đắm chìm trong nỗi buồn của mình. Với tôi, quả thực Hyo Joo đã không diễn xuất tốt trong cảnh này. Nhưng thực lòng mà nói, tôi nhận thấy cảnh này không quan trọng lắm và cũng không ảnh hưởng nhiều đến cảm xúc của tôi. Tôi trân trọng 90% cảnh nàng đã diễn rất tốt và đem lại cho tôi nhiều cảm xúc hơn là suy xét 10% cảnh nàng diễn không tốt.

image033

Trong những cảnh khóc của Yeon Joo, có một cảnh tôi rất thích nằm ở tập 16, phân đoạn Kang Chul chở nàng trên xe cùng với bố. Anh đã nói tiếng yêu nàng lần đầu tiên mà như thể đó là lần cuối cùng. Tôi rất thích biểu cảm trên khuôn mặt của Yeon Joo lúc này khi nghe câu nói đó của anh, từng biến chuyển trên cơ mặt nàng khi đó thật tế vi. Ánh mắt của nàng khi ấy rất buồn, rồi như có chút gì đó ngạc nhiên, chút gì đó hạnh phúc, nàng mỉm cười rất nhẹ với niềm vui thực sự và cũng với nỗi lo âu phải chia xa thật sự, nước mắt trong khóe mắt nàng đong đầy. Những chuyển biến này trên khuôn mặt nàng chỉ diễn ra trong một cảnh quay. Với tôi, nàng có thể diễn được như thế trong một take hình này là quá xuất sắc.

Qua những gì đã phân tích, tôi cho rằng Hyo Joo hoàn toàn xứng đáng khi nhận giải thưởng APAN. Oh Yeon Joo là vai diễn khó vì cô có nhiều chuyển biến cảm xúc từ đầu phim đến cuối phim và luôn bị đặt trong tâm trạng mâu thuẫn. Để hoàn thành tốt vai diễn này, Hyo Joo vừa phải diễn hài vừa phải diễn bi. Rõ ràng, chính biên kịch Song Jae Jung cũng nhận thấy cô đã vô cùng làm khó Hyo Joo khi đặt Yeon Joo vào những tình huống chuyển biến cảm xúc liên tục và đối nghịch nhau như vậy. Cô nói rằng cô muốn Yeon Joo có nhiều cảnh vui vẻ, thoải mái hơn nhưng cô phải đi theo mạch truyện chính và không thể cho phép mình làm điều đó.

IV – BEHIND THE SCENES

image034Tôi vô cùng nể phục người quay và dựng những đoạn phim Behind the scenes (BTS) cho W. Trong một ngày quay phim, biết bao nhiêu điều đã xảy ra, vậy mà người đó đã có thể nắm bắt được những khoảnh khắc rất dễ thương của các diễn viên chính, đặc biệt là của cặp đôi Lee Jong Suk và Han Hyo Joo để dựng nên những đoạn phim làm say đắm lòng tôi cũng như rất nhiều shipper khác. Từ trước đến nay, tôi chưa từng ship cho cặp nào ở ngoài đời khi xem phim cả dù rất thích họ trong phim bởi tôi phân biệt rất rõ giữa phim và đời. Hơn nữa, những đoạn BTS ở các phim khác không cho tôi cảm giác rạo rực như khi xem BTS của W. Đây là lần đầu tiên tôi xem phim mà cảm thấy thích sự thể hiện tình cảm của cặp đôi chính ở ngoài đời còn hơn cả trong phim. Dù mỗi đoạn BTS của W chỉ tầm hai, ba phút nhưng qua mười mấy đoạn phim ấy, tôi như sống trong những khoảnh khắc màu hường phấn khi tự dựng nên chuyện tình của đôi bạn trẻ trong đầu. Tôi rất thích cách Hyo Joo và Jong Suk quan tâm đến nhau. Hyo Joo luôn nắm tay Jong Suk mỗi khi anh cần sự động viên. Jong Suk luôn nhìn Hyo Joo bằng ánh mắt âu yếm và vuốt tóc nàng suốt thôi. Tôi cũng thích nhìn cách hai người đùa giỡn bên nhau. Phần BTS quay cảnh ăn kem trong tập 11 có lẽ là phần khiến tôi cười nhiều nhất. Hyo Joo cứ chọc vào lỗ chiếc quần rách của Jong Suk trong khi anh thì tìm cách vuốt tóc nàng. Hôm đó, cả hai đã ăn phải cây kem thật là cứng, Hyo Joo cười như muốn quặn cả ruột. Nhìn cảnh tượng ấy và nhìn nụ cười của nàng, không hiểu sao lòng tôi cứ lâng lâng hạnh phúc. Tôi thầm mong nàng sẽ luôn được cười vui như thế.

Trong các đoạn BTS, có rất nhiều cảnh và nhiều chi tiết khiến tôi nghĩ rằng Jong Suk và Hyo Joo yêu nhau, nhưng có lẽ, đoạn BTS mang lại cho tôi cảm giác đó rõ rệt nhất đoạn quay lại cảnh ăn kem của cả hai ở tập 13. Tôi thích khi Hyo Joo ngượng ngùng nói với Jong Suk rằng “đừng có nhìn người ta mãi như thế”, tôi thích khi nàng khoác tay anh và nói thích quá, tôi thích khi nàng lừa anh nhìn ra xa để rồi nhìn anh thật say đắm và sau đó là trêu anh. Hai người thực sự như một đôi tình nhân vừa chớm yêu. Trong cảnh này, ta có thể thấy rõ ràng đoàn phim đã nghỉ quay bởi vì Jong Joo đang ngồi ngay kế bên tripod đặt máy quay phim, xung quanh họ có hai nhân viên hiện trường đang đứng và phía dưới đất có thể thấy rõ đường dây dẫn rất dài. Rõ ràng những khoảnh khắc đó là trong giờ nghỉ chứ không phải trong lúc quay hay tập thử. Rõ ràng những khoảnh khắc ấy không thuộc về Chul Joo đúng không? Rõ ràng những khoảnh khắc ấy thuộc Jong Joo đứng không?

Trước đây, tôi không thể nào hiểu cảm giác của một shipper là gì, có điều gì thích thú trong việc ghép cặp người này với người kia. Nhưng bây giờ, có lẽ phần nào tôi đã hiểu được cảm giác đó. Tôi đã sống trong một tuần đắm đuối khi cứ xem đi xem lại BTS của Jong Joo, xem những hình gif làm chậm lại các khoảnh khắc họ âu yếm nhau, đọc hết bình luận của các shipper, lặn lội trong page Honey couple. Hóa ra, việc ship một cặp đôi nào đó lại có thể khiến tinh thần ta trở nên phấn chấn như vậy. Yeon Joo đã từng nói rằng: “Tưởng tượng là sức mạnh giúp tôi có lại hi vọng mọi thứ sẽ tốt đẹp.” Và bây giờ, điều đó cũng đúng với tôi. Chỉ khác là tôi không tưởng tượng cho chính bản thân mình, tôi tưởng tượng cho hai người tôi yêu mến. Nhưng nội điều đó thôi cũng đã khiến tôi rất hạnh phúc rồi.

Đây là lần đầu tiên tôi làm shipper sau gần hai mươi năm xem phim; vì vậy, tôi cũng mong thuyển của mình sẽ cập bến. Nhưng dù sau này Jong Joo có đến được với nhau hay không, dù họ có thực sự yêu nhau hay không, dù họ sẽ đến với một người khác thì tất cả điều này cũng không làm thay đổi những giờ phút hạnh phúc tôi đã có được khi ngắm nhìn sự ngọt ngào họ trao cho nhau, khi tự tưởng tượng rất nhiều thứ trong đầu. Và có lẽ, nó cũng không thể thay đổi sự thật rằng họ đã thực sự trân quí nhau, đã thực sự có những giờ phút rất vui vẻ khi quay phim bên cạnh nhau.

Cảm ơn W.

Cảm ơn Hyo Joo. Cảm ơn Jong Suk.

Cảm ơn Jae Jung. Cảm ơn Dae Yoon.

Cảm ơn tất cả mọi người trong đoàn làm phim W đã đem đến cho tôi những ngày hè khó quên khi theo dõi W.

Bây giờ, đã là mùa thu.

Điểm đánh giá: 8/10

Kodaki

Lời BTV:

Độc giả quan tâm có thể tìm đọc toàn bài cảm nhận phim W – Hai thế giới qua phiên bản ebook vừa cập nhật trên KOMO tại đây: http://komo.vn/cam-nhan-phim-w-hai-the-gioi-p5258.html.

Cùng nhiều ebook Cảm nhận phim – Fanfic khác có trên KOMO dưới đây:

300x384-cam-nhan-phim-hau-due-mat-troi
Cảm nhận phim Hậu Duệ Mặt Trời

300x384-cam-nhan-phim-ich-seh-ich-seh
Cảm nhận phim Ich Seh, Ich Seh

300x384-cam-nhan-phim-joy
Cảm nhận phim Joy

300x384-cam-nhan-phim-zootopia
Cảm nhận phim Zootopia

Đăng bình luận

concepted and designed by Nhon Giang