Cô gái chơi dương cầm – vẻ đẹp của thứ âm nhạc mâu thuẫn
Cô gái chơi dương cầm (The piano teacher), một tiêu đề sách giản dị, không hoa mỹ như thế trước nhất cho ta biết ngay thông tin rằng: nữ nhân vật chính là một cô giáo dạy dương cầm. Chỉ đơn giản là thế. Tiêu đề trực diện, đi thẳng vào vấn đề cũng giống như cách mà Elfriede Jelinek – nhà văn đoạt giải Nobel 2004 đã viết đoạn mở đầu cho câu chuyện này: “Cô giáo dạy dương cầm Erika Kohut ùa vào như một cơn lốc trong căn hộ nàng vẫn sống cùng mẹ. Bà mẹ thích gọi Erika là cơn lốc bé vì nàng thường đi lại quá nhanh. Nàng đang cố thoát khỏi mẹ. Erika đang ở cuối độ tuổi 30.” Và có thể nói, đoạn mở đầu ấy như một bản tóm tắt ngắn gọn mà chính xác cả tinh thần chung của tiểu thuyết gây nhiều tranh cãi này.
Như đúng cái tên của nó, âm nhạc là một thành tố quan trọng không thể thiếu. Tác giả dành rất nhiều dung lượng để viết lại những suy nghĩ của Erika về âm nhạc, về những nhạc sĩ thiên tài cô ngưỡng mộ, về những bản giao hưởng kinh điển… Đôi lúc những diễn giải chi li về âm nhạc khiến ta dường như dần lạc đi khỏi mạch chính của câu chuyện khi mới bắt đầu đọc. Tuy nhiên, càng về sau, chính việc thuật lại kĩ lưỡng những suy nghĩ này lại giúp ta cảm nhận được sâu sắc nỗi cô đơn của Erika. Erika đã luôn sống dưới sự quản thúc chặt chẽ của mẹ ở cùng một căn hộ suốt quãng thời gian dài tuổi trẻ của mình. Mẹ cô cho rằng cô là một thiên tài âm nhạc và bà muốn hướng cô trở thành một người như thế. Với bà, tình yêu hay đàn ông sẽ là liều thuốc độc giết chết sự tập trung mà con gái bà cần có để hướng đến tương lai rực rỡ phía trước. Và như thế, Erika đã gần bước sang tuổi 40 mà vẫn chưa một lần biết tình yêu thật sự là gì. Cuộc sống hoàn toàn chỉ có âm nhạc. Âm nhạc tràn ngập khắp các ngóc ngách suy nghĩ của cô. Cô yêu âm nhạc nhưng đồng thời cũng căm thù nó bởi nó chính là nguyên nhân của nỗi cô đơn, của sự tù túng mà cô mãi không thoát ra được. Những năm tháng đơn độc đã làm nảy sinh trong cô khao khát muốn chạm vào Klemmer-người tình đồng thời cũng là cậu học trò nhỏ của mình theo một cách mãnh liệt nhất. Cô muốn cậu phải hành hạ cô, sỉ nhục cô, làm cô đau đớn không ngừng trong lúc hai người làm tình, cuốn vào trò chơi giữa kẻ bạo dâm và người khổ dâm cùng cô. Dường như khi đã quá cô đơn, chỉ có sự đau đớn cật lực về mặt thể xác mới khiến người ta cảm nhận được sự tồn tại của mình. Erika đã luôn tự làm mình đau và đồng thời tạo cơ hội cho người khác làm mình đau. Có lẽ với cô, đó là cách duy nhất khiến cô vừa nổi loạn, thoát khỏi vòng vây của mẹ đồng thời không quá xa rời bà, vẫn yêu thương bà bằng tình yêu mang đầy sự mâu thuẫn của mình.
“Điều kiện căn bản của tình yêu là người ta cảm thấy được coi trọng, vì một ai đó đặt chúng ta lên hàng đầu.”
Sau tất cả những việc điên rồ, nổi loạn, những hành động quái dị, đến cuối cùng Erika thật sự vẫn chỉ mong một điều giản dị như thế.
Những suy nghĩ của Erika về âm nhạc tràn ngập khắp trong truyện không phải là thứ âm nhạc duy nhất, bản thân tác phẩm này cũng đã là một thứ âm nhạc. Cô gái chơi dương cầm tựa như một bản giao hưởng miên man bất tận với những câu văn dài, với lối viết theo dòng ý thức không câu nệ việc thay đổi chủ đề, thời gian, không gian một cách đột ngột. Tất cả sẽ đôi lúc khiến ta như bị lạc trong mê cung những suy nghĩ của nhân vật nhưng đồng thời bằng giọng văn tỉnh táo, tác giả vẫn giữ cho người đọc một không gian nhất định để nhìn nhận những diễn biến trong truyện dưới góc nhìn khách quan. Chính những điều đó khiến tác phẩm này mang vẻ đẹp của sự mâu thuẫn cũng giống như chính con người Erika: vừa muốn được tự do đồng thời vừa muốn bị lệ thuộc. Chắc chắn, sự mâu thuẫn này sẽ cuốn hút độc giả khi đã cùng hòa nhịp vào thứ âm nhạc văn chương của Cô gái chơi dương cầm.
BTV Frett
Đăng bình luận
You must be logged in to post a comment.