Đọc Người Tình của Marguerite Duras
Tôi tìm đọc Người Tình của Marguerite Duras sau khi tôi xem phim vì tò mò muốn xem bà đã viết về tình dục như thế nào mà đạo diễn Jean-Jacques Annaud đã diễn dịch thành những khúc phim khiêu dâm bốc lửa như thế. Thật ra, Marguerite Duras không nặng tay với tình dục. Bà có cách viết kín đáo, gợi hình nhưng không tục tằn. Hai ba trang viết về tình dục gợi cảm nhất lại là những trang bà nói về cô bạn gái Hélène Lagonelle.
Nhà văn Mai Thảo khi viết bài nhận định về quyển Người Tình đã khen nghệ thuật sử dụng từ ngữ độc đáo của bà Duras. Ông viết: “Tuy vậy tôi nghĩ văn chương tiểu thuyết của Duras vẫn còn nhiều điểm tinh lọc nằm tiềm ẩn và vô hình giữa hai hàng chữ, gọi đó là những “vùng im lặng” ghê gớm của ngôn ngữ Duras mà tôi chưa thấy được hết.” Nghe ông bảo thế tôi càng muốn đi tìm cái khoảng lặng này.
Văn của bà chất chứa quan niệm sống của một người từng trải. Gói ghém trong Người Tình là quan niệm về vẻ đẹp và cái hấp dẫn của người phụ nữ, cái thèm muốn được tự do sống theo ý thích cá nhân, thoát khỏi những ràng buộc của xã hội phong kiến, và những bước dọ dẫm của một cô bé mới bắt đầu lớn đi tìm tình yêu mà không biết tình yêu có hình dáng như thế nào. Bút pháp của bà rất điêu luyện. Marguerite Duras nổi tiếng về cách viết cố ý mập mờ. Bà bỏ bớt chi tiết để người đọc phải tự đoán, ai muốn hiểu sao thì hiểu. Viết về một cô gái mười lăm tuổi rưỡi bắt đầu khám phá cái đam mê của xác thịt với một người đàn ông lớn hơn cô 12 tuổi, một thứ Lolita của Nabokov, bà không nhấn mạnh đến vẻ trẻ đẹp, hồn nhiên, hay tươi mát. Trái lại, bà nói về vẻ cằn cỗi của một tâm hồn già trước tuổi. Cô gái không ngây thơ như thiên thần. Cô chủ động, toan tính, luôn giữ vẻ xa cách, không phủ nhận là cô chỉ ngủ với anh vì tiền, dù thật sự là không phải chỉ vì tiền. Cũng qua cách viết mập mờ bà đưa độc giả vào một vài khu vực cấm kỵ của luân lý và đạo đức. Cô bé Marguerite đặc biệt yêu mến và bảo vệ người anh thứ nhì và thù ghét người anh cả. Đạo diễn Annaud dùng cái màn khiêu vũ của cô bé với người anh thứ nhì để gieo sự nghi ngờ là hai anh em có quan hệ khác thường. Loạn luân chẳng hạn. Bà nhẹ nhàng hơn, mù mờ hơn. Tuy thế vẫn đủ gợi lên trong óc độc giả một vài dấu hỏi. Còn người anh cả, hắn đã làm gì với người anh thứ hai. Xem chừng hắn là mẫu người dám làm tất cả những việc gì cho dẫu tồi bại hay tàn ác. Bạn hãy tiếp tục tưởng tượng và tự tìm câu trả lời.
Tất cả những nhân vật trong Người Tình đều mang một tâm lý bất ổn. Cả bà mẹ và ba người con đều mang mặc cảm vừa tự tôn vừa tự ti. Họ tự tôn vì họ là người da trắng thuộc về giai cấp thống trị. Họ tự ti vì nghèo. Cô bé mười lăm tuổi thiếu vắng tình yêu của cha thường thay thế sự thiếu hụt này bằng tình cảm của người đàn ông nhiều tuổi hơn. Một biến đổi của triệu chứng Oedipus. Cô gái trẻ tuy thông minh nhưng không có phương tiện và khả năng để vượt thoát cảnh nghèo. Người tình là phương tiện tài chính của cô. Bà mẹ rơi vào chứng trầm cảm vì thằng con cả của bà nghiện ngập và cờ bạc đến khánh tận gia sản đã đẩy cả gia đình vào chỗ nghèo đói. Thằng con thứ hai yếu đuối bạc nhược về tinh thần. Cái liên hệ của cô gái và hai người anh trai, và cái quan hệ của hai người anh là cái mà nhà văn Mai Thảo đã gọi là khoảng lặng.
Tình yêu qua ngọn bút của Duras không phải là tình yêu hạnh phúc. Trong mắt nhìn của xã hội và của chính hai đương sự đương thời đó chỉ là mối quan hệ tình dục. Với cô bé Marguerite kèm theo tình dục là sự nhục nhã vì cô làm tình để lấy tiền. Cô còn nhục nhã vì Người Tình không cùng giai cấp với cô mặc dù anh được hấp thụ nền học vấn Tây phương, dù anh là con của một ông nhà giàu có thế lực nhất nhì ở miền Nam Việt Nam trong những năm đầu thập niên ba mươi, dù anh có cử chỉ lịch thiệp, dáng dấp thanh nhã. Cô nhục nhã vì bố của Người Tình không chấp nhận cô điếm tí hon người da trắng làm vợ của con ông. Anh chàng người Hoa bị mẹ và hai người anh của Marguerite khinh rẻ dù họ chẳng có gì để hãnh diện ngoài cái màu da. Mối tình của Marguerite với Người Tình vào những năm ba mươi ở Việt Nam có lẽ là một xì căng đan chẳng khác gì chuyện tình của một cô gái da trắng với một người nô lệ da đen ở Mỹ. Cái nhìn của cô bé mười lăm tuổi Marguerite trong cuộc tình với người đàn ông lớn tuổi hơn, cho tôi cảm tưởng tôi đang đọc tư tưởng của Lolita khi bắt đầu khám phá tình dục.
Bà giáo người Pháp, mẹ của Marguerite, chinh phục tình cảm tôi vì tôi nhìn thấy ở bà hình ảnh một bà mẹ Việt Nam đáng thương. Bà kiệt sức nuôi ba đứa con, đứa thì cờ bạc nghiện ngập làm bà tán gia bại sản, đứa thì hư hỏng, và đứa thì yếu hèn. Bà và các con là những người di dân sống lạc lõng trong một xã hội không mấy thiện cảm với gia đình bà mặc dù bà đã cố gắng hòa đồng với người chung quanh.
Marguerite Duras tên thật là Margaret Donnadieu sinh ngày 4 tháng Tư năm 1914 và mất ngày 3 tháng Ba năm 1996. Bà là nhà văn kiêm đạo diễn của Pháp. Bà sinh ở Gia Định, năm 17 tuổi bà trở về Pháp học Luật. Sau khi tốt nghiệp Luật có một thời gian bà tham gia đảng Cộng sản Pháp. Ngày còn ở Việt Nam bà có yêu một người Việt gốc Hoa và chuyện tình này xuất hiện trong một vài tác phẩm của bà với nhiều chi tiết trái ngược nhau. Tác phẩm Người Tình được xem là một quyển tự thuật về cuộc đời của bà. Người Tình được giải thưởng Prix Goncourt năm 1984.
Blog Chuyện Bâng Quơ
Lời BTV:
Độc giả có thể tìm đọc tác phẩm Người Tình của Marguerite Duras qua phiên bản ebook có mặt tại KOMO dưới đây: http://komo.vn/nguoi-tinh-p4164.html.
Hoặc tìm đọc những câu chuyện hay nhất về nữ quyền theo link dưới đây: http://komo.vn/tu-sach/1328/8_3_va_nhung_cau_chuyen_hay_nhat_ve_nu_quyen.html.
Thiếu Nữ Đeo Hoa Tai Ngọc Trai – Tracy Chevalier
Yêu Người Tử Tù – Gong Ji Young
Đăng bình luận
You must be logged in to post a comment.