Uncategorized

GS-TS Trần Văn Khê – ‘cầu nối’ những tâm hồn yêu giá trị văn hóa truyền thống

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê (1921 – 2015), cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam và thế giới, người Việt Nam đầu tiên đậu tiến sĩ ngành âm nhạc học tại Pháp, người không chỉ có bề dày trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, mà còn có công lớn trong việc giới thiệu nhạc truyền thống Việt Nam với thế giới, là cầu nối và cổ xúy, khích lệ các nhóm âm nhạc dân tộc VN ở hải ngoại (Pháp, Bỉ, Mỹ, Canada, Úc, Hà Lan, Đức…)

Nhắc đến cái tên Trần Văn Khê, không ai là không biết ông là người đã dành trọn cuộc đời mình cho dân ca – dân nhạc VN, đặc biệt khi ông là người đã có công rất lớn trong việc mang lại cho Việt Nam sự công nhận của UNESCO cho 7 loại hình nghệ thuật và 2 loại hình tín ngưỡng dân gian là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

20150624091343-gstranvankhe-resize

Thân thế và sự nghiệp

GS – TS Trần Văn Khê sinh ra trong một gia đình mà hai bên nội ngoại đều là nhạc sĩ: 6 tuổi đã biết đờn kìm (đàn nguyệt); 7 tuổi đã tập cho các chị diễn viên gánh Đồng Nữ Ban của cô Ba Viện hát bài “La Madelon” để chưng màn đầu cải lương; 8 tuổi biết đờn cò; 12 tuổi biết đờn tranh và đánh trống nhạc,… Trong suốt thời gian “vừa du học vừa lánh nạn” ở Pháp, GS-TS đã từng làm rất nhiều công việc để mưu sống như: Thực hiện 52 buổi nói chuyện bằng tiếng Việt cho đài BBC Luân Đôn với các đề tài âm nhạc kịch nghệ và chuyện cổ tích Việt Nam; Đóng phim cho hãng Arthur Rank Corporation bên Anh; Lồng tiếng phim Gengis Khan cho vai Thừa tướng Kao Linh (do tài tử Mỹ James Mason đóng) bằng tiếng Pháp; Đóng phim quảng cáo cho xe Renault 4, cho hãng rượu Martini,…

Tháng 6 năm 1958, ông đậu Tiến sĩ Văn Khoa (môn Nhạc Học) tại Đại học Sorbonne và trở thành Giáo sư đồng thời là thành viên danh dự Hội đồng Quốc tế âm nhạc, UNESCO…, tham gia vào hoạt động nghiên cứu, diễn thuyết về âm nhạc trong hơn nửa thế kỷ. Tuy được tiếp xúc với nhiều nền âm nhạc khác nhau trên toàn cầu, nhưng giáo sư vẫn một lòng hướng về nền âm nhạc truyền thống Việt Nam. Sức khỏe kém, nhưng giáo sư vẫn tâm huyết với thế giới nhạc dân tộc, một lòng mong muốn được quay trở lại với nguồn cội âm nhạc mà bốn đời gia tộc ông đam mê, dù có phải đánh đổi nhiều thứ kể cả hạnh phúc cá nhân. Bởi đó chính là lý tưởng cuộc đời ông.

1

Bên cạnh việc nghiên cứu, ông cũng không quên việc truyền bá, giảng dạy và “giữ lửa” tinh thần cho giới trẻ về nền âm nhạc của dân tộc, kết nối con người từ khắp mọi miền đất nước bất kể tôn giáo, quốc tịch đến với âm nhạc truyền thống; không chỉ với âm nhạc Việt Nam mà còn cả âm nhạc truyền thống của các quốc gia khác từ Á sang Âu.

Cả đời Giáo sư chỉ tập trung vào các hoạt động chính: Nghiên cứu âm nhạc; Giảng dạy trong các trường đại học; Nhạc sĩ truyền thống Việt Nam; Thành viên của nhiều hội nghiên cứu âm nhạc trong nước Pháp, Mỹ, Trung Quốc và trên trường quốc tế;… Và cũng chính “sự nghiệp tinh thần” ấy đã cùng ông trở về Việt Nam, một cuộc trở về đẹp và đầy ý nghĩa.

Các giải thưởng

GS-TS Trần Văn Khê là tác giả của vô vàn những bài nghiên cứu, phê bình âm nhạc trên các tạp chí trong và ngoài nước, đã đạt được các giải thưởng:

  • Giải thưởng lớn Hàn lâm viện đĩa hát Pháp;
  • Giải thưởng Đại học Pháp;
  • Năm 1949, Giải thưởng Nhạc cụ dân tộc tại Liên hoan Thanh niên Budapest;
  • Giải thưởng Dân tộc nhạc học năm 1960 và 1970;
  • Năm 1975: Tiến sĩ danh dự về Âm nhạc Đại học Ottawa (Canada);
  • Năm 1981, Giải thưởng lớn về Âm nhạc UNESCO và Hội đồng Quốc tế âm nhạc;
  • Năm 1993, Huy chương vì Văn hóa Dân tộc của Bộ Văn hóa Việt Nam
  • Năm 2011, Giải thưởng Phan Châu Trinh về Nghiên cứu Âm nhạc
  • Năm 1991, Huân chương Nghệ thuật và Văn chương Bộ Văn hóa Chính phủ Pháp tặng;
  • Năm 1995, Giải thưởng quốc tế về Dân tộc nhạc học KOIZUMI Fumio (Nhật);
  • Năm 1999, Tiến sĩ danh dự về Dân tộc nhạc học Đại học Moncton (Canada),…

Tác phẩm tiêu biểu

Sách:

  • Thơ xướng họa cung đàn tri kỷ tri âm, viết chung với Tôn Nữ Hỷ Khương (NXB Hội Nhà văn, 2012)
  • Trần Văn Khê và Âm nhạc Dân tộc (NXB Trẻ, 2000)
  • Marionnettes sur eau du Vietnam (Maison des Cultures du Monde, Paris, 1984)

Bài viết:

  • Nhạc cung đình Việt Nam và UNESCO (Xưa và Nay, số 208, 2004)
  • Căn bệnh mãn tính của âm nhạc truyền thống Việt Nam (Văn hóa Nghệ thuật, số 12, 2005)
  • Tiểu luận án cao học về Ca trù
  • Cải lương, nghệ thuật sân khấu truyền thống Nam Bộ, Việt Nam
  • Đàn Đáy chỉ có ở Việt Nam
  • Cồng chiêng Tây Nguyên – Di sản phi vật thể thế giới
  • Xác và hồn trong âm nhạc truyền thống

Hồi Ký Trần Văn Khê

TRAN VAN KHE 1 IN PROOFBộ Hồi ký Trần Văn Khê gồm hai tập, xuyên suốt chặng đường đời của Giáo sư Trần Văn Khê, được chính ông thuật lại bằng một giọng văn nhẹ nhàng, đậm chất Nam Bộ. Bộ sách chính là một chặng đường dài, trải qua bao thăng trầm của đời sống cá nhân cùng những biến cố lịch sử của Trần Văn Khê, nhưng dù ở giai đoạn nào, nơi chốn nào và trong tình cảnh nào thì những chặng, những khúc ấy cũng đều thấm đẫm âm nhạc.

Ngay từ những dòng đầu tiên, âm nhạc là lẽ sống, là cuộc sống, và cũng là định mệnh của ông.

Đọc hồi ký để thấy sự gắn bó sâu sắc của Giáo sư với âm nhạc truyền thống; không chỉ với âm nhạc Việt Nam, từ cải lương – gắn với mảnh đất ông sinh ra, cho tới các vùng miền khác: hát tuồng, hát bội, hát quan họ, hát chèo hay ca trù… mà ông còn nghiên cứu, bảo tồn âm nhạc truyền thống của các quốc gia khác từ Á sang Âu.TRAN VAN KHE 2 di IN

Giáo sư Trần Văn Khê có nói rằng, ông tự hào được là người Việt Nam, được tắm mình trong thứ âm nhạc truyền thống đẹp đẽ của tổ quốc mình, thì chúng ta cũng có thể nói, Việt Nam tự hào có những người con ưu tú như ông, không chỉ khiến cho thế giới biết đến Việt Nam khi đem âm nhạc dân tộc ra biểu diễn trên trường thế giới, mà còn nghiên cứu chuyên sâu về âm nhạc truyền thống, để lại những tư liệu quý báu về mãi sau này.

Khi cùng ông qua những chặng đường này, bạn sẽ có cơ hội thấy lại chân dung của những người được coi là những “anh cả của nền âm nhạc Việt Nam hiện đại” như nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận,… Với những bạn đọc hay hoài cổ, mong muốn thấy lại những Hà Nội xưa hay Sài Gòn xưa, thì bộ sách này cũng sẽ thỏa phần nào nguyện vọng ấy của bạn, bằng một giọng văn đậm chất Nam Bộ, như thể của một người con Nam Bộ sống cả đời ở mảnh đất này.

Bạn đọc yêu thích và muốn tìm hiểu âm nhạc truyền thống có thể tìm đọc Hồi Ký Trần Văn Khê phiên bản ebook tại KOMO ở đây: http://komo.vn/hoi-ky-tran-van-khe-bo-2-quyen-p1100.html.

Cuốn Hồi ký Trần Văn Khê chính là cầu nối của những tâm hồn khát khao với các giá trị văn hóa truyền thống.

Moonxtrum (Tổng hợp)

Lời BTV:

GS-TS Trần Văn Khê qua đời vào lúc 2 giờ 55 phút ngày 24/6/2015 tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) vì bệnh nặng. Ông thọ 94 tuổi. Bạn đọc yêu mến GS-TS Trần Văn Khê cũng có thể tìm đọc các tác phẩm của Giáo sư tại đây: http://komo.vn/tac-gia/113.html

Untitled

Tôi ao ước các thủ tục vào đọc sách, tham khảo tư liệu tại thư viện Trần Văn Khê được dễ dàng cho những người đến thư viện đọc và nghiên cứu. Lưu ý những tư liệu này chỉ dùng vào công việc nghiên cứu và phổ biến văn hóa, không được dùng vào việc thương mại.

– Giáo sư Trần Văn Khê ghi trong di nguyện của mình.

Thư viện GS-TS Trần Văn Khê hiện đặt tại tư gia của ông ở 32 Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Để tìm hiểu sâu hơn về âm nhạc truyền thống, các bạn có thể đến nhà Giáo sư để “khám phá” những công trình vốn là “niềm say mê và nhiệt huyết không bao giờ cạn” của ông với nền âm nhạc dân tộc.

Đăng bình luận

concepted and designed by Nhon Giang