“Hồn Ma Sành Điệu”, ấn tượng sau cùng
Vài dòng lảm nhảm:
Ban đầu mình chẳng định viết review cho cuốn tiểu thuyết này đâu, vì thông thường mình chỉ viết một cái gì đấy trong trường hợp cảm xúc bung trào. Nói lệ thuộc vào cảm xúc không có nghĩa là đánh giá tác phẩm ấy hay hay dở, chỉ đơn giản là, mình rất tùy hứng, và gu đọc sách của mình cũng tùy hứng nốt, thế thôi! Trong trường hợp của Hồn Ma Sành Điệu, nó hay theo cách riêng của nó, nhưng lại không đánh trúng tâm lý của mình, thế nên mình không có hứng viết review.
Tuy nhiên, ngày dài tháng rộng, lại nhàn cư vi bất thiện, đã trót ham hố phải ham hố tới cùng!
Ba chữ ngắn gọn dành cho Hồn Ma Sành Điệu: đầy mâu thuẫn!
Với một cuốn tiểu thuyết được in khổ lớn, dày 500 trang, dàn trải thành 27 chương truyện, lại chẳng phải thể loại khiến người đọc phải động não liên tục, thì khoảng thời gian 2 tháng để đọc xong trọn cuốn có lẽ là quá dài và dễ gây liên tưởng đến sự chán nản! Thế nhưng, mâu thuẫn ở đây là, mình mất gần 2 tháng để đọc 300 trang, và ngốn hết 200 trang còn lại chỉ trong 1 đêm!
Điều đó có nghĩa là, chỉ khi nào bạn đủ sức vượt qua chặng đường 300 trang chán nản, bạn mới cảm thấy không tiếc tiền bỏ ra để rước cuốn truyện ấy về nhà!
Nói một cách công bằng thì, Hồn Ma Sành Điệu là một bộ tiểu thuyết hay. Theo đánh giá cá nhân, nếu so sánh với các tác phẩm văn học phương Tây được xuất bản gần đây, có thể tạm xếp Hồn Ma Sành Điệu trên Size 12 Không Phải Là Mập và series Chạng Vạng (xin lỗi cho mình nói thẳng, bộ này chán ngắt đi được), nhưng nếu đem so với Nỗi Cô Đơn Của Các Số Nguyên Tố hoặc Hẹn Em Ngày Đó thì vẫn còn kém khá xa. Nhưng không sao cả, đó chỉ là đánh giá cá nhân trên tình thần tùy hứng và cực kì phiến diện, vì cơ bản là chúng khác thể loại nên chỉ có thể đánh giá chung chung như thế!
Quay trở lại với chất mâu thuẫn hình thức của Hồn Ma Sành Điệu, trước hết, nếu bạn bị tựa truyện lừa tình và nghĩ rằng đây đích thị là một câu chuyện chẳng “ma cỏ” thì cũng “thời trang hào nhoáng”, thì bạn nhầm to rồi! Hồn Ma Sành Điệu chẳng phải truyện ma, càng không phải thể loại nhật kí son bóng mà các nàng teengirl ưa chuộng. Nói một cách chính xác thì, cái được bàn đến nhiều nhất trong truyện lại là vấn đề về tuổi trẻ và sự già nua, về cuộc sống và ý nghĩa của cuộc sống. Xuống phần nội dung sẽ bàn kĩ hơn, nhưng tạm kết mục này bằng vài dòng “tỏ ra nguy hiểm”:
Tựa gốc tiếng Anh của Hồn Ma Sành Điệu là “Twenties Girl”, và mình thật tình cho rằng, ý đồ của dịch giả khi chọn cái tựa tiếng Việt lừa tình như vậy (võ đoán thôi nhé), có lẽ là để đi thẳng vào vấn đề, gợi sự tò mò và nâng cao tinh thần mâu thuẫn bằng cách khai thác triệt để tính “trớt quớt” giữa hồn-ma và sành-điệu. Tuy vậy, sau khi đọc xong trọn bộ tiểu thuyết, mình thấy cứ để cái tựa “Cô gái thập niên hai mươi” hoặc là “Hai đồng xu nhỏ” (đùa thôi, đùa thôi =))) xem ra còn đỡ lừa tình hơn!
…đến xung đột nội dung và thể loại
Nói sao nhỉ, cảm giác của mình khi đọc 300 trang đầu tiên là, Hồn Ma Sành Điệu có sự pha trộn giữa tính chất huyền bí nửa mùa, tình cảm nửa mùa, trinh thám nửa mùa và hài hước nửa mùa! Nói chung, loạn đến mức chẳng thể khẳng định nó thuộc loại nào, tuy nhiên, mình thừa nhận, chính những cái nửa mùa ấy lại làm nên sự khác biệt thú vị cho tác phẩm.
Về ngôi kể, vì tập trung khai thác diễn biến tâm trạng, đời sống tình yêu và con đường hoạn lộ (dĩ nhiên, đầy mâu thuẫn) của nữ chính Lara Lington, nên lựa chọn ngôi thứ nhất số ít (xưng tôi) là tối ưu rồi! Tiện thể bàn về ngôi kể, lấn sân một chút sang nhân vật (sẽ cố gắng không spoil để quý bằng hữu gần xa tiện bề cân nhắc), nếu nữ chính Lara Lington có lối suy nghĩ cố chấp đến hài hước, đôi khi liều mạng đến hoang đường và thỉnh thoảng có hơi nhu nhược tự ái mang dáng dấp của một kẻ thất bại toàn tập dễ khiến độc giả phát bực lên được, thì sự hiện diện của đối trọng_một con ma phiền nhiễu đến bất trị, nổi loạn đến bất ngờ và (vâng, đến giờ chót em mới phát hiện ra) đột ngột nội tâm đến nồng nàn lại là động lực khiến độc giả lên cơn đau tim cấp tính! Màn đau tim dĩ nhiên được gắn thêm động cơ phản lực vào khoảng 200 trang cuối truyện, khiến độc giả (mà cụ thể là mình) tình nguyện lao đi như chơi trò cảm giác mạnh mà quên mất trời đã gần sáng!
Về nội dung, (vâng, chắc chắn rồi) truyện khắc họa một cách khá chân thực về mâu thuẫn cơ bản giữa thể xác già nua và tâm hồn tươi trẻ, về cuộc sống đôi khi thất bại và khát vọng được sống có ý nghĩa, về những cái hào nhoáng bên ngoài và sự thật giả dối đáng kinh tởm bên trong, sau cùng kết lại bằng những giá trị bất biến của tình yêu, dẫu cho thời gian và số phận có nhẫn tâm chôn vùi tuổi trẻ và thời đại.
Bàn về ưu khuyết điểm
Điểm đáng ghi nhận nhất ở bộ tiểu thuyết này là một cái kết thực sự bất ngờ chấn động, tuy nhiên, lối dẫn dắt theo kiểu dàn trải thành nhiều thể loại và ôm đồm quá nhiều chủ đề đã đẩy sự tò mò của độc giả sang một bên, nhường sân cho màn tung hứng từ ức chế đến đau tim của hai nhân vật nữ chính!
Tuy nhiên, nếu bạn là fan ruột của Sophie Kinsella và series Tín đồ shopping, bạn chắc chắn sẽ thích Hồn Ma Sành Điệu. Trong trường hợp bạn chẳng phải fan của Kinsella (như mình chẳng hạn) và tìm đến Hồn Ma Sành Điệu chỉ đơn thuần là bị cái tựa (tiếng Việt) lừa tình, thì ok, không sao cả! Ít nhất, văn phong hài hước của Kinsella sẽ đem đến cho bạn những khoảnh khắc bật cười thư giãn cũng như những khoảng lặng cần thiết để nhận ra rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng nên hối hả chạy theo những cái phù phiếm!
Đăng lại từ blog của Mộc Hân
Lời BTV
Bạn đọc quan tâm đến tác phẩm Hồn Ma Sành Điệu có thể tìm đọc phiên bản ebook của quyển sách này tại KOMO ở đường link này: http://komo.vn/hon-ma-sanh-dieu-p2266.html
KOMO chân thành cảm ơn bạn Mộc Hân đã đóng góp bài viết này.
Độc giả có bài cảm nhận về tác phẩm, thông tin/bài phỏng vấn tác giả hoặc bài viết về sách/việc đọc sách nói chung… muốn đóng góp cho KOMO Blog, xin gửi về ebookclub@komo.vn.
Đăng bình luận
You must be logged in to post a comment.