Uncategorized

Mùi hương – Câu chuyện một kẻ sát nhân hay con người và tận cùng của cô độc

Parfum là tiểu thuyết đầu tay của nhà văn người Đức Patrick Suskind. Xuất bản năm 1985, cuốn sách này ngay lập tức trở thành một hiện tượng trên văn đàn thế giới. Tuy nhiên, cuốn sách không chỉ là một hiện tượng nhất thời như thế giới phù du của ‘mùi hương’ đến và đi không lưu lại chút dấu vết nào, nó đã được các nhà phê bình nhận định là một kiệt tác của văn học đương đại với những thông điệp lớn thông qua câu chuyện kỳ lạ của một kẻ sát nhân tại nước Pháp hơn 200 năm trước.

PerfumeSuskind

Nếu chỉ đơn giản là một câu chuyện kinh dị về một kẻ giết người máu lạnh thì có lẽ tiểu thuyết này cũng chẳng có gì hơn là một tiểu thuyết mang tính dọa dẫm thị trường câu khách. Tôi nhớ trên một trang web giới thiệu về 3 cuốn tiểu thuyết: Ring Trilogy của Suzuki Koji, Silence of the Lambs của Thomas Harris và Parfum, đã có một độc giả nhận xét ở dưới rằng: “Sau khi đọc 3 cuốn sách này, anh/chị ta thấy chẳng có gì là đáng sợ như lời giới thiệu cả, quá bình thường, và yêu cầu nhà sách hãy xuất bản những cuốn ghê rợn hơn”. Nhắc đến chuyện này, ý của tôi là, nếu như bạn đang định tìm một cuốn sách với những bóng ma luôn chờ trực ở đâu đó lao ra tóm lấy ta, hay một kẻ sát nhân điên cuồng mất trí và đâm chém đẫm máu, thì có lẽ bạn hãy tìm đến với văn hóa kinh dị của Quỷ Cổ Nữ hay đại khái là những tác giả giỏi tạo ra những sự kiện thót tim, những tình tiết làm bạn thậm chí không dám bước ra cầu thang vì sợ có một bóng ma đang nằm sẵn ở đó kéo chân bạn xuống. Đó chỉ đơn giản là lời phân trần trước của tôi để lỡ bạn có đọc 3 cuốn sách này mà không thấy sợ thì cũng đừng cảm thấy thất vọng. Vì đơn giản, cái mà Koji, Harris hay Suskind hướng đến không phải dọa ma độc giả, mà nó hướng tới những nỗi sợ sâu kín nhất, bản chất nhất của mỗi chúng ta.

Vậy những nỗi sợ sâu kín nhất của con người ta là gì vậy? Con người sống trên đời có rất nhiều nỗi sợ hãi: sợ chết, sợ già nua, sợ xấu xí, sợ bóng tối, sợ độ cao, sợ nghèo đói, sợ bị mắng mỏ, sợ mất mát, sợ bị bỏ rơi, sợ cô độc. Trong số những nỗi sợ đó, tầm thường có mà cao quý cũng có, hiển hiện có, mà chôn giấu kỹ đến mức đôi khi đến tự bản thân không nhận ra cũng có. Qua câu chuyện về cuộn băng giết người, Suzuki Koji muốn nói tới những nỗi sợ bản năng đã tồn tại từ khi chúng ta chỉ là một hài nhi, nỗi sợ về một thế giới lan tràn cái ác, nơi mà con người ta phải bất chấp lương tâm để nhân bản cái ác nhằm cứu chính tính mạng của mình. Qua câu chuyện về bác sĩ tâm thần ăn thịt người Hannibal Lector, Thomas Harris nói về nỗi sợ đối mặt với quá khứ, đó không chỉ là nỗi sợ bị tên bác sĩ nhai mất lưỡi và ăn mất gan, mà đó là nỗi sợ bị hắn kiểm soát, bị hắn thâm nhập vào tâm trí, để cuối cùng đánh mất chính mình. Còn với câu chuyện về kẻ sát nhân với khứu giác thiên tài, Grenouille, cái mà Suskind hướng đến đó chính là nỗi sợ về sự cô độc, nỗi sợ bị ném ra ngoài rìa xã hội, nỗi sợ trở thành một kẻ lạc loài không được chấp nhận.

perfume-003

Một tật xấu mỗi khi viết review của tôi đấy là lúc nào cũng dẫn dắt dài dòng, có lẽ một lúc nào đó, tôi sẽ dành thời gian viết riêng review cho Silence of the LambsRing Trilogy, còn bây giờ, thì tôi sẽ thôi lan man và tập trung vào chủ đề chính của bài viết này.

Parfum kể về cuộc đời của Jean-Baptiste Grenouille, một thiên tài được sinh ra với khứu giác siêu phàm có thể nhận biết mọi mùi hương trên thế gian, nhưng bản thân lại không có một mùi hương nào trên người. Với khao khát chế tạo ra một thứ mùi hương cho riêng mình, hắn đã lên một kế hoạch kinh khủng để đánh cắp hương thơm trên những thiếu nữ trẻ. Và đó là sự khởi nguồn về tội ác đầy ám ảnh của một kẻ sát nhân quỷ dữ bị nguyền rủa.

Jean-Baptiste Grenouille là một kẻ cô độc cùng cực, thậm chí hơn cả cô độc, trạng thái cô độc của hắn không thể được diễn tả bằng một từ được, vì nó vượt qua giới hạn của sự cô độc mà chúng ta có thể tưởng tượng được. Hắn bắt đầu bước vào thế giới này từ một góc chợ gớm ghiếc, bẩn thỉu và tanh lòm, và là đứa duy nhất trong số những anh em của hắn không chết dưới bàn tay giết chóc của chính mẹ đẻ mình. Grenouille đã là kẻ cô độc từ khi sinh ra.

Grenouille được chuyển nuôi từ hết người này sang người kia, chẳng ai muốn giữ hắn lại cả, từ những bà vú em đã quen nuôi sống bọn trẻ mồ côi, cho đến vị cha xứ với lòng bao dung và tình yêu thương của Chúa. Những người giữ hắn lại được, hầu hết đều chỉ vì hắn là kẻ được việc, vì hắn khỏe gấp đôi gấp ba kẻ khác, vì hắn có thể lao động như một con trâu mà tuyệt đối không kêu ca gì, tuyệt đối không mở miệng đòi hỏi bất cứ ân huệ gì, chỉ câm lặng và im lìm, vì hắn làm hùng hục, quần quật đêm ngày như thế mà không ốm đau, mà có ốm đau, dù thập tử nhất sinh, hắn cũng không chết, như một con rận dai dẳng bám víu lấy sự sống; hoặc nếu không thì vì hắn có cái thiên tài kỳ quặc mà người ta có thể khai thác để làm giàu, hắn là cái mỏ vàng ngầm không bao giờ cạn kiệt. Nhưng ngoài tất cả những cái đó, người ta vẫn, một cách nào đó, ghê tớm hắn, chính xác hơn là ghê sợ hắn, họ không muốn đụng chạm tới hắn, họ không coi hắn là một đồng loại của mình.

Grenouille âm thầm lớn lên trong những xó xỉnh của Paris hoa lệ, cùng với cái thiên tài về mùi hương của mình. Hắn xấu xí và gớm guốc, nhưng trên đời có vô vàn kẻ cũng gớm guốc và xấu xí, song không ai như hắn, không ai bị xã hội ruồng bỏ như hắn. Hắn có đủ đặc tính của một con người: chân, tay, mắt, mũi, thậm chí hắn còn là một kẻ có bộ óc thông minh, nhanh nhạy, nhưng cái kẻ có thể ngửi ra ngàn vạn mùi hương trên thế gian, mỉa mai thay, đến lượt mình, chính hắn lại không có một mùi hương nào cả: dù đó là hương thơm hay mùi hôi hám, ô uế, hắn cũng đều không có. Trống rỗng, hơn cả không khí lạnh, đó là Grenouille. Khi còn nhỏ, hắn không có mùi của một đứa trẻ con thông thường. Đến khi lớn lên, mọi thứ vẫn không có gì thay đổi. Người ta nói, hắn là hiện thân của quỷ dữ.

Có thể nói, hình tượng mùi hương xuyên suốt câu truyện này, đó không chỉ là thứ mà khứu giác cảm nhận được. Mang trong mình chất hiện thực huyền ảo (Magic realism) đặc trưng bởi dòng văn học của Mỹ Latin, hình tượng “mùi hương” của Suskind cũng giống như hình tượng “cái đuôi lợn” trong Trăm Năm Cô Đơn của Gabriel Garcia Marquez, nó mang tinh thần chủ đạo của tác phẩm, về nỗi sợ hãi sự cô độc. Mùi hương trong Parfum đại diện cho danh tính mỗi người. Mùi hương của một người là cái để phân biệt người này với người kia, cũng như tên họ, thậm chí còn hơn cả tên họ, vì tên họ thậm chí trùng lặp (như Jean-Baptiste Grenouille là cái tên quá tầm thường nhưng kẻ sát nhân Jean-Baptiste Grenouille của Suskind chỉ có một mà thôi), nhưng mùi hương mỗi người là duy nhất.

perfume-film_80499-1600x1200

Đến đây, tôi muốn quay trở lại với nỗi sợ đầy ám ảnh của Parfum mà tôi đã đề cập tới ban nãy. Grenouille, trái lại với hình ảnh một kẻ sát nhân máu lạnh, tôi cho rằng, chính hắn chứ không ai khác, là nạn nhân của nỗi sợ, tâm hồn hắn chưa đầy nỗi sợ, nếu như hắn cũng được coi là có tâm hồn. Grenouille đánh hơi được mọi mùi trên thế gian – hay nói cách khác, hắn đánh hơi được mọi tội ác trên thế gian. Trong mắt hắn, Paris là thành phố bị nhấn chìm bởi thứ mùi hôi hám, kinh tởm, mùi hôi thối của đường sá, phân chuột, gỗ mủn, bệnh tật, và cả con người, tất cả đều phả ra thứ mùi uế tạp. Nước hoa chỉ là thứ mặt nạ mà những nhà quý tộc hôi như những con dê già, nhà vua hôi như con thú dữ mượn lấy để che lấp mùi hương thật trên cơ thể. Hương thơm như hoa tỏa ra từ một vương tôn giàu có chỉ là dối trá, đằng sau tất cả những hương thơm mê đắm ấy, là một mùi hôi đến tởm lởm mà Grenouille đã có lúc từng không thể chịu đựng nổi. Hắn sợ con người, chính xác hơn là sợ mùi hôi thối của con người, chính xác hơn nữa, có lẽ là sợ sự độc ác của con người, nếu như hắn có quyền lên án kẻ khác là độc ác, và trong bảy năm ròng, Grenouille đã giải thoát mình bằng cách chạy xa khỏi thế giới, hắn đi tìm đến một nơi thật xa xôi, thật hẻo lánh, để tận hưởng sự cô độc của mình.

Hình ảnh Grenouille chạy trốn thế giới khiến chúng ta hoang mang về chính thế giới mà ta đang sống. Liệu những gì ta thấy có phải là sự thực? Đằng sau vẻ hoa lệ lấp lánh liệu có phải những dối trá và tội ác tinh vi mà chúng ta không cảm nhận được? Grenouille muốn tránh xa khỏi con người, càng xa càng tốt, bởi con người là nguồn gốc của tội ác, không phải con rắn trong Kinh Thánh mà Chúa cho rằng là loài mãng xà độc ác đáng bị nguyền rủa, mà chính là con người, vì lòng tham, vì sự vị kỷ, đã làm những điều xấu xa, gian dối, quỷ quyệt. Làm gì có quỷ dữ nào? Chỉ có con người mà thôi.

Grenouille sợ hãi thế giới như thế. Nhưng hắn còn một nỗi sợ khác lớn hơn, đó là nỗi sợ bị thế giới ruồng bỏ. Đúng, hắn đã xuất hiện là kẻ bất cẩn, không cần bạn bè, chẳng cần bằng hữu, chẳng cần yêu thương, nâng niu, hắn chỉ cần ngủ ở chuồng ngựa, ăn những thứ phế phẩm nhất, làm những việc nặng nhọc nhất, nguy hiểm nhất, hắn chưa từng, dù chỉ một thoáng nghĩ về việc được yêu thương, hay căm hờn vì không nhận được tình yêu thương, ngay cả tình yêu thương từ mẹ hắn, nhưng thẳm sâu trong hắn, vẫn là nỗi sợ bị bỏ rơi. Hắn yêu sự cô độc, nhưng cũng đồng thời muốn được là con người. Bởi nếu không phải như thế, hắn đã chẳng sợ hãi đến phát điên khi chết ngập trong thứ mùi-hương-trống-rỗng của bản thân, khi hắn thấy hắn khác tất cả, khi hắn nhận ra lý do hắn bị ruồng bỏ. Bởi nếu không phải như thế, hắn đã chẳng làm mọi cách để chiếm đoạt mùi hương thơm nhất trên trần gian này làm thành mùi hương của mình. Grenouille muốn nhận được tình yêu thương, cho dù đó là chỉ là tinh yêu giả trá, ồ không, còn hơn thế, Grenouille muốn được cả thế giới yêu kính và sùng bái như một vị thánh, như một Đức Chúa vĩ đại.

Grenouille, con cóc ghẻ bẩn thỉu ấy, dù cho không được coi là một con người, thì hắn cũng như mọi con người khác, cũng sợ trở thành kẻ lạc loài. Và mọi con người khác, cũng như Grenouille, sẵn sàng làm mọi thứ để không bị loại ra khỏi xã hội, kể cả việc che đậy con người thật của mình, để đeo một cái mặt nạ giống như ngàn vạn kẻ khác, không biết rằng, có khi ngàn vạn kẻ kia cũng chỉ đang che đậy bộ mặt thật bằng chiếc mặt nạ của riêng mình.

Ban đầu, Grenouille ngụy trang bằng thứ mùi hôi hám để được giống như người bình thường, để họ cảm nhận được sự tồn tại của hắn, để họ chấp nhận hắn là đồng loại của họ. Nhưng tham vọng của hắn, như đã nói, không dừng lại ở việc được chấp nhận, hắn còn muốn trở thành Grenouille Vĩ Đại được ngợi ca, được cả thế giới quỳ móp dưới chân. Và hắn quyết tâm đánh cắp mùi hương thơm nhất trên thế gian này, hương thơm của những thiếu nữ trẻ. Hương thơm của những thiếu nữ trẻ, ngọt hơn mật ong, dịu dàng hơn thủy tiên, tươi mát hơn nước nguồn, đó chính là ẩn dụ về phần thiện của con người, không chút ô hợp, chỉ tồn tại ở những cô gái thánh thiện, hiện thân của Đức mẹ Maria. Đó là mùi hương khác biệt hoàn toàn so với mùi hôi thối khác của loài người, và đó chính là thứ mà người ta tôn sùng, là tôn giáo, là Chúa mà chúng ta tôn thờ. Sau tất cả những tội ác đã gây ra, con người vẫn sợ hãi khi nhắc đến Chúa, vẫn đến xưng tội với Đức cha, vẫn bị khuất phục trước sự lương thiện của Chúa. Và Grenouille – hiện thân của satan, muốn đánh cắp điều đó.

8282863_orig

Grenouille, kẻ sát nhân đáng lẽ bước ra pháp trường để chờ xử tử, cuối cùng lại đến nơi hành hình bằng xe ngựa, ăn vận như một hoàng tử, và tất cả những người có mặt lẽ ra phải căm giận nguyền rủa hắn cuối cùng lại quỳ rạp dưới chân hắn, tôn hắn làm vị thánh của họ. Ồ, một kẻ với hương thơm mê đắm đến thế, ngây thơ và trong sáng đến thế, hắn đâu thể là kẻ giết người ác độc như cáo buộc được, ngay cả những kẻ căm thù hắn nhất vì đã giết hại con gái họ, cũng ôm hắn trong vòng tay và nức nở. Đó là giờ phút vinh quang nhất trong đời của Grenouille, và lẽ ra là khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong cuộc đời hắn, một kẻ tận cùng của cô độc, hơn cả bị chà đạp và ghê tởm, hắn bị ruồng bỏ và lãng quên, kẻ chưa từng nhận được bất kỳ một mảnh vụn tình yêu nào, giờ đây đang được cả thế giới yêu kính tôn sùng. Nhưng ngược lại:

Nhưng vinh quang lại khiến gã kinh hoàng. […] Trong lúc gã bước xuống quảng trường chói nắng, phủ trên người lớp nước hoa mà gã đã thèm khát cả đời và phải mất hai năm làm việc ròng rã mới có được, thứ nước hoa khiến người ta yêu thích… trong lúc gã nhìn và ngửi thấy nước hoa ấy tỏa nhanh như gió, chế ngự mọi người quanh gã, không ai cưỡng lại được, thì cũng chính lúc ấy tất cả sự kinh tởm đối với con người lại cuồn cuộn lên trong gã, làm ô uế mọi vinh quang […] Trong cái khoảnh khắc của thành công thì nỗi khao khát được con người yêu thích trở nên không thể chịu đựng nổi, vì gã không yêu họ, gã ghét họ. […] Nhưng sự thù ghét gã dành cho con người không được con người đáp lại. Giờ đây gã càng ghét họ thì họ càng tôn sùng gã bởi vì họ không cảm nhận được gì từ gã ngoài cái tinh hoa vay mượn, cái mặt nạ mùi của gã, cái nước hoa ăn cướp của gã […] Gã chỉ muốn tiêu diệt bọn người ngu xuẩn, hôi hám, dâm ô này […] Gã mong họ nhận ra rằng gã ghét họ biết mấy […] Gã muốn được bộc lộ một lần trong đời. Gã muốn được một lần bộc lộ cõi lòng như mọi người khác. Một lần, chỉ một lần duy nhất thôi, gã muốn rằng sự hiện hữu thật sự của gã được ghi nhận và sự thù ghét, tình cảm thật duy nhất của gã được đáp lại.

Giả trá biết bao, thế giới này, giả trá đến mức, đến Chúa cũng có thể là giả trá, và người ta có thể tôn sùng một con quỷ satan đội lốt Chúa chỉ vì nó có mùi hương giống như Chúa. Những kẻ đó không nhìn ra sự thật, bởi vì bản chất của chúng cũng độc ác, cũng đen tối, nông cạn, và chỉ cầu nguyện mà trong lòng vẫn đầy dục vọng xấu xa.

Còn Grenouille, hắn vẫn cô độc ngay cả trong vòng tay yêu thương, ngay cả khi được sùng kính. Hắn, sau rốt, vẫn chỉ là một kẻ vô danh tính, không được thừa nhận, cái mà họ thừa nhận đâu phải hắn, mà chỉ là hương thơm mà hắn phủ lên người, còn Grenouille-thực-sự chỉ là kẻ vô hình trong mắt họ. Nỗi khát khao được bộc lộ của Grenouille chính là nỗi tận-cùng-cô-độc của hắn. Carl Jung, một nhà tâm lý học nổi tiếng, từng nói: Loneliness does not come from having no people around you, but from being unable to communicate the things that seem important to you. (Quả thực, bỗng dưng tôi ngồi viết review cho cuốn sách này, cũng vì tình cờ đọc được câu nói trên, và nó gợi tôi nhớ về câu chuyện của kẻ sát nhân cô độc Grenouille). Phải, không có gia đình là cô độc, không có bạn bè là cô độc, bị ghẻ lạnh xa lánh là cô độc, không được yêu thương là cô độc, nhưng không được bày tỏ chính mình mới là tận cùng của cô độc.

Ở một góc nhìn khác, có thể cho rằng, Grenouille là đứa con của giai đoạn đầu Thời kỳ Khai Sáng (Age of Enlightenment) đã xuất hiện ở châu Âu từ cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18, thời đại gắn với những cuộc Cách Mạng Khoa Học, Triết học, Văn hóa, Nghệ thuật, khi Giáo hội dần mất vị trí của mình và thay vào đấy là sự lên ngôi của Khoa Học – Lý Tính – Cá Nhân – Tự Do. Cách Grenouille trở về góc chợ nơi hắn sinh ra, nhớp nhúa như đống ruột cá, đổ toàn bộ lượng nước hoa còn lại lên người mình, để rồi bị một bầy người tôn sùng đến mức ngốn ngấu hắn không còn một mảnh xương nào, đó chính là cách mà nhân loại đã khai tử Thời Kỳ Đen Tối (Dark Ages) với những phi lý, mê tín dị đoan và độc tài mà Giáo Hội đã áp đặt lên xã hội hàng trăm năm, khiến cho con người chết mòn trong tội ác, sự cô độc, đê hèn và không có quyền có tiếng nói, thậm chí không có quyền được làm chính mình.

Kết cục lại, Parfum, cũng giống như The Ring hay Silence of the Lambs, không phải một tác phẩm kinh dị điển hình, trong quá trình đọc, độc giả có thể sẽ không cảm thấy những cơn ớn lạnh dọc sống lưng, thậm chí sau khi gấp sách lại, cũng không thấy có gì sợ hãi. Nhưng rất có thể, một ngày nào đấy, nghĩ lại câu chuyện về kẻ bị ruồng bỏ Grenouille, bạn lại bất chợt thấy vã mồ hôi, đó là lúc nỗi sợ sâu kín nhất trong lòng mỗi chúng ta chợt trỗi dậy và nhấn chìm ta trong sự mênh mông đến vô tận của nó. Rốt cuộc, chẳng có bóng ma nào đeo bám chúng ta cả, chỉ có sự cô độc ám ảnh mà thôi.

Hiền Trang
(Fanpage Những Tác Phẩm Nghệ Thuật Kinh Điển)

Lời BTV:

Các bạn có thể tìm đọc tác phẩm Mùi Hương của Patrick Suskind qua ebook có trên KOMO dưới đây:

300x384-mui-huong-chuyen-mot-ke-giet-nguoi

Đồng thời, các bạn cũng có thể tìm đọc tác phẩm Bức Tranh Cô Gái Khỏa Thân Và Cây Vĩ Cầm Đỏ của tác giả Hiền Trang qua ebook có trên KOMO dưới đây:

300x384-buc-tranh-co-gai-khoa-than-va-cay-vi-cam-do

Đăng bình luận

concepted and designed by Nhon Giang