Uncategorized

Như một người đã chết rồi

“Tôi cần sự cô độc cho lối viết của mình; không phải giống như một ẩn sĩ – điều đó không đủ – mà là giống như một người đã chết rồi.”

Franz Kafka 

 

franz-kafka-bri-hermanson

Franz Kafka, illustrated by Bri Hermanson

Cũng như rất nhiều người, tôi thích văn Kafka, thích nhiều câu nói của ông nhưng chưa bao giờ tôi thích một câu nào đó nhiều như câu này: thích ở mức độ lẩm nhẩm rất nhiều ngày, nhiều tuần trong đầu sau khi đọc nó; thích ở mức độ mỗi lần buồn và nghĩ về nó là có thể tự an ủi bản thân. Câu nói này thể hiện sự nghiêm túc với ý thức cao độ nhất của một người viết. Tôi luôn thích những gì nghiêm túc, chân thành. Thậm chí, nghiêm túc đến cực đoan với tôi vẫn tốt hơn nhiều sự đùa giỡn dù mục đích xuất phát từ niềm vui hồn nhiên, vô tư. Tôi biết rằng có quan điểm nghệ thuật là một trò chơi, ta cứ chơi đùa trong nó như một đứa trẻ không vụ lợi. Nhưng tôi cho rằng đứa trẻ đó không nên xuất hiện ngay từ đầu, trò chơi đó không nên thiết lập ngay từ đầu. Tôi thích mọi thứ khởi nguồn từ sự nghiêm túc và trò chơi, đứa trẻ chỉ xuất hiện sau khi ta đã hăng say trong sự nghiêm túc đó và quên mất đi rằng mình đang nghiêm túc, không cảm thấy khổ sở vì mình nghiêm túc, cảm thấy sự nghiêm túc như một không khí và mình có thể thoải mái sống trong đó. Tuy vậy, mỗi người có một cách làm việc, sáng tạo khác nhau và không thể áp đặt cái phù hợp với mình lên người khác. Đó chỉ là cách thức làm việc của tôi. Nếu ngay từ đầu, tôi không thể suy nghĩ mọi thứ một cách nghiêm túc, tôi sẽ không thể bắt đầu được công việc. Nếu như có suy nghĩ mình chỉ làm chơi cho vui thì đó thuộc về việc thư giãn hay luyện tập, không phải làm việc. Và khi sự nghiêm túc bắt đầu tăng dần đến mức cực độ trong giới hạn bản thân, những lúc đó tôi mới nghĩ rằng mình có thể sáng tạo. Hành động suy nghĩ nghiêm túc giống như bước khởi đầu tôi tự thuyết phục mình phải tin vào thế giới tưởng tượng của chính mình, khi sự nghiêm túc xoay quanh thế giới đó đủ lớn, đấy chính là lúc tôi khởi sự viết. Có lẽ là việc suy nghĩ nghiêm túc ở đây giống như bước xác nhận của máy tính trước khi hoàn thành một tác lệnh nào đó: “Are you sure you want to do that?” hoặc cũng giống như bước khởi động để kích hoạt cơ thể trong trạng thái sẵn sàng hoạt động của vận động viên trước khi thi đấu. Tôi không phủ nhận đã từng có lúc vì quá mệt mỏi mà tôi xem viết như một cách để chơi đùa, để giải trí, để thư giãn cho khuây khỏa những nỗi buồn. Dù sao, điều tối cơ bản khi ta muốn làm một việc gì đó là điều ấy trước nhất phải khiến bản thân ta vui, hoặc tệ lắm cũng là ta thấy thoải mái với nó. Nhưng để thật sự đắm mình trong say mê sáng tạo, chỉ có sự nghiêm túc tuyệt đối từ lúc khởi phát mới trở thành động lực thật sự để tôi đi đến tận cùng con đường của mình. Nếu ngay từ đầu đã viết mà không có suy nghĩ nghiêm túc, tôi dễ bị đuối sức giữa chừng hoặc có khi là bỏ ngang hoặc có khi những thứ viết ra chỉ là các phiến đoạn ngắn. Tôi không biết vì sao mình yêu việc viết đến như thế. Nhưng cũng không hẳn là tôi yêu nó quá nhiều. Nó vẫn khiến tôi cảm thấy trống rỗng. Đôi khi trống rỗng đến mức cảm thấy bản thân mình như đang không tồn tại. Tôi cũng không biết từ khi nào mình lại quan trọng sự nghiêm túc đến thế, đặc biệt là sự nghiêm túc trong việc viết. Có lẽ, đây là một dấu hiệu chuyển biến tích cực. Chỉ là đôi khi tôi thấy hơi mệt mỏi.

Isle-de-Jean-Charles-Bri-Hermanson

Illustrated by Bri Hermanson

 

Một năm vừa qua, tôi đã sống gần như câu nói của Kafka. Tôi cảm thấy mình như một người đã chết rồi. Tôi luôn suy nghĩ trong đầu: “Mình là một người đã chết rồi. Dù mình đang đứng ở đây, đang nói chuyện với mọi người. Có thể là nói một vấn đề nào đó không thuộc về mình, có thể là nói một vấn đề nào đó thuộc về mình. Mình có thể có cảm xúc với việc này, việc kia. Nhưng thực sự mình không ở đây. Mình luôn không ở đây. Tất cả những điều đang ở đây trên da thịt mình hay những thứ vật chất mình đang tạo ra đều không thuộc về mình. Trong lòng mình chẳng tồn tại điều gì. Mình chỉ đơn giản là đứng ở đây, chịu sự tác động từ mọi thứ, thu nhận lại và quan sát. Một người đã chết rồi thì không thể tác động điều gì đến xung quanh.” Khi nghĩ như thế, cuộc sống của tôi tối giản hơn rất nhiều: tôi không bận tâm việc cố gắng duy trì các mối quan hệ, tôi không bận tâm chính cảm xúc của mình là vui hay buồn, tôi không bận tâm đến việc còn ai nhớ hay đã lãng quên mình, tôi để cho mọi thứ như nó là, chỉ cố gắng thu nhận những gì mình muốn như một mảnh đất lặng lẽ hút những mạch nước ngầm thấm sâu trong lòng hay mưa từ trên trời rơi xuống, hay không khí xung quanh, những tán lá rơi và mục rữa mỗi ngày. Chỉ thu vào và không phát ra. Tôi đã suy nghĩ như thế trong khoảng hai, ba tháng hoặc hơn thế. Và khi sống với suy nghĩ như một người đã chết rồi đó trong khoảng thời gian ấy, tôi nghĩ rằng mình dần dần có thể hiểu ý của Kafka theo cách nghĩ của mình. Ban đầu, tôi nghĩ rằng thứ suy nghĩ cần sự cô độc như một người đã chết rồi cho lối viết của mình nghĩa là sự lánh đời, tránh xa những phù phiếm của cuộc sống bên ngoài để tập trung lắng nghe tiếng nói bên trong của bản thân như một con kiến tự suy nghĩ về cuộc đời nó khi đang ở trong một lỗ sâu mà nó tự đào đâu đó để làm tổ, tránh xa sự rình rập nguy hiểm từ những con mắt xung quanh. Nhưng khi dần sống với suy nghĩ cô độc như một người đã chết rồi, tôi mới nhận ra suy nghĩ của Kafka không hẳn hoàn toàn là suy nghĩ lánh đời. Khi bạn nghĩ rằng bạn đã chết rồi nghĩa là cái tôi của bạn không còn quan trọng nữa, bạn không còn cái tôi nữa, và khi đó, mọi sự xung quanh bạn đều có thứ mà bạn có không có – cái tôi; vậy là, mọi sự xung quanh bỗng dưng trở nên quan trọng hơn bạn rất nhiều. Khi tôi nghĩ rằng mình đã chết rồi, tôi mới cảm thấy rõ rệt rằng mỗi người đều có một câu chuyện riêng và câu chuyện nào cũng đáng được trân trọng, cái tôi nào cũng đáng được trân trọng, không nên bỏ rơi hay lãng quên bất cứ điều nào đã đến với mình trong cuộc sống này vì dù là tình cờ hay hữu ý, mọi thứ đều xuất phát từ một sự sắp đặt kì công nào đó. Dù chỉ là trong suy nghĩ thôi nhưng khi tôi chết rồi, tôi mới thấy mọi thứ xung quanh thật đẹp đẽ. Chúng đẹp đẽ không chỉ vì có câu chuyện riêng mà còn vì đơn giản là chúng đang sống, chúng vẫn tiếp tục vận động, biến đổi không ngừng; trong khi đó, tôi lại là một người đã chết rồi, chỉ biết lặng lẽ đứng yên một nơi ngắm nhìn tất cả, không thể chia sẻ với bất kì ai, tôi cứ duy trì mãi trạng thái bất động, không biến chuyển đó. Có thể thu vào nhưng lại không thể phát ra. Có mặt ở đó nhưng lại như không có mặt ở đó. Sống mà như một người đã chết rồi. Cảm giác ấy mới thật cô độc làm sao. Nhiều lúc, sự nhạt nhòa ấy khiến tôi nghĩ rằng mình có thể khóc một mình. Nhưng nó thật là đẹp. Và cuộc sống thật là đẹp. “Life is beautiful but you don’t have a clue.” Lana… nàng đã hát như thế. Đúng là vậy thật nhỉ.

lana_del_rey_by_dukeofmercator-d4nslf4

Lana Del Rey, illustrated by dukeofmercator

 

Có một lần, tôi tình cờ đọc được bài phỏng vấn Taylor Swift. Trong đó, người ta hỏi làm sao nàng có thể vừa sống vui vẻ, vừa sáng tác nhạc hay như thế. Nàng đã trả lời đại ý rằng: “Tôi luôn sống với suy nghĩ mình là một người đã 80 tuổi rồi. Khi bạn nghĩ bạn đã già, bạn không còn nhiều thời gian nữa, tự nhiên bạn sẽ loại bỏ đi rất nhiều thứ không thật sự quan trọng lắm với bạn và chỉ giữ lại những thứ quan trọng, những thứ làm bạn vui. Mỗi ngày tỉnh dậy tôi đều nghĩ mình là một người đã 80 tuổi rồi, tự khắc ngày hôm đó tôi sẽ biết mình muốn làm gì và tôi tận hưởng niềm vui sống mỗi ngày với những điều đơn giản. Tôi nghĩ mình là một người sống chậm.” Tôi khá bất ngờ khi nàng có suy nghĩ đó vì nhìn vẻ bề ngoài của nàng, nghe những bài hát của nàng, đọc một vài câu chuyện về đời sống riêng tư của nàng, tôi không thể nào hình dung được nàng lại sống với suy nghĩ đó mỗi ngày, nhất là khi nàng lại là một Nhân Mã. Nhưng nàng lại là một Nhân Mã với moon sign Cự Giải. Có lẽ sự trầm tính ấy ẩn sâu trong suy nghĩ của nàng, trong sinh hoạt hằng ngày hơn là những biểu hiện bề nổi bên ngoài. Và ngẫm nghĩ kĩ, thực ra suy nghĩ đó phần nào cũng có lí. Vì từ suy nghĩ đó có thể dẫn ra hai hướng hành động khác nhau: hoặc người ta sẽ sống chậm như một người già thực sự để quan sát cuộc sống; hoặc vì nghĩ mình không còn nhiều thời gian nữa mà chỉ làm những điều mình muốn, không bận tâm việc đó sẽ đem lại hậu quả gì. Có lẽ, nàng đã hành động theo hướng thứ hai. Hướng thứ hai thì giống một Nhân Mã nhưng suy nghĩ xuất phát điểm bên trong lại giống một Cự Giải. Có lẽ là vậy. Rồi tôi bắt đầu suy nghĩ hay là mình thử đổi lại đi. Không suy nghĩ giống như một người đã chết rồi của Kafka nữa mà thử suy nghĩ mình giống như một người đã già của Taylor Swift xem thế nào. Nhưng vấn đề là già đi bao nhiêu tuổi? Tôi không nghĩ mình sẽ chọn con số 80 vì nó quá lớn, có thể phản tác dụng với tôi, có thể khiến tôi sống kiểu bất cần hay YOLO mà đưa ra những quyết định sai lầm. Tôi quyết định rằng mình sẽ sống như một người đã 30 tuổi. Tôi nghĩ đó là một con số phù hợp và vừa vặn. Tôi chỉ nâng số tuổi trong suy nghĩ của mình so với số tuổi thực nhiều hơn 6 tuổi thôi giống như việc người ta vặn kim đồng hồ sớm hơn 5 hay 10 phút so với giờ thực để có dư thời gian trừ hao, để chuẩn bị sớm, để không bị trễ. Tôi cũng vậy. Tôi vặn số tuổi của mình lên 6 đơn vị.

15684876883_c5cd677be3_z

Taylor Swift, illustrated by kezvenner

 

Và rồi một buổi sáng tỉnh dậy, tôi trở thành một người 30 tuổi. Cũng giống như những người chỉnh đồng hồ sớm thường hay quên việc mình đã chỉnh sớm mà nhầm tưởng thời gian trên đồng hồ là giờ thực, tôi cũng dần quên mất việc mình đã vặn tuổi lại cho nó chạy sớm hơn. Vậy nên, có những buổi sáng tỉnh dậy, tôi cảm thấy buồn vì như có ai đó đã lấy mất đi 6 năm của mình, tệ hơn nữa là 6 năm đó tôi đã bị mất đi mà không biết nguyên nhân là gì, nó cứ tự nhiên mà mất đi như thế, tôi không còn là 24 nữa, tôi đã 30. Trong mỗi suy nghĩ trước quyết định gì đó có liên quan đến tuổi tác, thay vì nghĩ: “Mình đã 24 rồi,” tôi lại nghĩ “Mình đã 30 rồi đó,” hoặc là “Mình đã bị mất 6 năm lãng phí rồi đó, đừng để lãng phí thêm bất cứ thời gian nào nữa.” Với suy nghĩ đó, tôi nhận thấy mình bắt đầu làm những điều mình muốn một cách tích cực hơn, nghiêm túc hơn, tỉ mẫn hơn một chút. Không phải vì tôi không còn nhiều thời gian nữa mà vì tôi không muốn lãng phí thêm bất cứ thời gian nào như 6 năm tôi đã mất. Tôi thấy vui với việc mình ngày càng coi trọng sự nghiêm túc và cố gắng để làm việc nghiêm túc hơn.

angel-street-bri-hermanson

Illustrated by Bri Hermanson

Ở tuổi 30, tôi bắt đầu đối diện với chứng ruồi bay. Thực ra thì tôi không thấy nó giống ruồi nhưng có lẽ nhiều người thấy nó giống ruồi hơn nên họ đặt là chứng ruồi bay. Tôi thấy những đốm trong suốt di chuyển trước mắt mình ấy giống như những con nòng noọc hơn, hoặc là một nét gạch nguệch ngoạc của đứa trẻ nào đó, hoặc là những lỗ tròn nhỏ được tạo ra bởi một đầu kim đâm thủng bề mặt phẳng nào đó, hoặc giống như những bong bóng xà phòng thổi ra từ đồ chơi của một đứa trẻ nào đó bị thu nhỏ kích thước lại, vô tình trôi vào mắt tôi. Điều tôi buồn nhất là mình không còn được ngắm bầu trời trong xanh thật sạch sẽ, thoải mái nhìn mọi vật sáng rực dưới ánh nắng vàng mà không có bất kì vật thể nào lơ lửng như khoảng một tháng trước đây nữa. Tôi không biết mình có ruồi bay từ khi nào, đến một ngày đẹp trời khi tôi nhận thức được thì nó đã ở đó. Cũng giống như việc một ngày tôi tỉnh dậy và phát hiện rằng mình đã 30 tuổi.

 

Những người yêu văn chương thường hay nói: “Tôi yêu văn chương như thể nó là máu mủ của chính tôi, là hơi thở cho tôi sống.” Tôi cũng đã từng nghĩ như thế. Nhưng dần dần, tôi không còn xác tín về tình yêu này nữa. Đôi khi tôi yêu nó, đôi khi tôi không yêu nó. Viết hay văn chương không bao giờ là thứ khiến tôi tự tin rằng mình đã hoàn toàn có nó hay nó là của mình, nó thuộc về mình như máu mủ, như hơi thở được. Tôi luôn cảm thấy mình phải bắt đầu lại từ đầu. Khi tôi vừa viết xong một câu chuyện, tôi quên mất cách để viết một câu chuyện. Tôi không có tự tin câu chuyện sau mình sẽ viết hay hơn câu chuyện trước vì mình đã có kinh nghiệm rồi. Tôi luôn khởi sự một câu chuyện như người mới tập viết đầy lúng túng, bối rối, ngỡ ngàng. Và trong giây phút bàng hoàng khi vừa bắt đầu ấy, tôi cố gắng bình tĩnh để suy nghĩ lại cấu trúc cho nó. Rồi tôi viết, tôi viết… cho đến khi quên hết tất cả và kết thúc câu chuyện, kết thúc những điều mình muốn nói. Trước đây, tôi không thích việc này cho lắm. Tôi thích việc mình phải nhớ rõ ràng cách thức những gì mình đã viết trước đây để tích lũy, để rút kinh nghiệm cho những lần sau. Tôi thích mình phải có chút tự tin khi viết. Nhưng bây giờ, tôi lại thích sự thiếu tự tin này. Tôi chấp nhận nó. Chấp nhận việc mình quên cách viết một câu chuyện như thế nào, chấp nhận việc mình luôn khởi đầu viết như một người mới tập kể chuyện. Việc viết vừa là một điều gần gũi vừa là một điều xa lạ như thế này khiến tôi sẽ mãi mãi yêu nó. Thiếu tự tin nếu hiểu một cách tích cực thì nó có thể gần gũi với tính cẩn trọng. Vì khi thiếu tự tin, người ta thường dễ dàng cẩn trọng hơn, dễ dàng chuẩn bị kĩ lưỡng hơn cho mọi việc, dễ dàng trở nên nghiêm túc hơn. Tôi nghĩ thiếu tự tin cũng có nhiều điểm tích cực không kém gì tự tin; hoặc là tôi đã ở độ tuổi biết học cách yêu lấy những khuyết điểm của mình, cho nó những lí do chính đáng để tồn tại, nhìn được mặt tích cực trong khuyết điểm ấy. Nhưng về sự thiếu tự tin, có một điều mâu thuẫn là khi tôi chấp nhận sự thiếu tự tin của chính tôi thì lúc đó, tôi lại thấy tự tin, nghĩ rằng sự thiếu tự tin của mình là đúng đắn ở một khía cạnh nào đó cũng giống như tự tin với sự thiếu tự tin của mình vậy.

hide-seek-bri-hermanson

Illustrated by Bri Hermanson

Một người chị từng nói với tôi rằng: “Hình như những gì em làm, cái nào cũng đều rất nghiêm túc. Chị thích sự nghiêm túc đó. Đừng đánh mất nó nhé.”

 

Tôi rất hạnh phúc khi nghe câu nói đó vì cảm giác rằng những cố gắng của mình đã được ai đó nhận ra. Và chỉ cần nhận ra rằng tôi nghiêm túc với những gì mình làm là đủ. Tôi cũng thích sự nghiêm túc của chính mình. Ở thời khắc chuyển giao khi kết thúc tuổi 30, bắt đầu tuổi 31 này, tôi cũng chỉ mong mình sẽ giữ mãi sự nghiêm túc đó. Mong ước cho sinh nhật năm nay của mình, tôi chỉ ước đơn giản như vậy. Lẽ ra sinh nhật thường phải cầu mong những thứ mình chưa có, chứ không phải những thứ mình đang có nhưng sau rất nhiều mất mát đã xảy ra, tôi nhận thấy rằng chẳng có thứ nào mình đang có sẽ chắc chắn luôn nằm ở đó, không biến mất đi. Thứ đang có sẽ có thể trở thành thứ không còn có nữa. Vậy thì việc mong những thứ mình đang có vẫn tiếp tục sẽ có cũng là một điều quan trọng cần phải cân nhắc bên cạnh ước mong cho những điều mình chưa có. Người ta nói có sức khỏe là có tất cả. Điều đó đúng với tất cả mọi người. Điều đó cũng đúng với tôi-một người có vài vấn đề trục trặc về sức khỏe nhưng khi tôi thử suy nghĩ rằng nếu mình có sức khỏe thật tốt, ai đó có thể giải quyết giúp mình mọi vấn đề trục trặc về sức khỏe hiện tại và đưa nó về ngưỡng lí tưởng của vạch xuất phát, nhưng lúc đó, mình lại mất đi sự nghiêm túc, mình hời hợt với mọi thứ, mình không yêu bất cứ điều nào sâu đậm, không cuồng nhiệt, hăng say, miệt mài làm bất cứ điều gì đến quên cả thời gian, lúc ấy, dù cho có khỏe mạnh thế nào đi chăng nữa, mình cũng chỉ sống như một người đã chết rồi. Vậy nên tôi mong mình sẽ không bao giờ đánh mất sự nghiêm túc hiện đang có.

Moonlight-and-Magnolias-bri-hermanson

Illustrated by Bri Hermanson

 

Ngày này một năm trước là một trong những ngày cuối cùng thầy tôi còn làm việc trước khi qua đời sau đó ba ngày… Đó là một ngày buồn, một tháng bảy buồn, một năm buồn với tôi. Tháng bảy năm ấy đã trôi qua thật chậm chạp, uể oải mà cũng đã vụt trôi đi thật vội vàng, nhanh chóng. Một năm vừa qua, mỗi lần buồn tôi lại nghĩ đến những ngày cuối cùng của thầy, nghĩ đến việc thầy đã phải chịu đựng cơn đau về thể xác như thế nào, sự cô đơn về tinh thần như thế nào khi không chia sẻ cùng ai tình trạng bệnh thật sự của mình để cố gắng làm việc bình thường đến tận những ngày cuối cùng. Tôi nghĩ về hình ảnh thầy những lúc ấy để tự động viên bản thân mình những lúc buồn, để cố gắng hạn chế liên lạc hay tâm sự làm phiền người này, người kia; thay vào đó, những lúc càng buồn nhất phải là những lúc càng chăm chút những gì mình đang làm nhất. Có thể vì đang buồn mà làm chậm hơn bình thường một chút nhưng không được vì thế mà làm cẩu thả đi. Dù cố gắng như thế, nhưng năm qua cũng có những giây phút tôi quá yếu lòng mà buông xuôi tất cả, thẫn thờ nhiều ngày trời, chìm trôi trong những suy nghĩ chồng chéo nhau đến mức không thể thấy được nút thắt do chính mình tạo ra mà tìm cách tháo gỡ. Vậy nên, tôi cũng mong rằng, ở tuổi này, dù có chuyện gì đi nữa, tôi cũng vẫn sẽ giữ được sự bình tĩnh để tiếp tục cố gắng, tiếp tục nghiêm túc. Và nếu một nơi như thiên đường hay Akaibu là có thật, tôi mong rằng có thể gặp lại thầy mà không phải quá ngượng ngùng vì những điều mình đã sống, những điều mình đã làm.

 

Cuối cùng là: Chúc mừng sinh nhật bản thân. Tuổi mới hạnh phúc nhé. Và cố gắng làm điều gì đó để ngày này năm sau có thứ mà khi nghĩ về, mình sẽ cảm thấy vui. Hãy cứ tin vào những gì mình làm, tiếp tục cố gắng, đừng bao giờ đánh mất sự nghiêm túc. Phải cố gắng là một người có trách nhiệm.

Happy birthday!

 

K

KOMO chân thành cảm ơn bạn đã đóng góp bài viết này. 

Độc giả có bài cảm nhận về tác phẩm, thông tin/bài phỏng vấn tác giả hoặc bài viết về sách/việc đọc sách nói chung… muốn đóng góp cho KOMO Blog, xin gửi về ebookclub@komo.vn. Nếu bài viết được duyệt đăng blog KOMO, bạn sẽ được tặng một ebook bất kì trên KOMO do bạn tự chọn. 

Lời BTV

Độc giả có thể tìm đọc những tác phẩm của những nhân vật được đề cập trong bài viết này qua các ebook có trên KOMO dưới đây:

Metamorphosis – Franz Kafka

Metamorphosis

Lana Del Rey: Nàng Là Ai? – Hoàng Khôi

Lana Del Rey

Taylor Swift – Chim Vàng Không Ở Lồng Son – Hoàng Khôi

Taylor Swift

Đăng bình luận

concepted and designed by Nhon Giang