Về Murakami và những kẻ cứ nghĩ là mình cô đơn lắm
Oh I believe in yesterday.
– The Beatles
Khi đứng lại và nhìn vào những chuyện đã qua, có những lúc đột ngột cảm thấy thế giới toàn những chuyện không thể nào đoán trước được. Chẳng hạn như vào một ngày nọ, Toru Watanabe đưa cô bạn gái say khướt của mình về hiệu sách Kobayashi, và trong khi cô đang ngủ ngon lành trong bộ y phục của người cha vừa chết, Toru đã tìm thấy một cuốn sách của Hermann Hesse mà anh từng đọc thời trung học. Nếu không có cái hoàn cảnh kỳ lạ ấy, có lẽ Toru đã chẳng bao giờ đọc lại cuốn sách này.
Tuần trước, mình vô tình đọc được trên một trang Confession, có người nói, đại để rằng, văn chương của Murakami thì có cái quái gì đâu cơ chứ, chỉ rặt làm màu, rồi những kẻ vỗ ngực nhận là fan của Murakami cũng vậy, chúng coi sách của ông như bộ quần áo mới của hoàng đế, tối ngày than vắn thở dài như thể mình sâu sắc hơn người. Giá như văn phong của người comment hay hơn một chút và lý lẽ thấu đáo hơn một chút, chắc mình sẽ nghĩ: À, cậu chàng Holden Caulfield trong Bắt Trẻ Đồng Xanh đây rồi, có điều cách ăn nói của cậu ta tệ thật. Nhưng một cách chân thành nhất, mình vẫn muốn gửi lời cảm ơn tới người đó, bởi chỉ vì một lời ngắn ngủi ấy thôi mà mình đã đọc lại Rừng Na Uy, vừa đọc vừa bồi hồi tự hỏi: Có thật là suốt thời gian qua, mình đã làm màu không nhỉ?
Dễ là có lắm.
Ai lại đọc Rừng Na Uy vào những ngày này đâu. Mình thực sự nghĩ thế. Lẽ ra mình nên xem Euro. Không liên quan chút nào nhưng nếu không phải vì mải đọc lại Rừng Na Uy có lẽ mình đã xem Euro và không cần cảm thấy xa cách với phần còn lại của thế giới. Nhưng thôi, sau khi đọc xong cuốn sách này, mình sẽ thoải mái nằm xem bóng đá, còn giờ, mình sẽ đọc nó cho thật kỹ.
Rừng Na Uy gọi mình lại một giấc mơ nào đấy mà mình đã tỉnh dậy từ rất lâu về trước. Mình cứ chờ mãi để đọc tới đoạn Toru, Naoko và Reiko ngồi dưới ánh nến trong một đêm trăng, Reiko cầm cây đàn guitar và đánh những bài hát của The Beatles: Michelle, Yesterday, Nowhere man, và tất nhiên, Norwegian wood. Từng nốt nhạc vang lên rồi mất hút trong đêm tối, đột nhiên cảm thấy rất lạ lùng, rằng bao nhiêu năm đã trôi đi mà những giai điệu không hề thay đổi, chúng vẫn thế thôi, thế mà những con người thì đã khác xưa nhiều quá. Vào năm 1969 khi Reiko chơi những bản nhạc đó, Beatles vẫn còn chưa tan rã, Paul McCartney, Ringo Starr mới chỉ là những chàng trai chưa đến tuổi 30, John Lennon và George Harrison vẫn còn đang tận hưởng cuộc đời. Loáng một cái. Ai đó rơi xuống những cái giếng vô hình, chết mục bên dưới mảnh trăng lưỡi liềm ở tít trên cao. Cái người ta tạo ra thì sống, còn chính bản thân người ta thì chết. Đã từng có lúc thấy điều này kỳ diệu, giờ lại chỉ thấy đến là mỉa mai. Kiểu như luôn có một phần bên trong con người, mà thường là phần đẹp đẽ nhất, thủ thỉ với con người rằng: Ồ, sẽ sống bất kể người thế nào, mặc kệ ngươi, ta sẽ sống. Thế giới bỏ mình đã đành. Ngay đến chính mình cũng chả cần mình nữa, ngay cả nó cũng phản bội mình. Nhớ Woody Allen từng bảo: Tôi không muốn sống mãi trong trái tim các đồng bào của tôi, tôi muốn sống mãi trong căn nhà của tôi. Nhưng quên đi Allen ạ, rồi mai này những Manhattan, Annie Hall vẫn sẽ sống đời đời kiếp kiếp, trong khi ông đã thành bộ xương đeo kính cựa quậy trong chiếc quan tài chôn tít dưới đất sâu. Nhưng ông làm gì được?
Để đến được đoạn Reiko chơi guitar đó, mình sẽ phải đi qua rất nhiều đoạn khác nhau. Đầu tiên là đoạn Naoko cầu xin Toru hãy nhớ tới mình:
Mình muốn cậu luôn luôn nhớ đến mình. Cậu sẽ nhớ rằng mình đã tồn tại, rằng mình đã đứng cạnh cậu ở đây như thế này chứ?
Thế rồi, mùi đồng cỏ, tuyết, chiếc áo lông lạc đà, mái tóc đen của nàng, gương mặt nhìn nghiêng,… những thứ ngày hôm nay còn cảm thấy rõ ràng, ngày sau đã chỉ còn là một vệt mờ trên tấm kính. Nàng hy vọng gì? Cứ cho là Toru mãi nhớ đến nàng đi, nhưng cậu ấy cũng đâu sống mãi. Nghĩ thế cũng thấy thật kỳ. Những ký ức ấy đã đi đâu? Họ nói rằng năng lượng luôn được bảo toàn, chúng chỉ chuyển hóa từ dạng này qua dạng khác. Vậy thì những ký ức ấy đi đâu cả rồi, chúng đã biến thành cái gì rồi, sao không ai đưa ra được lời đáp nào cụ thể?
Cho nên mình chẳng hiểu tại sao Naoko phải làm như vậy. Nếu là mình, mình sẽ không mong ai nhớ tới. Họ cứ quên phứt đi là hơn. Một cuộc đời như thế cũng chẳng có gì đáng nhớ. Giá mà cứ như con kiến chẳng bao giờ tiến hóa mà Midori nhắc tới. Chúng cứ ngày đêm làm việc chăm chỉ mà không thiết tha gì đến chuyện có ai sẽ nhớ tới chúng. Ừ thì nếu ai đó có ý định gi chết chúng, bản năng sinh tồn cũng mách bảo chúng phải chạy đi, nhưng chúng hoàn toàn không hay biết tới cõi hư vô đang chờ đợi bên mép cuộc đời. Chúng không định nghĩa được ngày mai nên chỉ sống ở giây phút này. Chúng không chờ đợi nên không thất vọng. Chúng không yêu đương nên không đau khổ. Khi sống, chúng chỉ sống. Khi chết, chúng chỉ chết. Không ai làm tang ma cho một con kiến, chúng trôi tuột vào ống thời gian, trôi tuột vào cái giếng sâu hoắm, không ai vui cũng chẳng ai buồn, không ai quan tâm đến điều đó. Xong là xong.
Sân bay Hamburg ngày hôm ấy, tiếng nhạc Norwegian wood cất lên, cất lên cả một thời đã nằm lại sau lưng Toru. Ai đó nói âm nhạc như một cỗ máy thời gian, đưa người ta quay về những ngày đã mất. Ký ức như một cơn mưa nhẹ, rỏ xuống từng giọt, tạo thành cả một vũng nước phản chiếu mây trời, tất cả những thứ ở rất xa xôi kia bỗng chốc thành hình rõ nét, rõ nét đến mức tưởng chừng có thể chạm vào, nhưng không bao giờ chạm được, thế rồi nắng lên và chúng bốc hơi đi hết.
Thôi đừng để ý tới những điều mình viết. Toàn là làm màu cả đấy. Sự thật là mình có thể tràng giang đại hải về những nỗi buồn trong khi bản thân đang vui cười hạnh phúc. 24 giờ một ngày, mình chẳng hơi đâu mà buồn bã hay suy tư về cuộc đời nhiều đến thế đâu. Thì thỉnh thoảng mình ngước lên trời và tự hỏi mình đang làm gì giữa vũ trụ bao la này, hoặc đôi khi có những ngày thấy buồn chết đi được, chẳng muốn gặp mặt ai, chẳng muốn trò chuyện những thứ dông dài vô nghĩa, nhưng buồn đến như Naoko, buồn đến như Toru, buồn đến như Midori thì không bao giờ. Có khi toàn là những nỗi buồn được làm quá đấy thôi.
Dẫu vậy, nếu như mình có thể kể lại một câu chuyện về cuộc đời mình, mình có cảm giác nó sẽ có hơi hướng như Toru hay ông già cha của Midori vậy. Mà mình nghĩ, có lẽ phần đông thế giới này cũng như mình, cho nên họ mới thích Rừng Na Uy đến thế. Họ muốn kể lại đời mình nhưng lại thấy tầm thường và vô vị quá, vì thế mà khi người ta thấy Toru cũng vô vị và tầm thường, thế mà vẫn có thể kể lại tất cả như một áng thơ lãng đãng trong chiều tuyết trắng, người ta thấy hạnh phúc vô ngần vì hóa ra cuộc đời xấu xí đến mấy cũng vẫn có thể nên thơ. Chuyện đó chỉ những kẻ tầm thường mới hiểu được, những con người với cuộc đời vẻ vang, viên mãn, tất nhiên họ không thể tìm được điểm chung. Đó không phải lỗi của họ, cũng không phải lỗi của Murakami. Đơn giản là có những người không bao giờ có thì giờ để nhìn hoàng hôn bởi vì cuộc đời họ quá bận rộn để làm việc đó. Họ thật may mắn vì chỉ những kẻ rách việc như mình mới phải nhìn hoàng hôn để khỏa lấp thời gian trôi chảy. Mình chẳng có gì để tự hào vì thích khóc lóc vì một câu truyện tiểu thuyết hay cảm nhận được một bộ phim hay. Nó chỉ cho thấy mình biếng lười và chậm tiến, nó chỉ cho thấy mình là gánh nặng mà thế giới phải đèo bòng. Mình đâu muốn thế, nhưng nói như Murakami, thì cái tạng người mình nó vậy, muốn cũng không biết phải làm thế nào để sống khác đi và có ích hơn.
Tuổi trẻ của những nhân vật trong Rừng Na Uy đã diễn ra vào những năm 69, cái thời kỳ biến động như thế, ấy vậy mà suốt cả truyện, hoàn cảnh lịch sử chỉ là một cái phông mờ. Cũng có nhắc đến vài ba cuộc bãi khóa, cũng có nói đến chiến tranh, cũng có nói đến chính trị chính em rồi xã hội chủ nghĩa của Carl Max, nhưng là nhắc tới với sự thờ ơ đến tột cùng. Nếu Rừng Na Uy là một chiếc máy ảnh, thì hoàn cảnh lịch sử gần như đã bị blur. Ôi, những biến động của thời cuộc chẳng bao giờ ngừng lại. Hết đánh nhau ở Việt Nam họ lại kéo sang Iraq, hết Iraq lại tới Syria, rồi sau này còn những nơi nào nữa, ai mà biết trước. Còn mình, mình cóc cần biết. Có lẽ là mình thuộc giống loài vô cảm và ích kỷ, mình chẳng lo cho trẻ em ở châu Phi đang đói rách hay nội chiến Ukraina đâu, và chừng nào chiến tranh còn chưa gõ cửa nhà mình thì mình cũng mặc, rồi kể cả nếu Trung Quốc có chiếm biển Đông thì mình chắc chắn cũng không tức sôi máu lên mà một phen xống mái với chúng. Thế giới điên loạn diễn ra nhưng mình vẫn sống. Như Toru vẫn yêu, vẫn rối loạn vì tình yêu, vẫn đam mê tình dục, vẫn sửa một chiếc xe đạp, vẫn giặt và là quần áo mỗi tuần một lần, vẫn đọc Scott Fitzgerald và nghe nhạc rock. Chẳng có điều gì sẽ thay đổi được những quy luật sống ấy trừ cái chết. John Lennon đấu tranh cho hòa bình và ông cũng chết. Muhammad Ali thà vào tù chứ không chịu đi chiến đấu và ông cũng chết. Paul McCartney viết ra bao giai điệu đẹp đẽ về những nỗi đau nhưng rồi một mai cũng chết. Mình chẳng làm được gì ngoài bao biện cho sự vô dụng của bản thân và mình cũng chết. Khác gì nhau đâu. Cái chết san bằng tất cả. Cũng may sao thế giới không phải toàn những kẻ vô dụng như Toru và như mình.
Vậy đấy, Toru và những nhân vật của Rừng Na Uy chỉ là những kẻ lạc loài trong thời cuộc rối ren, họ hoàn toàn không nằm trong vòng lịch sử. Cha mẹ họ là đứa con của những thế hệ hoang mang và lạc lối. Đến lượt mình, họ tưởng như mình đang lạc vào một cảnh trí không liên quan gì tới họ, họ không biết cái quái gì đang diễn ra xung quanh mình, họ chỉ còn tin vào sự nổi loạn và cái chết sẽ cứu rỗi tâm hồn. Họ tự hủy hoại con người mình bằng đủ cách khác nhau: sống buông thả, gái điếm, tự cắt cổ tay, dùng hơi ga tự vẫn, treo cổ trong một khu rừng… Nhưng đâu phải cứ tự hủy hoại bản thân có nghĩa là vì chán ghét cuộc sống, có đôi khi, đó là cách yêu cuộc sống đến điên cuồng và tuyệt vọng. Giống như psychedelic rock mà Beatles đã tạo nên, giống như ma túy gây ra một loại ảo giác ở miền cực lạc, tách họ khỏi niềm tin lầm lạc và những khổ ải thế gian dù chỉ trong đôi ba phút. Kết cục lại, họ chỉ muốn hạnh phúc thôi. Tất nhiên, những người đã hài lòng với hạnh phúc mình có sẽ không hiểu được chuyện này. Đây cũng không phải lỗi của bất cứ ai.
Trong tất cả những cuốn sách của Murakami mà mình đã đọc, Rừng Na Uy là cuốn mình kém yêu thích nhất. Mình đọc nó chỉ vì cái tên là bài hát của The Beatles, và sau khi đọc xong nó lần đầu tiên, những gì mình thích nhất vẫn là cái tên ấy. Lời cuối cùng của bài hát Rừng Na Uy có mấy câu mà mình tạm dịch là:
Khi tôi thức giấc, tôi chỉ còn lại một mình
Cánh chim đã bay đi
Tôi châm một mồi lửa
Vậy có ổn không, Rừng Nauy?
Vậy có được không, Rừng Nauy?
Như kiểu đốt một giấc mơ. Âm nhạc của Beatles vào thời Rubber Soul là sự chuyển mình từ hiện thực sang trạng thái nửa tình nửa mê, để rồi tới Sgt pepper’s lonely hearts club band (album mà Naoko đã mở trong ngày sinh nhật của mình) thì hoàn toàn mộng mị. Mình vẫn tưởng tượng ai đó đã vẽ Rừng Na Uy, căn nhà, chiếc ghế, con chim, cô gái, bồn tắm, lên một trang giấy trắng, rồi đốt sạch nó đi, để lại bụi bay lả tả. Con chim bay đi không phải điểm kết thúc của khuôn hình, điểm kết thúc của nó nằm ở hành động “đốt” – hành động mà Rad Bradbury từng gọi là “một cái thú đặc biệt khi thấy thứ này thứ nọ bị ngốn ngấu dần”. Còn Naoko, nàng chết không phải vì nàng đã chết, nàng chết là bởi nàng sẽ bị lãng quên bởi Toru, những ký ức về nàng đã từng chỉ tốn 5 giây để nhớ về, rồi dần dần là 10 giây, 20 giây, một tiếng, một năm, và rồi, một đời.
Đó chính là lý do mà ngày ấy mình đã không chịu đựng nổi cuốn sách này. Mình không thể nào hiểu nổi làm sao người ta có thể già đi được với tất cả những nỗi đau như thế? Làm sao người ta có thể tiếp tục sống sau khi những người mà người ta từng yêu đã băng qua cây cầu dẫn lối tới thế giới bên kia? Chỉ nội nghĩ tới việc tiếp tục sống đã thật là khó tin. Họ nhìn thấy mối tình đầu của mình, người đã cùng mình nắm tay giữa trời tuyết trắng, ngân nga một khúc ca tươi đẹp như Here comes the sun, ôm lấy mình và nói với mình rằng đừng quên cô ấy, họ nhìn thấy mối tình đầu ấy bị nhốt trong chiếc quan tài đóng kín, bất động và lạnh căm. Làm sao người ta có thể quên cái hình ảnh ấy, nỗi ám ảnh ấy, nỗi đau thương ấy, để mà tiếp tục duy trì hít thở? Mình ghê sợ họ, mình ghê sợ tình yêu cuộc sống của họ, mình ghê sợ sự lì lợm của họ và sự gắng gượng của họ. Họ nói họ đau khổ đến chết nhưng họ vẫn vượt qua. Trái tim họ vỡ ra từng mảnh rồi mà họ vẫn có thể đứng dậy, hàn gắn nó, và sống với con tim băng bó và yêu thêm người khác bằng con tim băng bó, và vẫn yêu nhiệt thành như lần đầu tiên ấy. Mình thật sự đã không chịu đựng nổi chuyện này.
Nhưng mình đã học cách chịu đựng được nó. Bởi nếu không chịu đựng được, giờ này mình cũng chẳng còn ngồi ở đây. Như Toru đã dần dần quên bẵng đi người con gái anh yêu thuở 17, song chỉ một giai điệu của Rừng Na Uy, ký ức về nàng lại dần hiện lên như thể nó mới diễn ra hôm qua hôm kia vậy. Vừa viết, mình vừa đeo tai nghe và mở lại Yesterday, lắng nghe lời Paul hát: Oh I believe in yesterday, bỗng dưng mới hiểu vì sao Paul đã viết ra lời ca như vậy. Cái gì đã từng xảy ra sẽ luôn còn ở đó, dù người ta có quên hết, quên sạch, thì nó vẫn luôn ở đó, bất biến, vĩnh hằng. Đó là sự bao dung của thời gian, tuy một đi không trở lại, nhưng nơi nào đã đi qua, vết hằn của nó sẽ còn đọng lại mãi, có thể là đọng lại trong lòng một ai đấy, cũng có thể không đọng lại trong lòng một ai cả, nhưng vẫn có một dấu li ti mà nếu nhìn thật kỹ sẽ thấy khoảnh khắc đó sáng lên như chiếc đèn dẫn đường chỉ lối.
Nhất định rồi, cái thời đại buồn bã và hoang mang ấy sẽ qua đi. Kiểu như trong Tâm trạng khi yêu, Châu Mộ Văn thì thầm vào hốc đá của đền Angkor hùng vĩ, và khi bước ra, trông anh như đã bước ra khỏi mê lộ của lòng mình. Và để đáp lại câu hỏi “Vậy có ổn không, Rừng Nauy?”, Rừng Na Uy sẽ đáp, giờ thì chưa, nhưng sẽ đến lúc mọi sự đều ổn và chúng ta đều tốt.
Đã thế thì cứ kệ đi, kệ đi mà lênh đênh trong những năm tháng điên rồ này, bởi vì mọi thứ rồi sẽ qua cả thôi, cho nên khi còn thời gian, hãy cứ ngụp lặn trong những nỗi buồn vô nghĩa, để mai này yên tâm rằng những hoài nghi không đáng để cuộc sống ngừng lại. Khi ấy, chúng ta sẽ sống thật tốt, còn ngay lúc này, tuổi trẻ là để lãng phí, tuổi trẻ là để buồn, nếu không buồn ngay lúc đó, sẽ lại phải trả giá như Naoko và Kizuki.
Những dòng chữ cuối cùng trong Rừng Na Uy, Toru gọi điện cho Midori, nàng hỏi rằng anh đang ở đâu, Toru ngẩng đầu lên và nhìn ra bên ngoài, tự hỏi mình đang ở đâu thế nhỉ? “Tôi đang ở đâu. Tôi không biết. Không biết một tí gì hết. Mắt tôi chỉ là vô số những hình nhân đang bước đi về nơi vô định nào chẳng hay. Tôi gọi Midori, gọi mãi, từ giữa ổ lòng lặng ngắt của chốn vô định ấy.”.
Khung cảnh của một chiều mưa lâm thâm bên ngoài trạm điện thoại công cộng màu đỏ, những mặt người hối hả bước đi, tiến đến gần, lùi ra xa, biến mất. Nó nhắc mình nhớ tới câu hát trong Eleanor Rigby (lại một khúc ca khác của Beatles):
All the lonely people.
Where do they all come from?
All the lonely people.
Where do they all belong?
Ah, look at all the lonely people
(Tất cả những con người cô độc đó.
Tất cả họ đến từ đâu?
Tất cả những con người cô độc đó.
Tất cả họ thuộc về chốn nào?
Ôi, nhìn xem những bóng người cô độc đó.)
Dẫu chẳng biết họ tới từ đâu và thuộc về chốn nào, nhưng mình có một linh cảm chắc chắn rằng, chính họ là những người đã say mê Rừng Na Uy bằng tất cả những nỗi buồn mơ hồ nhưng vô phương cứu chữa.
Hà Nội ngày 14 tháng 6 năm 2016
Hiền Trang
(Fanpage Những Tác Phẩm Nghệ Thuật Kinh Điển)
Các bạn có thể tìm đọc tác phẩm Bức Tranh Cô Gái Khỏa Thân Và Cây Vĩ Cầm Đỏ của tác giả Hiền Trang qua ebook có trên KOMO dưới đây:
Đồng thời, các bạn yêu thích Murakami Haruki cũng có thể tìm đọc tác phẩm, fanfic, cảm nhận về những tác phẩm của ông qua các ebook có trên KOMO dưới đây:
Scheherazade – Murakami Haruki
Cảm nhận phim Rừng Na Uy – Kodaki
Cảm nhận phim Tony Takitani – Kodaki
Ở Rừng Cây Có Rễ Màu Trắng – Kodaki
(fanfic Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương)
Đăng bình luận
You must be logged in to post a comment.