Thông tin ebook
Tóm tắt tác phẩm
Đêm cuối cùng ở Ngọa Vân là tập truyện gồm 12 truyện ngắn của tác giả Uông Triều, chủ yếu xoay quanh lịch sử và vùng đất Đông Bắc nước Việt.
Đó là những câu chuyện về những danh nhân lịch sử, những anh hùng hoặc huyền thoại gắn với vùng đất Đông Bắc như nữ tướng Lê Chân, vua Trần Nhân Tông,… trong những truyện ngắn như: Đêm cuối cùng ở Ngọa Vân, Kiếm sắc và hoa đào… Hoặc là những truyền thuyết gắn liền với vùng đất Đông Bắc từ Hạ Long, Bạch Đằng, Yên Tử,… được lý giải theo một hướng nhìn mới mẻ về lịch sử, trong các truyện ngắn như: Huyền thoại Hạ Long, Bạch Đằng hải khẩu, Lời nguyền mỹ nhân, Người con gái Yên Tử, Tình sử bến Bạch Đằng,…
Mỗi truyện ngắn là một mảng lịch sử được tác giả dày công nghiên cứu và triển khai hết sức sinh động và sâu sắc.
Nhà xuất bản: NXB Hội Nhà Văn,Phương Nam Book
Số trang: ..... (dựa vào số trang của sách in)
Dung lượng ebook: 2.1MB
Sách đoạt giải ...
Tìm ebook cùng thể loại » Văn học Việt Nam » Truyện ngắn, tản văn
Đánh giá của KOMO
Đêm cuối cùng ở Ngọa Vân là tập truyện ngắn mang đầy dấu tích lịch sử và địa lý, trải dài khắp dải đất vùng Đông Bắc nước Việt. Với đặc điểm về địa lý: vùng địa đầu tổ quốc, vùng cửa biển với những trầm tích được ghi nhận là di sản văn hóa thế giới, những khu rừng và núi non hùng vĩ xưa kia, mảnh đất Đông Bắc có rất nhiều địa danh nổi tiếng, lưu truyền trong lịch sử từ xưa tới nay.
Vùng núi Yên Tử nổi tiếng với vua Trần Nhân Tông về ở ẩn khi xưa, được Uông Triều họa lại trong Đêm cuối cùng ở Ngọa Vân thật mới mẻ. Theo đó, “Am Ngọa Vân nằm trên núi Vây Rồng thuộc cánh cung Đông Triều, địa phận xã Bình Khê, huyện Đông Triều. Theo các ghi chép Phật giáo thì Ngọa Vân là nơi vua Trần Nhân Tông, tổ sư thứ nhất của dòng thiền Trúc Lâm viên tịch. Nằm ở độ cao hơn 500 mét so với mực nước biển, Ngọa Vân bao phủ bởi thảm thực vật phong phú, nhiều nhất là các loại trúc rừng, trên núi có mây trắng che phủ quanh năm…”
Với những ghi chép ngắn gọn của lịch sử, tác giả đã mường tượng ra đêm cuối cùng của Đức Phật hoàng ở trên núi Ngọa Vân, với bao nhiêu dấu tích lịch sử được nhớ lại: những trận đánh lịch sử (trận Bạch Đằng), những tên tuổi lưu truyền hậu thế (Chế Mân, công chúa Huyền Trân, Trần Khắc Chung…) Người đọc hiểu thêm về Trần Nhân Tông, về lịch sử và những sự kiện xảy ra thời đó.
Cũng bằng sự công phu tìm tòi, thâu nạp thông tin cùng trí tưởng tượng phong phú đó, Uông Triều cũng phác họa chân dung nữ tướng Lê Chân thật gần gũi dịu dàng, không chỉ là hình tượng “nữ tướng” như lịch sử ghi lại, còn là một người con hiếu thảo, một cô gái kiên trung trong Kiếm sắc và hoa đào.
Với tình yêu thiên nhiên, đặc biệt gắn bó với vùng Đông Bắc, tác giả đã tìm tòi và sáng tạo những huyền thoại gắn liền từng địa danh cũng như nêu bật đặc tính của mảnh đất đó.
Đó là sự công phu trong đặc tả về vùng biển Hạ Long trong Huyền thoại Hạ Long: “đảo đá lô xô như bày thạch trận. Thuyền đi đến đâu, đảo đá mở rộng cửa, khi ngoảnh lại đá đã đan trập trùng. Đảo đá thoắt ẩn, thoắt hiện, biến đổi không ngừng, nhìn mỗi hướng mỗi khác.”
Đó là tình yêu sâu nặng với rừng thẳm, núi non ở vùng này, đến nỗi từng sự kiện xảy ra tác giả cũng biến thành huyền thoại, như núi Đông Ngộ và suối Hoang hiện lên trong một đêm rừng đầy bí ẩn của Đêm rừng xanh.
Từ bến Bạch Đằng, núi Yên Tử, vịnh Hạ Long, đến những thị trấn, huyện, xã… thân thuộc của vùng đất Quảng Ninh đều được tác giả đưa vào trong các câu chuyện kể, khiến người nghe vừa thấy thân thuộc lại vừa ngỡ ngàng, những địa danh nghe thật quen thuộc mà chất chứa bao nhiêu huyền thoại.
Tuy các truyện ngắn đều viết về lịch sử và vùng đất, nhưng không hề khô khan, khó đọc, tác giả viết bằng giọng văn hiện đại – những câu ngắn, ngắt nhịp nhanh, và còn đầy chất trữ tình, lãng mạn nữa – những tâm tư, tình cảm của nhân vật lịch sử vốn vẫn được nhìn nhận như những anh hùng mà quên đi phần cảm xúc, phần con người trong họ.
Người đọc cũng dễ dàng nhận ra cảm xúc của tác giả với những vùng đất anh đi qua, cho dù là nhỏ bé, giống như trăm nghìn vùng khác trên khắp dải đất hình chữ S này, thì anh vẫn có thể thổi hồn vào đó, thành một nơi thật đáng để tới, như thị trấn Q.M trong Đêm Q.M, “Q.M có ba sông nhỏ, một dãy núi, nhiều chùa cổ. Khí hậu mưa ít, mùa đông thường có sương mù. Những ngôi nhà ở Q.M một nửa gác đầu lên núi, một nửa duỗi xuống bờ sông…”
Nhận định chuyên gia
Tú Anh, Báo Quảng Ninh
Đêm cuối cùng ở Ngoạ Vân” là tập truyện ngắn mới nhất của anh, gồm 12 truyện ngắn được sáng tác trong vài năm gần đây; một nửa trong số đó có đề tài lịch sử - thể loại có thể nói là kén cả người đọc lẫn người viết. Tuy nhiên, Uông Triều có cách tư duy và xử lý những câu chuyện lịch sử theo một cách riêng, thổi vào nó một màu sắc mới khiến câu chuyện trở nên gần gũi, sống động và có sức hấp dẫn.
Nhà văn Đỗ Tiến Thụy
Kiểu viết tiếp thu có chọn lọc từ dòng văn học hậu hiện đại này không chấp nhận lối ‘đọc lười’ chỉ nhìn vào văn bản. Nó đòi hỏi độc giả phải có vốn văn hoá, lịch sử và một khối lượng sách đã đọc đủ để ‘thế chấp’ cho một hành trình liên văn bản cùng tác giả.
Nhận xét độc giả
Thảo luận