Thông tin ebook
Tóm tắt tác phẩm
Mùi là một tập sách gộp, tích hợp trong đó cả truyện ngắn lẫn tản văn của Trần Nhã Thụy. Cuốn sách chia hai phần, phần đầu là những câu chuyện kể: Con Qủy và Thằng Nhỏ, Phong cảnh Tây Liêu, Dưới cơn mưa tầm tã, Người đàn ông và con chó nhỏ, Nhà văn quèn và đạo diễn lừng danh… tiếp đó là những nghĩ suy của tác giả: Mùi, Phía sau một chuyện tình, Hoa rau muống, Người thì chơi với ai, Đinh và người,… Dù là truyện của các nhân vật hay là những lời tâm sự của chính nhà văn, thì Trần Nhã Thụy vẫn chỉ đang làm một việc mà anh luôn say sưa làm: nói về cuộc sống của chúng ta.
Nhà xuất bản: ...
Số trang: ..... (dựa vào số trang của sách in)
Dung lượng ebook: 1.68MB
Sách đoạt giải ...
Tìm ebook cùng thể loại » Văn học Việt Nam » Truyện ngắn, tản văn
Đánh giá của KOMO
Không rõ khi viết Mùi, nhà văn Trần Nhã Thụy có nghĩ về tiểu thuyết Cay đắng mùi đời của Hồ Biểu Chánh? Theo ý nhà văn, dường như anh muốn nói về những kiểu mùi khác nhau của cuộc sống, có mùi dễ ngửi, thích ngửi, có mùi…không tài nào ngửi được. Thế nhưng, cái tâm sự về những thứ mùi… khó ngửi của cuộc đời như luôn nặng nề hơn, ám ảnh hơn, bởi nó làm ta âu lo, suy ngẫm, sự tồn tại của nó như một lời nhắc nhở về chính chúng ta.
Trước tập sách nhỏ tích hợp này, nhà văn từng xuất bản khá nhiều truyện ngắn, tản văn, truyện dài. Tên tuổi của anh như một nhà văn đã được khẳng định. Thế nhưng, trong câu chuyện Nhà văn quèn và đạo diễn lừng danh, cứ thấy có dáng dấp như một tự truyện (chính tác giả cũng lấy những tác phẩm của mình cho nhân vật sở hữu). Dáng dấp tự truyện không phải theo nghĩa câu chuyện đã xảy ra thực sự ngoài đời, mà là tâm sự mà nhà văn gửi gắm vào hình tượng “nhà văn quèn” của anh. Trong đó có cả nỗi trăn trở về cơn ác mộng ám ảnh tất cả những người cầm bút: làm sao để khác biệt! Trong đó có cả chút chế nhạo sự sáng tạo hời hợt, chạy theo thị hiếu công chúng. Trong đó dường như có cả nỗi buồn của một nhà văn trước sự “bành trướng” của nghệ thuật thứ bảy. Những câu chuyện của Trần Nhã Thụy thường man mác buồn, lặng lẽ rung lên những xúc cảm âu lo trong lòng độc giả. Tản văn lại khác, xen trong chút buồn có phần giễu nhại đời sống. Có vẻ như ở mảnh đất này, phẩm chất một nhà báo của anh bộc lộ ra phần nào?
Đọc Trần Nhã Thụy, ta thấy anh trích dẫn khá nhiều các tác giả cổ kim. Đây đó là một câu từ Mùi hương, một tóm tắt của Nam tước trên cây, đôi câu thơ của Tự Đức,… Anh trích dẫn như để tìm sự đồng cảm từ họ với lời mình. Trong tản văn, ta cũng bắt gặp nhiều những câu chuyện sinh động, có thật từ đời sống, đan xen với những trích dẫn văn chương như thế.
Việc đặt truyện ngắn trước, tản văn sau, việc đặt tên cho cả tập theo tên của một bài tản văn tất yếu dẫn đến sự so sánh giữa hai thể loại. Độc giả sẽ thưởng thức những câu chuyện, những tâm tư, quan điểm của nhà văn trong tập sách nhỏ này, và tự mình tìm thấy sự tương đắc ở trong hai lựa chọn ấy. Có người thích những hư cấu, có người thích những sự thật trần trụi và những bình luận sâu sắc. Nhưng chắc chắn, độc giả nào cũng thích đọc những câu chữ chân thật, xuất phát từ trái tim người viết.
Nhận định chuyên gia
Nguyễn Hữu Hồng Minh
Viết như không. Tưng tửng chơi chơi mà kinh hồn động vía. Một người đàn ông đưa con đi học tự dưng rơi vào một cơn buồn ngủ không thể hiểu nổi. Để y miên man bề mặt và lộn trái cái thế giới mờ nhòe hư - thực đó. Với cuộc đời “chớp bóng” cánh bướm này ai dám cả tin rằng cái ta đang thấy chính là chiều kích cuối cùng? (Cả thảy gãy bốn ngón chân).
Phan Hồn Nhiên
Đã định hình tên tuổi qua tiểu thuyết và truyện ngắn, với tản văn, nhà văn Trần Nhã Thụy tiếp tục tạo giọng điệu riêng: khôi hài nhẹ nhàng, nhưng vẫn trên cái “tông” buồn buồn, đặc biệt là đưa ra các góc nhìn thú vị về nhiều mặt đời sống tưởng chừng như không còn mới nữa.
Nguyễn Ngọc Thuần
Ở anh có cái nền nã của một người vừa đủ vui, buồn, và chừng mực. Không phải tất cả những gì anh viết tôi cũng đều thích cả, tất nhiên rồi (nhất là cái vẻ chừng mực đáng ghét của anh, thay vì trong âm thầm, tôi vẫn mong anh quá khích hơn chẳng hạn) nhưng tôi luôn luôn tin chắc mình có thể tìm trong đó những trăn trở đau đáu và tìm kiếm không ngừng sự chân thực cho một lối viết.
Nhận xét độc giả
Thảo luận