Thông tin ebook
Tóm tắt tác phẩm
Hồi Ký Tâm “Si-đa” – Vượt lên cái chết là những tâm tình của chị Trương Thị Hồng Tâm. Là nhân viên công tác xã hội đặc biệt tích cực trong các hoạt động tuyên truyền phòng chống AIDS, lại trực tiếp chăm sóc những bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối, chị chết danh Tâm “Si-đa”.
Chị có một tuổi thơ không hề trọn vẹn khi cả cha mẹ đều có mối quan tâm riêng và không ngó ngàng đến con cái. Mẹ chị bỏ đi khi em trai út của chị còn chưa biết đứng. Chị phải đi xin, đi ăn cắp cơm nguội để nuôi các em. Một tháng sau, chị được gửi về ông bà nội, nhưng vì ông bà nội quá nghèo nên chị phải sống cùng với mẹ kế. Không chịu được những đòn roi, chị đã bỏ trốn lên Sài Gòn tìm mẹ khi chỉ vừa 9 tuổi. Để rồi sau đó, là những chuỗi ngày thăng trầm, ở nhờ hết nhà này đến nhà khác, bị đánh đập, bị vu khống là ăn cắp, thậm chí bị lạm dụng tình dục... Chặng đường tiếp theo là những tháng ngày liên tục vào ra trường trại, xen kẽ đó là những lần chị trốn về thành phố để lún sâu trong vũng lầy với nghề bán thân để nuôi chính mình, các em cùng cha khác mẹ, và cả con nghiện hoang dại trong người chị…
Quyển hồi kí sẽ giúp người đọc hiểu quá trình chị bước ra từ bóng tối đến ánh sáng như thế nào để từ một con người chỉ biết đến hận thù học được bài học về sự yêu thương.
Nhà xuất bản: NXB Trẻ
Số trang: ..... (dựa vào số trang của sách in)
Dung lượng ebook:
Đánh giá của KOMO
Hồi Ký Tâm “Si-đa” cũng có thể được xem như “Quyển sách về bài học cuộc đời” đối với Hồng Tâm, bởi cuốn sách được chắt lọc từ những thăng trầm, mất mát, những khổ đau, tuyệt vọng rồi lại hy vọng, lại yêu thương trong cuộc đời đầy sóng gió của chị. Chính điều đó tạo nên sự chân thật đặc biệt ở quyển hồi ký này khiến bạn đọc dễ dàng đồng cảm.
Ban đầu, quyển Hồi Ký Tâm “Si-đa” được viết với sự động viên của chị Petra – một người Đức sang Việt Nam làm việc tại Ủy Ban Phòng Chống AIDS thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng chị Tâm không chỉ nghĩ đơn giản rằng viết là để có một số tiền giúp chị nuôi các con, mà thông qua những câu chữ chân tình này, chị còn hy vọng có thể giúp ai đó tránh được những va vấp như chị trước đây. Chính vì thế, chị thẳng thắn chia sẻ những góc khuất đen tối nhất trong cuộc đời mình, những lỗi lầm mà không phải ai cũng có dũng cảm để thừa nhận. Do đó, khi đọc cuốn sách này, người đọc sẽ cảm thấy không hề có khoảng cách giữa người viết và người đọc; những câu văn giản dị khiến chị Tâm như đang trực tiếp trò chuyện với người đọc.
Những lời tâm sự của một người đã trải qua nhiều biến cố sẽ làm người đọc hiểu hơn về những thân phận rất khác nhau trong cuộc sống muôn màu này. Từ câu chuyện cuộc đời của chị Tâm “Si-đa”, người đọc sẽ tìm được một niềm tin yêu cuộc sống, một khát khao sống đẹp hơn.
Nhận định chuyên gia
BS Đỗ Hồng Ngọc
Tôi mừng vì nay Tâm đã có được một tập Hồi Ký. Điều rất đáng quý, Tâm viết Hồi ký như là một cơ hội để kiếm chút đỉnh tiền nuôi các “con” nheo nhóc của mình. Từ chuyện đời thực của mình- qua lời kể chân thành của Tâm- nhiều khi làm cho chúng ta phải lặng người, phải giật mình sửng sốt…
Như một nhắn gửi, một cảnh báo.
Đọc, thấy rưng rưng…
Tôi nghĩ như có cái gì đó - một cái “nghiệp”- đã thúc đẩy Tâm tự đem thân mình trải nghiệm nỗi gian truân của cuộc đời để rồi từ đó mà có tấm lòng vị tha, có bàn tay nhân ái, cưu mang bao cảnh đời tăm tối, nghiệt ngã.
Trung Uyên – Tuổi Trẻ
Câu chuyện về chị Trương Thị Hồng Tâm - người phụ nữ được nhiều gọi bằng cái tên "Tâm si-đa" với những nỗ lực không mệt mỏi cho công tác tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS và nuôi dưỡng, giáo dục những trẻ em có HIV/AIDS - từng được nhiều phương tiện truyền thông giới thiệu.
Song, trước khi đến với những trang đời tươi sáng, ấm áp ấy, người phụ nữ gầy gò này đã có tuổi thơ bị mất mát bởi gia đình ly tán, những đòn roi bạo hành, những tháng ngày vất vưởng nơi vỉa hè để rồi sa chân vào cạm bẫy...
Cuốn Hồi ký Tâm “si-đa” Vượt lên cái chết như một cuốn phim quay chậm mà tác giả - cũng chính là nhân vật - đã phải "đánh vật" với chính những hồi ức đau đớn, khắc khoải của mình trong những đêm "không thể ngủ được, giật mình thức dậy, bật chiếc máy tính "cổ lỗ sĩ", viết một lèo không chữ hoa, không dấu chấm, dấu phẩy, nhớ đâu viết đó". Chị cho biết chỉ học đến "đệ tam", tức khoảng lớp 10 hiện nay, chuyện đánh máy vi tính là chuyện... xa lạ, lại không hay viết lách nên cuốn sách được bắt đầu viết từ năm 2004 đến nay mới hoàn thành.
Hương Vũ – Sài Gòn Tiếp thị
Một bà mẹ đơn thân ngoài năm mươi tuổi, với thu nhập hạn chế của một nhân viên xã hội nuôi những đứa con bình thường khỏe mạnh đã khó, đằng này, chị phải cẩn trọng từng chút trong chuyện chăm sóc cho con từng bữa ăn đủ dinh dưỡng, tới những nhu cầu thuốc thang đặc biệt. Bạn bè không còn lạ mỗi khi nghe chị “cầu cứu” lúc thì dăm ba trăm ngàn đóng học cho đứa này, khi lại thiếu vài chục ngàn mua thuốc cho đứa kia… Nhưng điều làm chị đau đáu hơn cả, lại là thái độ thiếu hiểu biết và những định kiến của rất nhiều người trong xã hội với những đứa trẻ này. Chính vì vậy, chị phải luôn che giấu tình trạng bệnh của các con với những người xung quanh và nơi trường lớp các cháu học, để tránh những kỳ thị sẽ tác động tiêu cực lên trí não non nớt của chúng.
Bình Yên
Hồi Ký Tâm “Si-đa” – Vượt lên cái chết là cuốn sách xúc động về chị Trương Thị Hồng Tâm – người đã từng mệnh danh là Sài Gòn một kiếp nhan sắc, từng sống dưới đáy xã hội, nghiện ma túy, từ đường phố đến vũ trường, ra trại rồi vào trại… tình yêu và niềm hy vọng sống tưởng chừng như lụi tàn dần theo những khoảnh khắc của thời gian của ánh đèn mê hoặc hào nhoáng Sài Gòn… Chính bản thân chị rất nhiều lần đã cho rằng mình là kẻ bỏ đi, bị vùi dập tận cùng và nhiều lần chị đã nghĩ tới cái chết. Ấy thế mà ngày hôm nay, chị đã sống, dường như sống bằng tất cả những khao khát sống với chữ Thiện mà khi đầu xanh tuổi trẻ chị chưa từng làm được.
Yến Trinh – Tuổi Trẻ
Lòng nhân ái nuôi dưỡng sự lương thiện. Giống như câu chuyện đời của chị. Và nếu có dịp nhìn thấy căn nhà trọ tràn ngập tình yêu thương của những con người đang vắt kiệt nghị lực để sống trọn vẹn cho những ngày còn lại trên cõi đời, ai đó sẽ hiểu rằng: “nhân thân” không nằm ở tờ giấy. Nó nằm ở trái tim, ở những giá trị tốt đẹp mà con người đã và đang góp cho cuộc đời!
Như Lịch – Thanh Niên
Chị thường chăm sóc những bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối bị người thân ghẻ lạnh… Khi được hỏi về số gái mại dâm, trẻ lang thang đường phố, người nhiễm HIV/AIDS mà chị đã tiếp cận trong thời gian qua, chị Tâm nói: “Không nhớ nổi đâu. Hàng ngàn ca thì không dám nói, nhưng hàng trăm ca thì có dư. Phần thưởng họ dành cho tôi chính là biệt danh không đụng hàng: Tâm si-đa!”
Thiên Chương – Vnexpress
Ngày nào cũng thế, cứ mỗi sáng, sau khi đưa các con đến trường, chị Tâm lại lao vào công việc. Lịch của chị gần như dày kín suốt tuần bởi những cuộc hẹn để nói chuyện với Tuyết đen, Thư điệu, Tuấn còi... Lấy niềm vui và sự an lành của người khác làm sức sống cho mình, chị Tâm gần như đã quên đi khả năng đề kháng trong cơ thể chị vốn còn rất ít so với người không mang bệnh.
Nhận xét nổi bật
vulinh
Hồi Ký Tâm "Si-Đa": Vượt Lên Cái Chết