Thông tin ebook
Tóm tắt tác phẩm
Nhà văn lão thành Vũ Ngọc Phan đã mất ngày 14 tháng 6 năm 1987. Ông bắt đầu viết hồi ký Những Năm Tháng Ấy vào lúc đã tám mươi tuổi. Ở một trang đầu của tập hồi ký viết tay để đưa in, nhà văn có ghi lại mấy dòng: “Bắt đầu viết tháng 5-1982. Mới viết được vài chục trang, thì Hằng Phương đau nặng, nên phải ngừng. Lại viết từ tháng 4-1983, đến tháng 1-1985 thì xong”.
Tháng 2 năm 1983, nhà thơ Hằng Phương, người bạn đời chung thủy của nhà văn qua đời. Trước mất mát lớn lao, nhà văn tám mươi mốt tuổi nén đau thương và bằng nghị lực của mình, ông đã tiếp tục tập hồi ký, nhớ và viết lại những cảnh mắt thấy tai nghe, những sự việc mà chính ông từng trải qua, những điều mà ông muốn ghi lại. Tác phẩm hoàn thành sau gần hai năm. Sáu mươi năm lao động không mệt mỏi, Vũ Ngọc Phan đã từng làm nghề viết báo, dịch thuật, phê bình, tiểu luận, sáng tác, nghiên cứu văn học. Ông đã vật lộn với túng thiếu, vất vả, đã học nhiều ở sách vở và cuộc đời. Với tài năng và kinh nghiệm phong phú của bản thân, ông đã gây dựng cho mình một sự nghiệp, và còn với tấm lòng chân thành giúp đỡ những bạn đồng nghiệp của mình và lớp trẻ.
Viết hồi ký để ghi nhớ lại những sự việc, con người trong những năm tháng đã qua. Ở đây không hề có một công thức nào được đặt ra. Ở tập hồi ký này, thời gian trải ra rất rộng: Từ thời xưa, từ đầu thế kỷ XX đến trước Cách mạng Tháng Tám và sau Cách mạng Tháng Tám đến thời gian gần đây. Với trí nhớ còn minh mẫn, tuy sức yếu, nhà văn hối hả viết, vì ông đã thấy tuổi tác cao của mình trước thời gian và quy luật của sự sống là có hạn. Nhà văn làm việc trong gian phòng rất giản dị, bàn ghế đơn sơ. Phong cách giản dị ấy nhà văn đã có từ thời trẻ tuổi và giữ mãi đến cuối cuộc sống của mình. Phong cách này cũng thể hiện rất rõ trong cách hành văn của ông ở tập hồi ký, ông kể chuyện cho chúng ta nghe. Ở phần cuối cùng, nhà văn nhắc đến Gớt, đại văn hào Đức với hồi ký “Sự thật và thơ”, tiếp theo nhà văn viết: “Mình viết về mình nếu không tốt đẹp thì cũng đầy thơ mộng. Điều quan trọng là nó có biểu hiện tính chân thật hay không”.
Nhà văn Vũ Ngọc Phan cũng đã viết tập hồi ký của mình theo đúng tinh thần ấy. Cả cuốn sách là thời Hà Nội từ những năm thế kỷ 19, khi mà vẫn còn kiếp “người ngựa”, còn những rối ren của thời cuộc, Hà Nội những ngày Tết xưa, những căn nhà, con phố, cây đa…, những hồi ức xoay quanh cuộc đời, cuộc sống của nhà văn. Bên cạnh đó là những câu chuyện về các tác gia với những tác phẩm gắn liền tên tuổi như: Hoàng Tích Chu và lối văn cộc của anh, Hoàng Ngọc Phách với tiểu thuyết “Tố Tâm”, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Xuân Diệu, Vũ Trọng Phụng..
Nhà xuất bản: NXB Văn Học
Số trang: ..... (dựa vào số trang của sách in)
Dung lượng ebook:
Nhận xét độc giả
Thảo luận