Thông tin ebook
Tóm tắt tác phẩm
Ngược chiều cái chết lấy bối cảnh ở Tây Nguyên, kể về đời sống của dân tộc Gia Rai những năm vừa kết thúc chiến tranh
Câu chuyện xoay quanh hai nhân vật cùng tên Thương: nhà báo Thương và kĩ sư lâm nghiệp Rơ Lan Thương. Vì có cùng tên với nhau, Thương được Kơ Sor Kơ Mík - cha của Rơ Lan Thương nhận làm con nuôi. Truyện bắt đầu bằng cái chết đột ngột của Rơ Lan Thương khi bị nhóm người Fulro bắn lén. Đối diện trước cái chết của anh, mỗi người đều có một tâm trạng khác nhau. Qua dòng hồi ức của nhà báo Thương, người đọc dần hiểu rõ hơn về tâm trạng của Rơ Lan Thương - một người kĩ sư luôn day dứt về chuyện cải cách lâm nghiệp nhưng ý kiến của anh quá nhỏ nhoi trước những người lãnh đạo vẫn còn làm việc bằng sự cảm tính và thiên vị lúc bấy giờ.
Nhà xuất bản: NXB Văn Học
Số trang: ..... (dựa vào số trang của sách in)
Dung lượng ebook: 1.47MB
Sách đoạt giải ...
Tìm ebook cùng thể loại » Văn học Việt Nam » Tiểu thuyết VN
Đánh giá của KOMO
Ngược chiều cái chết sẽ là gì?
Có lẽ người ta thường dễ nghĩ ngay đến câu trả lời là sự sống và ngược chiều cái chết như một sự đấu tranh để sống còn. Thế nhưng, tiểu thuyết Ngược chiều cái chết của nhà văn Trung Trung Đỉnh lại không đưa ra một câu trả lời đơn giản như vậy. Ngay từ đầu, câu chuyện đã mở ra với cái chết của Rơ Lan Thương - một người không phải là nhân vật chính nhưng lại giữ vai trò trung tâm, có sự kết nối với tất cả những nhân vật khác trong truyện. Ngược chiều cái chết cũng không phải là con đường đi tìm nguyên nhân cái chết của Thương khi ngay từ đầu mọi người đã biết rõ anh chết vì bị Fulro bắn lén. Vì vậy, ở Ngược chiều cái chết không hề có những chi tiết li kì về điều tra vụ án như truyện thể loại trinh thám, cũng không phải được viết với giọng văn quá bi thảm vì nỗi buồn của cái chết, vì khát vọng muốn sống. Trung Trung Đỉnh đã viết về mọi thứ diễn ra trong tác phẩm tưởng chừng như sẽ nặng nề với tiêu đề ấy bằng giọng văn thật nhẹ nhàng, giản dị. Truyện được viết theo lối độc thoại nội tâm với điểm nhìn của Thương, kể lại bằng trí nhớ của anh nên những sự kiện không đi theo thời gian tuyến tính mà đi theo thứ thời gian thuộc về cảm xúc, chuyện này lẫn vào chuyện kia khiến người đọc chìm vào không gian man mác buồn nhưng không quá bi lụy ấy.
Đó là thế giới nội tâm của nhà báo Thương với cảm giác uất ức khi chứng kiến đề án công trình khoa học “phủ xanh đồi trọc” rất tâm huyết mà anh trai mình đề xuất bị cấp trên thẳng thừng gạt đi chỉ vì lí do “anh tôi dứt khoát phải trở thành Đảng viên trước khi trở thành nhà khoa học” và Rơ Lan Thương lại là một người yêu khoa học, chỉ muốn làm khoa học thuần túy.
Đó là nỗi buồn của người cha khi mất đi con trai thân yêu. Ông hối hận đến mức mỗi đêm vẫn âm thầm tạc tượng anh. Đó là lí do khiến ông có thể sống đơn độc một mình sau đám tang ấy mà Thương - người con trai nuôi của ông khi đứng trước bức tượng tạc anh trai còn đang dang dở đã giật mình nhận ra: “Sương đêm chảy ròng trên khắp thân thể anh và tôi không nén được lòng, một lần nữa nhận ra mấy tháng nay mình tìm đường lẩn trốn những nỗi đau thương mất mát của gia đình. Trong khi đó cha tôi đã dám nhìn thẳng vào chính ông để tạo nên sự sống bất diệt của anh tôi.”
Và vì thế, Ngược chiều cái chết tuy không hẳn là sự sống nhưng là sự đối diện thẳng thắn với cái chết, là quay đầu lại, nhìn về nó rồi vượt qua nó bằng cách đi ngược lại, không phải là sự vượt qua bằng cách quay lưng và chạy trốn đơn thuần. Như thế cũng đã là một cách để sống.
Nhận xét độc giả
Thảo luận