Thông tin ebook
Tóm tắt tác phẩm
Tuyển tập 35 truyện ngắn của Trung Trung Đỉnh tập hợp những truyện ngắn nhà văn đã sáng tác trong suốt 30 năm từ thời kì còn chiến tranh những năm 70 cho đến thời điểm đất nước mở cửa kinh tế thị trường những năm 2000. Những đề tài trong tập truyện ngắn này tập trung khắc họa hình ảnh người lính dưới nhiều khía cạnh: tâm tư của họ khi còn chiến tranh, sự hoài niệm về chiến trường và đồng đội cũ thời kì hậu chiến, những khó khăn để hòa nhập với nền kinh tế mới sau khi bước qua thời kì bao cấp…Qua tập truyện ngắn này, người đọc sẽ có cái nhìn xuyên suốt về những gì người lính đã trải qua từ sau chiến tranh đến thời điểm hiện tại.
Nhà xuất bản: NXB Thanh Niên
Số trang: ..... (dựa vào số trang của sách in)
Dung lượng ebook: 1.82MB
Sách đoạt giải ...
Tìm ebook cùng thể loại » Văn học Việt Nam » Truyện ngắn, tản văn
Đánh giá của KOMO
Là thế hệ nhà văn trưởng thành từ chiến tranh nên những tác phẩm lấy đề tài người lính chiếm khối lượng lớn trong sự nghiệp sáng tác của Trung Trung Đỉnh. Ở Tuyển tập 35 truyện ngắn tập hợp những truyện ông viết trải dài suốt 30 năm giúp chúng ta có thể nhìn nhận một cách tổng quát những sự thay đổi trong văn phong, quan điểm cuộc sống của ông. Dù nhân vật trung tâm của mỗi câu chuyện đều là người lính nhưng với góc nhìn đa chiều, nhiều khía cạnh của mình, ông không hề khiến cho bất cứ truyện ngắn nào có sự trùng lẫn với nhau. Nếu như trong Khổ qua, nhân vật Thông là một người lính sau khi rời khỏi cuộc chiến vẫn còn mang nhiều hoài niệm quá khứ, khó hòa nhập được với đời sống hiện tại thì nhân vật tôi trong Tôi, nhà kinh doanh kiêm nghệ sĩ lại tỏ ra nhạy bén với thời cuộc khi mở xưởng nước ngọt, kinh doanh hãng phim tư nhân. Tác giả phê phán những người lính vẫn còn giữ lối sống mộng tưởng nhưng đồng thời ông cũng đả kích những người lính làm giàu không chân chính chỉ vì không muốn mang tiếng là tụt hậu.
Bên cạnh đề tài người lính, Trung Trung Đỉnh cũng bày tỏ những trăn trở, suy tư của ông về nghiệp cầm bút. Truyện Chuyện kể của anh chàng thợ săn khắc họa hình ảnh một nhà văn nổi tiếng xuất thân từ người lính, sau chiến tranh, anh không còn viết nữa vì “lười” và cũng vì không biết viết gì. Thế nhưng do vấn đề cơm áo gạo tiền đè nặng, để sinh tồn, anh buộc phải viết những thứ mà chính anh cho rằng nó cũng chẳng ra gì. Truyện Bạn tôi trúng giải lại nói về thực trạng tiêu tiền hoang phí của các văn sĩ Việt Nam khi ăn nhậu, tiệc tùng với bạn bè. Nhà thơ Nguyên Thành trong truyện vui mừng vì nhận được giải thưởng quốc gia về thơ trị giá 10 triệu đồng bởi lâu nay anh vốn bị bạn bè cho rằng vô tích sự khi cứ để vợ nuôi. Tuy nhiên, số tiền đó bị anh tiêu sạch chỉ để mở những bữa tiệc ăn mừng xa xỉ với bạn bè. Những truyện ở mảng đề tài này được viết bằng lối giễu nhại nhẹ nhàng nhưng cách đặt vấn đề của tác giả khi kết thúc khiến người đọc phải suy ngẫm nhiều.
Ngoài ra, trong tuyển tập còn có những truyện viết về tình yêu đời lính như: Cuộc chia ly của những vì sao, Truyền thuyết Ialy… Những câu chuyện này làm không khí tuyển tập trở nên nhẹ nhàng lại, giúp cho người đọc thấy được đời sống tinh thần của người lính phong phú như thế nào. Vì thế, tuyển tập không chỉ dành cho những người cùng thế hệ với Trung Trung Đỉnh để ôn lại một thời quá khứ hào hùng mà còn dành cho thế hệ trẻ hôm nay, cho tất cả những ai muốn hiểu hơn về đời sống, tâm tư của những người đi trước.
Nhận định chuyên gia
Nhà văn Phong Điệp
Bước vào chiến tranh là một người lính cầm súng đúng nghĩa, nhưng bước ra khỏi cuộc chiến, Trung Trung Đỉnh đã là một nhà văn. Ham chơi nhưng khi ngồi vào bàn viết, đối diện với trang giấy trắng, ông là một người lao động khổ sai, không khoan nhượng với chính mình để những con chữ một ngày lấp lánh trong tâm trí người đọc.
Trần Quỳnh Nga – Văn Nghệ
Chiến trường, sự sống, cái chết, những mất mát và cả niềm hạnh phúc đã “tôi luyện” ngòi bút của ông. Viết như một sự thôi thúc, một sự trả nợ những tháng năm tuổi trẻ đã qua, và cũng có lúc viết là để “tiễn biệt ngày buồn”, văn của ông luôn trĩu nặng những trăn trở về cuộc đời, về phận người, và có sức ám ảnh kỳ lạ…
Nhận xét độc giả
Thảo luận