Thông tin ebook
Tóm tắt tác phẩm
Bộ Hồi Ký Trần Văn Khê gồm hai tập, xuyên suốt chặng đường đời của Giáo sư Trần Văn Khê, được chính ông thuật lại bằng một giọng văn nhẹ nhàng, đậm chất Nam Bộ.
Trong tập một, người đọc sẽ theo chân cậu bé Trần Văn Khê từ khi cậu sinh ra tới khi cậu vào trường học, trường đời. Lên sáu tuổi đã biết chơi đàn, bảy tuổi đi theo gánh hát, biểu diễn khắp vùng. Cậu bé có tố chất thần đồng đó cũng sớm chịu khổ đau khi cả mẹ và cha đều mất khi cậu mới lên mười…
Đây cũng là chặng đường sôi nổi của ông - học tập, tranh đấu, và luôn gắn bó với âm nhạc. Cho tới năm 1976, khi ông từ Pháp về miền Bắc ghi lại âm nhạc truyền thống.
Tập hai là những chặng đường âm nhạc. Đó là những cuộc “bảo vệ vốn cổ” âm nhạc dân tộc của khắp các quốc gia trên thế giới. Những giải thưởng, những cuộc thi cùng những cuộc tao ngộ vui vẻ mà lạ lùng. Cho đến khi ông quay trở lại cố hương cùng toàn bộ “sự nghiệp tinh thần”: những bộ sách ghi chép về lịch sử âm nhạc Việt Nam, các đĩa hát của một số nghệ nhân Việt Nam và các nước châu Á, hơn 2.000 cuốn sách và tạp chí nghiên cứu âm nhạc …
Nhà xuất bản: NXB Trẻ
Số trang: ..... (dựa vào số trang của sách in)
Dung lượng ebook: 0.83MB
Đánh giá của KOMO
Hồi Ký Trần Văn Khê là một chặng đường dài, trải qua bao thăng trầm của đời sống cá nhân cùng những biến cố lịch sử, nhưng dù ở giai đoạn nào, nơi chốn nào và trong tình cảnh nào thì những chặng, những khúc ấy cũng đều thấm đẫm âm nhạc. Có thể thấy ngay từ những dòng đầu tiên, âm nhạc là lẽ sống, là cuộc sống, và cũng là định mệnh của ông.
Dù đã theo học trường thuốc mấy năm (1941-1943) nhưng cuối cùng ông vẫn quay về với âm nhạc. Đó là một chặng đường gian nan, vừa lo mưu sinh vừa chạy giặc giã vừa muốn hướng tới lý tưởng cuộc đời. Thậm chí có khi phải vào nhà tù, nhiều phen hút chết. Trước tình cảnh đó, ông quyết định qua Pháp để tránh né một thời gian. Cuộc ra đi chỉ định hai năm cuối cùng đã kéo dài cả nửa thế kỷ, trong chặng đường ấy ông được băng mình vào lĩnh vực âm nhạc, thỏa sức sáng tạo và theo đuổi lý tưởng, nhưng cũng phải đánh đổi nhiều thứ, trong đó có hạnh phúc cá nhân.
Trong suốt chặng đường đó, có thể thấy ông đã biến âm nhạc thành một thứ ngôn ngữ khác, kết nối con người của mọi miền, mọi dân tộc, bất chấp tôn giáo, quốc tịch. Ông cũng kết nối âm nhạc thành tấm thảm đa sắc màu, trải dài, nối rộng và gắn liền khắp năm châu bốn biển.
Đặc biệt là sự gắn bó với âm nhạc truyền thống; không chỉ với âm nhạc Việt Nam, từ cải lương - gắn với mảnh đất ông sinh ra, cho tới các vùng miền khác: hát tuồng, hát bội, hát quan họ, hát chèo hay ca trù… Ông còn nghiên cứu, bảo tồn âm nhạc truyền thống của các quốc gia khác từ Á sang Âu.
Khi cùng ông qua những chặng đường này, bạn đọc cũng có cơ hội thấy lại chân dung của những người được coi là những “anh cả của nền âm nhạc Việt Nam hiện đại” như nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận,… Với những bạn đọc hay hoài cổ, mong muốn thấy lại những Hà Nội xưa hay Sài Gòn xưa, thì bộ sách này cũng sẽ thỏa phần nào nguyện vọng ấy của bạn, bằng một giọng văn đậm chất Nam Bộ, như thể của một người con Nam Bộ sống cả đời ở mảnh đất này.
Giáo sư Trần Văn Khê có nói rằng, ông tự hào được là người Việt Nam, được tắm mình trong thứ âm nhạc truyền thống đẹp đẽ của tổ quốc mình, thì chúng ta cũng có thể nói, Việt Nam tự hào có những người con ưu tú như ông, không chỉ khiến cho thế giới biết đến Việt Nam khi đem âm nhạc dân tộc ra biểu diễn trên trường thế giới, mà còn nghiên cứu chuyên sâu về âm nhạc truyền thống, để lại những tư liệu quý báu về mãi sau này.
“Sự nghiệp tinh thần” ấy đã cùng ông hồi hương trong một cuộc trở về tuyệt đẹp. Bạn đọc yêu thích và muốn tìm hiểu âm nhạc truyền thống có thể đến ngôi nhà ông đang ở tại thành phố Hồ Chính Minh (nơi sẽ trở thành Nhà lưu niệm Trần Văn Khê sau này) để tận mắt chứng kiến những công trình của ông, kết quả của “niềm say mê và nhiệt huyết không bao giờ cạn” của ông với âm nhạc dân tộc.
Nhận định chuyên gia
Thất Sơn
Trong bộ Hồi Ký Trần Văn Khê, độc giả có cơ hội nhìn lại cuộc đời thăng trầm nhưng đáng tự hào của nhà nghiên cứu… Bộ sách lôi cuốn người đọc ngay từ những trang đầu tiên với lời kể chân phương, giản dị, đậm chất Nam Bộ…
Hồng Thắm
Bộ hồi ký, audio book và phim tài liệu về Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê gần như là một bộ tư liệu thấm đẫm những trăn trở, suy nghiệm của con người đặc biệt này.
Trần Văn Khê
Qua những trang sách này, mời bạn đọc cùng tôi đi viếng nhiều nước, gặp nhiều người, nghe nhiều chuyện; chia buồn chung vui với một người nhạc sĩ suốt đời say mê việc nghiên cứu, sưu tầm, phát huy và phổ biến âm nhạc truyền thống Việt Nam. Mong sao thiên hồi ký này không chỉ là sự cảm thông giữa người viết và người đọc, mà còn là cầu nối của những tâm hồn khát khao với các giá trị văn hóa truyền thống.
Nhận xét độc giả
Thảo luận