Thông tin ebook
Tóm tắt tác phẩm
Chuyện nghề của Thủy là tên gọi tập sách ghi lại cuộc đời, sự nghiệp của vị đạo diễn được coi là “người làm phim tài liệu chính luận giỏi nhất nước ta” - theo cách nói của nhà văn Nguyên Ngọc. Qua lời kể của nhân vật chính - đạo diễn Trần Văn Thủy, và sự ghi chép tỉ mỉ, cụ thể của Lê Thanh Dũng - một người bạn tri kỷ của ông, hơn 450 trang sách đã dẫn dắt người đọc bước vào thế giới điện ảnh đầy đam mê, lý tưởng nhưng cũng đầy nghiệt ngã, bẽ bàng. Ngoài việc tái hiện con đường đến với nghệ thuật điện ảnh của Trần Văn Thủy, cuốn sách còn mang đến cho người đọc câu chuyện của một nghệ sĩ mà thông điệp của nó có được một sự tác động, ảnh hưởng rất lớn, rất sâu sắc và trực tiếp đến xã hội, công chúng giai đoạn trước và sau đổi mới.
Nhà xuất bản: NXB Hội Nhà Văn,Phương Nam Book
Số trang: ..... (dựa vào số trang của sách in)
Dung lượng ebook:
Nhận định chuyên gia
Nhà văn Nguyên Ngọc
Có thể không ngần ngại mà nói rằng anh là một nhà văn chính luận sâu sắc trong vai trò một đạo diễn, luôn trực diện với những vấn đề nóng hổi của nhân sinh.
Nhà báo Vĩnh Quyền
Phim của Trần Văn Thủy thường gửi lại trong ký ức ta hình ảnh buồn. Buồn nhưng không thảm. Buồn như một câu hỏi day dứt vì sao lại như thế. Và như thế thì phải làm sao. Phim của Trần Văn Thủy là nỗi buồn lớn. Nhiều người cho rằng Trần Văn Thủy là nhà làm phim cách tân. Tôi lại thấy đạo diễn này đi trên con đường sáng tạo nghệ thuật truyền thống. Đúng là “Hà Nội Trong Mắt Ai” (1982), “Chuyện Tử Tế” (1985) đã như những quả bộc phá gây sóng gió trên mặt hồ thu nghệ thuật. Dư chấn của nó ảnh hưởng đến tận giới làm phim quốc tế. Nhưng tính dũng cảm lại là cột sống của nghệ thuật truyền thống. Và hơn thế, nhân vật chính trong phim của Trần Văn Thủy cũng là nhân vật truyền thống: Nhân dân.
Nguyễn Vĩnh Nguyên - Sài Gòn Tiếp thị
Ngoài việc tái hiện con đường đến với nghệ thuật điện ảnh của Trần Văn Thuỷ, cuốn sách này là câu chuyện của một nghệ sĩ mà thông điệp tác phẩm có độ rung vang, va chạm, ảnh hưởng lớn, sâu sắc và trực tiếp với xã hội, công chúng giai đoạn trước, sau đổi mới. Người đọc mê phim chính luận của ông có thể hình dung phía sau những bộ phim tài liệu thức tỉnh lương tri một thời như: Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế và những bộ phim gây tiếng vang: Phản bội, Tiếng vĩ cầm ở Mỹ lai, Nếu đi hết biển, Người Man Di hiện đại... hay hàng chục bộ phim đoạt giải cao ở các liên hoan phim quốc gia và quốc tế, có những khuất tất rất “hoàn cảnh” mà đến nay mới được kể ra một cách không né tránh, “không trừu tượng”.
Như Hòa - Thể thao & Văn hóa
Trong lịch sử phim tài liệu chính thống của Việt Nam cho đến tận ngày nay, đa phần được làm với tiền Nhà nước, thường chẳng màng đến việc bán vé để hòa vốn hay thu lợi nhuận. Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế là hai phim tài liệu chính quy đầu tiên và hiếm hoi làm được điều này? Đây có lẽ là một thực tế quá rõ ràng nhưng đã bị biến thành bí mật chung của ngành phim tài liệu, qua cuốn sách, Trần Văn Thủy nhắc lại và người đọc thấy sững sờ.
Hồng Diệu - Tiền Phong
Tên sách “Chuyện nghề của Thủy” đã nói lên nội dung chính của sách. Không thể không khâm phục một nhà làm phim quyết tử với nghề như Trần Văn Thủy. Đây là câu chuyện khi anh từ chiến trường trở ra Bắc: “Mình lên cơn sốt, mặc cả hai bộ quần áo lót, quần áo dài vào người, cẩn thận viết vào mảnh giấy và đặt trong túi phim: “Tất cả đây là phim négatif quay ở chiến trường, chưa tráng. Nếu có rơi vào tay ai thì xin bảo quản hết sức cẩn thận và chuyển giùm đến cơ quan có trách nhiệm của ngành Điện ảnh. Không được mở ra”.
Doanh nhân Sài Gòn
Chuyện nghề của Thủy là chuỗi câu chuyện về nghề nghiệp của một đạo diễn nhiều tâm huyết và qua đó, những câu chuyện thế sự hiện lên qua từng ngóc ngách trong cuộc đời con người đặc biệt này. Cuốn sách tái hiện chặng đường theo đuổi những khuôn hình chân thật của Trần Văn Thủy.
Những ngày mới bước chân vào nghề, ông luôn là một đạo diễn lận đận. Dù gặp không ít rủi ro, tai nạn đe dọa tính mạng nhưng Trần Văn Thủy lại có duyên nợ với các giải thưởng quốc tế.
Hồng Nhung - Báo Đà Nẵng
Ông nói rằng cuốn sách của mình như được viết bằng máu, bởi những gì xảy ra là sự thật một nghìn phần nghìn. Và cái sự thật đó (rất quan trọng với phim tài liệu) khiến cho ông bị bầm dập, bị theo dõi khi bộ phim Hà Nội trong mắt ai ra đời. Nhiều năm sau, khi bộ phim này vẫn đang bị cấm chiếu, Trần Văn Thủy làm tiếp bộ phim Chuyện tử tế và số phận của nó cũng long đong, lận đận không kém. Cách làm bộ phim đó là… vừa đi vừa tìm, vừa làm vừa nghĩ mà không có cái gì trước cả. Điều này làm tôi nghĩ ngay đến những bộ phim tài liệu về các vấn đề của đời sống đương đại theo phong cách điện ảnh hiện thực (cinema direct) mà nhiều đạo diễn trẻ của Việt Nam đang theo đuổi do được Hiệp hội điện ảnh Varan đào tạo trong gần 10 năm qua.
VnExpress
Một câu chuyện chân thực về chiến tranh của phóng viên chiến trường Việt Nam. Một câu chuyện cảm động về người làm phim ở Việt Nam. Một sản phẩm tốt nữa của Trần Văn Thủy - lần này là sách - dâng tặng cuộc đời.
Xuân Lan - Báo Quảng Nam
Cuốn sách hấp dẫn bạn đọc còn bởi những dòng chia sẻ chân tình của Trần Văn Thủy-một người tử tế, một nhân cách tử tế trong cuộc đời đầy sóng gió, hơn thế là một người có niềm tin sâu sắc “Dù Đông Tây kim cổ thì đạo lý, sự Tử tế bao giờ cũng trường tồn, bất biến”.
Nhận xét độc giả
Thảo luận