Thông tin ebook
Tóm tắt tác phẩm
Cuộc đời vốn thế, một khi tiếng đập trống rỗng của những chiếc dạ dày tạm lắng xuống thì tiếng động thì thầm của những giá trị cội nguồn lại vang lên.
Và một trong những tiếng động ấy là sự trở lại cũng thì thầm và vô cùng bền bỉ của dòng văn học chiến tranh mà sự xuất hiện rộn ràng của những trang nhật ký chiến trận mấy năm gần đây âu cũng là lẽ đương nhiên, đương nhiên như hết mưa lại nắng, hết bão dông cõi thế lại yên hàn, đương nhiên như đó là những tháng ngày thiêng liêng, những tháng ngày cao đẹp nhất của dân tộc, của mỗi số phận con người mà đất nước này, khung cảnh thái hoà này mãi không thể nào quên.
Vâng! Nhật ký của một người đã chết, một người nằm xuống ta đọc đã nhiều, song nhật ký của một người còn sống thì không phải ở đâu cũng có, nếu như không muốn nói rằng nó là vô cùng hy hữu. Những dòng chữ của một liệt sĩ để lại, bản thân nó đã hàm chứa một nỗi xúc động sâu xa, vậy những dòng chữ của một chiến sĩ vẫn còn tồn tại trên cõi dương này sẽ tồn tại ra sao đây, khi nó tự đánh mất cái ưu thế truyền cảm mang tính truyền thống tâm linh đó, trước cảm nhận của độc giả? Bài toán này không dễ trả lời, vì dù muốn hay không, nó cũng động chạm đến những phần nhạy cảm nhất của con người. Bởi, trước khi chết, con người bao giờ cũng nói thật mọi điều, nói cả điều hay lẫn điều dở cho nên nó thật đến không cùng. Mà đã gọi là nhật ký thì bao giờ cũng lấy cái thật làm hạt nhân trung tâm. Còn khi anh vẫn sống, ngồi viết lại, dù chân thành đến mấy, ngòi bút cũng không thể tách khỏi cái sự lọc bằng lý trí qua các yếu tố khách quan, yếu tố tự biên tập cho nó thích hợp với điều này, hợp lý với tình hình kia. Khó lắm! Dễ khô cứng, dễ giả tạo lắm.
Vậy mà không! Với Có Một Thời Như Thế, người viết đã biết ẩn mình đi, ẩn rất kỹ, ẩn chân thành, ẩn như không, gần ba trăm trang sách, anh chỉ coi mình như là một nhân chứng, một cái trục nhỏ nhoi để từ đó dồn hết tâm sức, trí nhớ để viết, đúng hơn là để kể lại về đồng đội, bạn bè, về những người đã chết và những người đang sống, về cuộc đời, bom đạn, về tình người, tình yêu, tình gia đình cha mẹ bình dị, khẽ khàng như hạt lúa, củ khoai đang vào mùa giáp hạt khiêm nhường.
Không đao to búa lớn, không lên gân lên cốt, cũng không cố làm ra vẻ văn chương, chữ nghĩa cầu kỳ, càng không biết tránh né những điều có thể là phạm huý phạm kỵ, anh cứ lẩn mẩn kể như kể lại cho người thân, bạn bè nghe về những chặng đường gian truân, ác liệt của cuộc đời mình, cuộc đời đồng đội. Và như thế, từng dòng, từng trang, từng con chữ, nó như những hạt mưa dầm không ồn ào, xối xả mà nhè nhẹ thấm thật sâu vào cảm nhận người nghe, người đọc.
Đọc anh, tin rằng những người trẻ hôm nay sẽ tìm ra được một cái gì đó thuộc về sức mạnh tinh thần, cũng như những giá trị nhân văn thăm thẳm của các thế hệ cha anh, đã không tiếc máu xương làm nên những chiến tích huy hoàng cho ngày hoà bình thơ thới hôm nay, qua đó, chắc chắn họ sẽ giật mình mà soi rọi lại cảm quan, cách cảm, cách nghĩ, cả cách sống của mình trong cơn cuồng phong hội nhập hiện đương. Và những người đã đi qua chiến cuộc chắc chắn sẽ như được sống lại, như được nhìn thấy, sờ thấy, ngửi thấy những tháng ngày thiêng liêng, khổ đau, đẫm máu và nước mắt để thực hiện khát vọng tự do, độc lập của dân tộc.
Là người đã viết khá nhiều về chiến tranh, đã lấy hình tượng người lính và chiến tranh cách mạng làm cảm hứng trung tâm cho các tác phẩm của mình, thú thật có lúc đọc anh, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những trang chữ anh miêu tả về cảnh sắc Trường Sơn với tất cả sự sinh động của những vui buồn, đói khổ, một trận sốt rét, một vị ngọt rau môn thục, một tử sĩ mối vùi trên võng, một bãi khách đêm, một chiều hành quân, một tiếng chim côi cút gọi bầy, một dòng sông, một sắc nắng, một sườn dốc đứng hành quân bằng thang dây dựng trời. Một tối đói quá phải vào nương ăn cắp sắn… Càng không thể không lắng chìm khi anh viết về mẹ, về một ga tàu tiễn đưa, về những giọt nước mắt yếu đuối không kìm nổi khi từ biệt tất cả để đi vào chỗ chết, về lòng dân thuần phác, mênh mông ba nước Việt - Miên - Lào anh đã có dịp hành quân qua. Để rồi như một sự bung phá của tâm hồn, anh say sưa và đau đớn kể về những trận đánh, về những đêm hành quân quá đỗi nhọc nhằn vừa đi vừa ngủ, về những cái chết đủ hình, đủ dạng của đồng đội mà sự ra đi tức tưởi của họ còn vương nặng trí não anh cho đến tận bây giờ, đã khiến cho anh, một đồng đội may mắn còn sống, không hiểu sao lại còn sống, phải tự đặt lên linh hồn mình một trách nhiệm là phải ghi lại. Ghi lại bằng cả một hệ thống chi chít những chi tiết sống động, độc đáo, có duyên mà nếu không thực sự trải qua, không thực sự sống tận cùng với nó thì không thể nào hình dung ra nổi.
Chiến tranh là bi kịch, nhưng chiến tranh cũng là bi tráng. Tổn thất đến không cùng, nhưng cũng can tràng đến không cùng. Phải chăng đó chính là cảm hứng chủ đạo, là điều ruột gan anh muốn nói về chiến tranh, về bạn bè mình. Trung đoàn ngày ra đi, ngót nghét gần ba ngàn thanh niên trai tráng, khi trở về chỉ còn có vài trăm, mà lại không vẹn nguyên thân thể. Mỗi mùa chiến dịch, cứ vào một trận đánh là quân số lại vợi đi quá nửa, vợi đến nỗi không còn đủ người vào thay, đến nỗi cả đại đội thay vì hơn một trăm sinh mạng đánh vài trận chỉ còn lại đếm được trên đầu ngón tay… Nhưng những trận đánh vẫn nối tiếp những trận đánh, những chiến dịch vẫn ngày đêm tiến sát hang ổ kẻ thù. Để tồn tại và đứng vững được trong những cảnh huống quá sức chịu đựng của con người ấy, họ đã bộc lộ đủ đầy tất cả những thảng thốt, yếu đuối, hoang mang thậm chí đến nản lòng, tuyệt vọng đưa đến một vài người đã rời bỏ đội ngũ chạy sang phía chiến tuyến bên kia, nhưng rồi một cái gì đó thiêng liêng như lòng tự tôn dân tộc, nghĩa tình thẳm sâu của đồng đội, của khí núi khí sông, của niềm tin vào nghĩa cả thổi về, vón cục trong trái tim đã khiến cho họ chiến đấu uy nghi đến người cuối cùng. Như thế, qua cái nhìn của anh, người trong cuộc, người lính của chúng ta không hề là một cỗ máy chiến đấu, không hề là một Rô bốt chiến binh vô cảm chỉ biết xông lên chứ trong thế giới nội tâm trắng xoá không chứa đựng cái gì.
Người anh hùng là người không phải không biết sợ chết, nhưng một khi vượt qua được cái sợ chết đó, họ sẽ là người anh hùng. Cũng như chiến tranh thực chất là ngày nào cũng chôn nhau nhưng chưa đến lượt chôn mình. Đó là sự thật và đó cũng là lửa tôi rèn cho phẩm chất con người Việt Nam đi qua được bao phen dông gió. Chúng ta đồng cảm và chia sẻ với anh về ý nghĩa nhân văn này.
Như vậy, đây có thể coi là một cuốn hồi ký chân thực của một người lính đã đi qua tận cùng bom đạn, tận cùng yêu thương và căm thù, đã bị thương, đã đi lạc trong rừng cả tuần đến nỗi khi tìm về được đơn vị, vết thương chỉ nhung nhúc những dòi, nhưng vì tất cả độ chân thực đến trần trụi của nó, ta vẫn có thể gọi là một trang nhật ký, nhật ký của người còn sống, dù chỗ này chỗ khác vẫn còn nét vụng về, thô mộc, dàn trải chưa chọn lọc nhưng nó vẫn mang vẹn nguyên sức mạnh đánh động, giá trị truyền cảm như những trang viết của người đã ra đi.
Đó là những con chữ được viết bằng máu, đó thực sự là một bài ca về người lính mà đọc nó, mỗi người chúng ta không thể không ngoảnh nhìn lại những tháng ngày đã qua để tự hoàn thiện mình, để biết mình đang ở đâu và mình đang được thừa hưởng cái gì. Bởi cái giá phải trả cho ngày hôm qua là không thể lường được.
Là một người lính già, tôi xin cảm ơn cuốn sách, cảm ơn người lính Võ Minh đã nói hộ với cuộc đời nhiều điều mà cuộc sống xôn xao này rất cần phải nói.
Nhà văn Chu Lai
Nhà xuất bản: NXB Thanh Niên
Số trang: ..... (dựa vào số trang của sách in)
Dung lượng ebook:
Nhận định chuyên gia
Nhà văn Chu Lai
Có Một Thời Như Thế là một bài ca đau thương và hào sảng về người lính.
Nhà văn Võ Thị Hảo
Có Một Thời Như Thế được viết ra như một nén nhang thắp lên trước linh hồn những đồng đội của anh - những người đã nằm lại trên chiến trường, mà do điều kiện chiến tranh, thi thể họ đã không còn ngày về với quê hương bản quán và với người thân. Và cũng là một khúc hát ru cho những ngày qua bi tráng. Khúc ca mà tác giả hát kể bằng giọng mộc mạc để ru mình và ru những người khác. Những người mà anh gọi là "Đồng đội".
Nhận xét độc giả
Thảo luận