Thông tin ebook
Tóm tắt tác phẩm
Vang Vọng Một Thời là một tập sách nhạc gồm 4 quyển, tập hợp 50 bản nhạc quen thuộc của nhạc sĩ Phạm Duy. Từ quyển một đến quyển ba, mỗi quyển gồm 12 bản nhạc; riêng quyển tư gồm 14 bản. Nói như nhạc sĩ thì đây là những bản nhạc “đã từng là kỷ niệm riêng của từng người, có thể gợi lại những nỗi buồn ít hơn niềm vui, rất là đáng nhớ của thời dĩ vãng.”
Nhà xuất bản: ...
Số trang: ..... (dựa vào số trang của sách in)
Dung lượng ebook: 25.86MB
Đánh giá của KOMO
Vang Vọng Một Thời không chỉ đăng lại bản phổ 50 bài nhạc của Phạm Duy mà còn gửi đến những người yêu nhạc muốn biết thêm những thông tin chi tiết xoay quanh từng bài của ông như: bản nhạc soạn ra với cảm tưởng nào, đã soạn ở đâu, vào năm nào, tự xuất bản hay ai phát hành, đã có những bài viết phê bình của những ai?...
Có lẽ, những ai hâm mộ nhạc Phạm Duy cũng đều yêu thích Áo anh sứt chỉ đường tà nhưng chắc hẳn không phải ai cũng biết được chính suy nghĩ của ông về bản nhạc này: “Theo tôi, bài Áo anh sứt chỉ đường tà tuy có vẻ buồn thương, nhưng không bi lụy mà bi hùng! Tôi nghĩ, bổn phận của người nghệ sĩ trong thời chiến phải biến cái bi thành cái hùng. Bài thơ của anh Hữu Loan có cả hai yếu tố đó và trong bản nhạc người nghe cũng nghe được cả hai tiếng: tiếng hùng và tiếng bi. Tôi soạn thành một “ca khúc” dài tới 7 đoạn gồm khoảng 80 khuông, thành một bài “ái quốc ca” dài (long patriotic chant) hơn là một “vãn ca”(complainte).” Và còn nhiều nữa những suy tưởng của ông về các bản nhạc khác trong tập sách này. Những suy tưởng này dù được viết với xuất phát để cho người đọc rõ hơn cảm tưởng của ông khi soạn nhạc, nhưng không chỉ dừng lại ở âm nhạc, những dòng chữ ấy còn bộc lộ suy tư của ông về cuộc sống, về cái đẹp, về nghệ thuật, về quan điểm sáng tác. Từ đó, người đọc hiểu thêm một Phạm Duy miệt mài lao động, yêu nghệ thuật nhiều như thế nào. Và có thể chúng ta sẽ bắt gặp cảm xúc ngỡ ngàng giống như danh ca Tuấn Ngọc-con rể ông từng chia sẻ rằng: “Tôi chưa bao giờ thấy người nào say mê làm việc giống ông cụ. Cứ như mỗi lần sắp gục ngã, nghĩ đến âm nhạc và lời khen ngợi là ông có động lực để tiếp tục...”
Bên cạnh đó, thông qua những bài phân tích, nhận định, đánh giá viết về nhạc Phạm Duy trong tập sách này, độc giả cũng hiểu thêm được những nét đặc sắc về các kĩ thuật nhạc lí mà ông đã áp dụng để sáng tạo ra những giai điệu tuyệt phẩm. Chẳng hạn như bằng cảm tính bản năng, ai nghe bài Ngậm ngùi của Phạm Duy cũng đều cảm nhận được đây là một bản nhạc mang âm hướng giản dị. Thế nhưng, khi đọc bài phân tích của Phạm Quang Tuấn trong tập sách này, người đọc sẽ hiểu được cụ thể hơn một cách lí tính vì sao bản nhạc này lại mang đến cảm giác đó và càng thấy được sự tài hoa trong cách xử lí nhạc của Phạm Duy:
“Nguyên đoạn đầu, mỗi câu kết thúc bằng một chủ âm (huyền = Do thấp, ngang = Do cao):
Nắng chia nửa bãi chiều rồi (Do thấp)
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu (Do thấp)
Sợi buồn con nhện giăng mau (Do cao)
Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây (Do cao)
Nhịp cũng đều đều giữ nguyên tính cách ru ngủ của thơ lục bát, không thêm bớt vần nào. Vì chung thủy với thơ như vậy, nên hát lên nghe gần như là đọc thơ - ĐỌC chứ không phải là NGÂM, vì khi ngâm người ta ngân nga ra thành những âm điệu phức tạp hơn. Có lẽ nhạc bài Ngậm Ngùi vô cùng ăn khách ở cái lục bát tính đó.”
Với tuyển tập này, người yêu nhạc không chỉ hiểu thêm về những suy tư của Phạm Duy, những kĩ thuật nhạc lí đặc sắc trong các bản nhạc của ông mà còn có thể theo chân tác giả để hành hương về những nơi, vừa là chốn đã khai sinh ra bài hát, vừa là nơi được coi như những thắng cảnh của đất nước. Ví dụ như cùng tác giả đi tìm cô gái mơ năm xưa và đi chơi chùa Hương luôn thể (nhà ta ở dưới gốc cây dương, cách Động Hương Sơn nửa dặm đường) ... hay đi lên tận Lao Kai (để tìm lại chiếc cầu biên giới).
Nhận xét độc giả
Thảo luận