Uncategorized

50 tác phẩm tinh hoa nhà văn Nhật Chiêu yêu thích – Kì 3 (cuối)

50 tac pham tinh hoa copy 4

50 tác phẩm tinh hoa là những bài viết tập hợp danh sách 50 tác phẩm tinh hoa yêu thích của các nhà văn, nhà thơ, dịch giả, nhà phê bình-nghiên cứu, những người làm trong ngành xuất bản, những bạn đọc yêu văn học… tại Việt Nam. Những danh sách 50 tác phẩm tinh hoa hoàn toàn dựa trên sự yêu thích cá nhân của người chọn, người chọn sẽ nêu ra lí do yêu thích tác phẩm và từ đó bạn đọc có thêm thông tin tham khảo để việc chọn sách đọc dễ dàng hơn. Vì vậy, những danh sách này không mang tính chất như một khuôn mẫu chuẩn mực bắt buộc mọi người phải đọc theo. Qua chuyên đề này, KOMO muốn là cầu nối giữa bạn đọc và các tác giả, những người đang làm sách để chúng ta cùng trao đổi, chia sẻ những tác phẩm hay, những kinh nghiệm đọc sách giúp mọi người có được nhiều gợi ý để tìm đọc các tác phẩm tinh hoa thuận lợi hơn.

Khách mời đầu tiên của chuyên đề 50 tác phẩm tinh hoa là nhà văn Nhật Chiêu. 50 tác phẩm nhà văn chọn lựa là các tác phẩm nằm trong thể loại văn xuôi (truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn…) và kịch. “Có nhiều tác phẩm triết học tôi rất thích nhưng không đưa vào danh sách này. Ở danh sách này, tôi chỉ giới hạn các tác phẩm nằm trong thể loại văn xuôi và kịch. Các tác phẩm cũng được sắp xếp theo thứ tự niên đại xuất hiện và quốc gia một cách tương đối,” nhà văn cho biết.

Kì 3 của bài viết 50 tác phẩm tinh hoa nhà văn Nhật Chiêu yêu thích cũng là kì kết thúc danh sách 53 tác phẩm yêu thích mà nhà văn Nhật Chiêu giới thiệu đến bạn đọc. Chuyên đề 50 tác phẩm tinh hoa sẽ tiếp tục với những khách mời khác.

Chúc bạn đọc tìm được những quyển sách yêu thích mới thông qua danh sách 50 tác phẩm tinh hoa yêu thích của nhà văn Nhật Chiêu, ghi theo lời nói trực tiếp của ông.                                              

Thay mặt BBT KOMO,

Frett  

(*) Thứ tự sắp xếp các tác phẩm dưới đây được sắp theo niên đại xuất hiện và quốc gia. Đây là sắp xếp theo ý của nhà văn Nhật Chiêu. Trong mỗi tác phẩm, phần chữ in nghiêng ở đoạn văn cuối là chú giải thêm của BTV KOMO thông tin cơ bản về tác phẩm được tham khảo từ các nguồn trên mạng.

Văn học phương Đông

  1. Gilgamesh – sử thi Sumer-Babylon, cách đây hơn 3000 năm

91rM+vz8gOL (1)

Sử thi đầu tiên của nhân loại, ca hát về một anh hùng đi tìm sự bất tử, ca hát về tình bạn và ca hát về mọi niềm vui thường ngày:

“Hãy ăn uống no say

Mà vui hưởng đêm ngày

Mỗi ngày làm yến tiệc

Cứ áo mới mà thay

Hãy tắm trong nước mát

Gội mái đầu cho hay

Đưa tay mà dắt trẻ

Và ôm vợ cho đầy…”

Gilgamesh là nhân vật chính trong cuốn sử thi Gilgamesh, là một thiên sử thi vĩ đại trong văn học Lưỡng Hà, trong đó cha của ông là Lugalbanda và mẹ của ông là Ninsun (một số gọi là Rimat Ninsun), là một vị nữ thần. (Wikipedia)

2 + 3. Mahabharata + Ramayana

9780143330318_0

9780140446814

Hai sử thi vĩ đại của Ấn Độ hầu như thâu tóm toàn bộ thế giới, thiên nhiên và con người trong lòng mình, chứa chan mọi giai điệu của vũ trụ và cuộn sóng mọi cảm xúc, trầm lắng những tư tưởng triết lí uyên áo… Ở đấy cái bao la và cái tế vi thường tương dung.

Mahabharata bao gồm hơn 74.000 câu thơ và những đoạn văn xuôi dài, tổng cộng khoảng 1,8 triệu từ, và là cuốn thiên sử thi dài nhất trên thế giới, gấp bảy lần tổng số câu thơ của hai bộ sử thi Hy Lạp cổ đại là IliadOdyssey cộng lại. Tác phẩm này được coi là “Đại Bách khoa toàn thư” về văn hóa truyền thống, về các truyền thuyết và về các thể chế chính trị – xã hội của Ấn Độ cổ xưa. Nó là tấm gương phản chiếu toàn bộ đời sống con người Ấn Độ truyền thống như lời một câu ngạn ngữ cổ: “Cái gì không thấy được ở trong Mahabharata thì cũng không thể nào thấy được ở Ấn Độ.” (Wikipedia)

Ramayana  gồm 24.000 câu thơ đôi, tức 48.000 dòng thơ, chưa bằng 1/4 khối lượng dòng thơ của bộ Mahabharata nhưng bố cục chặt chẽ hơn. Chủ đề của tác phẩm là câu chuyện tình duyên giữa hoàng tử Rama và người vợ chung thủy Sita. (Wikipedia)

  1. Sakuntala – Kalidasa

81KX6z194bL

Vở kịch thơ đẹp nhất của Ấn Độ mà nói theo S. Levi, Kalidasa “đã có may mắn tạo nên một kiệt tác thật sự kinh điển mà ở đó Ấn Độ tự ca ngợi mình và ở đó nhân loại tự nhận ra mình.” (dẫn theo cuốn Phát hiện Ấn Độ).

Các vở kịch và thơ của Kalidasa được dựa trên những câu chuyện thần thoại và triết học Hindu. Vị trí của Kalidasa trong tiếng Phạn có thể so sánh với vị trí của Shakespeare trong tiếng Anh.

Nổi tiếng nhất trong những tác phẩm của ông chính là vở kịch thơ Sakuntala được nhân dân Ấn Độ xem là kỳ công thứ nhất trong văn học Ấn Độ. Và là một trong những tác phẩm văn học vĩ đại nhất lịch sử văn học của nhân loại.

Kịch Sakuntala vừa là thơ, vừa là văn xuôi, có 7 hồi và phần dạo đầu. Kịch thơ Sakuntala của Kalidasa mang tinh thần Hindu giáo, kết hợp hài hòa nhuần nhuyễn giữa tính sử thi của anh hùng ca và tính trữ tình, thấm đượm tính nhân bản, với khát khao tình yêu trong sáng và chung thủy. (Wikipedia)

  1. Thơ Tagore

rabtagore

Kalidasa và Tagore là hai kì quan của văn học Ấn Độ. Thiên tài Tagore mở ra nhiều cánh cửa hơn ai hết để ta đi vào cuộc sống của vũ trụ tâm linh, của tình yêu cuộc đời.

Rabindranath Tagore là nhà thơ Bengal, triết gia Bà La Môn và nhà dân tộc chủ nghĩa được trao Giải Nobel Văn học năm 1913, trở thành người châu Á đầu tiên đoạt giải Nobel. Mặc dù thơ chiếm ưu thế trong sự nghiệp của Tagore với hơn 1.000 bài (50 tập thơ) – bắt đầu từ việc năm 14 tuổi ông được đăng bài thơ “Tặng hội đền tín đồ Ấn Độ giáo”, ông cũng để lại nhiều tiểu thuyết (12 bộ dài và vừa), luận văn, hàng trăm truyện ngắn, kí, kịch (42 vở), 2000 tranh vẽ… Không kém phần nổi tiếng trong số các tác phẩm của ông là hơn 2.000 bài hát, ngày nay được gọi là Rabindra Sangeet và được xem là kho tàng văn hoá Bengal, ở cả Tây Bengal thuộc Ấn Độ lẫn Bangladesh, liên quan sâu sắc tới mọi lĩnh vực. (Wikipedia)

  1. Midnight’s children – Salman Rushdie

midnightschildren2

Salman Rushdie là loại tác giả của “nửa đêm”, loại tác giả của huyền thoại. Tác phẩm của ông và chính ông bị những kẻ cuồng tín kết án tử mà không biết là đã vô tình biến ông thành một linh thần trong thế giới văn chương.

Cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh quá trình chuyển tiếp của Ấn Độ từ thời thuộc địa Anh sang độc lập rồi tách thành ba quốc gia độc lập Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh. Những đứa con của nửa đêm không phải được viết ra để đọc thật nhanh. Đồ sộ như chính nó, huyền hoặc như chính nó, với một người dẫn chuyện lơ đãng có chủ đích, một lượng từ vựng khổng lồ và vô vàn tham chiếu đến lịch sử cũng như thần thoại của một đất nước thịnh vượng bậc nhất về mặt văn hóa. Cuốn sách làm choáng ngợp ngay cả những người đọc dạn dày. Đây là sự trải nghiệm kỳ thú về tình yêu và mất mát, về những số phận trôi dạt giữa lịch sử đầy bão dông, giữa những nang lực diệu kỳ và phép thuật kỳ diệu như cổ tích. (Nhã Nam)

  1. Thơ Đường

Thi Phật Vương Duy và Thi Tiên Lý Bạch là hai tuyệt đỉnh nhưng có hàng trăm bài thơ Đường tuyệt đẹp.

  1. Tây Du ký Ngô Thừa Ân

Tây Du Ký 1

Đá, khỉ, người, thần, yêu… cả vũ trụ trong lòng bàn tay.

Tây Du Ký là một trong những tác phẩm kinh điển trong văn học Trung Hoa. Được xuất bản với tác giả giấu tên trong những năm 1590 và không có bằng chứng trực tiếp còn tồn tại để biết được tác giả của nó, nhưng tác phẩm này thường được cho là của học giả Ngô Thừa Ân. Tiểu thuyết thuật lại chuyến đi đến Ấn Độ để thỉnh kinh của nhà sư Huyền Trang.

Trong tiểu thuyết, Trần Huyền Trang được Quan Âm Bồ Tát bảo đến Tây Trúc (Ấn Độ) thỉnh kinh Phật giáo mang về Trung Quốc. Theo ông là ba đệ tử – một khỉ đá tên Tôn Ngộ Không, một yêu quái nửa người nửa lợn tên Trư Ngộ Năng và một thủy quái tên Sa Ngộ Tĩnh – họ đều đồng ý giúp ông thỉnh kinh để chuộc tội. Con ngựa Huyền Trang cưỡi cũng là một hoàng tử của Long Vương. (Wikipedia)

  1. Liêu Trai chí dị – Bồ Tùng Linh

751c388a59768fed41f5c3a415b1b43elieu_trai_chi_di_t1_in_lan_2.941x1397.w.bMa của Bồ Tùng Linh còn “người” hơn cả người. Có những con ma biết sống và có những con người chỉ là xác chết biết đi.

Liêu trai chí dị  với ý nghĩa là những chuyện quái dị chép ở căn nhà tạm, là tập truyện ngắn gồm 431 thiên, ra đời vào đầu đời nhà Thanh (cuối thế kỷ 17) của nhà văn Trung Quốc Bồ Tùng Linh. Bộ truyện này được coi là một kì thư và được đánh giá là đỉnh cao của tiểu thuyết văn ngôn thời cổ đại. Đề tài chủ yếu của Liêu trai chí dị do tác giả sưu tầm trong dân gian, hoặc rút từ truyện chí quái đời Lục triều, các truyện truyền kỳ đời nhà Đường rồi gia công sáng tạo thêm. (Wikipedia)

  1. Linh Sơn – Cao Hành Kiện                       

9780732281373255b1255d

Kiệt tác tiểu thuyết của Trung Quốc hiện đại thể hiện những gì ưu tú nhất của nền văn hóa này.

Linh Sơn được Cao Hành Kiện bắt đầu cấu tứ từ mùa hè năm 1982. Trong những năm 1983, 1984, để viết cuốn tiểu thuyết này, Cao Hành Kiện đã di du lịch ba lần dến lưu vực Trường Giang, dạo khắp rừng núi, hành trình dài nhất có đến 15.000 cây số. Linh Sơn hoàn thành tháng 9 năm 1989 tại Paris, được Công ty xuất bản Liên Kinh, Đài Loan xuất bản lần đầu vào tháng 12 năm 1990. Linh Sơn được Cao Hành Kiện viết với ý định ban đầu là bày tỏ nỗi cô đơn nội tâm và để viết riêng cho ông chứ không hy vọng tác phẩm sẽ được xuất bản. (Wikipedia)

  1. Truyện Genji – Murasaki Shikibu

tumblr_mrbi760j3r1rhdcjuo1_1280

Tiểu thuyết Nhật Bản này thường được nhìn nhận là tiểu thuyết đầu tiên của thế giới. Nhân vật hư cấu Genji đối với người Nhật quan trọng đến nỗi được xem là một trong chục người sáng tạo nên nước Nhật, điều khó thấy trong bất kì nền văn hóa nào của thế giới. Dù là tiểu thuyết đầu tiên, nó đã đạt đến tuyệt đỉnh của nghệ thuật tiểu thuyết.

Truyện Genji được sáng tác vào khoảng những năm 1010 thời đại Heian bằng chữ viết kana. Xoay quanh hình tượng nhân vật hoàng tử Genji trong phần chính và Kaoru, người con trai trên danh nghĩa của Genji trong phần thập thiếp cùng mối quan hệ của họ với những người phụ nữ, tác phẩm gồm 54 chương, thuộc một trong những truyện rất lớn về dung lượng, rất phức tạp về nội dung và rất quyến rũ về mặt hình thức trong lịch sử văn học thế giới. Truyện Genji đã trở thành một hiện tượng có một không hai đối với văn học nhân loại vào thời kỳ trung cổ tiền Phục Hưng: về mặt lịch sử truyện được đánh giá là tiểu thuyết theo nghĩa hiện đại đầu tiên của nhân loại, sớm hơn rất nhiều so với sự ra đời của tiểu thuyết ở châu Âu với tác phẩm Don Quixote của Miguel de Cervantes vào thế kỷ 16. (Wikipedia)

  1. Con đường sâu thẳm – Basho

377

Một kiệt tác thơ ca pha lẫn văn xuôi haibun (hài văn: thơ haiku pha văn xuôi) thể hiện thiên tài của Nhật Bản: cô đọng và tinh tế, cao ngộ quy tục (ngộ với thanh cao, về với tục).

Tác phẩm được viết dưới hình thức nhật kí du hành bằng văn xuôi và thơ khi Basho bộ hành trên con đường kì vĩ và nguy hiểm xuyên qua Edo của Nhật Bản cuối thể kỉ 17. Khi tác phẩm này trở nên có tầm ảnh hưởng sâu rộng, hành trình của nhà thơ đã trở thành nguồn cảm hứng để nhiều người theo dấu chân ông, đi tiếp hành trình của ông bằng chính đôi chân họ. Trong một đoạn văn để lại ấn tượng sâu sắc nhất, Basho viết: “mỗi ngày là một hành trình, và hành trình là đích đến của chính nó.” Con đường sâu thẳm cũng chịu ảnh hưởng từ những tác phẩm của Đỗ Phủ, nhà thơ Basho rất kính trọng. (Wikipedia)

  1. Gối đầu lên cỏNatsume Soseki

Gối Đầu Lên Cỏ

Đây là “tiểu thuyết haiku” có thể gọi là “Con đường sâu thẳm” của văn học Nhật hiện đại.

Gối đầu lên cỏ – tiếng Nhật là Kusamakura – được sáng tác năm 1906, vào thời gian mà Natsume Soseki chuyển từ công việc giảng dạy sang công việc viết văn. Ðây cũng là một tác phẩm thể hiện rõ phong cách Natsume Soseki qua nhiều đoạn văn lý luận về nghệ thuật được ký thác vào dòng suy tưởng của nhân vật chính – một chàng họa sĩ, trên con đường tìm cảm hứng sáng tạo, đã ghé lại một quán trọ có suối nước nóng trong một sơn thôn vắng vẻ, phong cảnh hữu tình. Bằng cách đó, tác giả không chỉ giới thiệu với người đọc những tác phẩm nổi tiếng cũng như quan niệm về nghệ thuật của nhiều nghệ sĩ lớn trên thế giới – cả phương Ðông lẫn phương Tây – mà còn thể hiện sự độc đáo trong quan điểm của bản thân về sáng tạo và cảm thụ nghệ thuật, về cái đẹp của văn hóa Nhật Bản so với phương Tây, về những vấn đề của con người trong cuộc sống. (Lam Anh viết trong Lời giới thiệu bản dịch tiếng Việt Gối đầu lên cỏ)

  1. Xứ TuyếtYasunari Kawabata

Xứ Tuyết

Cái đẹp, tình yêu thiên nhiên hòa quyện trong kiệt tác toàn bích này.

Xứ tuyết là tiểu thuyết đầu tay của văn hào Nhật Bản Kawabata Yasunari, được khởi bút từ 1935 và hoàn thành năm 1947. Trước khi xuất bản dưới dạng ấn phẩm hoàn chỉnh, tác phẩm đã được đăng tải thành nhiều kỳ trên nhật báo. Xứ tuyết được đánh giá là quốc bảo của nền văn học Nhật Bản. Cùng với Ngàn cánh hạcCố đô, Xứ tuyết đã mang lại cho tác giả giải thưởng Nobel văn học vào năm 1968. (Wikipedia)

  1. Kim Các tự – Mishima Yukio

162375

Cái đẹp bị nhân vật trung tâm trong tác phẩm hỏa thiêu nhưng cái đẹp là chim phượng hoàng luôn luôn phục sinh trên trần gian. Một chủ đề triết lí thể hiện trong một văn phong đẹp đến mê hoặc.

Cuốn tiểu thuyết dựa một phần trên sự kiện một nhà sư trẻ đốt ngôi đền của Kim Các Tự ở Kyoto năm 1950. Ngôi đền đã có từ trước 1400, là di tích quốc gia đã bị phá hủy nhiều lần trong lịch sử, và sự cố ý gây nên hỏa hoạn lần đó đã gây chấn động Nhật Bản. Câu chuyện được kể dưới góc nhìn của Mizoguchi, một nhà sư hoang mang với nhiều nghi vấn, người buồn phiền vì có khuôn mặt xấu xí và mắc tật nói lắp, người thuật lại chi tiết nỗi ám ảnh của mình với cái đẹp và ham muốn hủy diệt nó ngày càng mạnh mẽ. (Wikipedia)

  1. Nghìn lẻ một đêm

23990792e020c9d6747f74880d1a1bec

Tập truyện cổ hấp dẫn nhất và thể hiện chân dung con người mãnh liệt nhất. Truyện mở đầu về nàng Scheherazade có một ý nghĩa rất lớn: sáng tạo ra thế giới ảo là một cách tồn tại của con người, là một cách chinh phục, là một cách hoàn thiện.

Nghìn lẻ một đêm là tập truyện dân gian đồ sộ và nổi tiếng của nhân dân Ả Rập, có nguồn gốc lâu đời trên xứ sở của các hoàng đế Arap cổ đại và được bổ sung qua nhiều thế kỷ bằng kho tàng truyện cổ dân gian các nước trong hệ ngôn ngữ Ấn-Âu, được lưu truyền rộng rãi ở Iran, Iraq, Ai Cập, Ethiopia… sau đó phổ biến khắp Trung Đông. Không thể xác định được ai là tác giả của những truyện được kể trong Nghìn lẻ một đêm, vì đây chỉ là sự góp nhặt của những truyện tình, truyện phiêu lưu hay truyện thần thoại mà nhiều người truyền tụng, được nhiều người kể chuyện trau truốt, tuyển lựa những cốt truyện hấp dẫn nhất và truyền bá qua nhiều thế kỷ trong dân gian. (Wikipedia)

  1. Thơ Rumi

rumi ver

Thi hào Ba Tư thế kỉ 13 thường được xưng tụng là “nhà thơ huyền bí vĩ đại nhất của bất kì thời đại nào”. Thơ ông có mùi vị như thế này:

 Mọi sự vật mọi sinh linh

Đều như một chiếc bình

Hãy là người sành sỏi

Mà nếm rượu cho tinh

Rumi sinh ở Balkh (nay là Afghanistan) trong gia đình một nhà thần học theo giáo phái Sufism (tạm dịch: Hồi giáo mật tông). Từ nhỏ được học hành đến nơi đến chốn không chỉ thần học mà nhiều ngành khoa học khác. Năm 1220 gia đình chuyển về Konya (nay là Thổ Nhĩ Kỳ). Năm 1231 bố mất, Rumi thay vị trí của bố, thành lập nhóm Mevlevi đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội của phương Đông Hồi giáo đương thời và có ảnh hưởng đến nhiều thế kỷ sau đấy. Thời kỳ này Rumi viết tập thơ: Divan và nhiều tác phẩm triết học. Là học trò của Shams-e Tabrizi, nhiều bài thơ của mình, Rumi ký tên Shams-e Tabrizi.

Tác phẩm quan trọng nhất: Masnavi-ye Manavi, trình bày những nội dung cơ bản của Hồi giáo mật tông, được Rumi thể hiện xen lẫn với những ngụ ngôn dân gian, lối viết dễ hiểu và ngôn ngữ đại chúng. Tác phẩm này có sự ảnh hưởng rất lớn đến văn học phương Đông Hồi giáo. (Wikipedia)

  1. Truyện Kiều – Nguyễn Du

truyen-kieu-nd

Tại sao Truyện Kiều thường được trích dẫn trong cuộc sống thường ngày? Chính vì Nguyễn Du biết tạo lập những “chân trời ý nghĩa”. Đường chân trời ngược lại với đường ranh. Những tác phẩm trung bình thường chỉ có những đường ranh ý nghĩa, bó hẹp trong tình thế của nhân vật, phối cảnh, thời đại, chủng tộc… Còn thơ Kiều thì mang tính khái quát rất cao, tính viên dung kì diệu. Ví dụ: “Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”, “Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”

Truyện Kiều tên gốc là Đoạn trường tân thanh là truyện thơ kinh điển trong Nền Văn học Việt Nam, được viết bằng chữ Nôm theo thể lục bát của Nguyễn Du, gồm 3254 câu, dựa theo tiểu thuyết ” Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Quốc. (Wikipedia)

Ghi chú thêm của nhà văn Nhật Chiêu:

Đây chỉ là sự chọn lựa bất chợt, cho nên có khi tự bỏ sót những tác giả yêu thích nhất của mình như: Walt Whitman, Emily Dickinson, Holderlin, Tô Đông Pha, Issa, Nietzsche, José Ortega y Gasset…  không thể tránh được vì mỗi lần kể ra những điều mình trân quí, cái tự bỏ sót ấy cứ diễn ra thế thôi.

Tiếp nhận “Tinh Hoa” không nên thụ động mà nên có cảm thức đồng sáng tạo. Chính vì thế mà tôi rất thích cách người Nhật “Kịch Nô hóa” vở Hamlet của Shakespeare, trong đó Hamlet trong khoảnh khắc đại ngộ đã xòe quạt mà hát: “To be or not to be: is not the question.” Chẳng có vấn đề gì cả!

Nhật Chiêu

Lời BTV

KOMO chân thành cảm ơn nhà văn Nhật Chiêu đã dành thời gian để chia sẻ với chúng tôi những quyển sách yêu thích của ông.

Trong quá trình gặp ông để thực hiện danh sách này, tôi bị ấn tượng bởi tình yêu ông dành cho văn chương và trí nhớ tuyệt vời của ông. Mỗi khi bắt đầu nói về một tựa sách mới trong danh sách, ông thường trầm ngâm một lúc, mắt nhìn xa xăm và rồi ông khẽ cất giọng chậm rãi nói về quyển sách mình yêu thích bằng sự say mê dễ nhận thấy trong chất giọng. Ông nói thật nhẹ nhàng và dễ dàng như thể những tác phẩm ấy là những người bạn luôn bên cạnh ông, hoặc hơn thế nữa, chúng là một phần trong ông. Tuy nhiên, ông cho tôi biết rằng dù bề ngoài ông nói dễ dàng như thế, nhưng tận sâu bên trong quá trình tư duy để nói ra những điều ấy khiến ông mất nhiều sức lực bởi lẽ nói về tác phẩm mình yêu thích thì không quá khó khăn nhưng nói như thế nào để vừa ngắn gọn, vừa trình bày được điểm đặc sắc nhất của tác phẩm ấy so với những tác phẩm khác lại đòi hỏi phải có cả sự khách quan lí tính. Có lẽ, trong quá trình chọn lựa những tác phẩm để đưa vào danh sách này, ông đã đôi lần phải đấu tranh giữa lí trí và tình cảm. Bởi lẽ, ông đã tự lọc đi rất nhiều những tác phẩm yêu thích nhất của mình hiện vẫn chưa có bản dịch tiếng Việt. Vì vậy, ông mong danh sách này có thể dễ dàng tiếp cận với đại đa số bạn đọc Việt Nam, và nếu như có bạn trẻ nào đó tìm đọc những tác phẩm tinh hoa từ danh sách này thì đó là niềm vui vô cùng to lớn với ông – một người thầy yêu văn chương, một nhà văn nâng niu cái đẹp.

Về nhà văn Nhật Chiêu

44f9c92c74ee8f.img

Nhật Chiêu tên thật là Phan Nhật Chiêu, là nhà văn, nhà nghiên cứu văn học, dịch giả. Ông sinh ngày 4.3.1951 tại Sài Gòn.

Ông là tác giả của hàng trăm bài viết, bài biên khảo và tác phẩm dịch thuật, được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành từ năm 1987 đến nay. Trong cuộc trò chuyện với ông nhân dịp tập truyện ngắn đầu tiên của ông được xuất bản, khi được hỏi về phong cách truyện ngắn của mình, ông có nói rằng, ông không muốn “đi theo lối mòn” của truyện ngắn Việt Nam từ trước tới nay, mà muốn truyện ngắn của mình được tự do “mở rộng biên độ về thể loại, về không gian, thời gian và hiện thực.”

Bởi với ông “Nghệ thuật giống như thức ăn uống. Có rất nhiều hình thức thể hiện (cũng như có nhiều cách chế biến món ăn với cùng những nguyên liệu). Chúng ta không nên chỉ đọc (hay là chỉ ăn uống) theo một vài thứ cố định. Nếu có thể, tại sao không làm cho những thứ mà ta hưởng phong phú lên, bởi vì đời sống là không nhiên bất tận, không nên tự làm mình ‘nghèo nàn’ đi” và “Nghệ thuật là ảo thực tương duyên.”

Tác phẩm tiêu biểu

Tập truyện

Tác phẩm dịch

  • Con lừa vàng, Lucius Apuleius, NXB Hậu Giang, 1987
  • Tình trong bóng tối, Tanizaki Junichiro, NXB Văn nghệ, 1989
  • Tiếu lâm Nhật Bản, NXB Văn hoá Dân tộc, 1993
  • Tuyển tập truyện ngắn hiện đại Nhật Bản, 2 tập, NXB Trẻ, 1996

Biên khảo

  • Basho và thơ Haiku, NXB Văn học, 1994
  • Nhật Bản trong chiếc gương soi, NXB Giáo dục, 1995
  • Câu chuyện Văn chương phương Đông, NXB Giáo dục, 1997
  • Thơ ca Nhật Bản, NXB Giáo dục, 1998
  • Văn học Nhật Bản, NXB Giáo dục, 2000

Đăng bình luận

concepted and designed by Nhon Giang