Thông tin ebook
Tóm tắt tác phẩm
"Mở đầu bằng mối giao tình giữa Tô Hoài và Nguyễn Tuân. Kết thúc bằng cái chết của Nguyễn Tuân. Giữa hai nhà văn đó là những kiếp nhân sinh chập chờn như những bóng ma trơi. Giữa hai nhà văn đó là không khí ngột ngạt của văn nghệ, kháng chiến, cách mạng và chính trị. Giữa hai nhà văn đó, cho tới khi có một người nằm xuống, đã một nửa thế kỷ trôi qua..." (Hoàng Khởi Phong)
Tô Hoài đã khắc họa thành công các hình tượng Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nguyễn Bính, Xuân Diệu... và giúp chúng ta hiểu rõ hơn về một thời đại văn học. Đặc biệt Tô Hoài không tô vẽ cầu kỳ, không thiêng liêng hóa hình tượng Nguyễn Tuân nhưng chân dung Nguyễn Tuân không vì thế mà mất đi vẻ khả ái, đẹp đẽ và ấn tượng. Chỉ điểm xuyết về con người Nguyễn Tuân trong giai đoạn tiền chiến, rồi đi ngược lại mãi về một thời rất xa, cứ thế cuộc đời dấn thân của Nguyễn Tuân như Tô Hoài biết từ sau 1945 tời nay hiện lên sinh động với tất cả những gì bình dị và thân thương nhất...
Nhà xuất bản: ...
Số trang: ..... (dựa vào số trang của sách in)
Dung lượng ebook: 0.59MB
Đánh giá của KOMO
Nhà nghiên cứu và phê bình văn học Vương Trí Nhàn đã từng nói: "Bí quyết của việc viết văn là gì nếu không phải là biến những chuyện vốn chỉ thuộc về riêng tác giả thành chuyện của những bạn đọc khác nhau." Câu nói ấy, dường như chính là sợi xích vừa khít với bánh răn hồi ký Cát bụi chân ai của Tô Hoài ra đời cách đây hơn hai thập kỷ.
Người ta đọc Cát bụi chân ai mà cứ ngỡ như mình đang mơ, bởi giờ đây lằn ranh giữa quá khứ và hiện tại lại mỏng manh hơn bất cứ lúc nào. Một thời đã lui về dĩ vãng với những gì ngột ngạt và nghẹt thở tột cùng, nếu không phải là Cát bụi chân ai của Tô Hoài, thì cũng không thể là một tác phẩm nào khác có thể tái hiện sinh động những đường nét, dù là nhỏ nhất của một thời xa vắng biền biệt mà thấm đẫm một nỗi buồn miên man đó.
"Không có gì đặc biệt", chỉ có sao viết vậy, cả tốt cả xấu, cái dở cái hay, điều bình thường lẫn chuyện bất thường,.. Viết tất!!! Nhà văn không biết sợ gì này chẳng "nể nang" ai, dù cho đó có là thần tượng của biết bao độc giả.
Cũng vì có một người như Tô Hoài, thì mới xuất hiện những trang viết về một Nguyên Hồng bỗng dưng kỳ cục, vừa mếu vừa nói, khùng lên, khóc òa, đã thế người chưa từng bao giờ trông thấy sông Cửu Long lại là tác giả bài thơ Cửu Long giang ta ơi mới thật oách. Cái tính Nguyên Hồng là thế, "thiên hạ vậy thì ta khác".
Ở đây lại có thêm một Xuân Diệu nức nở các mối tình trai. Với ai ư? Nhiều lắm, có cả chính tác giả của cuốn hồi ký này.
Và còn Nguyễn Tuân nữa chứ, cái nhân vật Nguyễn lạ lùng ấy, luôn có những hành động bất ngờ, kể cả... cái chết.
Thế là bằng ngòi bút của mình, những gương mặt lẫy lừng của văn chương hiện đại bỗng hóa ra "tầm thường" như bất cứ ai. Với những ngao ngán, triền miên, rối rắm, với những mưu mẹo, cố chấp đời thường, với những ẩn tình lăn lộn thời gian. Điều đáng nói là, ta cứ thấy họ vẫn tài hoa, đẹp đẽ, như chính họ trong lòng ta đấy thôi. Vậy mới hay, Tô Hoài tài tình thật.
Được viết trong âm thầm và lặng lẽ nhưng Cát bụi chân ai lại là con sóng ngầm chấn động cả dư luận. Mạnh mẽ, người đồng tình; kịch liệt, kẻ phản đối. Điều đó thật ra chẳng quan trọng. Bởi ông "dế mèn" ấy, trong chuyến phiêu lưu của cuộc đời mình, đã dám nói ra những gì cần nói, mà tính trung thực trong từng câu chữ mới chính là điều làm cho Cát bụi chân ai tồn tại mãi đến tận bây giờ.
Nhận xét độc giả
Thảo luận