Thông tin ebook
Tóm tắt tác phẩm
Cỏ Dại là hồi ký đầu tay của Tô Hoài, được viết khi nhà văn mới ngoài hai mươi tuổi (1944). Thời thơ ấu thấm đẫm nỗi buồn của cây đại thụ làng văn học Việt được tái hiện rõ nét trong Cỏ Dại, thông qua nhân vật chính là Cu Bưởi.
Cuộc sống của Cu Bưởi gắn liền với gia đình nhà ngoại trong ngôi nhà gạch cũ ở vùng Nghĩa Đô gần Kẻ Chợ. Sống cùng những người lớn luôn đầu tắt mặt tối với những lo toan mưu sinh hằng ngày, cậu bé không có ai quan tâm, bầu bạn nên chỉ biết tha thẩn trong nhà, ngoài vườn, chơi với ếch nhái, cây cỏ… Những kỉ niệm lúc nhạt mờ lúc sâu đậm về thầy u, những bỡ ngỡ giữa phố thị đông người và cả những tủi hờn trong những ngày ra phố sống nhờ, ở đậu với niềm mong mỏi ngày mẹ đón về,… cứ man mác buồn theo từng trang viết.
Không chỉ là câu chuyện của một người, với Cỏ Dại, tác giả đã vẽ nên một bức tranh sống động của những ngày xưa cũ từ nhiều cảnh đời, nhiều tính cách, số phận con người khác nhau. Với giọng văn mộc mạc, tự nhiên, câu chuyện buồn của những cuộc đời cũ thỉnh thoảng vẫn “lóe lên những nét sống vui ngộ, tinh nghịch, do được nhìn qua con mắt trẻ thơ”. Cỏ Dại giúp ta hiểu một cách sinh động những gì đã tạo nên tâm hồn cũng như những nét đặc sắc trong phong cách Tô Hoài.
Nhà xuất bản: NXB Văn Học
Số trang: ..... (dựa vào số trang của sách in)
Dung lượng ebook: 0.48MB
Đánh giá của KOMO
Cỏ dại là một quyển hồi ký man mác buồn về những ngày thơ ấu của nhà văn Tô Hoài.
Mở đầu câu chuyện là lời dẫn truyện với hình ảnh bé Tư vô tư ca hát, học hành và chia sẻ những câu chuyện trẻ thơ với người cậu là Tô Hoài. Tư làm sống dậy những kỷ niệm tuổi thơ của tác giả, những ngày ấu thơ ấy “leo hoang trong đám cỏ bên lề đường đi. Cỏ dại, cỏ không có tên rườm rà ken khít nhau bò ngẩn ngơ trong khoảng đất rác rưởi’. Tác giả viết lại để cho Tư lớn, Tư chín chắn, hiểu sự đời đọc lại và hiểu mình.
Thời thơ ấu của tác giả là Cu Bưởi ở với gia đình nhà ngoại trong ngôi nhà gạch cũ ở vùng Nghĩa Đô gần Kẻ Chợ. Ngôi nhà là nỗi ám ảnh với cậu bé vốn yếu đuối nhút nhát từ nhỏ, lúc nào cùng bao quanh bởi những sợ hãi về ma quỷ, thánh thần... Rồi những câu chuyện về thầy u, ông bà, cô dì… lại tăng thêm trong cậu những nỗi sợ hãi, nỗi buồn và cả những niềm thích thú. Cậu bé sống giữa những người lớn chỉ bận rộn với cuộc sống lao động mưu sinh hằng ngày, không có ai bầu bạn, quan tâm nên cậu chỉ biết tha thẩn trong nhà, ngoài vườn, chơi với ếch nhái, cây cỏ… Những nỗi niềm về thầy u, sự xa cách, tình cảm gia đình, những kỷ niệm, mất mát và cả những bỡ ngỡ, tủi hờn của đứa trẻ được gửi ra phố nhưng không được học hành mà chỉ sống nhờ và làm việc như người đi ở, bị bắt nạt, không có bạn bè cử ngơ ngẩn ngẩn ngơ nơi phố thị đông người chỉ mong ngóng trở về làng quê… Những câu chuyện, những phong cảnh làng quê, thành phố qua con mắt của một đứa trẻ trào dâng nỗi buồn một cách tự nhiên, một mùi quê đặc trưng, sự sợ hãi len lỏi và những khao khát được chạy nhảy, được tự do.
Với lối kể chuyện tự nhiên, theo trình tự thời gian về những ngày tuổi thơ cùng với những câu chuyện của người lớn, những vùng nông thôn, phố thị ngày xưa đã vẽ nên bức chân dung một Tô Hoài thời thơ ấu sống động, gợi nhiều cảm xúc và chất chứa những niềm riêng, những triết lý sâu xa về “cỏ dại hoa đồng”. Kể chuyện Cỏ dại, tác giả đã vẽ nên một bức tranh sống động với những cảnh đời, những suy nghĩ, tính cách, số phận con người của những ngày xưa cũ.
Nhận định chuyên gia
GS. Phong Lê
Trên toàn bộ bức tranh Cỏ Dại, không đâu không thấm một nỗi buồn. Buồn vì những xa cách, chia phôi và vắng thiếu tình người. Buồn vì một cái gì như đang tàn dẩn và sắp tắt... Một mảng sống u buồn, với cái buồn từ chính bản thân nó toát ra một cách tự nhiên, chứ không cố ý. Trong u buồn thỉnh thoảng vẫn thấy lóe lên những nét sống vui ngộ, tinh nghịch, do được nhìn qua con mắt trẻ thơ, và như là sự thăng bằng trở lại giữa hai vế: vui - buồn, hài - bi, ngộ nghĩnh - nghiêm trang, có thế mới là diện mạo đích thực, là sự tồn tại đích thực của cuộc đời, theo cảm quan nghệ thuật độc đáo ở Tô Hoài.
Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn
Ở Cỏ Dại, hết chuyện cậu bé chốc đầu được ông ngoại lấy nước điếu chữa ra sao, lại chuyện từ nhà quê lên phố chờ đi học, sống ít ngày không đâu vào đâu, rồi ngơ ngẩn vẫn hoàn ngơ ngẩn. Trước mắt chúng ta là một cuốn phim quay chậm ghi lại chuỗi ngày tầm thường nhạt nhẽo của một đứa bé tinh quái, lêu lổng. Phải một ngòi bút tự tin lắm mới dám đưa những chuyện đó lên mặt giấy. Nhất là đưa ra sao khiến khi đọc, người ta có thể cảm động đến ứa nước mắt thì chỉ Tô Hoài, Nguyên Hồng mới làm nổi.
Nhận xét độc giả
Thảo luận