Thông tin ebook
Tóm tắt tác phẩm
Nằm trong hệ thống hồi ký văn học của Tô Hoài, Những Gương Mặt Chân Dung Văn Học được coi là tác phẩm mở đầu cho thành công về đề tài chân dung văn học của ông. Với Những Gương Mặt Chân Dung Văn Học, Tô Hoài đã dành những nét vẽ chân thật và sinh động nhất để phác họa chân dung một thế hệ cầm bút, từ Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng,… đến Trúc Đường, Như Phong, Nguyễn Bính,… Họ trong trang viết của Tô Hoài không bao giờ màu mè, khoa trương mà luôn chân thật như bước thẳng từ cuộc đời đi vào trang sách. Giọng văn hóm hỉnh, tự nhiên đã khiến những gương mặt văn nhân với độc giả tưởng xa vời cùng ánh hào quang lấp lánh bỗng trở nên bình dị, gần gũi hơn. Và hơn hết thảy, đằng sau những gương mặt ấy là chân dung của một Tô Hoài giỏi quan sát, giỏi góp nhặt những cái hay, dở từ cuộc đời, nhân tình thế thái và đưa chúng vào sáng tác.
Nhà xuất bản: NXB Văn Học
Số trang: ..... (dựa vào số trang của sách in)
Dung lượng ebook: 0.33MB
Sách đoạt giải ...
Tìm ebook cùng thể loại » Khoa học xã hội » Nghiên cứu, phê bình văn học
Đánh giá của KOMO
Những gương mặt-chân dung văn học tái hiện lại chân dung những nhà văn, nhà thơ cùng thời với Tô Hoài dưới khía cạnh về đời sống sinh hoạt bình thường của họ.
Cuốn sách không phải là một tập hợp tiểu sử các văn nhân được viết theo khuôn mẫu như sách giáo khoa. Tô Hoài bắt đầu những bài viết của mình theo nhiều phong cách khác nhau: có khi ông bắt đầu như một hồi kí: “Năm 1942, tôi quen Nguyễn Huy Tưởng trong một hội nghị ban dạy học hội Truyền bá Quốc ngữ. Tôi làm giáo viên dạy buổi tối các lớp Truyền bá Quốc ngữ vùng Bưởi. Nguyễn Huy Tưởng có chân trong ban trị sự của Trung ương Hội…” (Nguyễn Huy Tưởng); có khi ông bắt đầu như một truyện ngắn: “Nhà Như Phong ở trước cửa chợ Đồng Xuân, anh thật cũng không rõ nhà mấy đời ra Hà Nội, ở vùng chợ Đồng Xuân. Chỉ biết ngày trước ở trên Yên Ninh, Hàng Than rồi chuyển dần xuống phố chợ búa buôn bán này…” (Như Phong); có khi ông bắt đầu trực diện như phong cách báo chí: “Trúc Đường, tác giả chín kịch bản sân khấu về đề tài lịch sử: Nguyễn Trãi Hoàng Diệu, Bà đô đốc áo đỏ, Khuôn mặt đời Trần, Tấm vóc đại hồng, Thái hậu Dương Vân Nga, Quang Trung đại phá quân Thanh...” (Trúc Đường); thậm chí, cũng có khi ông mở đầu tựa như phần tiểu sử tác giả trong một cuốn sách giáo khoa chính thống: “Nhà thơ Vân Đài sinh ngày 9 tháng giêng năm 1903 ở phố Hàng Trống” (Vân Đài).
Chính vì thế, mỗi nghệ sĩ xuất hiện trong từng bài viết không được khắc họa hết các giai đoạn trong cuộc đời, sự nghiệp sáng tác mà Tô Hoài chỉ chọn một lát cắt, những chi tiết về họ khiến ông tâm đắc. Do đó, đọc Những gương mặt-chân dung văn học người đọc không chỉ được tiếp cận những nghệ sĩ mình yêu thích qua khía cạnh cuộc sống đời thường mà còn biết được những suy nghĩ, đánh giá của Tô Hoài về họ. Thông qua những câu chuyện nhỏ mà Tô Hoài kể, độc giả sẽ hiểu hơn về những văn nhân mình yêu thích, từ đó, cũng có thể hiểu hơn phần nào những tác phẩm họ đã viết.
Nhận định chuyên gia
Nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp
Đọc Tô Hoài, người ta có thể dễ dàng hình dung lại một cách chân xác chân dung của lịch sử, không khí của mỗi thời. Có lẽ, vì mỗi chi tiết dẫu là nhỏ nhất trong văn Tô Hoài chính là một tế bào của đời sống được Tô Hoài cấu trúc lại theo quan niệm nghệ thuật của mình. Dường như, trong mỗi một thông điệp mà ông trao đến cho người đọc, lẩn quất một nụ cười hóm hỉnh, một cái nheo mắt của Tô Hoài: cái thời ấy, cái hồi ấy, nó là thế, cả cái hay lẫn cái dở, cả cái cao cả lẫn cái nhem nhuốc thường ngày.
Nhà phê bình Vương Trí Nhàn
Những nét sinh hoạt của những người cầm bút thời nay đã được nhiều người trình bày lại một cách tự nhiên, trong số này giỏi nhất phải kể Tô Hoài. Ông biết gỡ đi phần hào quang chói lọi mà người ta hay lấy ra để lãng mạn hóa các nhà văn. Ông làm cho cái nghề gọi là sáng tạo này gần gũi với đời thường hơn.
Chi Mai
Qua giọng văn và lăng kính của Tô Hoài, chân dung một thế hệ người cầm bút được khắc họa lại sống động, không màu mè, hoa mỹ mà chân thật như họ vốn thế. Đồng thời, từng trang viết ấy, một chân dung thú vị của chính Tô Hoài cũng dần được đắp nổi, hiện rõ hơn: Một con người giỏi quan sát, giỏi góp nhặt những cái hay, dở từ cuộc đời, nhân tình thế thái và đưa chúng vào sáng tác.
Nhận xét độc giả
Thảo luận